(Baothanhhoa.vn) - Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa đã huy động hơn 178.000 dân công tuyến lửa, hơn 3.500 xe đạp thồ, 31 xe ô tô, 180 xe bò và rất nhiều phương tiện khác để tải lương lên Điện Biên. Bằng chiếc xe đạp thồ cùng đôi quang gánh thô sơ, lực lượng thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến Thanh Hóa đã vượt hàng trăm cây số đường rừng giữa mưa bom bão đạn, dốc cao vực sâu, để đưa hàng ngàn tấn lương thực - thực phẩm, vũ khí, thuốc men... vào chiến trường Điện Biên Phủ. Con đường tải lương in dấu những năm tháng gian lao và hào hùng năm xưa nay đã trở thành một huyền thoại.

Con đường tải lương lên Điện Biên Phủ

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa đã huy động hơn 178.000 dân công tuyến lửa, hơn 3.500 xe đạp thồ, 31 xe ô tô, 180 xe bò và rất nhiều phương tiện khác để tải lương lên Điện Biên. Bằng chiếc xe đạp thồ cùng đôi quang gánh thô sơ, lực lượng thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến Thanh Hóa đã vượt hàng trăm cây số đường rừng giữa mưa bom bão đạn, dốc cao vực sâu, để đưa hàng ngàn tấn lương thực - thực phẩm, vũ khí, thuốc men... vào chiến trường Điện Biên Phủ. Con đường tải lương in dấu những năm tháng gian lao và hào hùng năm xưa nay đã trở thành một huyền thoại.

Con đường tải lương lên Điện Biên PhủDi tích lịch sử Quốc gia đèo Pha Đin huyền thoại.

Theo tài liệu lịch sử và lời kể của các nhân chứng, để vận chuyển hàng hóa, lương thực và vũ khí khí tài lên phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, dân công và thanh niên xung phong Thanh Hóa đã phải đi nhiều hướng khác nhau để tránh sự phát hiện và đánh lạc hướng mật thám, máy bay địch. Con đường tải lương được chia như sau: Lương thực chuyển ra từ Liên khu III, Liên khu IV và vùng đồng bằng Thanh Hóa được tập trung ở hai kho lớn: kho Lược (Thọ Xuân) và kho Cẩm Thủy. Từ đây lương thực tiếp tục được chuyển bằng nhiều hướng với nhiều cung đường khác nhau. Đường thứ nhất, từ Thọ Xuân lên Lang Chánh rồi đến Hồi Xuân (Quan Hóa). Đường thứ hai từ Thọ Xuân qua Cẩm Thủy, lên Cành Nàng (Bá Thước), qua Eo Mân, Na Sài rồi đưa về Hồi Xuân. Chặng xa hơn, hàng từ Hồi Xuân đi Phú Lệ, qua đường 15A ngày nay, ra Quốc lộ 6, đến Suối Rút (Mai Châu - Hòa Bình). Từ đây, hàng tiếp tục được chuyển qua ngã ba Cò Nòi (Sơn La) rồi qua đèo Pha Đin, đến huyện Tuần Giáo của tỉnh Điện Biên. Sâu hơn, hàng tiếp tục được chuyển vào kho lớn tại khu rừng Nà Tấu, cách trận địa khoảng 40km. Một hướng khác đi từ Phú Lệ, xuyên rừng qua huyện Mường Lát, sang Thượng Lào rồi vòng về Điện Biên...

