(Baothanhhoa.vn) - Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, Thanh Hóa đã được định danh là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng, luôn là địa bàn trọng yếu “phên dậu” của đất nước.

Dấu ấn ngành văn hóa xứ Thanh trong hành trình xây dựng và phát triển quê hương, đất nước

Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, Thanh Hóa đã được định danh là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng, luôn là địa bàn trọng yếu “phên dậu” của đất nước.

Dấu ấn ngành văn hóa xứ Thanh trong hành trình xây dựng và phát triển quê hương, đất nướcĐội tuyên truyền lưu động các huyện, thị xã, thành phố tham gia Liên hoan tuyên truyền cổ động tỉnh Thanh Hóa năm 2020, với chủ đề “Đảng là niềm tin tất thắng”. Ảnh: Trung tâm Văn hóa tỉnh

Xứ Thanh vùng đất “địa linh - nhân kiệt, nơi khí tinh hoa tụ họp”, khởi nghiệp của nhiều triều đại quân chủ phong kiến Việt Nam, là đất “thang mộc” của chúa Trịnh, chúa Nguyễn; quê hương của nhiều bậc anh hùng, hào kiệt, chí sĩ, văn nhân nổi tiếng làm rạng rỡ cho non sông, đất nước. Để đến hôm nay, dấu ấn lịch sử văn hóa đó còn lưu dấu với hơn 1.535 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được kiểm kê, phân loại, xếp hạng, cùng với hệ thống di sản văn hóa phi vật thể như: Truyền thuyết, cổ tích, tục ngữ, ca dao, dân ca, lễ hội, trò chơi, trò diễn phong phú và đặc sắc, đã khẳng định chiều sâu trầm tích, định danh một vùng văn hóa xứ Thanh trong hành trình lịch sử cách mạng của dân tộc. Việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc đó luôn là trách nhiệm nặng nề và hết sức vinh quang đối với những người làm công tác văn hóa tỉnh nhà.

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, nhận thức rõ vai trò quan trọng của văn hóa thông tin, tuyên truyền đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày 28-8-1945, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ban hành Tuyên cáo thành lập Bộ Thông tin - Tuyên truyền, tiền thân của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày nay. Tháng 11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, luận điểm đó đã trở thành nguyên tắc chi phối, là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt quá trình phát triển của văn hóa Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy vai trò xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng, kể từ đây, ngành văn hóa - thông tin cả nước nói chung, Thanh Hóa nói riêng đã không ngừng vươn lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa.

Từ những ngày đầu thành lập với tên gọi Ty Thông tin - Tuyên truyền cho đến nay, sau 76 năm phấn đấu, trưởng thành, tùy từng thời kỳ, thời điểm lịch sử, mà tên gọi của ngành được thay đổi cho phù hợp với tình hình, nhiệm vụ cách mạng của Đảng: Ty Thông tin - Tuyên truyền, Ty Thông tin, Ty Tuyên truyền và Văn nghệ, Ty Văn hóa, Ty Văn hóa Thông tin, Sở Văn hóa Thông tin. Suốt quá trình đó, ngành văn hóa - thông tin luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh giao phó.

Trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với khí thế “Tiếng hát át tiếng bom”, cùng với quân và dân cả nước, hàng ngàn cán bộ, văn công của ngành văn hóa - thông tin Thanh Hóa đã không quản ngại gian khổ, hy sinh, bám sát trận địa, chiến hào đem lời ca tiếng hát thổi bùng lên lòng yêu quê hương, đất nước, động viên chiến sĩ cầm chắc tay súng chiến đấu và chiến thắng, bảo vệ đất nước, quê hương. Nhiều văn nghệ sĩ sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật có sức cổ vũ mạnh mẽ ý chí chiến đấu anh dũng kiên cường, tinh thần hăng say lao động sản xuất của quân và dân ta, có nhiều người mãi mãi nằm lại chiến trường, tô thắm thêm truyền thống của ngành và trang sử hào hùng của dân tộc.

Trong thời kỳ đổi mới, ngành văn hóa - thông tin tiếp tục phát huy vai trò của mình trên mặt trận tư tưởng văn hóa. Đội ngũ “chiến sĩ” văn hóa ngày càng trưởng thành về phẩm chất và năng lực chuyên môn, khả năng chỉ đạo và tổ chức các hoạt động văn hóa thông tin, đóng vai trò nòng cốt trong việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng đời sống văn hóa phong phú, lành mạnh. Văn hóa trở thành vũ khí sắc bén của Đảng, khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong đời sống xã hội, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, mở ra một thời kỳ mới cho sự nghiệp văn hóa phát triển. Bám sát 5 quan điểm chỉ đạo cơ bản, 10 nhiệm vụ cụ thể, 4 giải pháp chủ yếu để tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa trong thời kỳ mới, ngành văn hóa đã phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, tiếp tục khẳng định những thành tựu trong quá trình đổi mới. Đến Nghị quyết số 33/NQ-TW ngày 9-6-2014 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” (Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI), đã xác định “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững của đất nước”. Việc triển khai thực hiện nghị quyết đã tạo nên nhiều giá trị, diện mạo và sắc thái văn hóa mới, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học, đại chúng trên địa bàn tỉnh.

