(Baothanhhoa.vn) - Những ngày hè vừa chớm, nắng thảm vàng trên những cung đường đến với miền Tây xứ Thanh, bước chân du khách lại chộn rộn, háo hức muốn được đến tham quan, vãn cảnh, trải nghiệm du lịch cộng đồng, đằm mình trong không gian văn hóa Mường dưới chân thác Mây.

Không gian văn hóa Mường dưới chân thác Mây

Những ngày hè vừa chớm, nắng thảm vàng trên những cung đường đến với miền Tây xứ Thanh, bước chân du khách lại chộn rộn, háo hức muốn được đến tham quan, vãn cảnh, trải nghiệm du lịch cộng đồng, đằm mình trong không gian văn hóa Mường dưới chân thác Mây.

Không gian văn hóa Mường dưới chân thác Mây

Thác Mây (Thạch Thành) - điểm du lịch độc đáo, hấp dẫn của xứ Thanh.

Nằm cách trung tâm thị trấn Kim Tân khoảng 45km, theo đường Hồ Chí Minh đi vào khoảng 10km, thác Mây hiện diện như một nét chấm phá đắt giá trong tổng thể bức tranh miền sơn cước này. Thác Mây có độ cao khoảng trên 100m, đổ xuống từ đỉnh của hệ thống núi đá vôi Trường Sơn bắc. Thác chảy quanh năm nhưng đẹp nhất vào các tháng từ tháng 5 đến tháng 10 âm lịch. Trong khu vực thác Mây có hệ sinh thái phong phú, đa dạng. Nét độc đáo nhất của thác Mây là các phiến đá màu vàng nhạt được tạo hóa khéo léo sắp đặt như từng bậc thang gối đầu lên nhau để dòng thác trắng xóa tuôn tràn, bồng bềnh như những tầng mây.

Chính “những tầng mây” ấy khiến cho cảnh quan thiên nhiên vừa có nét hùng vĩ, hoang sơ nhưng cũng không kém phần trữ tình, mềm mại, lãng mạn. Tương truyền, chín bậc thác Mây được tạo nên bởi chín nàng tiên nhà trời. Vì say lòng trước cảnh đẹp nơi đây, chín nàng tiên sau khi tắm đã để lại ở đây những dấu chân tiên, tạo thành chín bậc thác. Trong quan niệm của người Á Đông nói chung, người Mường nói riêng, con số 9 tượng trưng cho nhiều điều may mắn, vẹn tròn, hạnh phúc vĩnh cửu. Vì lẽ đó, những tầng bậc của thác Mây thường được gọi là chín bậc tình yêu. Nhiều người tin rằng, nếu hai người yêu nhau cùng tắm tại dòng thác này thì tình yêu của họ sẽ ngày càng mặn nồng và sâu đậm hơn. Truyền thuyết, huyền thoại phản ánh đời sống tín ngưỡng, văn hóa, tâm thức dân gian. Màu sắc tín ngưỡng, tâm linh này như càng góp phần làm nên nét riêng biệt, độc đáo của thác Mây giữa muôn hình vạn trạng danh thác ở trời Nam. Vẻ đẹp như một kiệt tác do thiên nhiên ban tặng, những dòng nước mát lạnh, sảng khoái cùng cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, mộc mạc, khoáng đạt đã làm nên sức hấp dẫn khó lòng chối từ của thác Mây. Thác Mây là niềm tự hào của văn hóa – du lịch huyện Thạch Thành. Vẻ đẹp của dòng thác đã vượt ra khỏi khuôn khổ làng, xã hay quốc gia để vươn ra tầm quốc tế. Trang Culture Trip đã giới thiệu thác Mây trong danh sách 10 thác đẹp nhất Việt Nam. Năm 2019, thác Mây được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch của tỉnh Thanh Hóa.

Người ta vẫn thường nói với nhau rằng: Sắc đẹp của người con gái là điều đầu tiên hấp dẫn ánh nhìn, gợi lên sự thích thú, ham muốn chinh phục, khám phá. Nhưng giá trị bền vững lại nằm ở tính cách, vẻ đẹp tâm hồn. Đằm mình trong dòng nước mát lạnh, tận hưởng cảm giác sảng khoái, thư thái mà thiên nhiên mang lại, đưa mắt bao quát một vùng không gian văn hóa Mường dưới chân thác Mây, trong bãng lãng nắng vàng, du khách mới cảm nhận hết được sức hấp dẫn thực sự, chiều sâu lịch sử - văn hóa của vùng đất này.

Thôn Đăng Thượng (xã Thạch Lâm), nơi thác Mây lưu dấu có 6 thôn, trong đó 98,5% là đồng bào dân tộc Mường sinh sống. Trải qua biến thiên của thời gian, tác động của lịch sử, các thế hệ người dân nơi đây đã cùng nhau dệt nên những vỉa tầng văn hóa phong phú, đa dạng.

Không gian văn hóa Mường dưới chân thác Mây

Du khách trải nghiệm các trò chơi, trò diễn dân gian cùng người dân bản địa dưới chân thác Mây.

Về với thác Mây, về với cộng đồng dân tộc Mường thôn Đăng Thượng, du khách không khỏi thích thú trước quần thể những ngôi nhà sàn truyền thống được gìn giữ, bảo tồn. Theo ông Bùi Văn Năng, công chức văn hóa – xã hội xã Thạch Lâm cho biết: 85% số hộ trên địa bàn xã Thạch Lâm hiện còn lưu giữ được nếp nhà sàn truyền thống. Riêng ở thôn Đăng Thượng có khoảng 150 hộ đang sinh sống từ thế hệ này qua thế hệ khác dưới nếp nhà sàn truyền thống, trong đó nhiều ngôi nhà sàn có tuổi đời hàng trăm năm.