Mặc dù Thanh Hóa là địa bàn xa chiến trường Điện Biên Phủ, đường sá đi lại vô cùng khó khăn, nhưng đây là một trong những hậu phương chủ chốt cung cấp lương thực, thực phẩm cho chiến dịch. Mặc dù những cung đường lên Tây Bắc phải trèo đèo, lội suối, có những đoạn phải vừa đi, vừa mở lối, nhưng Nhân dân Thanh Hóa đã khắc phục bằng mọi cách để cung cấp kịp thời sức người, sức của, quyết tâm cùng với cả nước phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ đi đến thắng lợi cuối cùng. Trong ký ức của cụ Hà Thị Đe và cụ Lương Văn Nhặm - cựu dân công hỏa tuyến đang sinh sống tại xã Phú Thanh (Quan Hóa), ngày ấy, những dân công trong vùng thiếu ăn nên gầy gò nhưng tinh thần tiếp vận thì luôn đầy ắp. Họ đều cố giấu nỗi mệt nhọc, thậm chí còn giấu cả bệnh tật để khỏi ảnh hưởng nhiệm vụ chung. Sự hy sinh, cống hiến thầm lặng và vô tư của bao dân công, thanh niên xung phong như hai cụ đã làm nên một con đường huyền thoại mà chính thực dân Pháp thời bấy giờ cũng không ngờ tới.

Quốc lộ 15A xuyên rừng vắt qua núi đèo, in dấu hàng vạn bàn chân các thế hệ cha ông giờ được mở rộng, thênh thang uốn lượn theo triền sông Mã. Trên dọc Quốc lộ 15A thì địa danh Vạn Mai (Hòa Bình) là điểm tập kết lương thực từ Phú Lệ (Quan Hóa - Thanh Hóa) sang để tiếp tục trung chuyển vào tuyến trong. Theo lời kể của ông Hà Văn Chung ở xã Vạn Mai, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình thì khu vực Vạn Mai này từng là nơi đặt 2 kho lương tập kết từ Thanh Hóa sang, sau đó tiếp tục vận chuyển tới trạm trung tuyến tại Suối Rút. Du kích địa phương được phân công chặt gỗ dựng lán để làm kho chứa lương thực, dân công hỏa tuyến ngày nghỉ, đêm dùng đèn dầu để thồ, gồng gánh hàng hóa. Thực dân Pháp cũng đã cho ném bom dữ dội xuống khu vực này, đặc biệt là tại ngã ba Suối Rút - nơi nối giữa hai tuyến đường 15A từ khu 3, khu 4 lên và tuyến đường 12 từ Liên khu II sang để nhập vào Quốc lộ 41 trước kia và là tuyến Quốc lộ 6 ngày nay. Đây được xem là cửa ngõ vào vùng Tây Bắc.

Ngày ấy những cung đường đèo dốc hiểm nguy này là một thử thách lớn đối với ý chí của những “binh đoàn” vận tải bằng sức người. Nhưng với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng, từng đoàn xe thô sơ, gánh bộ nườm nượp nối đuôi nhau vượt qua núi cao, đèo sâu để vào chiến dịch. Trong gian khó, tinh thần thi đua sáng tạo đã góp phần đưa năng suất vận tải tăng vọt, góp phần đảm bảo quân lương, vũ khí, khí tài cho cả 3 đợt diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ. Cụ Trần Khôi - cựu dân công hỏa tuyến phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ nhớ lại: “Mỗi một xe thồ ngày ấy gồm 3 người, một người cầm lái và 2 người đẩy, đến những đoạn đường trơn dốc sẽ có một người đi trước để kéo bánh xe lên. Gian khổ thế nhưng tuyến đường tải lương vẫn vui như trẩy hội, từng đoàn xe thồ và gánh bộ từ Liên khu II, Liên khu III, Liên khu IV lên, từ các tỉnh Đông Bắc sang, rồi ngựa thồ, vận tải đường sông, ô tô vận tải quân khí rầm rập lên chiến trường Điện Biên Phủ trong đêm để che mắt kẻ thù”.

