(Baothanhhoa.vn) - Sầm Sơn là thành phố du lịch, vào thời điểm mùa hè lượng du khách, người và phương tiện giao thông tăng đột biến. Do đó việc xử phạt nguội không chỉ là biện pháp hỗ trợ lực lượng chức năng làm nhiệm vụ mà còn nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) của người dân trên địa bàn, góp phần xây dựng văn hóa giao thông.

Xử phạt nguội góp phần xây dựng văn hóa giao thông

Sầm Sơn là thành phố du lịch, vào thời điểm mùa hè lượng du khách, người và phương tiện giao thông tăng đột biến. Do đó việc xử phạt nguội không chỉ là biện pháp hỗ trợ lực lượng chức năng làm nhiệm vụ mà còn nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) của người dân trên địa bàn, góp phần xây dựng văn hóa giao thông.

Xử phạt nguội góp phần xây dựng văn hóa giao thôngLực lượng chức năng theo dõi, giám sát qua hệ thống camera tại Trung tâm Điều hành đô thị thông minh TP Sầm Sơn.

Thiếu tá Nguyễn Minh Phong, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự, Công an TP Sầm Sơn, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, Công an TP Sầm Sơn đã tăng cường xử phạt nguội đối với người tham gia giao thông vi phạm qua hình ảnh. Đây là một trong hình thức xử phạt mới, tăng cường các biện pháp bảo đảm TTATGT trên địa bàn. Thông qua việc xử phạt nguội, ý thức của người tham gia giao thông ngày càng được nâng cao, chấp hành quy định của pháp luật về TTATGT. Công an thành phố bố trí 1 tổ công tác gồm 3 - 4 cán bộ, chiến sĩ hằng ngày trực tiếp tiếp nhận hình ảnh vi phạm từ nguồn cung cấp của người dân, tổ chức, cá nhân cung cấp, sử dụng thiết bị kỹ thuật được trang cấp để phát hiện vi phạm, từ đó củng cố hồ sơ, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định.

6 tháng đầu năm 2024, trong tổng số hơn 1.500 trường hợp xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông do Công an TP Sầm Sơn xử lý, có 310 trường hợp xử phạt nguội. Bên cạnh đó, công an các xã, phường trên địa bàn xử phạt nguội 330 trường hợp. Các vi phạm chủ yếu là không đội mũ bảo hiểm, dừng, đỗ xe không đúng nơi quy định, không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu...

Anh N.T.T. - một lái xe điện 4 bánh ở TP Sầm Sơn cho biết: “Tôi bị “phạt nguội” vì lỗi dừng, đỗ xe sai quy định. Đây là bài học để tôi rút kinh nghiệm và tự ý thức hơn trong quá trình điều khiển phương tiện, dừng đỗ xe để đón, trả khách du lịch”.

Từ khi có thông tin “phạt nguội” qua camera giao thông trên địa bàn thành phố thì ý thức của người dân khi tham gia giao thông cũng thay đổi theo hướng tích cực. Mọi người thường xuyên nhắc nhở nhau tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, loại bỏ dần tâm lý đối phó, chỉ chấp hành luật khi có lực lượng chức năng. Nhiều người cũng chủ động tìm kiếm thông tin về kiến thức giao thông, ý nghĩa các biển báo, các mức xử phạt khi vi phạm cũng như các quy định của Luật Giao thông đường bộ...

Về cơ sở pháp lý, Thông tư số 65/2020/TT-BCA ngày 19/6/2020 của Bộ Công an quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông đã quy định cụ thể về phạt nguội. Theo đó, Điều 19 quy định: “Cảnh sát giao thông vận hành, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định của pháp luật, để phát hiện, ghi thu hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ, tổ chức kiểm soát, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có trách nhiệm hợp tác theo yêu cầu kiểm tra, kiểm soát thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của Cảnh sát giao thông.

Bên cạnh đó, việc xử phạt nguội được thực hiện bằng các hình thức khác. Điều 24 của thông tư quy định: Những thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm TTATGT đường bộ được tiếp nhận từ các nguồn: Ghi thu bằng thiết bị kỹ thuật của tổ chức, cá nhân (không phải phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ) và thông tin, hình ảnh đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội... Thông tin, hình ảnh làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm hành chính phải phản ánh khách quan, rõ về thời gian, địa điểm, đối tượng, hành vi vi phạm quy định tại nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và còn thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.

Sau quá trình xử lý, xác minh, trường hợp thông tin, hình ảnh phản ánh đúng, xác định có hành vi vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt... Hiện nay, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đều có hệ thống camera an ninh. Hạ tầng số phát triển tạo cơ sở quan trọng góp phần vào công tác kiểm soát an ninh trật tự, ATGT. Theo số liệu của Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Thanh Hóa, từ ngày 15/12/2023 đến 14/6/2024 lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã kiểm tra, xử lý 59.919 trường hợp vi phạm TTATGT, phạt tiền hơn 145 tỷ đồng, trong đó phạt nguội 13.705 trường hợp với tổng số tiền xử phạt hơn 21 tỷ đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu như chạy quá tốc độ quy định, người điều khiển ô tô, xe gắn máy không chấp hành đèn tín hiệu giao thông, vạch kẻ đường; đi sai làn đường; đỗ, dừng, chuyển hướng không đúng quy định...

Bài và ảnh: Việt Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]