(Baothanhhoa.vn) - Các dân tộc sống quây quần trên đất Thanh, chỉ có 3 cộng đồng Thái, Mường, Kinh sử dụng âm nhạc cồng chiêng. Tiếng cồng bôông bôông, tiếng chiêng bu ru âm vang núi rừng âm u, lay động cả vùng quê bát ngát. Đời sống văn hóa tinh thần của họ tứ thời bát tiết không thiếu âm thanh cồng chiêng, một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cồng chiêng các dân tộc ở Thanh Hóa

Các dân tộc sống quây quần trên đất Thanh, chỉ có 3 cộng đồng Thái, Mường, Kinh sử dụng âm nhạc cồng chiêng. Tiếng cồng bôông bôông, tiếng chiêng bu ru âm vang núi rừng âm u, lay động cả vùng quê bát ngát. Đời sống văn hóa tinh thần của họ tứ thời bát tiết không thiếu âm thanh cồng chiêng, một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc.

Trên mặt trống đồng Đông Sơn – sông Mã khắc họa hình ảnh ngôi nhà sàn, bên trong treo la liệt những chiếc cồng chiêng và một người đang làm động tác đánh. Đó là căn cứ để nhà nghiên cứu đoán định cồng chiêng xuất hiện từ thời đại các vua Hùng dựng nước. Tôi nghĩ cồng chiêng có thể là tiền thân của trống đồng. Hình ảnh cấu tạo trống đồng là sự phát triển của chiếc cồng chiêng, kéo dài thêm cái thân và cái chân (cái chân thực ra là cái miệng loe để khuếch tán âm thanh).

Người Kinh Thanh Hóa phân biệt rất rõ cồng với chiêng: Cỡ nhỏ, dày là cồng, loại to, mỏng hơn là chiêng. Do đó họ cũng xác định chức năng: Cồng phát tín hiệu, truyền tin tức; chiêng tham gia đánh nhạc. Không nên lầm lẫn chiêng với chuông, hai loại hình cấu tạo và mục đích sử dụng hoàn toàn khác nhau. Người Mường với người Kinh, “con một cha nhà một nóc”, tiếng Mường là tiếng Việt cổ, ngôn ngữ của bà con gọi coóng (biến âm cồng) và tất cả các loại to, nhỏ đều chung một từ “coóng”, chỉ phân biệt bằng tên riêng. Người Thái có lẽ mượn từ “coóng” của người Mường và “coóng dàm” là bộ cồng có chiêng cái và trống lớn. Trong ngôn ngữ Mường có từ “bua” là chiêng, nhưng không được dùng từ “bua” đi kèm với từ “coóng”. Nói cho đầy đủ, người Mường Thanh Hóa trước đây phổ biến loại hình diễn xướng “xéc bùa” chúc mừng năm mới, được giải thích xéc là xách, bùa là chiêng, xéc bùa là xách chiêng.

Mỗi giàn nhạc cồng chiêng người Thái chỉ có 4 chiếc đặt tên cồng mẹ (lớn nhất), tiếp theo các cồng tùy theo kích cỡ: Cồng chị, cồng em, cồng út. Ngoài nhạc cụ đồng còn thêm nhạc cụ da: Trống to, tang bằng gỗ đục rỗng thân cây, bịt da trâu đực. Bộ cồng chiêng của họ đầy đủ như vậy gọi là bộ dàm. Phải chăng vì âm thanh cồng 4 chiếc quá nghèo, khó đánh giai điệu nên phải thêm chiếc trống? Họ sử dụng “bộ dàm” trong việc vui, cả việc buồn. Nhạc cồng chiêng Thái tương đối đơn giản, đại khái gõ chiếc thứ nhất, đến chiếc thứ ba mới đến chiếc thứ hai, rồi đến chiếc thứ tư (cách quãng một chiêng để tránh đơn điệu), rồi chiếc thứ hai, chiếc thứ tư, chiếc thứ hai... Tạo thêm sự hấp dẫn của cồng chiêng Thái nhờ chiếc trống da góp phần quan trọng khi đánh nhịp điệu, làm phong phú hơn tiết tấu. Bộ cồng chiêng Thái có trống cũng gọi là “coóng dàm” như người Mường (gọi tắt bộ dàm). Trong đời sống văn hóa tinh thần, người Thái như người Mường, vui với tiếng chiêng vui, buồn với tiếng chiêng buồn. Mùa xuân, bà con Thái mở hội kin chiêng boóc mạy, mừng hoa ban nở trắng rừng. Anh em Mường tổ chức hội pôồn pôông, vui trăm hoa đua nở mùa xuân. Một số cán bộ sưu tầm và nghiên cứu cho rằng trên miền Bắc, chỉ riêng người Mường xứ Thanh có hội pôông pông. Sống chung với đồng bào Mường trên cùng địa bàn, bà con Thái cũng mở hội pôồn pông, đậm đà ý nghĩa phồn thực, thực chất cũng là lễ hội cầu mùa, cầu ấm no, hạnh phúc.

