(Baothanhhoa.vn) - Dẫu rằng Lưu Quang Vũ đạt được đỉnh cao với kịch nhưng có lẽ, thơ ca mới là bến đỗ cuối cùng trong tâm hồn người nghệ sĩ toàn năng ấy: “Trên mái nhà, cao vút rừng cây/ Trên rừng cây, những đám mây xô dạt/ Trên ngày tháng, trên cả niềm cay đắng/ Thơ tôi là mây trắng của đời tôi”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Đất nước đàn bầu” – mảnh ghép chân thật trong hồn thơ Lưu Quang Vũ

Dẫu rằng Lưu Quang Vũ đạt được đỉnh cao với kịch nhưng có lẽ, thơ ca mới là bến đỗ cuối cùng trong tâm hồn người nghệ sĩ toàn năng ấy: “Trên mái nhà, cao vút rừng cây/ Trên rừng cây, những đám mây xô dạt/ Trên ngày tháng, trên cả niềm cay đắng/ Thơ tôi là mây trắng của đời tôi”.

Nổi tiếng trên văn đàn và “lọt vào mắt xanh” của các nhà phê bình nổi tiếng từ khá sớm với tập thơ “Hương cây – Bếp lửa” (in cùng nhà thơ Bằng Việt); sau khi ông mất, lần lượt các tác phẩm thơ của ông được tuyển chọn, tập hợp in thành nhiều tập như: “Mây trắng của đời tôi” (1989), “Bầy ong trong đêm sâu” (1993) và gần đây nhất là tuyển thơ “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi” (2016). So với các tuyển thơ trước, “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi” giúp người đọc tiếp cận, tiếp nhận một cách bao quát, sâu rộng, đầy đủ hơn về thơ Lưu Quang Vũ thông qua từng chặng đường sáng tác của ông. Trong đó, “Đất nước đàn bầu” có lẽ là phần thể hiện rõ nét nhất những biến chuyển trong nhận thức, cảm hứng của nhà thơ về Nhân dân, về đất nước.

Quả thực, xuyên suốt hành trình thơ của Lưu Quang Vũ, người đọc thấy ông không bao giờ rời xa nỗi buồn, cô đơn, trống trải và nhiều khi khổ hạnh. Tuy nhiên, cái buồn trong thơ ông mang một chiều sâu tư tưởng, nhân cách cao đẹp - “một cái buồn trung hậu” (Hoài Thanh). Cái buồn trung hậu ấy thể hiện rất đậm nét trong cái cách mà Lưu Quang Vũ yêu cuồng nhiệt và trăn trở, day dứt khôn nguôi trước những biến động không ngừng của đất nước. Nếu Lưu Quang Vũ chỉ biết đắm chìm trong những nỗi buồn vương, tị hiềm nhỏ nhen, trịch thượng của một gã ngông cuồng, vô lối, phá bĩnh thì sao ngòi bút đủ phóng khoáng, bao dung để viết nên những vần thơ chan chứa tình yêu quê hương, đất nước như: “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi”, “Đất nước đàn bầu”, “Ghi vội một đêm 1972”, “Viết lại một bài thơ Hà Nội”, “Việt Nam ơi”, “Tiếng Việt”...

Tình yêu đất nước hiện diện trong thơ Lưu Quang Vũ chân thực, giản dị, không màu mè, tô vẽ nhưng cũng không kém phần sinh động, mãnh liệt. Là nhà thơ – chiến sĩ, Lưu Quang Vũ đã sống và chiến đấu kiên cường cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Những đau thương, mất mát mà chiến tranh gây ra trên mảnh đất hình chữ S thân thương của chúng ta luôn là nỗi ám ảnh trong thơ Lưu Quang Vũ. Hình ảnh thơ chân thực, đặc tả như những thước phim mô–đi–phê tái hiện lại trước mắt người đọc thời kỳ đau thương của đất nước: “Bom xé trời, mặt đất chao nghiêng/ Vụt mở hoác những vực sâu khủng khiếp/ Ngực nghẹn lại không còn khóc được/ Thương mọi người cơ cực mấy mươi năm/ Thương ga xưa đã sập tan tành/ Thương những chuyến lên đường xưa đã chết/ Nỗi bất lực cứa lòng muôn kính nát/ Kẻ mất người thân lặng lẽ bước trên đường (Ghi vội một đêm 1972).

