(Baothanhhoa.vn) - Những ngày đầu tháng 9, trời thu cao xanh vời vợi, chúng tôi vượt hàng chục cây số đường bộ theo hướng Tây của tỉnh về thăm Chiến khu du kích Ngọc Trạo. Đứng trước Tượng đài chiến sĩ du kích Ngọc Trạo, chúng tôi thắp nén tâm nhang thành kính dâng lên trước anh linh các chiến sĩ.

Đội du kích và Chiến khu du kích Ngọc Trạo –“ngọn đuốc cách mạng” giữa vùng rừng núi tỉnh Thanh

Những ngày đầu tháng 9, trời thu cao xanh vời vợi, chúng tôi vượt hàng chục cây số đường bộ theo hướng Tây của tỉnh về thăm Chiến khu du kích Ngọc Trạo. Đứng trước Tượng đài chiến sĩ du kích Ngọc Trạo, chúng tôi thắp nén tâm nhang thành kính dâng lên trước anh linh các chiến sĩ.

Đội du kích và Chiến khu du kích Ngọc Trạo –“ngọn đuốc cách mạng” giữa vùng rừng núi tỉnh ThanhTượng đài chiến sĩ du kích Ngọc Trạo mới được tu bổ, tôn tạo.

Năm 1940 và những tháng đầu năm 1941, nhiều địa phương trong tỉnh dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã tích cực hưởng ứng các phong trào cách mạng. Giữa năm 1941, trong lúc phong trào cách mạng ở một số huyện bị kẻ thù uy hiếp, thì vùng miền núi Thạch Thành vẫn là nơi an toàn. Điều kiện thành lập một chiến khu ở đây đã thực sự chín muồi.

Thực hiện chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng: “Cần phải ra sức phát triển lực lượng cách mạng và hình thức tổ chức phù hợp, tiến hành xây dựng căn cứ địa”. Đặc biệt là sự chỉ đạo của Tỉnh ủy tại Hội nghị mở rộng (tháng 6-1941) đã chỉ rõ: Xây dựng lực lượng vũ trang tiến tới thành lập căn cứ địa cách mạng từ Tây Bắc đến Đông Nam Thanh Hóa, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã phân công cán bộ đi khảo sát tại các huyện, trong đó có khu vực Ngọc Trạo (Thạch Thành), tìm hiểu những thuận lợi và khó khăn trong việc xây dựng chiến khu, nhằm huấn luyện cán bộ, du kích, xây dựng lực lượng nòng cốt chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa vũ trang trong tỉnh.

Ngọc Trạo (trước năm 1945 thuộc tổng Trạc Nhật, nay thuộc xã Ngọc Trạo, huyện Thạnh Thành) có núi rừng bao bọc xung quanh, có đường giao thông liên huyện với các khu căn cứ cách mạng: Hà Trung, Yên Định, Vĩnh Lộc; vừa có đường đi Phố Cát, Kim Tân để từ đó liên hệ với vùng rừng núi phía Tây của tỉnh; lại có đường thẳng xuống Bỉm Sơn, Tam Điệp – một phòng tuyến đặc biệt hiểm yếu và lợi hại mà tướng lĩnh của vua Quang Trung – Nguyễn Huệ đã từng chọn để lập phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn, có đường về hang Treo – nơi từng là đồn trú của các nghĩa sĩ Cần Vương. Mặt khác, từ Ngọc Trạo có thể đi tắt sang Ninh Bình để liên hệ với đồng bằng Bắc bộ và xứ ủy Bắc Kỳ. Xung quanh Ngọc Trạo lúc bấy giờ đã có một số thôn có cơ sở phản đế và cơ sở tự vệ quần chúng do Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chỉ đạo xây dựng từ thời kỳ 1936-1939. Đến giữa năm 1941, huyện Thạch Thành đã thành lập nhiều đội tự vệ ở các làng, bảo vệ cơ sở cách mạng. Trong khi đó, Nhân dân Ngọc Trạo vốn giàu lòng yêu nước và tinh thần cách mạng, chiến đấu quả cảm, đã từng góp gạo nuôi nghĩa sĩ của Tống Duy Tân; trai tráng trong làng cũng từng tham gia nghĩa quân Cần Vương chống Pháp xâm lược. Sau khi quan sát địa hình, nắm bắt tình hình, được quần chúng địa phương tích cực ủng hộ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã quyết định chọn khu vực Ngọc Trạo để xây dựng thành căn cứ chiến khu của Thanh Hóa.