Có lẽ bộ cồng chiêng Thái 4 chiếc là 4 mùa xuân, hạ, thu, đông, niềm vui và cả nỗi buồn đến suốt quanh năm, nhưng niềm vui nhiều hơn, ngoài hội mừng hoa nở, mừng cuộc sống sinh sôi, còn có múa xòe, tung còn, chơi chùa, đám cưới... Âm thanh cồng chiêng tạo bầu không khí rộn rã, tưng bừng, nhân niềm vui gấp bội, để câu hát khặp trữ tình hơn, để tiếng cười thêm giòn tan, gọi bản gần mường xa kéo tới chung vui.

Người Mường cư trú rất rộng, có mặt ở nhiều nơi. Hai địa bàn trung tâm là Hòa Bình, Thanh Hóa. Xứ Thanh như một miền đất hứa hấp dẫn người Thái Tây Bắc vào, người Mường Hòa Bình đến, cả một vài nhóm Thái bên Lào cũng sang. Anh em đều vui sống hòa hợp, nhưng sắc thái Thanh Hóa vẫn luôn luôn vượt trội ở nhiều mặt.

Thanh Hóa với Hòa Bình gần gũi như bà con láng giềng, đồng bào cùng nguồn gốc Lạc Việt có điểm chung cũng nhiều nét riêng. Bộ cồng chiêng Mường Thanh Hóa với bộ cồng chiêng Mường Hòa Bình đều 12 chiếc, nhưng tên gọi và phân loại khác nhau. Người Mường Hòa Bình, đóng đôi thành từng cặp chiêng đực và chiêng cái, chiêng đực nhỏ, chiêng cái cỡ lớn. Tùy theo kích thước, mỗi cặp đực cái kèm theo số thứ tự. Nói chung là như vậy. Nhưng các nhạc sĩ chuyên sâu nghiên cứu cồng chiêng ở các vùng Mường Hòa Bình (Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng, Mường Đông) có nhiều ý kiến về cách gọi tên chiêng khác nhau. Tuy nhiên, vấn đề không thuộc phạm vi bài này, chúng ta không bàn tới. Chỉ riêng con số 12 cồng chiêng Mường Hòa Bình giống cồng chiêng Mường Thanh Hóa. Cả hai địa phương đều giải thích ý nghĩa là 12 tháng, vòng thời gian của một năm, giống như vòng luân hồi trở đi trở lại, hết năm này qua năm khác không bao giờ ngừng nghỉ. Ở Thanh Hóa, có nơi còn giải thích 12 là tứ thời bát tiết. Tứ thời: Xuân, hạ, thu, đông; bát tiết: Xuân phân, thu phân, hạ chí, đông chí, lập xuân, lập hạ, lập thu, lập đông. Tứ thời bát tiết cộng lại là 12 “thời tiết” là cụ thể hóa 12 tháng, là những thời tiết chính trong một năm quan hệ tới thiên nhiên, con người và vạn vật. Triết lý vũ trụ và nhân sinh người Mường Thanh Hóa biểu hiện ở cồng chiêng (cũng như trống đồng), gồm “ba tầng thế giới” hay “ba tầng bốn thế giới”, hai cách giải thích khác nhau, tựu chung chỉ là một: Tầng thế giới mường TRỜI, tầng thế giới mường NGƯỜI, tầng thế giới mường MA. Trong mo sử thi “Đẻ đất, đẻ nước” có tầng thế giới mường GIỮA, thực ra cũng thuộc mường TRỜI. Trên mặt cồng chiêng núm chiêng là thế giới nhà trời, mặt chiêng là thế giới trần gian, vành chiêng là thế giới âm phủ. Vì thế, việc vui kiêng gõ vào vành chiêng. Ba tầng thế giới thể hiện không gian, kết hợp 12 chiêng nói lên thời gian. Do đó, tiếng chiêng có sức mạnh kỳ diệu bao quát cả trời đất, chuyển biến cả thời tiết, giao tiếp thần linh, xua tan hắc ám, kêu gió, gọi mưa, đuổi ma dữ, đón ma lành, phối hợp âm dương cho muôn loài sinh sôi, vạn vật nảy nở...

