(Baothanhhoa.vn) - Nhiệm kỳ 2016-2021 đánh dấu nhiều đổi mới quan trọng trong hoạt động giám sát chuyên đề của Thường trực và các ban của HĐND tỉnh. Qua đó tiếp tục khẳng định trách nhiệm của đại biểu dân cử với cử tri, khẳng định hiệu quả, hiệu lực, vị thế của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương.

Đổi mới từ hoạt động giám sát chuyên đề

Nhiệm kỳ 2016-2021 đánh dấu nhiều đổi mới quan trọng trong hoạt động giám sát chuyên đề của Thường trực và các ban của HĐND tỉnh. Qua đó tiếp tục khẳng định trách nhiệm của đại biểu dân cử với cử tri, khẳng định hiệu quả, hiệu lực, vị thế của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương.

Đổi mới từ hoạt động giám sát chuyên đềBan Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Dự án trùng tu, tôn tạo Khu Di tích lịch sử cách mạng Yên Trường (Yên Định).

Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã tiến hành nhiều cuộc giám sát chuyên đề về việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), trọng tâm là giải quyết TTHC liên quan đến doanh nghiệp ở nhiều sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố. Tại buổi giám sát về giải quyết TTHC ở Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), các thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách đánh giá cao công tác tham mưu cũng như giải quyết TTHC cho người dân, đặc biệt là doanh nghiệp, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh những năm gần đây. Qua giám sát, các thành viên trong đoàn cũng chỉ ra những hạn chế mà Sở KH&ĐT cần phải chấn chỉnh đó là: Vẫn còn tình trạng chậm giải quyết TTHC cho doanh nghiệp; tình trạng hồ sơ trả lại vẫn xảy ra; sự phối hợp giữa Sở KH&ĐT với một số sở, ngành chưa thật sự hiệu quả; một số hồ sơ sở tham mưu cho UBND tỉnh chưa rõ ràng... Để khắc phục những hạn chế này, lãnh đạo Ban Kinh tế - Ngân sách yêu cầu Sở KH&ĐT nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh sửa đổi những quy định trong giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp theo hướng rõ trách nhiệm của sở, của các sở, ngành liên quan; Sở KH&ĐT phải là đơn vị đi đầu trong việc đề xuất cắt giảm thời gian giải quyết TTHC, đơn giản hóa tối đa các thủ tục, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển. Đại diện cho đơn vị được giám sát, lãnh đạo Sở KH&ĐT khẳng định: “Với tinh thần cầu thị, Sở KH&ĐT nghiêm túc tiếp thu những ý kiến đóng góp của các thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách và sẽ sớm tìm ra giải pháp cụ thể để khắc phục những hạn chế”. Với quyết tâm cao, sau hơn 1 năm nỗ lực cải thiện những tồn tại, Sở KH&ĐT trở thành điểm sáng của tỉnh trong cải cách hành chính.

Giám sát việc giải quyết TTHC là 1 trong 7 chuyên đề được Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh thực hiện trong nhiệm kỳ qua với 85 cuộc giám sát tại các địa phương, đơn vị. Nội dung giám sát được ban lựa chọn là những vấn đề có tính thời sự, những vấn đề nổi cộm, bức xúc mà cử tri, dư luận quan tâm như: Tình hình giao vốn và tiến độ thực hiện các chương trình, dự án trong kế hoạch phát triển; nợ thuế và nợ tiền sử dụng đất; tình hình sử dụng đất thực hiện các dự án; công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án trọng điểm; công tác khai thác và sử dụng khoáng sản... Qua giám sát, ban đã kiến nghị 45 nội dung, tất cả các kiến nghị của ban đều được UBND tỉnh và các ngành, huyện, thị, thành phố tiếp thu, đã và đang giải quyết, đóng góp tích cực vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Với sự năng động, sáng tạo trong cách làm, hoạt động giám sát chuyên đề của Ban Văn hóa - Xã hội đã ngày càng đi vào chiều sâu. Bà Lê Thị Như Hoa, Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cho biết: “Trong hoạt động giám sát chuyên đề, lãnh đạo và các thành viên của ban đã sắp xếp thời gian nghiên cứu kỹ các báo cáo, tài liệu và tiếp cận thông tin theo nhiều khía cạnh khác nhau để nắm chắc, nắm vững cái được, cái chưa được ở đơn vị giám sát. Việc lựa chọn đơn vị giám sát, khảo sát được xem xét kỹ lưỡng, bảo đảm phù hợp với nội dung giám sát; đồng thời bố trí đúng thành phần tham gia đoàn giám sát để phân tích, đánh giá nội dung đúng và trúng. Các đợt giám sát của ban không dàn trải mà tập trung vào những nơi đang có vấn đề cần phải xem xét hoặc nơi tiêu biểu...”. Với cách làm bài bản, đúng quy trình, nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm, lòng tin của người dân vào hoạt động giám sát ngày càng được khẳng định. Điều này được minh chứng cụ thể khi số kiến nghị của ban đã được giải quyết dứt điểm chiếm 66,7%; số kiến nghị đang giải quyết chiếm 26,7%, chỉ có 6,6% số kiến nghị chưa được giải quyết.

