(Baothanhhoa.vn) - Trên hành trình về với biển, sông Mã không chỉ trải đầy phù sa bồi tụ nên xóm, nên làng mà còn tạo nên những cửa biển mênh mông sóng nước, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, nhiều thương cảng sầm uất một thời, thấm đẫm giá trị lịch sử - văn hóa. Hội Triều là một trong những cửa biển như thế!

Cửa biển Hội Triều xưa và nay

Trên hành trình về với biển, sông Mã không chỉ trải đầy phù sa bồi tụ nên xóm, nên làng mà còn tạo nên những cửa biển mênh mông sóng nước, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, nhiều thương cảng sầm uất một thời, thấm đẫm giá trị lịch sử - văn hóa. Hội Triều là một trong những cửa biển như thế!

Cửa biển Hội Triều xưa và nayDẫu đã mang nhiều đổi thay, cửa biển Hội Triều hôm nay vẫn giữ được vai trò, vị thế quan trọng trong phát triển kinh tế biển xứ Thanh, vẫn được bồi đắp thêm những tầng sâu lịch sử - văn hóa. Một góc Cảng Lạch Hới (TP Sầm Sơn).

Con sông Mã kiêu hùng chảy từ thượng nguồn tới khu vực Ngã ba Bông chia làm hai nhánh, một nhánh chảy từ địa đầu núi Sơn Trang thuộc địa phận xã Hoằng Khánh (nay là xã Hoằng Xuân) qua huyện Hậu Lộc xuống Lèn rồi ra Lạch Sung; một nhánh chảy theo hướng Bắc - Nam, gặp sông Chu ở ngã ba sông rồi rẽ theo hướng Đông chảy xuống Hàm Rồng, đổ ra cửa biển Hội Triều. Cửa biển Hội Triều (còn có tên gọi khác là cửa Trào, cửa Lạch Trào, cửa Hới) là ranh giới giữa huyện Hoằng Hóa ở phía Bắc và TP Sầm Sơn ở phía Nam. Cửa biển này có đặc điểm rất khác biệt, dân đi biển thường nhắc nhau: “Cửa Vích dễ vào, cửa Trào khó ra”.

Theo sách “Địa chí văn hóa Hoằng Hóa” miêu tả: “Cửa Hội Triều, tuy không có núi kề bên, song là một cửa biển lớn, sông biển mênh mang, những khi triều trướng nước liền trời”. Cùng với Y Bích, cửa Hội Triều góp phần làm nên cái danh giá của vùng đất cổ Hoằng Hóa:

“Đất giáp đông điền, núi hiên ngang

Rồng cuộn lưng mềm, tán lá giăng

Nam mở Triều Tông, vòng cát bọc

Bắc tràn Y Bích, buổi triều dâng

Chân đá lội sông, sông chẳng chuyển

Đầu non nhìn biển, biển thêm cường

Đông Nam một cõi, Vi Hoa huyện

Mỗi tấc non sông, một tấc vàng”.

Không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, hữu tình, Hội Triều là một cửa biển có tính chất “then khóa”, thương cảng tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Tác phẩm “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi viết: “Các người ngoại quốc không được tự tiện vào trong nội trấn, tất cả đều phải ở Vân Đồn, Vạn Ninh, Cầu Hải, Hội Thống, Hội Triều, Thông Lĩnh, Phú Lương, Tam Kỳ, Trúc Hoa”. Từ chi tiết ấy, tác giả Nguyễn Văn Chuyên khi viết cuốn sách “Các thương cảng ven biển Bắc Trung bộ thế kỷ X - XIX” đã nhận định: “Như vậy, đầu thế kỷ XV, Hội Triều là một trong tổng số 9 địa điểm chính quyền Lê sơ cho phép thương nhân ngoại quốc đến buôn bán. Điều đó phần nào cho thấy tầm quan trọng của Hội Triều trong hoạt động thương mại của Đại Việt lúc bấy giờ”. Cuốn sách “Hoằng Hóa phong vật” khẳng định: “Cửa biển Hội Triều, thuyền chuyển vận cho kinh thành cùng thuyền buôn Nam - Bắc ra vào như mắc cửi, là nơi đẹp nhất trong số 12 cửa biển của Thanh Hóa”, đúng như câu ca người xưa: “Mười hai cửa bể cũng nể cửa Trào”.

