(Baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, văn hiến và đấu tranh cách mạng. Trong suốt dặm dài lịch sử, đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và phía Bắc, quán triệt sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thanh Hóa đã thực hiện tốt nghĩa vụ hậu phương đối với tiền tuyến trong các cuộc kháng chiến.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hậu phương lớntrong các cuộc kháng chiến

Thanh Hóa là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, văn hiến và đấu tranh cách mạng. Trong suốt dặm dài lịch sử, đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và phía Bắc, quán triệt sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thanh Hóa đã thực hiện tốt nghĩa vụ hậu phương đối với tiền tuyến trong các cuộc kháng chiến.

Hậu phương lớntrong các cuộc kháng chiếnNhân dân Thanh Hóa tiễn đưa các đoàn dân công xe thồ lên đường phục vụ tiền tuyến, năm 1954. Ảnh: tư liệu

Thực hiện Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-12-1946): “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, trong những năm kháng chiến chống Pháp, Thanh Hóa được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ xây dựng thành tỉnh kiểu mẫu, đảm nhiệm vai trò căn cứ, hậu phương của cuộc kháng chiến. Thực hiện lời căn dặn của Người và sự lãnh đạo, chỉ đạo Trung ương Đảng, Chính phủ, Đảng bộ Thanh Hóa đã thực hiện tốt vai trò hậu phương kháng chiến, biểu hiện rõ nét là, trong hầu hết các chiến dịch lớn của quân đội ta, Thanh Hóa đã có sự đóng góp to lớn về sức người, sức của, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của dân tộc. Tính từ đầu năm 1951 đến năm 1954, các chiến dịch lớn như Trung Du, Quang Trung, Hòa Bình (1951), Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953), Điện Biên Phủ (1954), Thanh Hóa đã huy động và vận chuyển đáp ứng tới 70% nhu cầu vật chất cần thiết cho các chiến dịch. Riêng về lực lượng, Thanh Hóa động viên được 56.792 thanh niên nhập ngũ bổ sung cho các chiến trường. Đặc biệt, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Nhân dân các dân tộc từ miền xuôi đến miền ngược đã nêu cao khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để chiến thắng”. Trong đợt 1, Thanh Hóa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vượt chỉ tiêu kế hoạch 150%. Trong đợt vận chuyển thứ 2, được hậu phương quan tâm cả về vật chất lẫn tinh thần, được Đảng bộ tỉnh và Nhân dân quê nhà gửi 28.000 lá thư thăm hỏi, động viên, đã cổ vũ đoàn dân công Thanh Hóa hoàn thành trước thời gian cấp trên giao 3 ngày. Khi chiến dịch Điện Biên Phủ chuyển sang giai đoạn cuối, dân công Thanh Hóa tiếp tục xung phong ở lại phục vụ đợt 3. Đợt này, trên toàn tuyến dân công, Thanh Hóa chiếm 80% (120.000 người). Trong đợt 3, Thanh Hóa được Trung ương Đảng giao nhiệm vụ cung cấp 4.000 tấn gạo, Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh đã quyên góp tới hạt cuối cùng nhưng vẫn còn thiếu. Nhân dân các địa phương sáng kiến gặt những sào lúa đã chín khoảng 50% đem về vò, tuốt, phơi khô, xay giã để có đủ số lượng đáp ứng yêu cầu chiến dịch. Đóng góp to lớn của Thanh Hóa trong cuộc kháng chiến chống Pháp xứng đáng với sự khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, trong những năm đầu hòa bình cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa đã làm biến đổi sâu sắc bộ mặt kinh tế, xã hội trong tỉnh, củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng. Đó là cơ sở để Thanh Hóa tiếp tục làm tốt nghĩa vụ hậu phương đối với tiền tuyến. Đặc biệt, trong những năm đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc, Nhân dân Thanh Hóa đã không ngần ngại “dỡ nhà làm cầu”, “lấy đá lát đường”, cứu chữa phương tiện, hàng hóa bị máy bay Mỹ bắn phá. Công ty vận tải thuyền nan và đoàn vận tải Lam Sơn, Công ty xe đạp thồ và đoàn vận tải Điện Biên, các đoàn vận tải cơ giới những năm này đã vận chuyển hơn chục triệu tấn hàng hóa đáp ứng chi viện cho chiến trường.