Từ cơ sở Ngọc Trạo, phong trào phản đế cứu quốc ở huyện Thạch Thành đã phát triển lên một bước mới để thành lập chiến khu. Các đội viên du kích đầu tiên được cử về Ngọc Trạo đã nhanh chóng thâm nhập vào quần chúng, khảo sát tình hình xây dựng cơ sở. Trước tiên là tuyên truyền, giác ngộ và vận động quần chúng tổ chức các đoàn thể cứu quốc, nhất là đội tự vệ cứu quốc. Phương thức hoạt động là vừa tham gia sản xuất với quần chúng, vừa tham gia vào các hoạt động của các đoàn thể cứu quốc, vừa tiến hành vận động quần chúng xây dựng chiến khu. Bởi vậy, đông đảo quần chúng Ngọc Trạo đã hăng hái tham gia vào các hoạt động xây dựng chiến khu.

Cuối tháng 7-1941, Ban lãnh đạo chiến khu tại Ngọc Trạo chính thức thành lập, gồm 3 đồng chí: Đặng Châu Tuệ, Trần Tiến Quân, Đặng Văn Hỷ. Cơ quan ấn loát của tỉnh cũng được chuyển về Ngọc Trạo để thuận lợi cho việc tuyên truyền chủ trương của Trung ương, xứ ủy Bắc Kỳ và của tỉnh. Các cuộc họp quan trọng của Tỉnh ủy cũng được tổ chức tại đây. Lực lượng cán bộ lãnh đạo và du kích tham gia xây dựng chiến khu được tăng cường, với nhiệm vụ tích cực tham gia sản xuất với quần chúng, ra sức luyện tập quân sự, học tập chính trị, văn hóa và xây dựng chiến khu. Chiến khu đã hình thành, dưới sự chỉ huy thống nhất của Ban lãnh đạo chiến khu. Chiến khu Ngọc Trạo không xây thành, đắp lũy mà lấy dân làm thành lũy, các vùng rừng núi phía Bắc là ô che, các vùng đồng bằng phía Nam và Tây Nam là nơi cung cấp lương thực, thực phẩm. Bước đầu với hình thức bán vũ trang, rồi dần dần lên vũ trang bằng cách đánh du kích.

Sau khi xây dựng được lực lượng chính trị vững mạnh, các tổ chức chính trị, tổ chức tự vệ vũ trang phát triển nhanh chóng, phong trào cách mạng ở Ngọc Trạo lên cao. Ban lãnh đạo chiến khu đã chỉ đạo chặt chẽ việc xây dựng lực lượng chính trị kết hợp với xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, mở rộng ra các vùng xung quanh. Đầu tháng 9-1941, Ban lãnh đạo chiến khu quyết định cử một số cán bộ về các địa phương tuyển chọn thêm lực lượng du kích và vận động Nhân dân trong tỉnh quyên góp lương thực, thực phẩm gửi về Ngọc Trạo.