Với những điều kiện tự nhiên thuận lợi, phát triển giao thương, nguồn lợi thủy, hải sản phong phú, khu vực cửa biển Hội Triều trở thành nơi định cư sớm. Tại huyện Hoằng Hóa, cửa biển Hội Triều gắn liền với sự hình thành và phát triển của các làng như: Hội Triều, làng Lam Cầu, Bái Cầu, Đại Trung... bao người hiển đạt, thành danh, làm vẻ vang cho Hoằng Hóa: “Hoằng Hóa diện tham thiên chi bán/ Hội Triều lưu vạn cổ chi phương” (huyện Hoằng Hóa nổi tiếng giỏi nửa trời/ Đất Hội Triều lưu hương thơm muôn thuở). Trong đó, tên gọi Hội Triều gắn với địa danh làng Hội Triều (Trào), xã Hoằng Phong. Người xưa gọi tên làng Hội Triều chỉ đơn giản là do địa thế của làng ở vào nơi có các con sông hội tụ và có nước thủy triều lui tới. “Địa chí làng Hội Triều” ghi rõ: “Từ hơn ba trăm năm trở lại đây, sông Mã đổi dòng, đổ ra biển ở cửa Hội Triều, bến nước sát rìa phía Đông Nam của làng. Chuyện xưa kể rằng, Nguyễn Hữu Cầu từng ôm ngựa gỗ của nghè Ba Xã mà bơi thoát sang Sầm Sơn”.

Lịch sử hình thành và phát triển làng Hội Triều gắn liền với vai trò của các dòng họ như: Lương, Trương, Hoàng Đình, Hoàng Văn, Trần, Cao, Nguyễn, Lê... Trong đó không thể không nhắc đến những đóng góp quan trọng của dòng họ Lương cùng hai nhân vật tiêu biểu, lưu danh sử sách quê hương, đất nước là: Bảng nhãn Lương Đắc Bằng (1472-1516), Thượng thư Lương Hữu Khánh (1517-1590) - con trai của bảng nhãn Lương Đắc Bằng. Cuộc đời và sự nghiệp của Bảng nhãn Lương Đắc Bằng gói gọn trong bốn chữ: “Thức giả thời loạn”. Nổi tiếng là thần đồng đất học Cổ Hoằng, lớn lên thành tài, đỗ đạt khoa bảng nhưng vốn không thể ngoảnh mặt làm ngơ trước những điều bất bình trong xã hội, triều đình nên đã từ chối vinh hoa, chức tước, về quê làm một ông thầy đồ ngày ngày gõ đầu trẻ, gieo mầm tương lai. Trước khi từ quan, hồi hương, với tất cả tài năng, tâm huyết, tấm lòng đau đáu vì xã tắc, Nhân dân, ông dâng lên nhà vua “Trị bình thập tứ sách” - 14 kế sách trị nước. Tuy những kế sách ấy không được thực hiện nhưng giá trị, ý nghĩa của nó cùng tấm lòng của Bảng nhãn Lương Đắc Bằng được sử sách và người đời hết lòng ca tụng.

Thừa hưởng cốt cách, tinh thần, trí tuệ từ cha mình, từ nhỏ, Thượng thư Lương Hữu Khánh đã có “thiên tư thông tuệ, chưa đến mười tuổi đã thuộc nhiều văn sách, lại văn hay, chữ tốt”. Thượng thư Lương Hữu Khánh sống cương trực, thanh liêm, tính tình lại giản dị, an nhiên, nếp sống thanh cao, hào sảng. Ông được xem nhân vật trọng yếu của triều đình nhà Lê, công thần thời Lê Trung hưng.

Những tinh thần, cốt cách, sự nghiệp như Bảng nhãn Lương Đắc Bằng, Thượng thư Lương Hữu Khánh gắn với các di tích lịch sử - văn hóa đã góp phần làm nên truyền thống tốt đẹp của quê hương, của một vùng cửa biển Hội Triều.

Theo thời gian, những tác động về mặt tự nhiên và nỗ lực quai đê, lấn biển của con người khiến cho biển lùi, làng Hội Triều không còn nằm sâu trong cửa biển mà cửa biển cũng theo đó lùi xa về phía Đông Nam, chính là cửa biển Lạch Hới, TP Sầm Sơn hiện nay. Trong không gian cửa biển Hội Triều, Cảng Lạch Hới thuộc phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn ghi dấu ấn lịch sử đậm nét của tỉnh Thanh Hóa nói riêng, cả nước nói chung. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954), thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Thanh Hóa được chọn làm địa điểm trao trả tù binh Pháp và đón tiếp cán bộ, bộ đội, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc tại Cảng Lạch Hới. Các chuyến tàu chở cán bộ, đồng bào và các cháu học sinh miền Nam đầu tiên tập kết ra Bắc đã được chào đón trong niềm hân hoan, thắm đượm nghĩa tình của Nhân dân Sầm Sơn và tỉnh Thanh Hóa. Ghé thăm Cảng cá Lạch Hới vào lúc tàu thuyền tấp nập vào bờ, chở nặng tôm, cá tươi xanh, nảy mình tanh tách trước sự háo hức, chờ mong của cả ngư dân và những thương lái mới cảm nhận hết được không khí nhộn nhịp, sức sống nơi cửa biển này.

Nguyên Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]