Ngày 14-4-2008, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa được thành lập theo Quyết định số 893/QĐ-UBND của UBND tỉnh, trên cơ sở hợp nhất Sở Thể dục Thể thao, Sở Du lịch với Sở Văn hóa - Thông tin thành Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa. Ngay sau khi thành lập, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngành văn hóa, thể thao và du lịch Thanh Hóa đã phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, nâng cao chất lượng trong việc tuyên truyền các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến mọi tầng lớp Nhân dân. Đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Tăng cường quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực được phân công; tiếp tục giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống; khuyến khích và tạo điều kiện phát triển các hoạt động nghệ thuật... góp phần không nhỏ vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Qua đó, ngành đã không ngừng phát triển, lớn mạnh về cơ cấu tổ chức, trình độ quản lý, năng lực hoạt động nghiệp vụ và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Dấu ấn tiêu biểu là đã tổ chức thành công, để lại ấn tượng sâu sắc về các sự kiện văn hóa lớn, như: Lễ Kỷ niệm 45 năm Hàm Rồng chiến thắng (3 và 4-4-1965 - 3 và 4-4-2010) với chủ đề “Hàm Rồng - Anh hùng và đổi mới”; Lễ đón Bằng công nhận Thành Nhà Hồ là Di sản Văn hóa thế giới (ngày 16-6-2012); tổ chức Lễ hội Lam Kinh năm 2013 và Lễ đón Bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (từ ngày 24 đến 26-9-2013); Lễ kỷ niệm 60 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc (1954-2014); Năm Du lịch Quốc gia 2015 - Thanh Hóa; Lễ đón Bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Khu di tích Bà Triệu; lễ đón Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt - Di tích kiến trúc nghệ thuật đền thờ Lê Hoàn; Lễ kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019) và kỷ niệm 50 năm Ngày mất của Người (2-9-1969 – 2-9-2019); Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa và chương trình nghệ thuật với chủ đề “Tỏa sáng cùng non sông đất nước”; Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (29-7-1930 - 29-7-2020). Tổ chức thành công nhiều sự kiện, ngày kỷ niệm lớn của đất nước, để lại tình cảm tốt đẹp, ấn tượng sâu sắc đối với cán bộ, Nhân dân Thanh Hóa và đồng bào trong nước, quốc tế.

Trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, ngành đã nâng cao chất lượng công tác chống xuống cấp và thực hiện các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; lập hồ sơ xếp hạng 57 di tích cấp tỉnh, 3 di tích quốc gia đặc biệt, 2 di tích quốc gia, bổ sung 898 hiện vật, 2 bảo vật quốc gia được công nhận, có 11 di sản được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn 9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Hoạt động thư viện, bảo tàng, nghiên cứu biên soạn lịch sử, phát hành phim, chiếu bóng, biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp được tăng cường. Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hướng dẫn 4.001 làng, bản, tổ dân phố; 1.969 cơ quan, doanh nghiệp đăng ký xây dựng đạt chuẩn văn hóa; 346 xã, phường, thị trấn đăng ký xây dựng đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới và đạt chuẩn văn minh đô thị; tổ chức 2.090 cuộc liên hoan nghệ thuật quần chúng; tham gia 9 cuộc hội diễn sân khấu chuyên nghiệp đạt 36 huy chương các loại; có 6 nghệ sĩ, diễn viên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân; 13 nghệ sĩ, diễn viên được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú và 3 cán bộ của ngành đạt giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” được đẩy mạnh, đáp ứng nhu cầu nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần cho Nhân dân. Thể thao thành tích cao đứng trong tốp đầu của cả nước. Trong hơn 5 năm qua, vận động viên thể thao thành tích cao Thanh Hóa đã tham gia thi đấu 566 giải thể thao quốc gia, quốc tế, đạt 3.536 huy chương các loại; có 361 vận động viên được phong cấp Kiện tướng, nhiều vận động viên giành huy chương châu lục và thế giới; đội bóng đá nam, bóng chuyền nữ liên tục xếp trong nhóm đội mạnh toàn quốc. Gần đây nhất, tham gia Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc lần thứ VIII, năm 2018, Thanh Hóa giành vị trí thứ 4 toàn quốc, là 1/10 đơn vị được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Cờ thi đua. Vinh dự tự hào cho quê hương Thanh Hóa tại kỳ Thế vận hội Olympic lần thứ 32 năm 2020 tổ chức tại Tokyo (Nhật Bản), Quách Thị Lan là vận động viên duy nhất của điền kinh Việt Nam, của Châu Á được tham gia thi đấu và lọt vào vòng bán kết tại thế vận hội, xếp thứ 18/24 vận động viên xuất sắc nhất thế giới ở nội dung 400m rào nữ.

Phát huy tiềm năng, lợi thế của du lịch Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020, ngành đã đón trên 38,5 triệu lượt khách, tổng doanh thu du lịch đạt hơn 49.000 tỷ đồng, mở ra triển vọng lớn về phát triển nhiều loại hình: Du lịch văn hóa tâm linh, du lịch biển, du lịch sinh thái... Xây dựng và nhân rộng 370 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, 1.850 tổ hòa giải, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của xã hội và gia đình trong việc xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc.

Những kết quả ngành văn hóa, thể thao và du lịch đạt được trong thời gian qua trước hết là nhờ sự quan tâm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, sự tin tưởng và đồng lòng ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh, sự nhiệt huyết, trách nhiệm, yêu nghề của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành qua các thời kỳ.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã làm tốt chức năng tham mưu, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của ngành; góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian tới, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành văn hóa, thể thao và du lịch sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo; tập trung trí tuệ, đồng lòng, đồng sức thi đua phấn đấu đạt nhiều kết quả to lớn hơn nữa trong giai đoạn mới, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được đảng bộ và Nhân dân giao phó; góp phần “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, con người Việt Nam phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; từng bước nâng cao chất lượng văn hóa, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng, góp phần xây dựng Thanh Hóa trở thành trung tâm lớn về văn hóa của khu vực và cả nước theo tinh thần Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Phạm Nguyên Hồng

Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]