(Baothanhhoa.vn) - Mỗi làn điệu dân ca gắn với một vùng đất. Người Đông Anh là phải biết đến hát Ghẹo, hát Úa; Tĩnh Gia (Nghi Sơn ngày nay) là hát Khúc; người Thiệu Hóa, Hoằng Hóa biết tới chèo chải… Chỉ riêng hò sông Mã - điệu hát “phổ thông” và điển hình mà không ai là người Thanh Hóa không từng nghe, từng biết. Bởi mỗi câu hò mang chứa tình yêu cuộc sống của Nhân dân Thanh Hóa với niềm tự hào về dòng sông quê hương.

Để hò sông Mã mãi ngân xa

Mỗi làn điệu dân ca gắn với một vùng đất. Người Đông Anh là phải biết đến hát Ghẹo, hát Úa; Tĩnh Gia (Nghi Sơn ngày nay) là hát Khúc; người Thiệu Hóa, Hoằng Hóa biết tới chèo chải… Chỉ riêng hò sông Mã - điệu hát “phổ thông” và điển hình mà không ai là người Thanh Hóa không từng nghe, từng biết. Bởi mỗi câu hò mang chứa tình yêu cuộc sống của Nhân dân Thanh Hóa với niềm tự hào về dòng sông quê hương.

Để hò sông Mã mãi ngân xaMột tiết mục biểu diễn hò sông Mã trên sân khấu của CLB Ca trù và hò sông Mã.

Từ những giá trị đặc sắc

Nền văn hóa Đông Sơn cách đây trên dưới 3.000 năm minh chứng về một đời sống tinh thần phong phú, gắn bó với âm nhạc của cư dân nơi đây. Biểu hiện cụ thể là họa tiết trên mặt trống đồng Ngọc Lũ loại 1 ghi lại hình ảnh hòa tấu dàn nhạc gồm 4 chiếc trống đồng, 9 chiếc cồng trên giá và người thổi khèn.

Trong bức tranh âm nhạc dân gian các dân tộc tỉnh Thanh Hóa thì vùng dân ca của người Kinh - cư dân lúa nước phong phú hơn cả. Ở đó, sông Mã với 5 chi lưu chảy dài qua nhiều huyện, thị, nơi tập trung khá đông cư dân và giữ một vị trí quan trọng trong đời sống giao thông và kinh tế của Nhân dân Thanh Hóa. Trong kháng chiến chống Pháp cũng như trong những năm chống Mỹ, sông Mã là một tuyến giao thông đường thủy thuận lợi.

Trên các con sông là biết bao con đò dọc, ngang, bao thuyền chiến, thuyền tải lương, vũ khí, thuyền chở hàng xuôi ngược. Và trên các tuyến sông ấy là những người làm nghề sông nước. Chỉ riêng hò sông Mã cũng có tới hàng mấy ngàn câu với các làn điệu khác nhau.

“Trên trời biết mấy ông sao/ Ở dưới sông Mã biết bao nhiêu thuyền”; “Bến đò là bến đò Gia/ Thuyền xuôi, thuyền ngược, thuyền ra, thuyền vào"... đủ để ta cảm nhận không khí nhộn nhịp thuyền đò một thời.

Nhạc sĩ Dân Huyền cho rằng: Xưa kia, mỗi con đò, ngoài chủ đò, còn có một người tháo vát, giàu kinh nghiệm được mọi người tin cậy trao cho điều khiển chung. Người này thường ra hiệu lệnh và “bắt cái” trong các câu hò. Mỗi đò thường có 3 hoặc 4 trai đò giữ nhiệm vụ chèo chống. Trai đò có thể chia ra hai tốp để chống đò nối tiếp nhau liên tục và hưởng ứng theo câu hò của người “bắt cái”. Hò sông Mã mang tính tập thể cao, vì thế những làn điệu hò thay đổi phụ thuộc vào mức độ lao động khẩn trương, căng thẳng hay là thoải mái, nhẹ nhàng. Hò sông Mã có thứ tự và chia ra làm 5 giai đoạn rõ rệt: hò rời bến, hò đò ngược, hò đò xuôi, hò mắc cạn và hò cập bến.

Nhạc sĩ Văn Hòe có nhiều năm nghiên cứu về hò sông Mã, đặc biệt trong cuốn sách “Âm nhạc dân gian Thanh Hóa” (tập 1, NXB Thanh Hóa, 2015) ông đã biên khảo những giai điệu cũ, các mô tả sinh hoạt múa hát còn thấp thoáng nơi này nơi kia để biên soạn thành cuốn sách... Ông cho rằng thể loại hò là một bản sắc xứ Thanh, không giống điệu hò ở vùng miền nào. Qua các điệu hò sông Mã người ta phần nào hiểu những nét cơ bản tính cách người Thanh Hóa.

Trong số các điệu hò, nhạc sĩ Văn Hòe tỏ rõ quan điểm thích các làn điệu hò đò xuôi. Theo ông “Hò đò xuôi không theo thứ tự nào cả mà do khi con đò đi qua các chặng sông có những cảnh sắc, những di tích nào đó thì người bắt cái chuyển điệu hò cho thích hợp để thông báo cho khách hàng đò biết con đò đang đi ở chặng sông nào. Chẳng hạn đi qua chùa thì hò niệm phật, đi qua bãi tha ma thì hò làn ai, đi qua các đền thì hò làn văn..."

Tiếng hò liệu còn vang xa?

