(Baothanhhoa.vn) - Tư tưởng Hồ Chí Minh về quân sự là một bộ phận trọng yếu không thể thiếu của tư tưởng cách mạng. Đó là một hệ thống có tính quy luật của sức mạnh quân sự, của bạo lực cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang và quốc phòng toàn dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hồ Chí Minh với quân sự

Tư tưởng Hồ Chí Minh về quân sự là một bộ phận trọng yếu không thể thiếu của tư tưởng cách mạng. Đó là một hệ thống có tính quy luật của sức mạnh quân sự, của bạo lực cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang và quốc phòng toàn dân.

Hồ Chí Minh với quân sự

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một đơn vị miền Nam tập kết tổ chức diễn tập trước khi trở lại chiến trường (6-1957). Ảnh: Tư liệu

Để chuẩn bị quân sự cho cuộc Tổng khởi nghĩa, tháng 12-1944, Hồ Chí Minh đã ra “Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”. Thực hiện Chỉ thị của Người, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ra đời tại khu rừng Trần Hưng Đạo tỉnh Cao Bằng, Võ Nguyên Giáp được giao phụ trách. Do những điều kiện địa lý, chính trị, kinh tế, văn hóa riêng của mình từ thời lập quốc, người Việt Nam đã phải đương đầu với các thế lực ngoại xâm mạnh hơn về mọi mặt như các thế lực phương Bắc liên tục thay nhau đô hộ, tiếp đến hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp xâm lược và chống Mỹ cứu nước. Chúng ta đã “lấy ít địch nhiều, lấy nhu thắng cương, lấy nhỏ thắng lớn”... Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh được hình thành trên những cơ sở vững chắc. Đó là di sản quân sự độc đáo và phong phú của dân tộc ta, trải qua các cuộc khởi nghĩa, chiến tranh giải phóng, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc mang tính Nhân dân suốt mấy nghìn năm lịch sử chống phong kiến và thực dân, đế quốc xâm lược. Đó là tư tưởng quân sự của Chủ nghĩa Mác-Lênin, đã được Người vận dụng một cách sáng tạo vào lĩnh vực quân sự.

Về tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, các nhà nghiên cứu về Hồ Chí Minh đều thống nhất đi đến những kết luận bước đầu về đặc trưng cơ bản của tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh.

Một là, quân sự lấy chính trị làm gốc:

“Quân sự mà không lấy chính trị làm gốc, vô dụng lại có hại”(1). Cho nên mọi hoạt động và tổ chức quân sự đều phải quán triệt và tuân theo sự chỉ đạo của đường lối chính trị, phải thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của cách mạng.

Hai là, dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng:

Bạo lực tự thân nó không phải là yếu tố nằm trong bản chất nhân văn của con người mà do “chế độ thực dân, tư bản nó đã là một hành động bạo lực của kẻ mạnh đối với kẻ yếu rồi”(2). Cho nên độc lập, tự do không thể cầu xin, Nhân dân Việt Nam không còn cách nào khác là phải dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng, giành lấy chính quyền bảo vệ chính quyền. Trong quan niệm của Người, bạo lực cách mạng Việt Nam là bạo lực của quần chúng Nhân dân giác ngộ cách mạng và dựa vào sức mạnh tổng hợp của quá trình kết hợp lực lượng quân sự và lực lượng chính trị, hình thức đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị, kết hợp khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng.

Ba là, khởi nghĩa vũ trang toàn dân:

Theo Hồ Chí Minh, khởi nghĩa vũ trang phải do toàn dân tộc tiến hành, lấy liên minh công - nông làm lực lượng nòng cốt, “Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta”(3).

Khởi nghĩa vũ trang của toàn dân là toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, kháng chiến trường kỳ, đem sức ta mà giải phóng cho ta. Toàn diện kháng chiến, nghĩa là đánh địch trên mọi mặt trận quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa. “Mỗi người dân Việt Nam bất kỳ già, trẻ, trai, gái, bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ đều phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa”(4).

