(Baothanhhoa.vn) - Ngày 30-4-1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta giành thắng lợi vang dội.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cuộc hành trình chinh phục những dòng sông

Ngày 30-4-1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta giành thắng lợi vang dội.

Cuộc hành trình chinh phục những dòng sôngCầu Hàm Rồng. Ảnh: Hiếu Nam

Trong bầu không khí hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất đất nước, náo nức niềm vui, từ ngày 19 đến ngày 28-5-1975, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII diễn ra trọng thể. Đại hội quyết định những nhiệm vụ chính trị cho thời kỳ mới. Kết thúc đại hội, để sớm đưa nghị quyết vào đời sống, phong trào thi đua yêu nước rộng lớn được phát động, với chủ đề “tiến quân vào thời kỳ mới”. Sau chiến tranh, có nhiều việc phải làm ngay, nhưng đồng thời đề án cải tạo 3 dòng sông: Hệ thống tiêu thủy thuộc các huyện Thiệu Hóa, Đông Sơn, thị xã Thanh Hóa (nay là TP Thanh Hóa) (gọi tắt là Đông – Thiệu – Thị) sông Lý và sông Hoàng cũng được đưa vào kế hoạch thi công trong dịp này. Cải tạo 3 dòng sông vốn đã ấp ủ từ lâu, đáng ra phải được thi công từ nhiều năm trước. Song do chiến tranh, đành chấp nhận sống chung với lũ tự bao đời. Từ 3 dòng sông gây ra, thiệt hại lớn cho các huyện thuộc hữu ngạn sông Chu. Huyện Nông Cống có năm nước lũ ngập tận hành lang công sở huyện, đồng ruộng mênh mông trắng nước, đường làng, ngõ xóm thành sông. Những người làm báo về Nông Cống công tác, gặp những ngày tháng ngập lụt diễn ra, từng bồng bềnh trên ca nô lướt qua những cánh đồng biển nước khi đi tác nghiệp. Thương người nông dân dầm dãi một nắng hai sương, nhưng đến ngày vào mùa thu hoạch, chịu ngậm ngùi đứng nhìn thân lúa ngâm lâu ngày trong nước. Mùa màng thất bát, cái nghèo cứ lẽo đẽo theo sau...

Cải tạo 3 dòng sông dẫu lúc này là khó khăn chồng chất, cái gì cũng thiếu. Sau chiến tranh, kinh tế cả nước còn trong khủng hoảng, Thanh Hóa đâu có thoát ra khỏi bối cảnh ấy. Sự thật bữa ăn hàng ngày còn phải độn thêm sắn, khoai, hạt mì mạch. UBND tỉnh phải cử cán bộ vào Nam ra Bắc tìm nguồn mua thêm vẫn không đủ để cân đối để phân phối theo định lượng. Nguồn ngân sách càng ngặt nghèo. Thi công 3 công trình lớn nhưng cơ giới có gì đáng kể. Có được chút đỉnh đều dành cho xây lắp các công trình kỹ thuật. Vốn giàu có lớn nhất lúc này là: Thời gian, không gian, lao động, lòng người ưng thuận. Đó là động lực, để khi triển khai mọi vấn đề đều thông dòng, bén giọt. Lao động do các HTX huy động lên công trường; hậu cần HTX cung cấp, công cụ lao động, chủ yếu là cuốc, thuổng, mai, xe thô sơ, xe đạp thồ, người lao động lên công trường mang theo, lao động chủ yếu bằng công cụ thô sơ, nhưng phải làm những phần việc “Đào non lấp biển” để chinh phục những dòng sông. Có người gọi đây là công trường “đại thủ công”.

Sông tiêu thủy “Đông – Thiệu – Thị” ngoài việc nạo vét lòng sông, phải đào mới hơn 10 km để nắn dòng, chuyển hạ lưu về phía Đông, xây đập đầu mối tại xã Quảng Châu, Quảng Xương (nay thuộc TP Sầm Sơn) đổ nước trực tiếp ra cửa Lạch Hới. Công trình mang tên “Sông thống nhất Quảng Châu” chào mùa xuân lịch sử đất nước thống nhất.

