Bá Thước gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(Baothanhhoa.vn) - Huyện Bá Thước có 85% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chủ yếu là dân tộc Thái, Mường. Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện Bá Thước luôn được cấp ủy, chính quyền đặc biệt quan tâm. Nhờ đó, các dân tộc anh em luôn đoàn kết thống nhất gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Huyện Bá Thước có 85% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chủ yếu là dân tộc Thái, Mường. Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện Bá Thước luôn được cấp ủy, chính quyền đặc biệt quan tâm. Nhờ đó, các dân tộc anh em luôn đoàn kết thống nhất gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Bá Thước gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thốngHuyện Bá Thước luôn quan tâm giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đồng bào DTTS. Ảnh: Tư liệu của anh tuấn (Trường thcs dtnt Bá Thước)

Bá Thước là huyện có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, giàu bản sắc của các DTTS, đặc trưng là di sản văn hóa truyền thống với nét văn hóa độc đáo, như: Lễ hội Mường Khô, xã Điền Trung; Lễ tục cầu mưa, xã Kỳ Tân; Lễ hội căm mương; xã Văn Nho; Lễ hội xuống đồng làng La Hán, xã Ban Công... Cùng với đó, là một số loại hình văn nghệ dân gian như mo Mường, khặp Thái và nhiều trò diễn dân gian được phát huy trong lễ hội, cũng như trong đời sống sinh hoạt của đồng bào các DTTS nơi đây. Trên địa bàn huyện còn có 55 di tích có yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo, di chỉ khảo cổ học, di tích tôn vinh công đức của các bậc tiền nhân, các danh nhân đã có công trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Ngoài ra, còn trang phục, những nếp nhà sàn, cách ứng xử, giao tiếp hay các lệ tục truyền thống...

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Nhiều năm qua, những hoạt động văn hóa hướng về cội nguồn, góp phần làm cho những nét văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS trên huyện Bá Thước từng ngày khởi sắc.

Nhận thức sâu sắc về những giá trị của văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS đối với đời sống tinh thần của Nhân dân, giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Kỳ Tân đã chỉ đạo các thôn thành lập câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ. Thông qua các câu lạc bộ, xã đã phát động toàn thể hội viên tham gia sưu tầm vốn văn hóa dân gian của dân tộc Thái, đồng thời tổ chức dàn dựng, biểu diễn các tiết mục hát ru, khua luống, hát khặp, nhảy sạp... mang đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc Thái vào những buổi sinh hoạt cộng đồng, các ngày lễ lớn của đất nước. Bên cạnh đó, xã Kỳ Tân còn chú trọng tới việc “bồi đắp” những giá trị văn hóa truyền thống đến thế hệ trẻ. Nhận thức được vai trò, trách nhiệm của nhà trường trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các nhà trường đã có những việc làm thiết thực như thông qua những buổi ngoại khóa, hay tích hợp trong các bài giảng của bộ môn khoa học xã hội giúp các em hiểu thêm về những giá trị văn hóa đặc sắc của ông cha để lại. Ngoài ra, xã Kỳ Tân còn vận động cán bộ, Nhân dân tham gia học chữ Thái, để giữ gìn và phát huy tiếng nói và chữ viết của ông cha.

Ông Hà Văn Nguyệt, Chủ tịch UBND xã Kỳ Tân cho biết: Kỳ Tân có trên 98% số dân là dân tộc Thái. Mặc dù kinh tế còn khó khăn nhưng đời sống tinh thần của người dân rất phong phú, đa dạng. Hàng năm, xã chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch tuyên truyền, vận động Nhân dân gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, thông qua việc tổ chức các hội nghị ở xã, thôn, lồng ghép các phong trào, cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Bên cạnh đó, xã còn tích cực vận động hội viên trong câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ ở các thôn tham gia học hát, học múa do nghệ nhân truyền dạy. Đặc biệt, người Thái ở Kỳ Tân đã quan tâm đến việc bảo tồn chữ viết của dân tộc mình. Việc học chữ Thái hay việc người dân thường xuyên hát những bài hát ru, chơi những trò chơi, trò diễn của dân tộc mình trong các ngày lễ hội đã giúp người dân hiểu thêm về truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc mình.