Con đường tải lương phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ trở thành tuyến lửa ác liệt ngay sau khi thực dân Pháp phát hiện ra. Trên suốt dọc tuyến đường từ Suối Rút qua Mộc Châu, Cò Nòi rồi lên tới đèo Pha Đin, có những ngày có tới hàng trăm tấn bom các loại thả xuống, trong đó có cả bom na pan, với mục tiêu phá hủy rừng cây, đường sá, cầu cống, nhằm cắt đứt con đường tiếp viện của ta cho chiến trường Điện Biên Phủ. Cầu Tà Vài nay thuộc xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La nằm trên tuyến đường 6A, huyết mạch nối liền Tây Bắc với Liên khu 3, Liên khu 4 và nước CHDCND Lào là trọng điểm bắn phá ác liệt của thực dân Pháp. Cựu thanh niên xung phong Thái Hữu Hoành - Đại đội 292, Đội thanh niên xung phong 34 hiện sinh sống tại TP Sơn La nhớ rõ: “Trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch, trung bình mỗi ngày cầu Tà Vài hứng chịu ít nhất 1 trận bom. Lực lượng thanh niên xung phong vẫn ngày đêm kiên cường bám trụ, chặt những bó cây to lót xuống dưới để tuyến đường vận chuyển hàng hóa quân lương cho chiến dịch Điện Biên Phủ được thông suốt. Ngày nay, bên cạnh cây cầu mới, cầu Tà Vài cũ với lỗ chỗ những vết bom đạn vẫn được giữ lại để minh chứng cho tinh thần bất khuất của quân và dân ta trong kháng chiến chống Pháp”.

Để chi viện cho chiến dịch, cả 3 tuyến tiếp vận chính hướng từ Việt Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4 lên Điện Biên Phủ đều phải qua ngã ba Cò Nòi thuộc địa phận tỉnh Sơn La. Nơi đây được chọn là điểm tập kết, trung chuyển lớn nhất cho chiến trường Điện Biên Phủ, nơi từng được mệnh danh là “túi bom”, “chảo lửa”, “cửa tử”... Có đợt chúng đánh phá 2 - 3 tuần liên tục, ném bom rải thảm kết hợp nhiều loại bom trong một trận, nhằm hủy diệt lực lượng và làm tê liệt giao thông của ta. Do bị địch đánh phá hết sức ác liệt, địa hình ngã ba Cò Nòi thay đổi từng ngày, đường cũ biến thành hố sâu. Chỉ trong tháng 1 và tháng 2-1954, các chiến sĩ công binh kiên trì bám trụ tại trọng điểm này đã phải vẽ lại sơ đồ ngã ba Cò Nòi tới 19 lần. Tại ngã ba lịch sử này, biết bao máu xương của thanh niên xung phong đã ngã xuống, tô thắm trang sử vàng oanh liệt của lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam. Trong tổng số gần 300 liệt sĩ thanh niên xung phong hy sinh dọc tuyến lửa, thì tại trọng điểm Cò Nòi đã có hơn 100 người ngã xuống. Ngày nay, tại địa danh ngã ba Cò Nòi lịch sử đã dựng lên tượng đài thanh niên xung phong chống Pháp - biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tuổi trẻ Việt Nam. Ngã ba Cò Nòi trở thành địa chỉ đỏ trong giáo dục truyền thống yêu nước của dân tộc. Trở lại ngã ba Cò Còi lịch sử, mặc dù đã nhiều chục năm trôi qua nhưng cựu thanh niên xung phong Thái Hữu Hoành thuộc Đại đội 292, Đội thanh niên xung phong 34 nay đang sinh sống tại TP Sơn La vẫn nhớ rõ sau một trận bom ác liệt, ông được cấp trên phân công dẫn theo một trung đội trèo lên ngọn đồi chi chít hố bom để thu gom thi thể của đồng đội. Từng mảnh thi hài, từng di vật của những người hy sinh được đồng đội gom nhặt cất rất cẩn thận để mang chôn. Ký ức đau thương ấy ám ảnh suốt phần đời còn lại của ông sau này.