Trước đây, tục diễn xướng xéc bùa rất thịnh hành ở Thanh Hóa. Bộ chiêng xéc bùa cũng gồm 12 chiếc. Đêm ba mươi rạng sáng mồng một Tết Nguyên đán, phường xéc bùa xách cồng chiêng đến từng nhà chúc mừng năm mới. Tiếng chiêng mang đến mọi nhà sự tốt lành, cho gia đình bình yên trong năm mới 4 mùa, 8 tiết đều vạn sự tăng tiến.

Về mặt âm nhạc, cách phân loại gọi tên nhạc cụ cồng chiêng Mường Thanh Hóa, căn cứ vào tiêu chí kích cỡ và chức năng. Một bộ cồng chiêng Mường ở đây 12 chiếc được gọi từ chiêng một đến chiêng chín, chiêng dàm là chiêng cái to nhất. Đặt ngửa lòng chiêng Cái tức chiêng Mẹ lên, người Mẹ đông con ôm ấp vào lòng mình đủ tất cả “đàn con chín đứa”, từ lớn nhất đến nhỏ nhất: Chiêng Cả, chiêng Hai, chiêng Ba, chiêng Bốn, chiêng Năm, chiêng Sáu, chiêng Bảy, chiêng Tám, chiêng Chín. Chiêng thứ chín, chiêng cuối cùng, chiêng rốt, thường gọi là chiêng Út. Cách gọi tên con theo thứ tự là cách cổ xưa. Không thấy cha chỉ thấy Mẹ. Chúng ta nhớ đến trò diễn dân gian Một mẹ mười con đời Trần và trò Tú Huần Xuân Phả cũng “Một mẹ sinh được mười con” cũng không có nhân vật cha.

Và ngay ở diễn xướng xéc bùa, 12 người Mường xách chiêng đều là nữ. Phải chăng vai trò “cái”, “Mẹ” chủ thể phản ánh thời kỳ chế độ mẫu hệ, thời kỳ cồng chiêng ra đời? Trống đồng Đông Sơn – Sông Mã độ tuổi gần ba ngàn năm trước, thì tuổi cồng chiêng vào khoảng hơn ba ngàn, gần bốn ngàn năm. Bấy giờ các Vua Hùng đều là nam giới, nhưng chế độ mẫu hệ, vẫn tồn tại vai trò người Mẹ trong gia đình, ngoài xã hội. Nếu không, Bà Triệu không thể “nhất hô thiên hạ biến”, hô một tiếng muôn người hưởng ứng, thiên hạ “kéo đến như mây”. Sau Bà Triệu (thế kỷ III) mẫu quyền, như ngọn đuốc cháy bùng lên rồi tắt ngấm, phong trào đấu tranh chống ngoại xâm chuyển vai trò lãnh đạo sang nam giới.

