(Baothanhhoa.vn) - Trong đời của mỗi người, có lẽ ai cũng có ký ức để tiếc thương. Ở mỗi đoạn đời, ta lại có cảm nhận ký ức ấy lắng sâu hơn... Với tôi đó là sự hy sinh của phi công Trần Nguyên Năm, người đã cùng biên đội lần đầu tiên trong lịch sử không quân Việt Nam, chỉ với máy bay MIG17 đã bắn rơi 2 máy bay F105 (thần sấm Mỹ) trên bầu trời Hàm Rồng, Thanh Hóa, ngày 4-4-1965.

Gương mặt bầu trời

Trong đời của mỗi người, có lẽ ai cũng có ký ức để tiếc thương. Ở mỗi đoạn đời, ta lại có cảm nhận ký ức ấy lắng sâu hơn... Với tôi đó là sự hy sinh của phi công Trần Nguyên Năm, người đã cùng biên đội lần đầu tiên trong lịch sử không quân Việt Nam, chỉ với máy bay MIG17 đã bắn rơi 2 máy bay F105 (thần sấm Mỹ) trên bầu trời Hàm Rồng, Thanh Hóa, ngày 4-4-1965.

Gương mặt bầu trời

Quê tôi, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Thuở ấy tôi là cậu bé chăn bò mười hai tuổi. Khi đó anh Năm 29 tuổi, lái máy bay tiêm kích MIG17. Anh hy sinh trưa ngày 4-4-1965. Ngay hôm đó tôi chỉ biết được mỗi tên anh. Mãi sau này mới được biết thêm về anh. Trận đánh ấy anh giữ vị trí số 4 trong biên đội. Phi công Trần Hanh vị trí số 1 là biên đội trưởng.

Điều tôi day dứt tới bây giờ là những thông tin về sự hy sinh của anh còn quá ít... Sự thật khi đó tôi đã được tận mắt chứng kiến nên không bao giờ quên.

Trưa ngày 4-4-1965, ngày thứ hai máy bay Mỹ đánh phá ác liệt cầu Hàm Rồng, cầu Đò Lèn. Từ sáng sớm, cả làng tôi sơ tán vào các khe núi. Riêng đám trẻ thì lùa bò lên núi. Chúng tôi ngồi trên núi Đàng Trèo(*) cách trọng điểm Đò Lèn một cánh đồng. Ở đó, hôm qua máy bay Mỹ đã đánh sập nhịp cầu phía Bắc.

Đang chuyện trò lao xao thì có tiếng máy bay. Vài phút sau, cả bầu trời như bị xé nát ra từng mảng bởi tiếng gầm rú điên loạn. Rồi rõ dần, từng tốp bổ nhào thả bom xuống cầu Đò Lèn. Cả một khoảng dài từ cầu đến ga, khói bom đen đặc trùm kín. Bỗng từ bên trên đám khói bom ấy, tôi nhìn thấy một chiếc máy bay màu trắng bạc đang bay theo hướng Đông Bắc. Tất cả sửng sốt chưa hiểu chuyện gì cả thì chiếc máy bay đã ngang tầm mỏm núi chúng tôi ngồi. Bay ngang, không vệt khói, không lửa cháy, không nghe tiếng động... Khi đến khoảng không cách ngang tầm mắt chúng tôi chừng hơn 200m, từ máy bay một mảng lớn như chiếc thuyền nan bung ra và rơi xuống (sau này tôi mới biết đó là tấm mica nóc ca bin lái). Ngay sau đó tiếng va mạnh vào núi Đàng Trèo. Từ mạn núi một đám khói bụi cuồn cuộn tung lên rồi loãng dần. Không có tiếng nổ tiếp theo, không có lửa cháy lớn. Nơi ấy cách chỗ chúng tôi chừng hơn 300m. Người phi công đã cố gắng điều khiển máy bay bay qua khe núi để vượt sang cánh đồng trống ở phía Đông Bắc nhưng không thể...

