(Baothanhhoa.vn) - Vụ lúa xuân 2023, bà con nông dân toàn tỉnh đã gieo cấy đúng khung thời vụ, làm tốt khâu dự báo, phòng, trừ sâu bệnh và đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật nên vụ lúa xuân trên địa bàn tỉnh được mùa trên nhiều phương diện.

Vụ lúa xuân 2023 được mùa trên nhiều phương diện

Vụ lúa xuân 2023, bà con nông dân toàn tỉnh đã gieo cấy đúng khung thời vụ, làm tốt khâu dự báo, phòng, trừ sâu bệnh và đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật nên vụ lúa xuân trên địa bàn tỉnh được mùa trên nhiều phương diện.

Vụ lúa xuân 2023 được mùa trên nhiều phương diệnNgười dân xã Thiệu Tiến (Thiệu Hóa) thu hoạch lúa vụ xuân bằng máy gặt đập liên hợp. Ảnh: Lê Hợi

Vụ xuân năm nay, huyện Nga Sơn gieo cấy gần 4.000 ha lúa, năng suất đạt 65 tạ/ha. Để đạt kết quả trên, huyện đã tích cực triển khai các giải pháp chuyển đổi cơ cấu giống lúa, chỉ đạo, khuyến khích bà con nông dân đưa lúa chất lượng cao vào gieo cấy; tổ chức tập huấn nâng cao kỹ thuật thâm canh cho người dân và phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Đến thời điểm này, bà con nông dân trong huyện đã thu hoạch 100% diện tích gieo cấy và triển khai các điều kiện cho sản xuất vụ mùa. Bà Quách Thị Khuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nga Sơn, cho biết: Vụ lúa xuân, người dân sản xuất trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, tình hình sâu bệnh giảm so với các vụ trước, nên hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm chi phí sản xuất. Cùng với đó, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, cùng với sự nỗ lực, cố gắng của các HTX dịch vụ nông nghiệp, hộ nông dân và các doanh nghiệp nên sản xuất vụ xuân đã đạt kết quả khá toàn diện cả về năng suất, sản lượng và diện tích.

Với sự quyết tâm của ngành nông nghiệp và các địa phương cùng với nỗ lực của người dân, toàn tỉnh đã hoàn thành vượt mục tiêu kế hoạch về diện tích gieo trồng vụ xuân 2023 với tổng diện tích 114.086 ha lúa, đạt gần 101%. Đến nay, năng suất lúa đạt trung bình gần 67 tạ/ha, sản lượng đạt gần 762.095 tấn, tăng gần 23.702 tấn so với cùng kỳ. Điển hình một số địa phương đạt kết quả cao, như: Hoằng Hóa, Vĩnh Lộc, Thiệu Hóa, Đông Sơn, Yên Định, Thọ Xuân, Nga Sơn... Cùng với việc lựa chọn cơ cấu giống phù hợp với chân đất, thích ứng với điều kiện thời tiết và thị trường tiêu thụ, nông dân đã tích cực áp dụng các biện pháp canh tác mới vào sản xuất. Nông dân ở các địa phương trong tỉnh đã đưa các giống lúa lai vào gieo cấy chiếm tỷ lệ gần 59,4%, lúa thuần 40,6 % tổng diện tích lúa. Các giống được gieo trồng đều nằm trong cơ cấu giống chủ lực của tỉnh, như giống lúa lai Thái Xuyên 111, MHC2, Phú Ưu 978, Quốc Tế 1, VT404, C Ưu đa hệ số 1, Nhị Ưu 986, Hương Ưu 98 và giống lúa thuần Bắc Thịnh, TBR225, ADI168, ADI28, Thiên ưu 8, Đài thơm 8, Lam Sơn 8, Khang dân đột biến, TBR279, Bắc thơm số 7, J02, VNR 20, Hà Phát 3... Cùng với tăng diện tích lúa chất lượng, giá lúa thương phẩm vụ xuân năm nay tăng trung bình 2.000 đồng/kg so vụ trước, giúp bà con nông dân tăng giá trị trên 1 đơn vị diện tích. Nhiều mô hình tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm có quy mô lớn và giá trị kinh tế cao được nhân rộng.

Vụ lúa xuân 2023 được mùa trên nhiều phương diệnCông an xã Yên Khương (Lang Chánh) giúp người dân thu hoạch lúa vụ xuân 2023.

Vụ này, toàn tỉnh đã duy trì và phát triển 1.000 ha lúa giống, 3.575 ha lúa thương phẩm và một số diện tích các loại rau màu sản xuất liên kết gắn với bao tiêu sản phẩm. Mặc dù vậy, trong sản xuất vụ xuân gặp những khó khăn nhất định do ảnh hưởng của khí hậu thời tiết, thị trường và biến động giá cả vật tư, nhiên liệu... Bên cạnh đó vẫn còn một số địa phương vẫn chưa cương quyết trong chỉ đạo thời vụ, vẫn để xảy ra tình trạng gieo cấy lúa sớm hơn thời vụ khuyến cáo của ngành nông nghiệp (toàn tỉnh có khoảng 20% diện tích lúa gieo cấy trước thời vụ từ 10 - 15 ngày), dẫn đến khi phân hóa đòng gặp rét bị thoái hóa hạt đầu bông làm năng suất giảm. Ngoài ra, việc phòng trừ chuột tại một số địa phương chưa tổ chức đồng loạt nên hiệu quả còn thấp.

Ông Hoàng Viết Chọn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Trong sản xuất vụ xuân 2023, tuy có ảnh hưởng của khí hậu thời tiết nhưng nhìn chung các loại cây trồng sinh trưởng tốt. Nông dân ở các địa phương thường xuyên kiểm tra, thăm đồng để phát hiện sớm sâu bệnh phòng trừ kịp thời và được kiểm soát, mức độ đầu tư phân bón giảm hơn so các vụ trước cùng với nguồn nước đảm bảo nên các loại cây trồng vẫn phát triển ổn định. Hầu hết các giống lúa được các địa phương gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất, chủ yếu được bố trí gieo cấy trà chính vụ và xuân muộn chiếm 94,47%, trà xuân sớm chỉ còn 5,53% tổng diện tích lúa. Khi lúa chín, các địa phương đã tập trung điều hành nhân lực và máy thu hoạch nhanh gọn, khẩn trương nhằm giảm nhẹ tổn thất do mưa giông gây ra, đồng thời tạo điều kiện giải phóng đất cho sản xuất vụ thu mùa trong khung thời vụ tốt nhất. Ngành nông nghiệp cũng tích cực phối hợp với các địa phương không để tình trạng bảo kê máy thu hoạch gây mất an ninh trật tự và chậm tiến độ thu hoạch, gây bức xúc trong Nhân dân. Cùng với đó, ngành nông nghiệp giám sát chặt chẽ việc thực hiện nghiêm túc các hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm trồng trọt đảm bảo quyền lợi của các bên liên kết.

Bài và ảnh: Lê Hợi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]