(Baothanhhoa.vn) - Qua khảo sát của các cơ quan chức năng, từ năm 2000 đến cuối năm 2015, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 13.639 công dân xuất cảnh đi lao động trái pháp luật tại Trung Quốc. Trong đó, có khoảng 400 người bị lừa bán sang Trung Quốc; gần 3 nghìn trường hợp đã bị bắt, đẩy đuổi về nước; 29 trường hợp bị đưa ra xét xử, tuyên án về hành vi nhập cảnh trái pháp luật; 41 trường hợp bị tai nạn, chết và hàng trăm trường hợp khác bị mất tích. Đây chính là những con số báo động về tình trạng xuất cảnh đi lao động trái pháp luật tại Trung Quốc và những hậu quả mà người lao động đã và đang phải đối mặt.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sang Trung Quốc lao động trái pháp luật: Hậu quả và những giải pháp phòng ngừa

Qua khảo sát của các cơ quan chức năng, từ năm 2000 đến cuối năm 2015, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 13.639 công dân xuất cảnh đi lao động trái pháp luật tại Trung Quốc. Trong đó, có khoảng 400 người bị lừa bán sang Trung Quốc; gần 3 nghìn trường hợp đã bị bắt, đẩy đuổi về nước; 29 trường hợp bị đưa ra xét xử, tuyên án về hành vi nhập cảnh trái pháp luật; 41 trường hợp bị tai nạn, chết và hàng trăm trường hợp khác bị mất tích. Đây chính là những con số báo động về tình trạng xuất cảnh đi lao động trái pháp luật tại Trung Quốc và những hậu quả mà người lao động đã và đang phải đối mặt.

Sang Trung Quốc lao động trái pháp luật: Hậu quả và những giải pháp phòng ngừa

Lực lượng công an, bộ đội biên phòng phối hợp tuyên truyền, vận động công dân không sang Trung Quốc lao động trái phép.

Từ chuyện vượt biên trái phép...

Sau nhiều lần gặp gỡ, thuyết phục, cuối cùng vợ chồng anh Nguyễn Hữu An và chị Nguyễn Thị Hồng, ở TP Thanh Hóa (tên nhân vật đã được thay đổi) - những nạn nhân vừa từ Trung Quốc trở về quê ăn tết đã kể cho chúng tôi nghe về những nguy hiểm rình rập và khó khăn, vất vả mà hàng ngày những lao động “chui” như vợ chồng anh phải đối mặt ở nơi đất khách quê người. Trước khi sang Trung Quốc làm thuê, vợ chồng anh An có mở một tiệm sửa chữa xe máy, tuy không giàu nhưng cuộc sống cũng ổn định. Đầu năm 2011, nghe theo lời một số kẻ môi giới, 2 vợ chồng anh đã bán hết đồ đạc, gửi 2 đứa con thơ cho bà nội rồi sang Trung Quốc làm việc trong một công ty ván ép tại Quảng Đông.

Anh An cho biết: “Để sang được Trung Quốc chúng tôi phải chia thành nhóm nhỏ đi xe khách ra Quảng Ninh, sau đó thông qua một đầu mối (cò) ở đây để đưa chúng tôi đi. Mỗi lần như vậy, chúng tôi phải đóng cho “cò” 5 triệu đồng/người, sau đó họ gom nhóm khoảng hơn chục người và dùng thuyền máy đưa qua sông Ka Long sang bên kia biên giới. Có lần cả nhóm gần 20 lao động, trong đó chủ yếu là phụ nữ đang lênh đênh giữa sông, thì bị lực lượng chức năng phía Trung Quốc phát hiện, ném pháo sáng xuống. Lo sợ bị bắt, cả nhóm tán loạn bỏ thuyền lao hết xuống sông”.

Chị Nguyễn Thị Hồng (vợ anh An) ngồi bên cạnh cũng thêm vào: Cuối năm 2018, khi đang trên đường về quê ăn tết, chúng tôi bị Công an Trung Quốc phát hiện, truy bắt. Trong khi mọi người bỏ chạy hết, thì tôi đang bụng mang dạ chửa, chạy cũng chết, nên đành mặc kệ. May lần đó tôi có giấy thông hành nên sau khi kiểm tra thì họ cũng miễn cưỡng bỏ đi! Chị Hồng thở dài nói tiếp: Đối với những người lao động “chui”, ngày làm việc bắt đầu từ 6 giờ sáng (giờ mùa đông), 7 giờ sáng (giờ mùa hè) đến trưa thì ăn cơm xong là phải vào làm việc ngay cho đến 20 giờ tối mới được nghỉ. Nếu có việc gì gấp, chủ lao động yêu cầu làm là phải làm, bất kể lúc nào, kể cả ốm đau, bệnh tật. Nhiều hôm ốm, nằm trong phòng thì chủ cho người liên tục lên gõ cửa bắt đi làm, nếu không thì bị dọa đuổi việc, trừ lương, nên có ốm mấy cũng cố mà lết đi làm. Nói chung, kiếp lao động “chui” xem như mất hết quyền lợi, đến quyền con người cũng chả còn.

