78 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên: Quốc hội luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc
Trải qua 78 năm, Quốc hội luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, nỗ lực hoàn thành trọng trách của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Việt Nam.
Quang cảnh một phiên họp của Quốc hội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Ngày 6/1/1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên đã diễn ra trên cả nước, được tiến hành theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất, đó là: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín hoàn toàn thắng lợi. Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam).
Cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 đánh dấu một mốc son chói lọi của tiến trình xây dựng thể chế dân chủ, khẳng định về mặt pháp lý quyền làm chủ của nhân dân Việt Nam.
Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới của đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại.
Cử tri Thủ đô xem danh sách, tiểu sử các đại biểu ra ứng cử. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Kể từ mốc son lịch sử đó, đến nay, trải qua 78 năm, Quốc hội luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, nỗ lực hoàn thành trọng trách của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (Quốc hội khóa I) đã thông qua Hiến pháp 1946. Đây là bản hiến pháp dân chủ, tiến bộ, đạo luật cơ bản đầu tiên đặt nền móng cho việc xây dựng thể chế Nhà nước Cách mạng trong thời đại mới. Kể từ Quốc hội khóa II đến nay, trong từng giai đoạn lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như quá trình xây dựng và phát triển của đất nước, Quốc hội được tổ chức và hoạt động theo các bản Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992 và Hiến pháp 2013.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các thành viên của Chính phủ tuyên thệ nhậm chức tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I (2/3/1946). (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)
Đặc biệt, Quốc hội khóa XIII (2011-2016), tổ chức bầu cử vào ngày 22/5/2011 - lần đầu tiên cử tri cả nước tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong cùng một ngày với quy mô lớn. Cuộc bầu cử đã thành công tốt đẹp, bầu ra 500 đại biểu Quốc hội tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Quốc hội đã biểu quyết thông qua toàn văn dự thảo Hiến pháp năm 2013 tại Kỳ họp thứ 6.
Hiến pháp 2013 thể hiện tinh thần đổi mới sâu sắc, tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc cho sự vận hành toàn bộ đời sống xã hội trên nền tảng dân chủ, pháp quyền và tạo động lực mạnh mẽ để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).
Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động
Thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, với sự quan tâm, ủng hộ của cử tri và nhân dân, kế thừa những nhiệm kỳ trước, Quốc hội khóa XV tiếp tục đổi mới, cải tiến cách thức làm việc và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong công tác lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng quốc gia. Phương thức hoạt động của Quốc hội luôn được đổi mới, hoàn thiện, thích ứng, linh hoạt trước những vấn đề thực tiễn đặt ra, nhất là vào thời điểm đại dịch COVID-19. Quốc hội đã có nhiều cải tiến mạnh mẽ từ cách thức tổ chức đến tiến hành các kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội.
Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Quốc hội có bước tiến đột phá, kịp thời thích ứng với xu thế phát triển của thời đại, tạo tiền đề quan trọng để tiếp tục xây dựng, phát triển Quốc hội Điện tử.
Qua các nhiệm kỳ, hoạt động của đại biểu Quốc hội ngày càng có những chuyển biến tích cực gắn với đổi mới về tổ chức, hoạt động của Quốc hội.
Cùng với đó, Quốc hội tiếp tục xuyên suốt tinh thần lập pháp chủ động, kiến tạo phát triển với tầm nhìn dài hạn. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, giám sát đã xác định đây là một nội dung trọng tâm và then chốt. Thực hiện tốt chức năng giám sát sẽ tác động tích cực tới việc thực hiện các chức năng lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Tính đến Kỳ họp thứ 6, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan hữu quan đã hoàn thành 114/137 nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp của cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (đạt trên 83%).
Năm 2023, lần đầu tiên trong lịch sử 78 năm hoạt động, Quốc hội Việt Nam đã tổ chức số lượng Kỳ họp nhiều nhất trong một năm với 5 kỳ họp, trong đó có 3 Kỳ họp bất thường (lần thứ 2, lần thứ 3, lần thứ 4) để xem xét, quyết định kịp thời 84 vấn đề lớn, quan trọng, kịp thời đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn, góp phần quan trọng ổn định và phát triển đất nước, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tạo tiền đề thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ năm 2024 và các năm tiếp theo.