Tính chung trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Thanh Hóa đã dành cho miền Nam và tỉnh Quảng Nam kết nghĩa tình cảm thiêng liêng cao quý. Hàng chục phong trào thi đua vì miền Nam ruột thịt diễn ra liên tục, rộng khắp. Phong trào “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”... đã động viên mọi tầng lớp Nhân dân tham gia chống Mỹ. Hàng ngàn gia đình cả ba thế hệ: ông, cha - mẹ, con - cháu đã “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, cùng chung chiến hào đánh Mỹ. Hàng vạn gia đình có từ 3 đến 5 con nhập ngũ. Các mẹ, các chị đã động viên chồng, con, em ra mặt trận. Các huyện Nga Sơn, Thạch Thành, Nông Cống, Cẩm Thủy, Bá Thước... đã tổ chức huấn luyện các tiểu đoàn, đại đội bộ đội huyện gửi vào miền Nam chiến đấu. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã xây dựng, huấn luyện 78 tiểu đoàn bổ sung cho các chiến trường... Nhìn chung, Thanh Hóa đã huy động cao nhất, nhiều nhất nhân tài, vật lực cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước toàn thắng.

Sau 30 năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung phải gánh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh. Tuy nhiên, khi cả nước bắt tay vào thời kỳ cách mạng mới, Nhân dân Việt Nam lại phải đương đầu với cuộc chiến tranh xâm lược ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Trước những hành động gây hấn của kẻ thù, thực hiện chủ trương lãnh đạo của Đảng, Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ IX (vòng 2), từ ngày 5 đến ngày 11-5-1977, ra nghị quyết lãnh đạo, chỉ rõ: “Nhiệm vụ của các lực lượng vũ trang là luôn luôn sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và tích cực xây dựng kinh tế”. Tiếp đó, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang, tháng 7-1978, Tỉnh ủy Thanh Hóa chỉ đạo thành lập Bộ Chỉ huy Quân sự thống nhất của tỉnh và ban quân sự thống nhất cấp huyện, thị. Lực lượng dân quân tự vệ được củng cố, phát triển. Cấp huyện thành lập trung đoàn dân quân cơ động, ở xí nghiệp thành lập tiểu đoàn tự vệ, HTX thành lập đại đội chiến đấu. Với sự chuẩn bị chu đáo, tích cực đó, khi cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, Nhân dân Thanh Hóa kịp thời chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến đánh địch, góp phần vào thắng lợi chung của toàn dân tộc.

Sau thắng lợi ở biên giới Tây Nam, ở biên giới phía Bắc, ngày 17-2-1979, hàng chục vạn quân Trung Quốc chia làm nhiều mũi tấn công ồ ạt toàn tuyến biên giới thuộc 6 tỉnh biên giới phía Bắc. Trước hành động xâm lược của đối phương, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ra lời kêu gọi toàn dân đoàn kết chiến đấu đập tan các cuộc tiến công của quân đội Trung Quốc bảo vệ biên giới phía Bắc. Ngày 23-2-1979, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 ra Lệnh động viên (Số 14/SL); ngày 26-2-1979, UBND tỉnh Thanh Hóa ra lệnh động viên trong tình hình mới. Theo đó, 37.000 thanh niên, bộ đội xuất ngũ, dân quân tự vệ trong tỉnh Thanh Hóa viết đơn tình nguyện lên biên giới phía Bắc chiến đấu và phục vụ chiến đấu, trong đó có hàng ngàn lá đơn tình nguyện được viết bằng máu.

Cùng với đó, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa quyết định chi viện Trung đoàn 14A và Tiểu đoàn bộ đội địa phương huyện Hoằng Hóa cùng 123 ô tô chở 2.000 cán bộ, chiến sĩ đến mặt trận Hà Giang, sau đó tiếp tục chi viện Trung đoàn 14B với gần 2.000 cán bộ, chiến sĩ cho mặt trận Quảng Ninh. Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Công an Thanh Hóa đã chi viện 135 cán bộ, chiến sĩ cho tỉnh Sơn La và làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia; Hội Phụ nữ tỉnh đóng góp 60.000 đồng mua sắm chăn bông, áo len và nhiều quà bánh tặng các chiến sĩ chiến đấu bảo vệ biên giới ở các tỉnh Sơn La và Cao Bằng. Các ngành, các cấp trong tỉnh huy động hàng ngàn cán bộ tăng cường cho các tỉnh biên giới phía Bắc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Trước ý chí chiến đấu ngoan cường và quyết tâm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền dân tộc của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân cùng sự phản đối mạnh mẽ của Nhân dân yêu chuộng hòa bình toàn thế giới, Trung Quốc phải rút hết quân về nước vào tháng 3-1979. Với thắng lợi này, Thanh Hóa tiếp tục khẳng định vai trò to lớn của hậu phương đối với tiền tuyến.

Như vậy, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thanh Hóa đã thực hiện tốt vai trò hậu phương, góp phần vào những chiến công chung của dân tộc. Thời gian đã lùi xa, nhưng vai trò của hậu phương Thanh Hóa cũng như những bài học về xây dựng hậu phương, chi viện tiền tuyến của Thanh Hóa vẫn sẽ có mãi, để lại nhiều kinh nghiệm quý báu đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.

TS Hoàng Thị Phương

Viện lịch sử đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]