Giám sát chuyên đề có vị trí rất quan trọng nên hằng năm Thường trực HĐND tỉnh và các ban HĐND tỉnh đều xây dựng chương trình giám sát cụ thể. Nội dung giám sát bao quát nhiều lĩnh vực, đi sâu vào những việc “nóng”, việc khó, những vấn đề lớn có tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 29 nội dung giám sát chuyên đề được thực hiện trong nhiệm kỳ 2016–2021 với 410 đoàn giám sát là con số sống động, minh chứng cho hiệu quả giám sát chuyên đề của Thường trực và các ban HĐND tỉnh. Trong đó, Thường trực HĐND tỉnh giám sát 3 chuyên đề với 33 đoàn giám sát, Ban Kinh tế - Ngân sách 7 chuyên đề với 85 đoàn giám sát, Ban Pháp chế 6 chuyên đề với 92 đoàn giám sát, Ban Văn hóa - Xã hội 7 chuyên đề với 109 đoàn giám sát, Ban Dân tộc 7 chuyên đề với 91 đoàn giám sát. Nhiều cuộc giám sát đã đáp ứng được sự kỳ vọng của cử tri và Nhân dân như: Thường trực HĐND tỉnh giám sát “Việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện”; Ban Pháp chế giám sát “Việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường”; Ban Văn hóa - Xã hội giám sát “Công tác quản lý, sử dụng quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế”; Ban Dân tộc giám sát “Việc tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ”...

Hoạt động giám sát chuyên đề thể hiện nhiều nét mới trong phương thức, hình thức giám sát. Trước mỗi cuộc giám sát, Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh đều xây dựng đề cương chi tiết để cơ quan chịu sự giám sát chuẩn bị tài liệu đúng nội dung, đúng yêu cầu. Quá trình triển khai, đoàn giám sát mời các đại biểu HĐND tỉnh tại địa phương và những người am hiểu về lĩnh vực giám sát cùng tham gia. Để có thông tin chân thực, chính xác, đoàn giám sát đã kiểm tra ngẫu nhiên một số hồ sơ hoặc vụ việc tại nơi được giám sát để phát hiện nội dung không thống nhất giữa báo cáo và tình hình thực tế của địa phương, đơn vị. Đơn cử như đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh giám sát về cải cách hành chính đã chọn ngẫu nhiên các TTHC đã giải quyết để so sánh với quy định. Đoàn giám sát của Ban Pháp chế giám sát đột xuất tại các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, phát hiện tại chỗ hành vi xả thải trái phép, yêu cầu các cơ quan chức năng xử phạt theo quy định hoặc yêu cầu kiểm điểm công tác tham mưu thực hiện nhiệm vụ của một số cá nhân, tổ chức. Đoàn giám sát của Ban Dân tộc đến từng hộ được thụ hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước để tìm hiểu thực tế, từ đó phát hiện những hạn chế, bất cập trong việc thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh... Qua khảo sát thực tế giúp đoàn có thêm cơ sở để kết luận và kiến nghị được chính xác, tránh tình trạng giám sát chung chung, mang tính hình thức.

Điểm nhấn khẳng định chất lượng và hiệu quả của giám sát chuyên đề là nhiều nội dung giám sát đã được đưa ra thảo luận và chất vấn tại các kỳ họp HĐND tỉnh, tạo hiệu ứng rất tích cực và mạnh mẽ. Nổi bật như nội dung giám sát chuyên đề của Ban Kinh tế - Ngân sách về “Công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án trọng điểm và các dự án tại Khu Kinh tế Nghi Sơn” đã được HĐND tỉnh chất vấn Chủ tịch UBND tỉnh. Với những thông tin đầy đủ thu thập được từ hoạt động giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách, các đại biểu đã chất vấn nhiều nội dung liên quan đến hạn chế, yếu kém trong giải phóng mặt bằng, đồng thời làm rõ trách nhiệm và các giải pháp khắc phục của UBND tỉnh, các cấp, các ngành liên quan. Hay như nội dung giám sát chuyên đề của Ban Dân tộc về “Việc thực hiện chính sách pháp luật về bồi thường giải phóng mặt bằng và di dân tái định cư đối với các hộ bị ảnh hưởng xây dựng các công trình thủy điện trên địa bàn các huyện miền núi” được HĐND tỉnh chất vấn Giám đốc Sở Công Thương về công tác quy hoạch các nhà máy thủy điện và xây dựng các khu tái định cư được người dân trong vùng bị ảnh hưởng đánh giá rất cao.

Nhiệm kỳ 2016-2021 là nhiệm kỳ thành công của hoạt động giám sát nói chung, giám sát chuyên đề nói riêng. Đánh giá tại Kỳ họp thứ 16 tổng kết nhiệm kỳ 2016- 2021 của HĐND tỉnh vừa diễn ra vào cuối tháng 4, đồng chí Phạm Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh khẳng định: “Với cách làm khoa học, hoạt động giám sát chuyên đề đã ngày càng đi sâu vào thực chất. Nhiều cuộc giám sát mang lại hiệu quả cao, các cơ quan chức năng đã xử lý kịp thời những kiến nghị của đoàn giám sát. Đối với những kiến nghị chưa được giải quyết hoặc cơ quan chịu sự giám sát chưa thực hiện nghiêm túc được đưa vào phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh hoặc tiến hành tái giám sát. Vì thế, những hạn chế, tồn tại của các ngành, địa phương đều được khắc phục, tạo dấu ấn đậm nét trong hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND”.

Bài và ảnh: Thu Vui



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]