Các kỳ họp “bất thường” đã trở thành “bình thường” nhằm đáp ứng đúng và trúng yêu cầu của đời sống kinh tế, xã hội và nguyện vọng chính đáng của cử tri, nhân dân cả nước.
Quốc hội tiếp tục quán triệt nguyên tắc: Những vấn đề thực tiễn đòi hỏi, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có sự thống nhất cao thì kiên quyết thực hiện; những vấn đề chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, thực hiện thí điểm khi cơ quan có thẩm quyền cho phép; những chủ trương đã thực hiện, nhưng không phù hợp thì nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi kịp thời.
Có thể nêu ví dụ về công tác lập pháp trong năm 2023, với 12 triệu lượt ý kiến góp ý của cử tri và thảo luận tại 3 kỳ họp của Quốc hội, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn còn một số vấn đề cần được xem xét kỹ lưỡng, thận trọng. Dự thảo Luật Các Tổ chức Tín dụng (sửa đổi) đã thảo luận qua 2 kỳ họp của Quốc hội, song vẫn còn một số vấn đề chưa đạt được sự đồng thuận cao.
Vì vậy, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV quyết định chưa thông qua 2 dự thảo Luật này, bởi lẽ đây là hai luật khó, liên quan đến rất nhiều lĩnh vực, có tác động lớn đến nền kinh tế và đời sống của người dân, cần áp dụng quy trình đặc biệt, chưa có tiền lệ để xem xét thật thấu đáo mọi mặt. Quyết định này của Quốc hội đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của dư luận xã hội, thể hiện tinh thần cẩn trọng, có trách nhiệm của Quốc hội trong hoạt động lập pháp, luôn đề cao chất lượng, hiệu quả, không chạy theo số lượng và tiến độ.
Năm 2023 là năm thành công nổi bật của ngoại giao nghị viện, diễn ra nhiều hoạt động sôi động, tích cực, đa dạng, toàn diện, hiệu quả trên các bình diện song phương và đa phương. Quốc hội đã phát huy mạnh mẽ nét đặc trưng vừa mang tính đối ngoại Nhà nước, vừa mang tính nhân dân sâu sắc. Phiên họp giả định “Quốc hội Trẻ em” lần thứ I năm 2023 cũng là một trong những sự kiện ấn tượng trong hoạt động Quốc hội khóa XV...
Đại biểu dự Phiên họp giả định Quốc hội Trẻ em. (Ảnh: TTXVN phát)
Nhớ về cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, trong bài Diễn văn khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/3/1946 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cuộc Quốc dân đại biểu đại hội này là lần đầu tiên trong lịch sử nước Việt Nam ta. Nó là kết quả của cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, mà cuộc Tổng tuyển cử lại là kết quả của sự hy sinh tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già trẻ, lớn bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối hy sinh, không sợ nguy hiểm, tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc...".
Trong suốt 78 năm qua, Quốc hội luôn là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng, xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất./.
Theo TTXVN
{name} - {time}
-
2024-11-24 18:11:00
TP Thanh Hóa triển khai kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, giai đoạn 2023-2025
-
2024-11-24 16:25:00
Hội nghị xúc tiến đầu tư - kết nối giao thương Thanh Hóa - TP Hồ Chí Minh - khu vực Đông Nam Bộ
-
2024-01-06 07:00:00
[Góc nhìn] Tránh việc “đẽo gót cho vừa giày”
PODCAST 6AM: Điểm tin nổi bật sáng ngày 6/1
Bản tin 18h ngày 5/1/2024: Thống nhất tổ chức Tuần văn hóa – du lịch Điện Biên - Thanh Hóa tại Thanh Hóa
Tuần Văn hoá - Du lịch Điện Biên - Thanh Hóa sẽ diễn ra từ 19 đến 21/1
Công tác đoàn, hội và phong trào thanh, thiếu nhi góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh
Tiếp tục tăng cường trách nhiệm công tố và kiểm sát chặt chẽ các hoạt động tư pháp
Thị xã Nghi Sơn triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh năm 2024
Đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi
TP Thanh Hóa: Phát huy sức mạnh tổng hợp thực hiện nhiệm vụ QP-AN, xây dựng cơ sở và thực hiện quy chế dân chủ
Sắp xếp vị trí việc làm thực chất, hiệu quả