Cùng với Kỳ Tân, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Bá Thước cũng luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền tới các tầng lớp Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS; đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa gắn với khôi phục những lễ hội truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một; tổ chức các lễ hội thường niên tại cộng đồng dân cư... Bắt nhịp với xu hướng phát triển, huyện Bá Thước đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS. Hiện Bá Thước có 6 thôn, bản phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiêu biểu như: bản Đôn và bản Kho Mường, xã Thành Lâm; thôn Ấm Hiêu, xã Lũng Cao... Huyện cũng đã thành lập được 87 đội văn nghệ của các thôn, bản hoạt động thường xuyên, trong đó, nòng cốt là hội viên của hội nghệ nhân dân gian các xã, thị trấn với nhiều hoạt động, như: truyền dạy các làn điệu dân ca, điệu múa truyền thống của đồng bào DTTS cho thế hệ trẻ, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ...

Bên cạnh đó, huyện Bá Thước cũng chỉ đạo các trường học đưa văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS vào giảng dạy theo hình thức tích hợp qua các môn học Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân; tổ chức trong chương trình giáo dục ngoài giờ lên lớp với nhiều hình thức đa dạng, như: sân khấu hóa, tham quan, tìm hiểu thực tế tại các thôn, điểm du lịch, di tích lịch sử. Qua đó, góp phần hun đúc tình yêu với văn hóa truyền thống trong mỗi học sinh. Đặc biệt, Ban Thường vụ Huyện ủy Bá Thước đã ban hành Chỉ thị số 02 CT/HU về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc giảng dạy truyền thống, lịch sử văn hóa, bảo vệ và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh của huyện Bá Thước trong các trường học trên địa bàn huyện”. Đây là điều kiện quan trọng để công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS đạt được kết quả cao.

Cùng với việc chỉ đạo các trường đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy, huyện Bá Thước đang nỗ lực gìn giữ và phát huy chữ viết của dân tộc Thái. Từ năm 2018 đến nay, huyện Bá Thước đã phối hợp với Trường Đại học Hồng Đức mở được 6 lớp học chữ Thái, gần 1.000 học viên tham gia học tập và được cấp chứng chỉ. Bên cạnh đó, huyện còn chỉ đạo các xã Thành Lâm, Lũng Niêm, Kỳ Tân, thị trấn Cành Nàng phối hợp với các nghệ nhân của huyện, mở 4 lớp tiếng Thái. Từ những lớp học chữ Thái, các học viên có khả năng truyền dạy lại cho người khác. Qua đó, hoạt động học tập, nghiên cứu tiếng nói và chữ Thái thu hút đông đảo đồng bào dân tộc Thái trên địa bàn huyện Bá Thước, góp phần gìn giữ nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái.

Ngoài ra, huyện Bá Thước còn chú trọng gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa vật thể. Hàng năm, Phòng Văn hóa - Thông tin đã chỉ đạo các cấp, các ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Di sản văn hóa; xây dựng quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của các di tích trên địa bàn huyện. Tiến hành lập quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết, tiến hành trùng tu, tôn tạo những di tích đang xuống cấp. Từ năm 2017 đến nay huyện Bá Thước đã tôn tạo, tu bổ và đưa vào hoạt động 3 di tích với kinh phí gần 4 tỷ đồng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lò Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, cho biết: Để tiếp tục bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa DTTS, thời gian tới, huyện tập trung vào việc phát huy vai trò người uy tín nhằm khơi dậy bản sắc văn hóa DTTS đến với Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Tổ chức các chương trình liên hoan, hội thi, trò diễn dân gian, ngày hội văn hóa, thể thao các DTTS cấp xã, thị trấn. Tiếp tục thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án phát triển văn hóa các DTTS với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chương trình xây dựng nông thôn mới; có chính sách khuyến khích nhằm xã hội hóa việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa và tổ chức các hoạt động văn hóa, khôi phục làng nghề truyền thống đồng bào DTTS. Thực hiện kế hoạch phát triển du lịch gắn với phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện Bá Thước giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo. Chỉ đạo ngành giáo dục đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy lồng ghép với các bộ môn khoa học xã hội... Qua đó, góp phần giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Bá Thước.

Xuân Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

14°C - 25°C
Ít mây, không mưa
  • 18°C - 25°C
    Có mây, không mưa
  • 18°C - 24°C
    Nhiều mây, không mưa
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]