Cũng như vợ chồng anh An, anh Đỗ Đức Đạt, ở xã Thiệu Vân, TP Thanh Hóa cho biết: Năm 2014 tôi sang Quảng Đông, Trung Quốc làm tại một công ty ván ép, được phân công đứng lò đốt nên lương khá cao, có tháng lên đến hơn 4.000 nhân dân tệ (hơn 13 triệu). Nhưng 2 năm làm việc bên đó, tôi thấy khổ cực quá, làm từ sáng đến 8 giờ tối, vừa ăn xong là phải vào làm việc ngay, khi có việc gấp, nửa đêm chủ cũng gọi dậy đi làm, trong khi quyền lợi thì không có gì. Nghĩ cảnh vợ con ở quê trông ngóng nên năm 2016 sau khi về ăn tết tôi ở nhà hẳn.

... Đến bỏ mạng nơi xứ người

Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, khi mọi người, mọi nhà đang quây quần, phấn khởi cùng nhau chuẩn bị đón tết, vui xuân, thì không khí trong gia đình ông Mai Văn Nghị, ở xã Nga An, huyện Nga Sơn lại rất u ám. Cả nhà phải chật vật chạy khắp nơi để vay mượn tiền sang Trung Quốc làm thủ tục đưa thi thể người con trai út là Mai Văn Dũng (sinh năm 1990) về nước mai táng.

Ông Mai Văn Nghị cho biết: Do điều kiện gia đình khó khăn, tháng 12-2017, Dũng đã đi theo một số người sang Trung Quốc làm bốc vác thuê để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Đầu năm 2019, do mâu thuẫn trong lúc lao động, anh Dũng đã bị một người làm cùng dùng dao đâm chết. Vì là lao động “chui” nên chủ sở hữu lao động đã không có trách nhiệm gì trước cái chết của anh Dũng, mọi chi phí đều do gia đình phải gánh chịu. Vậy là năm hết tết đến, gia đình đã nén đau thương đi gom góp, vay mượn được 150 triệu đồng đủ để chi phí đi lại, thuê phiên dịch, trả tiền bảo quản xác và các thủ tục giám định để đưa thi thể anh Dũng về quê mai táng. Vậy mà mãi gần 1 tháng sau (1-2-2019 - tức 27 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019) gia đình mới đưa thi thể Dũng về đến quê nhà.

Tương tự là trường hợp của ông Nguyễn Văn Thọ (sinh năm 1968) và bà Nguyễn Thị Do (sinh năm 1976), ở xã Thạch Cẩm, huyện Thạch Thành. Tháng 2-2014, theo chân một số người dân trong xã nghe theo lời kẻ xấu xúi giục, ông Thọ, bà Do đã trốn sang Trung Quốc để kiếm việc làm. Vì không biết tiếng, không biết đường, cũng không có giấy tờ hợp pháp, lại sợ bị lực lượng chức năng Trung Quốc bắt giữ, nên đi đâu 2 vợ chồng ông Thọ cũng phải chui lủi và tìm cách đối phó. Trong một lần đi kiếm việc, cả 2 vợ chồng và người bà con cùng xóm đã bị tai nạn giao thông và bỏ mạng bên xứ người.

Những nỗ lực phòng ngừa, ngăn chặn

Những trường hợp như ông Nguyễn Văn Thọ, bà Nguyễn Thị Do hay anh Mai Văn Dũng ở Thanh Hóa không phải là ít. Bởi thực tế, do nhận thức còn hạn chế, đời sống khó khăn, nhiều người không có việc làm, thu nhập không ổn định, nên mặc dù biết có nhiều rủi ro, song không ít người vẫn tìm mọi cách để xuất cảnh đi lao động trái phép. Trong số đó có nhiều người may mắn tìm được việc làm, có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, đa phần công dân tự ý xuất cảnh trái phép ra nước ngoài lao động bất hợp pháp mà không thông qua các cơ quan, doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động, đều phải đối mặt với nhiều rủi ro như: Bị chủ sử dụng lao động nước ngoài nợ lương, quỵt lương, bị quản lý chặt chẽ, đối xử ngược đãi, đánh đập, cưỡng bức lao động, có thể bị bắt giữ, đẩy đuổi về nước bất cứ lúc nào, thậm chí bị tai nạn lao động, tử vong và trở thành nạn nhân của các đường dây mua bán người.