Bốn là, xây dựng lực lượng vũ trang:

Trong hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam, để đạt được mục tiêu giành độc lập cho dân tộc thì phải thành lập quân đội, xây dựng đội quân hùng mạnh, chiến đấu anh dũng là một đòi hỏi cấp thiết. Người coi đây là “lực lượng của toàn dân, là lực lượng vô địch, là bức tường sắt của Tổ quốc” (Sắc lệnh thành lập Bộ đội địa phương tháng 4-1949).

Xây dựng lực lượng vũ trang trong Nhân dân, theo Hồ Chí Minh, phải coi trọng và kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng quân đội Nhân dân thành “một quân đội Nhân dân hùng mạnh. Xây dựng lực lượng vũ trang Nhân dân phải coi trọng và kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng quân đội Nhân dân với lực lượng vũ trang quần chúng”. Nghĩa là phải xây dựng cả ba lực lượng, ba thứ quân, đồng thời xây dựng con người, trang bị vũ khí và huấn luyện kỹ thuật quân sự, nâng cao sức mạnh chiến đấu. Trong đó lấy việc bồi dưỡng, xây dựng con người là chính, “cán bộ là quyết định”, đội ngũ cán bộ quân sự phải “Trí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm, Trung”.

Năm là, nghệ thuật quân sự trong chiến tranh cách mạng:

Hồ Chí Minh quan niệm rõ ràng, chiến tranh cách mạng muốn giành thắng lợi thì không thể chỉ dựa vào ý chí, lòng dũng cảm mà phải biết tạo ra sức mạnh tổng hợp, “phải có một lối đánh rất tài giỏi”, “phải tiến hành theo những nguyên tắc căn bản của khoa học và chiến thuật quân sự”, đánh giặc bằng mưu trí, sáng tạo, linh hoạt.

Sáu là, xây dựng nền quốc phòng toàn dân:

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 12, khóa III, năm 1957, Hồ Chí Minh chính thức đặt vấn đề xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân. Theo Người, nền quốc phòng toàn dân là một nền quốc phòng do toàn dân xây dựng, nó dựa vào sức mạnh toàn dân và sức mạnh toàn diện của đất nước nhằm bảo vệ lợi ích của Nhân dân, bảo vệ thành quả của cách mạng.

Bảy là, biết khởi đầu và kết thúc chiến tranh:

Hồ Chí Minh cho rằng, chúng ta chỉ tiến hành chiến tranh khi không còn con đường nào khác, không còn một chút hy vọng vào cứu vãn hòa bình do dã tâm xâm lược ngoan cố của kẻ thù. Cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đều bắt đầu như thế. Nhưng ta luôn luôn chuẩn bị lực lượng, luôn luôn sẵn sàng và khi hạ quyết tâm kháng chiến thì phải chủ động và kiên quyết, không ngừng tấn công kẻ thù và ta biết kết thúc chiến tranh một cách có lợi nhất. Trong điều kiện lực lượng so sánh địch - ta quá chênh lệch, quan điểm của Hồ Chí Minh là giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn “Mục tiêu của chúng ta không nhất định phải tiêu diệt toàn bộ đạo quân xâm lược”.

Trong cuốn sách “Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam” do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ biên, đã đi đến kết luận: “Hồ Chí Minh là vị anh hùng giải phóng dân tộc vĩ đại, nhà chiến lược quân sự thiên tài, Người là người thầy trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng các thế hệ cán bộ quân sự đầu tiên của Đảng, là người cha thân yêu của lực lượng vũ trang Nhân dân Việt Nam. Người đã dành gần trọn đời của mình để nghiên cứu lý luận, đề ra những đường lối, xây dựng tổ chức, trực tiếp lãnh đạo thực hiện sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam”.

(1). Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, 2011 (lần thứ 3 ), T7, tr217.

(2). Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, T1, tr114.

(3). Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, T8, tr576.

(4). Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, T6, tr556.

Lê Xuân Đức


Lê Xuân Đức

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]