Sông Hoàng có chiều dài 93 km, chảy xuyên qua các huyện Thọ Xuân, Triệu Sơn, Đông Sơn, Nông Cống đổ nước ra cửa Tế Độ (Nông Cống). Sông Hoàng do hợp lưu với sông Nhơm, sông Yên nên hàng năm gây nên ngập úng nhiều vùng, nhất là các huyện vùng hạ lưu Nông Cống, Quảng Xương chịu thiệt hại lớn. Theo thiết kế phải chuyển cửa sông Hoàng về phía hạ lưu tại Ngọc Trà (thuộc xã Quảng Trung, Quảng Xương) khoảng cách 30 km sông mới để nắn dòng, đổ nước sông Hoàng về cửa Lạch Mom (Lạch Ghép). Hệ thống sông Lý, có chiều dài 22 km nằm gọn trên địa bàn huyện Quảng Xương, dòng chảy xuyên suốt từ phía Bắc xuống phía Nam huyện. Cực Bắc hợp lưu với sông nhà Lê, tại cầu Cảnh thuộc xã Quảng Yên; cực Nam hợp lưu với sông Yên tại Đò Trường, hợp lưu với sông Yên. Quá trình thi công phải cắt bỏ 6 cổ bầu nắn dòng, nạo hút bùn chuyển dòng từ phía Nam sang phía Đông, hoành triệt âu thuyền Hòa Trường, đào 4,5 km sông mới đổ nước trực tiếp ra cửa Lạch Mom (Lạch Ghép) xây đập ngăn mặn tại Ngọc Giáp, thuộc địa bàn xã Quảng Thạch (Quảng Xương) xây 5 cây cầu bê tông cốt thép qua sông, trong đó có cây cầu Lý mới (cự ly số 2) đoạn sông mới cắt ngang Quốc lộ 1A tại xã Quảng Chính.

4 năm (1975-1978) mở đầu thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII, chinh phục thành công 3 dòng sông, có thể coi đây là mũi đột phá, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp trên một vùng rộng lớn, đem lại hiệu quả rõ rệt. Sau cải tạo, theo kế hoạch tiếp tục hoàn thiện hệ thống kênh cấp I, cấp II, cải tạo mặt bằng đồng ruộng, đưa cơ giới vào hoạt động, chuyển chế độ canh tác từ đổ dần sang đổ nỏ nâng độ phì cho đất. Áp dụng các biện pháp thâm canh, năng suất cây trồng mỗi năm một tăng từ 4,5 tấn thóc/ha/năm lên 6 - 7 tấn thóc/ha/năm. Có thể nói, cải tạo thành công những dòng sông, mọi mặt hoạt động đều khởi sắc.

Mọi sự thành công vẫn từ bài học muôn thuở “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Một quyết định đúng hợp lòng người, dân được bàn, thỏa nhân tâm, người lên công trường như đi mở hội. Công trường cải tạo dòng sông Lý, tỉnh huy động 81.500 lao động các huyện đồng bằng về tăng cường. Ngày khởi công cả rừng người xuất hiện. Loạt bộc phá phát nổ trên đỉnh núi Chẹt, lệnh động thổ diễn ra đồng loạt tại các tiểu công trường. Dòng sông Lý tỉnh giấc, chuyển mình. Công trường sông Lý vinh dự được Tổng Bí thư Lê Duẩn vào thăm.

Xin mượn những dòng thơ của thi sĩ Hồ Dzếnh nói lên thành công cải tạo 3 dòng sông gây được ấn tượng đậm nét trong lòng người. Sau ngày cải tạo dòng sông Lý, mùa xuân 1978, thi sĩ Hồ Dzếnh về thăm quê mẹ (bố thi sĩ người Trung Quốc, mẹ người Việt quê tại xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương), đứng trước dòng sông, trước những đổi thay của quê mẹ, ông ngỡ ngàng:

“Có phải nơi đây đất Quảng Xương

Người cằn như đất, đất như xương

Nay sông thay đất, người thay kiếp

Mương tưới mương tiêu, hết chán chường”.

Và thi sĩ như thì thầm với người thân:

“Muốn kể em nghe nhiều chuyện nữa

Chuyện nào, thôi, cũng chuyện ngày xưa”.

Cải tạo 3 dòng sông trong bối cảnh đất nước, quê hương vừa thoát khỏi chiến tranh, trước mặt là núi khó khăn. Song, từ quyết định hợp lòng dân – dân được bàn, mọi khó khăn dân nhận phần lớn trách nhiệm về mình, tự biến những điều không thể thành có thể.

Nguyễn Văn Giá

Nguyên Tổng Biên tập Báo Thanh Hóa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]