Chiếc cồng bé nhất, cồng út ở bộ cồng chiêng, người Mường cũng gọi là coóng tức cồng, dùng dùi đánh, gõ, không đấm bằng nắm tay như đối với cồng chiêng lớn. Tuy cồng nhỏ nhưng âm thanh rất cao, trong trẻo, trái với cồng cái âm trầm, vang dội, khi đánh chồng âm, cũng làm chức năng điểm nhịp, giữ nhịp, dẫn nhịp cho các chiêng khác đánh giai điệu, tạo giai điệu theo bài bản nhất định. Ngoài một cồng út, một cái, có tám chiêng chia làm hai âm khu: Âm khu cao, âm khu trung với chức năng phối hợp đánh giai điệu tạo ra những hòa âm, chồng âm tinh tế, thú vị, hấp dẫn người nghe. Ngoài một cồng út, một chiêng cái, tám chiêng, còn hai chiếc lăng khăng có nhiệm vụ đánh lên những âm (nốt) hoa mỹ “trang điểm” cho bài chiêng. Góp phần tạo nên sự hấp dẫn, tinh tế, thú vị của nhạc chiêng không phải chỉ ở bài bản mà còn do lăng khăng quyết định tính vui nhộn của diễn tấu. Phải chăng vai trò lăng khăng của cồng chiêng Mường Thanh Hóa có thể ví như hai chú bé chạy nhảy tung tăng nhưng không hề lộn xộn, phá phách mà trật tự, bài bản tạo ra hiệu quả âm thanh đẹp đẽ, tươi tắn cho giai điệu thêm sinh động, từng bừng, vui rộn... Ở cồng chiêng Mường địa phương khác gọi là boòng beeng?

Người Thái với bộ cồng chiêng 4 chiếc không thể tạo được âm thanh phong phú, tất yếu phải bổ sung thêm chiếc trống da lớn và họ gọi là “coóng dàm”. Có lẽ vì nhiều địa bàn ở Thanh Hóa người Mường sống chung với người Thái, giàn cồng chiêng Mường cũng bổ sung thêm chiếc trống lớn tang gỗ, bịt da trâu đực. Do đó, ý kiến cho rằng bộ cồng chiêng Mường thêm chiếc trống dàm Thái, là chịu ảnh hưởng của trống xòe người Thái chẳng phải không có cơ sở. Rồi trước lạ sau quen, với giàn cồng chiêng đủ bộ 12 chiếc, đôi khi người ta cũng thêm chiếc trống da, cùng làm nhiệm vụ điểm nhịp, hòa nhịp với chiêng mẹ, tiếng đồng trộn lẫn tiếng da, vì đều là âm trầm nên hiệu quả âm thanh rất to vang, sức cổ vũ lớn hơn, mạnh hơn, nhưng liệu có làm ảnh hưởng ít nhiều tới sắc thái âm nhạc cồng chiêng, một loại hình diễn tấu đặc sắc, vừa dễ tính vừa khó tính?

Trong thực tế, bộ trống dàm (coóng dàm) của người Thái rất thích hợp với lễ hội, đám hội và cuộc vui tập thể nói chung như Cá Sa, Xèng Khàn, Kin Kiêng boóc mạy, Tung còn, Chơi chùa... gây không khí náo nhiệt, lan tỏa, vang xa... Tuy nhiên, như đã nói, tính cổ động của nó rất mạnh, nhưng yếu về nhu cầu thưởng thức nghệ thuật âm nhạc.