Mất mát, đau thương, trần trụi, khốc liệt là thế... nhưng Lưu Quang Vũ vẫn nồng nàn, tha thiết, trọn vẹn tình yêu dành cho đất nước Việt Nam, con người Việt Nam: “Tôi làm sao sống được nếu xa Người/ Như giọt nước đậu vào bụi cỏ/ Như châu chấu ôm ghì bông lúa/ Người đẩy tôi ra tôi lại bám lấy Người/ Không vì thế mà Người khinh tôi chứ/ Việt Nam ơi”. Với Lưu Quang Vũ, quê hương, đất nước vẫn mãi là “lẽ sống của đời”, là “địa chỉ của niềm vui”, “lý do của hy vọng”. Ông yêu đất nước từ những điều thân quen, bình dị như lời ăn, tiếng nói hằng ngày: “Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói/ Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ/ Ôi Tiếng Việt như đất cày, như lụa/ Óng tre ngà và mềm mại như tơ” (Tiếng Việt). Ngôn ngữ Việt là ngôn ngữ của trái tim: “Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển/ Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya?/ Ai ở phía bên kia cầm súng khác/ Cùng tôi trong tiếng Việt quay về”. Trong tình yêu ông dành cho đất nước luôn có sự hàm ơn sâu sắc: “Đất nước tôi ơi/ Những dòng sông đã cho tôi gương mặt/ Những chân trời đã cho tôi tiếng hát/ Đồng bãi cho tôi sức vóc bàn tay/ Đồi núi cho tôi những bước đi dài/ Hoa và chim đã cho tôi mộng ước”. Vì lẽ đó, Lưu Quang Vũ chân thành gắn bó số phận mình trong số phận đất nước, hết thảy vui – buồn của mình đều hướng về Người: “Tôi tìm đời tôi trong số phận người/ Tìm lẽ phải nơi trán người bình tĩnh/ Hạt muối tôi trong biển người vô tận/ Chỉ khổ đau vì đau khổ của người/ Chỉ sướng vui trong vui sướng của người thôi...” (Người cùng tôi). Để rồi chính tình yêu thương, trân trọng ấy sẽ chuyển hóa thành nguồn sức mạnh to lớn đưa đất nước vượt qua muôn vàn chông gai, thử thách, đánh đuổi quân thù, giành lấy độc lập tự do và vững bước tiến lên trên con đường xây dựng và phát triển: “Lịch sử quay những vòng xoáy gian nan/ Đất nước tôi như một con thuyền/ Lướt trên sóng những ngực buồm trắng xóa” (Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi).

