(Baothanhhoa.vn) - Trong âm hưởng hào hùng của những ngày tháng 7 lịch sử, chúng tôi trở về nơi thành lập các chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa để cảm nhận niềm hân hoan, phấn khởi xen lẫn tự hào đang lan tỏa khắp từng thôn, phố. Tròn 90 năm, dấu ấn về những ngày đầu tiên có Đảng luôn hiện hữu trên từng “địa chỉ đỏ”, để các thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân nơi đây phát huy truyền thống cách mạng, nỗ lực xây dựng quê hương phồn thịnh, đẹp giàu.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bước ngoặt lịch sử

Trong âm hưởng hào hùng của những ngày tháng 7 lịch sử, chúng tôi trở về nơi thành lập các chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa để cảm nhận niềm hân hoan, phấn khởi xen lẫn tự hào đang lan tỏa khắp từng thôn, phố. Tròn 90 năm, dấu ấn về những ngày đầu tiên có Đảng luôn hiện hữu trên từng “địa chỉ đỏ”, để các thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân nơi đây phát huy truyền thống cách mạng, nỗ lực xây dựng quê hương phồn thịnh, đẹp giàu.

Bước ngoặt lịch sửCụm Di tích lịch sử cách mạng Hàm Hạ đã được tu bổ, tôn tạo, trở thành "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng. Ảnh: P.V

Về thăm Hàm Hạ vào đúng dịp huyện Đông Sơn tổ chức lễ khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo Cụm Di tích lịch sử cách mạng Hàm Hạ. Đi trên những con đường thoáng đãng rực rỡ cờ đỏ sao vàng, ngắm những công trình mới được đầu tư xây dựng khang trang, nhìn những cánh đồng trù phú, những kênh mương ăm ắp nước tỏa tới từng chân ruộng, chúng tôi thật tự hào về những đổi thay của một vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Trong không khí long trọng của lễ khánh thành, trang sử vẻ vang về Hàm Hạ cách đây 90 năm lại được tái hiện qua những câu chuyện kể của các cụ cao niên và cả thế hệ sau, những người được “truyền lửa” để viết tiếp mạch nguồn cách mạng. Theo hồi tưởng của cụ bà Lê Thị Cung (phố Hàm Hạ), sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, nhằm xây dựng lực lượng nòng cốt cho cách mạng, mùa hè năm 1930, đồng chí Lê Công Thanh trực tiếp giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Doãn Chấp, xã Hoằng Giang (Hoằng Hóa) trở về Thanh Hóa xúc tiến việc phát triển tổ chức cơ sở đảng. Sau khi nhận nhiệm vụ, đồng chí Nguyễn Doãn Chấp đã về làng Hàm Hạ bắt liên lạc với hội viên Việt Nam Cách mạng thanh niên ở Hàm Hạ và kết nạp 3 đồng chí Lê Bá Tùng, Lê Oanh Kiều, Lê Thế Long vào Đảng Cộng sản. Đến ngày 25-6-1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Doãn Chấp, hội nghị thành lập Chi bộ Hàm Hạ - chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa diễn ra tại nhà ông Lê Oanh Kiều. Đồng chí Lê Thế Long được bầu làm Bí thư chi bộ. Ngay sau khi thành lập, Chi bộ Hàm Hạ đã giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng, đặc biệt dưới sự lãnh đạo của chi bộ, tổ chức “Nông hội đỏ” cũng được thành lập ở Hàm Hạ và từ Hàm Hạ đã phát triển rộng khắp ra các địa phương. Sự ra đời của Chi bộ Hàm Hạ là bước ngoặt quan trọng, mở đầu trang sử mới của phong trào cách mạng ở Đông Sơn nói riêng, Thanh Hóa nói chung dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. 90 năm qua, Hàm Hạ vẫn mãi là niềm tự hào để cán bộ, đảng viên và Nhân dân thị trấn Rừng Thông nói riêng, huyện Đông Sơn nói chung nỗ lực vươn lên, xứng đáng với truyền thống cách mạng anh hùng.