Khi hết tiếng máy bay, với bản tính tò mò của trẻ con, chúng tôi lao xuống dốc núi theo đường mòn lên chỗ máy bay va vào núi. Dân quân xóm cũng xách súng chạy lên. Trên mặt sườn núi, mảnh máy bay vỡ nát nằm rải rác. Chúng tôi len lén theo dân quân đi tìm phi công. Ngay chân núi, mọi người đã nhìn thấy thi thể người phi công. Bộ đồ bay Việt Nam rách một mảng ngực bên trái, trong túi còn chòi ra vỏ bao thuốc lá Thủ Đô. Nhìn vỏ bao thuốc lá và bộ đồ bay, biết là phi công của ta, dân quân lặng lẽ khiêng thi thể anh xuống một bãi cỏ bằng phẳng, trải tấm vải dù ngụy trang và đặt anh nằm ngay ngắn trên đó. Thi thể anh gần như còn nguyên vẹn.

Tầm chiều vàng thì đơn vị của anh mới từ Hà Nội vào. Có một người trong đoàn của đơn vị khi nhìn thi hài anh, bỗng run lên nghẹn ngào:

- Trần Nguyên Năm ơi!

Chính từ phút giây đồng đội gọi tên anh đó giữa bao nhiêu lời tiếc thương, bao nhiêu tiếng sụt sùi, chỉ một lần nghe mà tôi nhớ mãi tên anh. Anh yên nghỉ giữa thềm đất Đàng Trèo làng tôi. Máu anh đã thấm dầy đất, cát, cây cỏ núi làng. Từ đó, cứ mỗi lần đi chăn bò lên núi Đàng Trèo hoặc khi tôi lên học cấp ba sơ tán ở mấy xã bên kia núi, mỗi lần đi qua nơi bãi cỏ đặt thi thể anh Năm, tôi lại bẻ mấy cành hoa sim, hoa mẫu đơn lặng lẽ cắm vào “nơi ấy”... Cảm giác như anh thì thầm trò chuyện khi thấy tôi một mình đi học qua hẻm núi vắng.

Qua bao năm tháng, tôi không bao giờ quên anh. Năm 2013, tôi quyết định vào xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu (Nghệ An) tìm gặp chị Phạm Thị Mai vợ anh. Chị Mai ngoài tuổi bảy mươi, tóc đã bạc nhiều. Chị vẫn ở vậy từ khi anh hy sinh. Tôi thắp hương lên bàn thờ anh. Qua câu chuyện với chị Mai tôi mới biết: Đến tận hôm ấy gia đình vẫn chưa rõ nơi anh hy sinh và cứ xót xa: Chả biết có vẹn toàn thân thể? Tôi đã nói tất cả những gì mà tôi tận mắt chứng kiến về hy sinh của anh Năm ngày hôm ấy để chị an lòng. Và tôi hứa với chị sẽ thông tin những gì tôi được chứng kiến về anh trên sách, báo.

Khi viết gần xong bài này, tôi rất xúc động đọc được đoạn sau đây trong bài ký: “NHỮNG NGƯỜI QUÊ HƯƠNG” viết năm 1965 của nhà văn Nguyễn Thế Phương: “...Và còn có N. người lái máy bay trẻ tuổi của không quân Việt Nam, xuất kích lần đầu, đã tung hoành trên bầu trời ấy, vào những giờ ấy và đã để lại nơi ấy một ký ức không bao giờ phai nhạt. Nhưng tôi biết viết gì về N. Khi bay trên bầu trời quê hương tôi ấy, ngoài tình thương mến vô cùng của mặt đất đối với N.”.

Đó là tiếc thương, khát vọng của người cầm bút trong hoàn cảnh cụ thể. Viết bài này tôi muốn cung cấp một tư liệu thực tế tôi chứng kiến mà có lẽ chưa có tài liệu nào lưu chép. Đó là phi công Trần Nguyên Năm khi chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng, Đò Lèn trưa ngày 4-4-1965 đã anh dũng hy sinh nơi núi Đàng Trèo, làng Đắc Thắng, xã Yến Sơn (Hà Lâm cũ), huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Thi thể của anh gần như còn nguyên vẹn. Gương mặt anh - gương mặt bầu trời.

(*) Địa danh thuộc xã Yến Sơn (Hà Lâm cũ), huyện Hà Trung.

Vũ Quang Trạch



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]