Trên dọc tuyến đường huyết mạch vận tải quân lương lên chiến trường Điện Biên Phủ, đèo Pha Đin cũng là điểm di tích lịch sử, là biểu tượng của tinh thần gan dạ với hàng ngàn thanh niên xung phong Việt Nam “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Dốc Pha Đin chị gánh, anh thồ

Đèo Lũng Lô anh hò, chị hát

Dù bom đạn xương tan thịt nát

Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh.

Đèo Pha Đin trong tiếng Thái là “Trời và đất”, hàm ý miêu tả nơi đây là điểm gặp gỡ giữa đất và trời. Cung đường này nằm trên Quốc lộ 6, thuộc ranh giới xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La và xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáp, tỉnh Điện Biên, có độ cao và độ dài kỷ lục. Điểm cao nhất của đèo là 1.648m so với mực nước biển. Đèo dài khoảng 32km, nằm trong hệ thống cao nguyên Tả Phìn có địa thế rất hiểm trở, một bên là vách núi và một bên là vực sâu hun hút, với 8 cung đường cua ngoằn ngoèo hết sức nguy hiểm. Nơi đây ghi dấu chân của hơn 8.000 thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến với hàng vạn lượt xe thồ, gùi gánh và cũng là tuyến đường hành quân của các lực lượng bộ binh, pháo binh lên mặt trận Điện Biên Phủ năm xưa. Nhằm chặn đứng tuyến đường tiếp vận của Việt Minh, suốt 48 ngày đêm ròng rã, tướng Pháp là Đờ-cát-tờ-ri đã cho máy bay oanh tạc đường số 6, cùng với ngã ba Cò Nòi thì đèo Pha Đin bị hứng chịu nhiều nhất lượng bom đạn thực dân Pháp trút xuống. Ông Nguyễn Văn Kí, nguyên là thanh niên xung phong Đội 34, Đại đội 294, Trung đội 1 từng tham gia cắm chốt ngay tại đỉnh đèo Pha Đin nhớ lại: Những ngày đầu, các đội thanh niên xung phong tìm đến, nơi đây còn rất hoang vu. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, bằng ý chí quyết tâm và rất nhiều mồ hôi, xương máu đổ xuống sau những nhát cuốc bạt núi xuyên rừng, một con đường đã được mở ra cho từng đoàn quân, từng đoàn xe thồ băng lên, hướng ra tiền tuyến. Nhiều thanh niên xung phong, dân công đã hy sinh trên tuyến đường này, trong đó có nhiều người con của quê hương Thanh Hóa.

Ngày nay, đèo Pha Đin không chỉ là địa danh lịch sử mà với vẻ đẹp hùng vĩ, quanh năm mây phủ, khí hậu đặc trưng “4 mùa trong ngày” đã trở thành điểm du lịch lý tưởng trên cung đường Tây Bắc trải dài từ Sơn La đến Điện Biên. Đến đây, du khách không chỉ được tìm hiểu về lịch sử chiến tranh cách mạng, mà còn được ngắm cảnh thiên nhiên tươi đẹp. Ngay tại đỉnh Pha Đin lộng gió, nhiều gia đình đã đầu tư trồng hoa, phục vụ du khách tham quan và chụp ảnh. Ở “nơi gặp gỡ của đất trời” này, du khách còn được tìm hiểu những truyền thuyết thú vị về sự phân chia ranh giới của 2 tỉnh Sơn La và Điện Biên.

Con đường tải lương tiếp vận cho chiến dịch Điện Biên Phủ được xây đắp bằng biết bao mồ hôi, nước mắt và xương máu của quân và dân ta năm xưa giờ đã trở thành một huyền thoại. Ngày nay con đường ấy vẫn là tuyến giao thương huyết mạch nối liền các tỉnh Tây Bắc với vùng đồng bằng và con đường ấy vẫn đẹp như bài thơ giữa đại ngàn Tây Bắc hôm nay.

Mai Ngọc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]