Trong nhạc tế, rước thần linh của người Kinh, vai trò chiếc cồng đại không thể thiếu. Với đám ma, lúc đưa linh, người Kinh dùng phèng la, còn gọi mã la, một loại chiêng bằng, không có núm, thường có dấu vết gõ bằng búa. Cấu tạo phèng la mỏng (không dày như chiêng núm, chiêng vú) âm thanh rất trầm, hơi khàn khàn, nhưng cũng vang xa, tuy kém cồng chiêng. Nhạc cụ bằng đồng này, chuyên dùng làm hiệu lệnh dẫn đường linh cữu nên thường gọi cái lệnh. “Ễnh ương đánh lệnh đã vang, tiền đâu mà trả cho làng, ngóe ơi!” (Cao dao trào phúng). Chiêng đơn (cỡ đại) phối hợp với giàn nhạc chiếng trống tỏ ra “duyên nợ phải chiều”. Giàn nhạc trống cái da trâu, trống bản da bò, một trống khẩu, một mõ tre, đôi chũm chọe. Trống bản đủ bộ phải bốn chiếc, một cặp anh, một cặp em.

Chiêng đại với giàn nhạc trống, phối hợp trống cái đánh nhịp trong nhạc rước và thay vị trí trống cái trong nhạc tế, để trống cái cũng đánh giai điệu cùng trống bản. Người đánh trống chiêng có loại khéo, vụng, hay, dở khác nhau, thể hiện rõ nhất ở những ngón rung, ngón gõ; trống không kiêng gõ vào tang, chiêng không kỵ đánh vào vành, theo âm hình chủ đạo “cắc tùng, cắc cắc tùng tùng...”, “bình beeng, bu ru...” sự phối hợp nhuần nhuyễn tiếng đồng với tiếng cách (da) thật tài tình. Nếu ai bảo đánh trống tế phải có năng khiếu cũng không ngoa. Trong không khí trang nghiêm, thành kính, ngào ngạt khói hương, khi trống chiêng im bặt, chiếc trống khẩu ông chủ tế cầm tay mới “tung tung” nhỏ nhẹ lên tiếng mà thanh âm nghe rất rõ. Nó điều khiển ban hành lễ nhịp nhàng, lui, tiến, quỳ xuống, đứng lên... theo từ ngữ chuyên môn riêng. Với nhạc tế, nhạc rước, nhạc hội... tiếng chiêng vừa mang tính cổ động, vừa đóng vai trò đặc biệt trong diễn tấu có sức rung động lòng người, chuyển động cả đất trời.

Nhạc cồng chiêng Mường Thành Hóa được đánh giá rất cao trong chuyên luận Cồng chiêng Mường (NXB Lao động) của nhạc sĩ Kiều Trung Sơn về cấu trúc “khung đom”, ở bài nhạc cồng chiêng Mường Thanh Hóa, nét sáng tạo không thấy xuất hiện tại vùng Mường nào khác.

Mùa lễ hội ở Thanh Hóa diễn ra cả “tứ thời bát tiết”. Rất tiếc, những ngôi làng Việt, tiếng chiêng tế thần, rước thánh chỉ còn trong ký ức xa mờ; tại các vùng Mường, Thái, cồng chiêng là vật gia bảo hiếm hoi. Đồng bào Mường đang đặt vấn đề khôi phục văn hóa cồng chiêng, nhưng có lẽ phải rất lâu mới thành hiện thực, nếu ngành văn hóa không tích cực ra tay. Đành rằng đúc chiêng hiện nay khó hơn đúc trống đồng, vì trống đồng chỉ để trưng bày còn đối với chiêng, một thể loại nhạc khí, âm thanh phải chuẩn xác, nhưng người thợ đúc lành nghề, ai đã nắm vững kỹ thuật đúc chuông chùa, có thể đúc chiêng đồng. Dĩ nhiên, đúc cả bộ chiêng Mường đủ 12 chiếc, chắc chắn không dễ. 12 chiêng là 12 cung bậc, sắc thái âm thanh là 12 bài toán khó, phải nắm công thức, tỷ lệ đồng, chì, thiếc, kẽm, sắt, độ nung cần thiết... Chúng ta quyết tâm hành động, chắc chắn thành công sẽ tới để tiếng cồng chiêng âm vang khắp nơi trong mùa lễ hội dân gian xứ Thanh.

Hoàng Tuấn Phổ



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]