Mặc dù đã được các cấp, các ngành chức năng thường xuyên quản lý, tuyên truyền, cảnh báo, xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí bắt xử lý hình sự đối với các đối tượng tổ chức đưa xuất cảnh đi lao động trái phép, thế nhưng, vì nhẹ dạ cả tin và thiếu hiểu biết về pháp luật nên nhiều người dân vẫn bất chấp rủi ro, sự an toàn của mình và người thân để xuất cảnh đi lao động trái phép. Tính đến thời điểm trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, toàn tỉnh hiện vẫn còn 1.885 công dân đang lao động trái phép tại Trung Quốc (giảm 86,17% so với năm 2015).

Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng công dân xuất cảnh đi nước ngoài, đặc biệt là sang Trung Quốc để lao động trái pháp luật, những năm qua, Công an tỉnh Thanh Hóa đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều chỉ thị và văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành, nhất là cấp ủy, chính quyền cơ sở triển khai nhiều biện pháp quyết liệt. Điển hình như, ngày 10-3-2016 Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND về việc “Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn tình trạng công dân trên địa bàn tỉnh xuất cảnh trái phép”. Trong đó, chỉ đạo và giao cho các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn đồng loạt vào cuộc và triển khai đồng bộ các biện pháp từ tuyên truyền, giáo dục, tạo việc làm cho người lao động đến đấu tranh, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.

Thực hiện Chỉ thị số 12 của UBND tỉnh, từ năm 2016 đến nay, các lực lượng công an trong tỉnh đã phát hiện, bắt giữ, khởi tố 17 vụ, 21 đối tượng về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài; xử lý hành chính 43 trường hợp công dân xuất cảnh trái pháp luật sang Trung Quốc. Theo Trung tá Vũ Đức Tĩnh, Phó trưởng Phòng An ninh đối ngoại Công an Thanh Hóa cho biết: Qua điều tra, xử lý các vụ việc liên quan đến hành vi xuất cảnh sang Trung Quốc lao động trái pháp luật thì thủ đoạn của các đối tượng thường là gặp gỡ, tiếp xúc với những người đang có nhu cầu tìm việc làm, vẽ ra viễn cảnh công việc ổn định, lương cao để dụ dỗ, lôi kéo người lao động. Mục đích của các đối tượng là dụ dỗ, lôi kéo càng nhiều người đi lao động trái phép càng tốt, để hưởng hoa hồng và thù lao. Trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, lực lượng công an đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động gần 859 công dân lao động trái phép từ Trung Quốc về quê ký cam kết không tái phạm; 464 gia đình có người thân lao động trái pháp luật tại Trung Quốc cam kết kêu gọi người thân trở về nước; phát hiện, ngăn chặn 27 trường hợp chuẩn bị xuất cảnh sang Trung Quốc, xử phạt hành chính 13 trường hợp với tổng số tiền gần 50 triệu đồng.

Cùng với các biện pháp xử lý quyết liệt của lực lượng công an, cấp ủy, chính quyền các địa phương cũng đã vào cuộc và có nhiều giải pháp giải quyết tận gốc nguyên nhân dẫn đến tình trạng công dân xuất cảnh đi lao động trái pháp luật như: Kêu gọi đầu tư tạo việc làm cho lao động với mức thu nhập ổn định; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, phát triển các ngành nghề truyền thống... Tiêu biểu như xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc đã liên hệ với những công ty xuất khẩu lao động chính ngạch đưa được 253 lao động sang các nước lao động hợp pháp; đồng thời tạo việc làm mới cho 360 lao động tại địa phương và các tỉnh lân cận; xây dựng được 53 dự án tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại thu hút được hàng trăm lao động vào làm việc với mức thu nhập ổn định. Ông Vũ Huy Bổ, Chủ tịch UBND xã Minh Lộc cho biết: Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, cấp ủy, chính quyền xã rất quan tâm đến việc tìm kiếm và tạo việc làm cho nhân dân. Nhờ đó mà năm 2015, trên địa bàn xã có gần 300 trường hợp công dân xuất cảnh đi lao động trái pháp luật tại Trung Quốc nhưng đến năm 2019 giảm xuống còn khoảng 70 lao động.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, việc xuất cảnh đi lao động trái pháp luật là hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm minh. Tại Điều 17 Nghị định 167 năm 2013 của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng đối với hành vi qua lại biên giới mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định; từ 15 triệu - 25 triệu đồng đối với hành vi giúp đỡ, chứa chấp, che dấu, tạo điều kiện cho người khác đi nước ngoài, ở lại nước ngoài và Việt Nam, ở lại Việt Nam hoặc qua lại biên giới quốc gia trái phép. Tại Điều 349 Bộ luật Hình sự quy định: Người nào tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm; phạm tội nhiều lần hoặc gây hậu quả nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng thì phạt tù từ 5 năm đến 10 năm; phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.