Khi quân địch về lùng sục, Ban lãnh đạo chiến khu đã quyết định chuyển lực lượng từ Ngọc Trạo lên hang Treo để đánh lạc hướng chú ý của quân địch. Đêm 19-9-1941, tại hang Treo, dưới cờ đỏ sao vàng, Đội du kích Ngọc Trạo chính thức tuyên bố thành lập, với 22 đội viên – những chiến sĩ du kích đầu tiên đã thề dưới cờ, nguyện hy sinh đến giọt máu cuối cùng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bài hát “Đời ta bấy lâu khổ rồi” được chọn làm Đội ca. Đội du kích Ngọc Trạo được biên chế, tổ chức chặt chẽ, mặc áo nông dân, có thêm túi dết, quần xà cạp xanh, súng, gươm, dao, mã tấu. Thành lập trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, chỉ có 1 khẩu súng kíp, còn lại là vũ khí thô sơ, song việc học tập chính trị, huấn luyện quân sự được tổ chức chặt chẽ, tinh thần đoàn kết, tính kỷ luật, giữ bí mật được nêu cao. Tinh thần ấy đã lan rộng ra các huyện trong tỉnh và sang các tỉnh lân cận. Thanh niên phản đế ở các cơ sở cách mạng trong tỉnh đã hăng hái tăng cường lên chiến khu Ngọc Trạo. Chưa đầy một tuần lễ, số lượng du kích đã phát triển lên tới 40 người, sau này phát triển lên tới hàng trăm người. Công cuộc xây dựng chiến khu cách mạng đã trở thành yêu cầu và nghĩa vụ thiêng liêng của Nhân dân toàn tỉnh.

Nhằm giảm sự chú ý của quân địch, Chiến khu du kích Ngọc Trạo được chuyển về đồi Ma Mầu gần đó. Sau một thời gian đánh hơi, lùng sục, quân địch đã phát hiện ra sự hoạt động của đội du kích ở chiến khu Ngọc Trạo. Tháng 10-1941, quân Pháp đã huy động lực lượng chia thành nhiều mũi đàn áp, khủng bố, tấn công vào Ngọc Trạo. Nhiều chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, bị địch bắt bớ, tra tấn, nhiều cơ sở cách mạng và làng xóm đã bị triệt hạ, vì vậy Ban lãnh đạo chiến khu quyết định rút đội du kích về làng Cẩm Bào (Vĩnh Lộc) rồi phân tán nhỏ lực lượng về các vùng miền trong tỉnh, để sau này củng cố, xây dựng lực lượng đáp ứng với tình hình mới.

Mặc dù Đội du kích và Chiến khu du kích Ngọc Trạo chỉ tồn tại trong thời gian ngắn (từ tháng 7 đến tháng 10-1941), song là minh chứng cho bước phát triển mới trong phong trào phản đế cứu quốc; đánh dấu thời kỳ đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, tiến tới đánh đổ ách thống trị của đế quốc và tay sai, thiết lập chính quyền cách mạng. Lần đầu tiên trong lịch sử đấu tranh cách mạng, một lực lượng vũ trang thoát ly được thành lập với sự tham gia hưởng ứng của quần chúng Nhân dân trong và ngoài tỉnh. Chiến khu du kích Ngọc Trạo đã giương cao ngọn cờ cách mạng, cổ vũ đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia, cùng “chia lửa” với Bắc Sơn, Nam Kỳ đấu tranh giành quyền tự do, độc lập cho dân tộc.

Năm 1991, nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập chiến khu Ngọc Trạo và để tưởng nhớ, tri ân đối với những đóng góp của chiến sĩ Ngọc Trạo trong công cuộc chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước, UBND huyện Thạch Thành đã xây dựng Tượng đài chiến sĩ du kích Ngọc Trạo tại xã Ngọc Trạo. Năm 1994, Chiến khu du kích Ngọc Trạo được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Năm 2011, UBND tỉnh đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp tổng thể khu di tích khang trang và ấn tượng. Trong đó, khu trung tâm xã Ngọc Trạo là quần thể kiến trúc, nghệ thuật, công trình tôn vinh, đồng thời là nơi bảo lưu, trưng bày nhiều hiện vật lịch sử.

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Chiến khu du kích Ngọc Trạo, UBND tỉnh đã đầu tư hàng tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo các hạng mục tượng đài và nhà truyền thống. Nơi đây đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng cho các thế hệ trẻ.

Ngọc Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]