Sẽ thật là thiếu sót nếu nói về tình yêu đất nước trong thơ Lưu Quang Vũ mà không nhắc đến “Đất nước đàn bầu”. Trong một bài viết, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã thẳng thắn nhìn nhận “Đất nước đàn bầu” là “một bài thơ lớn - một thi kịch lớn - một vở sử thi lớn” của nhà thơ Lưu Quang Vũ. Như chàng Đăm Săn quyết đi tìm nữ thần mặt trời, Lưu Quang Vũ nương vào những hình ảnh thơ chân thực, sống động, nhuốm màu sắc sử thi để khơi dậy lịch sử hào hùng của dân tộc từ thuở sơ khai: “Tôi đi dòng máu của tôi/ Hơi thở đầu sôi sục của tôi/ Trong cuồn cuộn những ngực trần đen bóng/ Những bộ lạc mình vẽ đầy rồng rắn/ Quần hôn trên bờ bãi sông Hồng/ Những mái tóc dài bay gió biển Đông/ Những mái lá có bùi nhùi giữ lửa/ Những người đàn bà tết cỏ cây che vú/ Đã ngọt ngào dòng sữa/ Điệu ru con đầu tiên/ Bức tranh đầu tiên khắc mặt người lên đá/ Điệu múa đầu tiên theo nhịp thuyền”. Hình ảnh thơ giàu tính hội họa, nhịp điệu thơ dồn dập khiến người đọc có cảm tưởng như chính mình đang có mặt trong khung cảnh ấy để cùng dân tộc sống trọn với từng giai đoạn lịch sử: “Tôi mang suốt đời không nguôi được/ Dân tộc tôi bốn ngàn năm áo rách/ Những người chết đặc trong lòng đất/ Những mặt vàng sốt rét/ Những bộ xương đói khát vật vờ đi/ Vó ngựa lao dồn dập/ Giặc phương Bắc kéo về/ Vung gươm dài đẫm máu/ Bao đền đài bị đốt thành than/ Bao cuốn sách bị quăng vào lửa/ Bao đầu người bêu trên cọc gỗ/ Con trai chinh chiến liên miên/ Con gái mong chồng, hóa đá/ Mỵ Châu chết không sao hiểu được/ Vì đâu Trọng Thủy hóa quân thù?”. Ngôn ngữ, hình ảnh thơ Lưu Quang Vũ chưa bao giờ chối bỏ sự thật trần trụi, trần trụi đến xót xa. Làm sao chối bỏ được khi nó vốn dĩ là một phần của lịch sử, của số phận đất nước mình. Phải dũng cảm nhìn nhận để biết được rằng, cha ông ta đã từng hy sinh nhiều đến thế; dân tộc Việt Nam là dân tộc anh hùng, con người Việt Nam là bậc kiên trung, dũng cảm, yêu nước, thương nòi bậc nhất; từ đó mà sống trân trọng, bao bọc lấy nhau và cùng nhau gìn giữ, phát triển non sông này: “Người nô lệ da vàng bất khuất/ Vươn giữa trời thơm ngát tấm lòng son/ Tóc phơ phơ bạc trắng sợi đau buồn/ Sao bà hát những lời da diết/ Cháu nghe mãi vẫn lạ lùng tiếng Việt/ Chữ “thương” liền với chữ “yêu”/ Chữ “thương” đi cùng chữ “nhớ”/ Dân tộc trải xót xa nhiều nỗi khổ/ Phải thương nhau mới sống được trên đời”.

Nếu cuộc đời luôn có nhiều ngã rẽ thì hành trình sáng tạo văn chương, nghệ thuật cũng theo những biến ảo cuộc đời ấy mà phân chia thành nhiều giai đoạn khác nhau. Hành trình thơ của Lưu Quang Vũ không nằm ngoài quy luật đó. “Những năm tháng của đời mình, những thay đổi của đất nước, nhận thức của ông cũng có nhiều thay đổi” và “thơ của ông đã mang một âm điệu, một cách nhìn khác”, đúng như tác giả Lưu Khánh Thơ (em gái cố nhà thơ Lưu Quang Vũ) nhận định: “Cùng với những cảm xúc cá nhân, cảm hứng dân tộc trong tiến trình lịch sử, những suy nghĩ về Nhân dân, về đất nước đã làm giàu có và phong phú thêm cá tính thơ Lưu Quang Vũ”. Sau tất cả chông chênh, nghiệt ngã cuộc đời, Lưu Quang Vũ vẫn luôn cống hiến cho hoạt động văn chương, nghệ thuật bằng tất cả niềm hăng say của người nghệ sĩ chân chính. Đó là tất cả chất liệu quý giá đã làm nên “Đất nước đàn bầu” lấp lánh giữa mênh mang “gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi”.

Nguyên Linh


Nguyên Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]