Dẫu biết đời sống xã hội ngày một phát triển, giao thông thay đổi theo năm tháng, nhưng với nhạc sĩ Văn Hòe, có một nỗi buồn xâm lấn ông từ khá lâu. “Giao thông vận tải bằng chèo chống và thuyền buồm dường như đã kết thúc từ những năm 60 của thế kỷ XX. Những con đò dọc không còn được sử dụng trong việc chuyên chở hành khách và lưu thông hàng hóa giữa các vùng miền trong tỉnh đồng nghĩa với tiếng hò dần vắng, thậm chí chẳng được ai nhắc đến".

Ông nhớ và kể lại với chúng tôi về cái giai đoạn thường xuyên phải đi đò. Trong kháng chiến chống Pháp, hàng tuần ông đi đò từ Lạch Sung lên Trung đoàn 52 đóng ở Bái Thượng (1952-1953), tiếng hò luôn gợi nhắc bao chuyện văn hóa lịch sử của đất nước, của quê hương xứ Thanh. Sau này, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ông đã làm Trưởng đoàn Văn công xung kích Trường Sơn. 150 ngày ở Trường Sơn đã để lại ấn tượng với ông. Rồi khi chiến tranh kết thúc, thảng hoặc được đi đò là ông có thêm góc nhìn về quê hương tươi đẹp với non nước hữu tình, sự nhọc nhằn và say mê lao động của con người, song họ vẫn yêu đời, vẫn tìm niềm vui trong biết bao sự khó nhọc.

Trên đất Hà Trung, nơi dòng sông Mã chứng kiến bao trận chiến đấu ác liệt của Nhân dân với giặc ngoại xâm, bao gian lao vất vả của người lao động - những người dân yêu nước, yêu lao động sản xuất và yêu nghệ thuật dân tộc. Điệu hò sông Mã không chỉ có trên những con đò đưa khách đi buôn bán mà còn được dân công hỏa tuyến, bộ đội, thanh niên xung phong vận dụng để hò cổ vũ anh chị em khi kéo pháo, khi đào hầm hào, khi hành quân và những buổi sinh hoạt văn nghệ. Ở hậu phương, điệu hò này cũng cổ vũ bà con khi xuống đồng, gặt hái, lao động sản xuất.

Gặp ca nương Trần Thị Huệ, chủ nhiệm CLB Ca trù và hò sông Mã (Hà Trung), chúng tôi thêm hiểu phần nào những giá trị của hò sông Mã và những khó khăn của trong quá trình hoạt động CLB. Vốn là nghệ nhân ưu tú thuộc lĩnh vực ca trù, ngoài việc đam mê và yêu ca trù, bà còn rất “nặng lòng” với hò sông Mã. Năm 2002, bà đã có ý tưởng thành lập CLB và gặp được cụ Lê Văn Khiết, khi ấy đã chừng 90 tuổi, là “trai đò” duy nhất còn lại ở thôn Nghè Đỏ, xã Hà Ninh (nay là xã Yến Sơn, huyện Hà Trung) bà càng thôi thúc hơn việc thành lập CLB. “Hò sông Mã có 19 làn điệu, riêng tại huyện Hà Trung có 14 làn điệu; mỗi làn điệu đều có lời hò, nhịp điệu đặc trưng. Nếu không có thế hệ tiếp theo, không gìn giữ, bảo tồn, khi các nghệ nhân ra đi thì những câu hò điệu hát cũng sẽ bay theo cùng họ". Năm 2007, CLB Ca trù và hò sông Mã ra đời với số lượng thành viên ban đầu là 12 người. Trải qua hơn 15 năm, đến nay cũng chỉ có 20 người tham gia. Trong đó, tất cả đều đã ngoài 40 tuổi, người cao tuổi nhất hơn 60 tuổi.

Từng bước lưu giữ, bảo tồn loại hình nghệ thuật đặc sắc riêng có của xứ Thanh, bà Trần Thị Huệ cho biết: “Có lần, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Đài Phát thanh và Truyền hình cùng với CLB tổ chức dựng lại và thu hình hình ảnh con đò dọc với các nghệ nhân vừa hò vừa chèo đò đưa khách đi dọc sông Mã. Song, chúng tôi là thế hệ sau không thể hình dung được phong cách của các cụ ngày xưa nên cũng chỉ phục dựng được khoảng 50% hình ảnh thực trước đây...”.

Lần gần đây nhất các thành viên CLB biểu diễn có đông khán giả là tại Liên hoan Văn hóa dân tộc lần thứ XIX và trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh Thanh Hóa - 2022.

Bà Huệ cũng cho biết thêm: Để điệu hò sông Mã thỉnh thoảng ngân lên, việc kết hợp với các đơn vị du lịch, tour tuyến là khả dĩ hơn cả. Đi thuyền trên sông Mã, ngoài việc tham quan, ngắm nhìn các điểm di tích thì được bồng bềnh trong điệu hò cũng sẽ là một cảm giác tuyệt vời.

Người già đang dần già đi. Người trẻ am hiểu hò sông Mã còn quá ít. Tìm người để duy trì và có thể tiếp nối mạch văn hóa, âm nhạc của hò sông Mã không phải điều dễ dàng. “Đây là những rào cản lớn nhưng chúng tôi đang cố gắng vận động những người trẻ tham gia để duy trì hoạt động phong trào. Từ đó, tạo nên sức sống cho hò sông Mã”.

Dẫu rất ít người quan tâm đến hò sông Mã, tuy nhiên còn những người như nghệ nhân ưu tú Trần Thị Huệ và các thành viên CLB Ca trù và hò sông Mã, chúng ta còn hy vọng rằng hò sông Mã sẽ vẫn còn ngân vang, các giá trị văn hóa âm nhạc của hò sông Mã còn được duy trì và giữ gìn.

Chi Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]