Hòa chung với dòng chảy về nguồn, chúng tôi về xã Thiệu Tiến, nơi được xem là cái nôi của phong trào cách mạng ở Thiệu Hóa. Trong câu chuyện về mảnh đất giàu truyền thống cách mạng với bác Vương Xuân Hạt - cháu đích tôn của đồng chí Vương Xuân Cát, sự kiện thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Thiệu Hóa luôn được nhắc đến với niềm tự hào sâu sắc. Sau khi thành lập Chi bộ Hàm Hạ, đồng chí Nguyễn Doãn Chấp đã lên vùng Thiệu Hóa liên lạc với các hội viên Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội ở làng Phúc Lộc (xã Thiệu Tiến) để tiếp tục làm nhiệm vụ thành lập chi bộ đảng. Ngày 10-7-1930, Chi bộ Phúc Lộc được thành lập, đồng chí Vương Xuân Cát được cử làm bí thư chi bộ. Đây là một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân huyện Thiệu Hóa. Sau khi ra đời, với chủ trương đúng đắn, Chi bộ Phúc Lộc đã tích cực phát triển đảng viên và mở rộng phạm vi hoạt động. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng ở Thiệu Hóa ngày càng phát triển lớn mạnh, góp phần quan trọng vào sự phát triển của phong trào cách mạng trong toàn tỉnh. Trực tiếp trông coi, bảo vệ Di tích lịch sử cách mạng nhà thờ họ Vương, bác Vương Xuân Hạt cho biết: “Di tích lịch sử cách mạng nhà thờ họ Vương không chỉ là niềm tự hào của gia đình tôi mà còn là niềm tự hào của cán bộ, đảng viên và Nhân dân xã Thiệu Tiến. Giữ vị trí, vai trò quan trọng, di tích đã được tỉnh quan tâm đầu tư tôn tạo xứng tầm. Nhiều năm nay, huyện Thiệu Hóa thường tổ chức cho các đối tượng học lớp bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về Đảng đến tham quan tại di tích. Đặc biệt, từ năm 2014, Di tích lịch sử cách mạng nhà thờ họ Vương đã được đưa vào chương trình ngoại khóa của học sinh trên địa bàn huyện. Đây là việc làm thiết thực giúp cho thế hệ trẻ hiểu và tự hào hơn về truyền thống cách mạng của quê hương”.

Không phải lần đầu được đến thăm Khu di tích lịch sử cách mạng Yên Trường, xã Thọ Lập (Thọ Xuân), nhưng lần này trở lại, tôi cảm nhận rõ hơn sức sống mới của vùng quê cách mạng. Giở lại trang sử vẻ vang của gia đình và quê hương, cụ ông Lê Văn Thìn (83 tuổi), con trai đồng chí Lê Văn Sỹ, Bí thư Chi bộ Yên Trường – chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Thọ Xuân phấn khởi cho biết: “Vào những năm 30 của thế kỷ 20, làng Yên Trường là cái nôi cách mạng của cả tỉnh. Nơi đây đã nuôi giấu nhiều đồng chí cán bộ của Xứ ủy Bắc kỳ và tỉnh Thanh Hóa về hoạt động cách mạng để tuyên truyền, vận động thành lập chi bộ Đảng. Sau 2 lần về Thọ Xuân, đồng chí Nguyễn Doãn Chấp đã lựa chọn bồi dưỡng kết nạp 7 đồng chí vào Đảng. Ngày 22-7-1930, đồng chí Nguyễn Doãn Chấp chủ trì hội nghị thành lập Chi bộ Yên Trường và cử bố tôi là ông Lê Văn Sỹ làm bí thư chi bộ. Để gìn giữ truyền thống cách mạng của địa phương, Khu di tích lịch sử cách mạng Yên Trường vừa mới được đầu tư, nâng cấp với nguồn kinh phí 50 tỷ đồng. Tôi tin rằng, đây tiếp tục sẽ là “địa chỉ đỏ” để cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan, dâng hương tri ân công lao to lớn của những thế hệ cha anh đi trước”.

Sau một thời gian chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức, từ 3 “đốm lửa” nhỏ là Chi bộ Hàm Hạ, Phúc Lộc và Yên Trường, Đảng bộ Thanh Hóa đã được thành lập vào ngày 29-7-1930 tại nhà đồng chí Lê Văn Sỹ - Bí thư Chi bộ Yên Trường, để thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng to lớn. Đồng chí Lê Thế Long – Bí thư Chi bộ Hàm Hạ được cử giữ chức Bí thư Tỉnh ủy và là Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Đảng bộ Thanh Hóa. Sự ra đời và hoạt động của Đảng bộ Thanh Hóa là bước ngoặt trọng đại đối với đảng bộ, Nhân dân trong phong trào đấu tranh cách mạng giành chính quyền ở tỉnh ta, chấm dứt giai đoạn khủng hoảng kéo dài do thiếu sự lãnh đạo của một chính Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Nhân dân các dân tộc Thanh Hóa đã cùng với cả nước đã làm nên cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8-1945, giành chính quyền về tay Nhân dân. Thanh Hóa cũng trở thành hậu phương vững chắc, đóng góp to lớn sức người, sức của trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới. Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ tỉnh đã vận dụng sáng tạo, linh hoạt đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước vào tình hình cụ thể của địa phương và đã đạt được những thành tựu to lớn, vững chắc, toàn diện trên mọi lĩnh vực.

Đến nay, ngoài Di tích lịch sử cách mạng nhà thờ họ Vương, Cụm Di tích lịch sử cách mạng Hàm Hạ, Khu Di tích lịch sử cách mạng Yên Trường đã được trùng tu, tôn tạo xứng tầm và khánh thành nhân dịp kỷ niệm Đảng bộ tỉnh tròn 90 năm ngày thành lập. Đây là những công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là niềm tự hào của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, là “địa chỉ đỏ” để giáo dục, động viên các thế hệ trẻ tiếp bước cha anh, ra sức học tập, rèn luyện, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng quê hương Thanh Hóa ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Thu Vui



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]