Bài và ảnh: Đình Hợp (Công an tỉnh)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

10 bình luận

 Nùng Quyên - 09:04 20/01/21

 Trả lời

Em có anh trai sang lao động chui và bị bắt cách đây 4-5 hôm. Có gọi về cho gia đình là cần tiền nộp phạt và tiền ăn. Không biết là bao giờ đc thả và về.

 My hương trần - 15:36 10/01/21

 Trả lời

Nhỏ e của e theo bà cô sang TQgiúp việc nhưng chưa tới nơi đã bị bắt ! Chưa đủ 18 tuổi thì họ bắt giữ bao lâu thì trả về ạ ?

 Phan thị Hương - 10:47 08/11/20

 Trả lời

Mẹ tôi đi làm bên Trung Quốc mà mất hết giấy tờ thì giờ muốn về làm sao để mà về

 Pham linh - 01:29 02/09/20

 Trả lời

28/8/2020 Bạn e bị lừa bán sang trung quốc, và trốn chạy tới đồn cảnh sát, sau đó khai báo và bắt được người muốn bán bạn e. Tối hôm đó bạn e vẫn còn liên lạc với e qua zalo và nói cảnh sát nói đưa đi cách ly 14 ngày sau đó mới làm việc theo trình tự e mất liên lạc với bạn e kể từ ngày đó. Nếu đi cách ly tại sao k được xài dt như ở VN. Mọi người cho e hỏi giờ làm như thế nào ạ

 Chich Bông - 00:43 24/06/20

 Trả lời

Mình muốn được biết danh sách công an Trung Quốc bắt ng nhập cư trái phép được công khai trên mạng để ng nhà ng thân ở nhà ko hoang mang hoặc cho ng bị bắt liên hệ báo với gia đình một tiếng Chứ ko tình trạng im ỉm bắt ng như hiện nau thật đáng sợ thích thì thả ko thì thôi

 Nguyễn thị nguyệt - 21:31 27/01/20

 Trả lời

Em trai em tên Nguyễn Hữu Chiến. Sang TQ làm thuê nhưng k có giấy tờ. Bị bắt ngày 23/10/2019. Đến nay vẫn k có tin tức. Những người bị bắt cùng đã được thả mà e trai e vẫn chưa có tin gì. Mong được giúp đỡ ạ

 Văn Sĩ - 23:09 12/01/20

 Trả lời

Chào anh chị ạ! Anh trai em Là người Hmong sống trên Lào Cai, do sang bên Trung Quốc làm thuê nên bị bắt tạm giam và đã được gần một năm rồi vẫn chưa về! Em muốn kêu gọi giúp đỡ thì phải làm gì ạ! Mong anh chị giúp đỡ, anh trai còn vợ với hai đứa con nhỏ nữa, Tết này không có bố ạ!

 Giang a hồ - 02:07 19/11/19

 Trả lời

Cho em hỏi vợ em đi làm rau 3 tháng trái phép bị bắt thì phải đi bao nhiêu năm tù ạ

 Nguyễn văn Sỹ - 00:44 23/08/19

 Trả lời

Người nhà bị bắt bên Trung Quốc nhưng ko có visa hộ chiếu. Đi chui . Vừa bị bắt, ko biết bên đó có thả hay phải chuộc người ko ạ. Ai biết cách giải quyết có thể giúp đỡ ko ạ. Xin chân thành cảm ơn.

 Hồ Văn Tiến - 02:48 12/08/19

 Trả lời

Hàng ngàn người Việt Nam bị bắt vào tháng 4 năm 2019 vì lý do lao động trái phép, sau đó được đưa tới giam ở trại tạm giam. Qui định tối đa 3 tháng được thả, thế nhưng đã hơn 4 tháng rồi vẫn chưa được thả. Thân nhân người Việt bị bắt cũng không có tin tức gì từ bên kia biên giới,..Những người bị bắt đang ở đâu, họ đang sống như thế nào? Xin các nhà chức trách, các nhà báo, và những người có lòng muốn giúp đỡ hãy làm gì đó để giúp họ, ít nhất là có thể tìm kiếm được thông tin về họ đang ra sao. Xin cảm ơn, ngàn lần biết ơn...

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]