Từ kiến trúc cho đến cách bài trí ngôi nhà đều mang những nét đặc trưng riêng của văn hóa Mường. Nhìn từ phía bên ngoài, ngôi nhà sàn truyền thống của người Mường nói chung có hình dáng như một con rùa – một con vật từng được nhắc đến trong áng sử thi “Đẻ đất, đẻ nước”. Không gian ngôi nhà chia làm 3 phần rõ rệt. Phần áp mái được làm như một gác xép trong những ngôi nhà của người Kinh để dự trữ lương thực, đồ đạc. Khu vực sàn nhà dùng làm không gian sinh hoạt, đón tiếp khách của gia đình. Gầm sàn thường là nơi diễn ra hoạt động lao động sản xuất... Cột nhà thường được làm bằng các loại gỗ lớn, gỗ tốt, chân cột kê trên tảng đá lớn tạo thế vững chãi cho ngôi nhà. Nhà sàn truyền thống của người Mường được bố trí nhiều cửa sổ để không khí trong nhà luôn được điều hòa, lưu thông. Cùng với vị trí ban thờ thì bếp lửa chính là một phần quan trọng, không thể thiếu trong ngôi nhà sàn truyền thống của người Mường. Bếp ở gian trong dành cho những người phụ nữ trong gia đình chuẩn bị bữa cơm hằng ngày. Ở gian ngoài cũng có bố trí bếp lửa, chủ yếu dùng để đun nước, sưởi ấm... Không chỉ với người Mường mà có lẽ, với tất cả chúng ta, ngôi nhà vẫn luôn là điều thiêng liêng, quan trọng nhất. Chúng ta có muôn vàn nơi để đến, để đi với tất cả những khao khát, ước mong, vọng tưởng nhưng chỉ duy nhất một chốn bình yên để quay về, đó là ngôi nhà. Dưới những nếp nhà sàn mộc mạc, gần gũi ấy, bao thế hệ người Mường sống chất phác, ân tình.

Cùng với những ngôi nhà sàn truyền thống, nhiều hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc của người Mường còn được giữ gìn và phát huy tại cộng đồng dân cư nơi đây như: hát xường, séc bùa, cồng chiêng, hát ru, đánh mảng, ném còn, làm vía...

Đã là người con bản Mường, ăn hạt lúa trên nương, uống nước suối nguồn mà lớn thì dẫu đi góc bể chân trời cũng chẳng thể nào quyên những làn điệu hát ru của bà, của mẹ. Hát ru Mường là một trong những loại hình dân ca do dân gian sáng tác và trao truyền, mang sắc thái văn hóa riêng của đồng bào Mường, được diễn xướng bằng ngôn ngữ Mường và được đồng bào sử dụng, nhằm đáp ứng nhu cầu cuộc sống và sinh hoạt văn hóa tinh thần của quần chúng (Hát ru dân tộc Mường Thanh Hóa, 2016, Hoàng Minh Tường). Những làn điệu hát ru khác nhau như: u hạy, dạ ơi dạ óm, ru ngày, ru đêm mang tính chất nhẹ nhàng, trữ tình, khoan thai, trìu mến, phảng phất dư vị buồn được thể hiện bằng những giai điệu mượt mà, uyển chuyển, du dương liền bậc. Lời ca trong hát ru mộc mạc, ngôn ngữ gần với đời thường, thể hiện ước mơ, mong muốn, hy vọng, gửi gắm tâm tư, tình cảm của người hát ru.

Đặc sắc trong không gian văn hóa Mường dưới chân thác Mây không thể không kể đến thanh âm cồng chiêng vang vang trong các dịp lễ hội, sự kiện văn hóa. Tiếng cồng, tiếng chiêng hòa cùng không gian núi rừng, hương rượu cần khiến cuộc vui, cuộc chơi càng thêm phần rộn ràng, náo nhiệt, mê say. Những âm thanh trầm hùng ấy là một phần không thể thiếu trong diễn xướng séc bùa. Đây là loại hình diễn xướng tập thể gắn liền với hoạt động nghi lễ và các trò vui chơi truyền thống mang đậm nét văn hóa dân gian. Người Mường diễn xướng séc bùa như một lời chúc mừng năm mới, mời gọi niềm vui, may mắn đến với cuộc sống của người dân bản Mường.

Cũng trong không gian văn hóa Mường đặc sắc ấy, đến với thác Mây, du khách được thưởng thức nhiều món ăn truyền thống, mang đậm hương vị vùng cao như: xôi ngũ sắc, gà đồi, cá thính sông Ngang, thịt lợn rừng, canh lá đắng, ốc đá, măng đắng, rau rừng...

Để phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh, tạo điều kiện phát triển du lịch cộng đồng tại thác Mây, trong thời gian tới, cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, xã Thạch Lâm sẽ tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch. Trước mắt, dự kiến vào cuối tháng 4 này, xã Thạch Lâm sẽ tổ chức Ngày hội Văn hóa, thể thao, du lịch thác Mây năm 2022. Các nội dung hoạt động phong phú, đa dạng góp phần giới thiệu, quảng bá vẻ đẹp đất và người Thạch Lâm, giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Mường như: hội thi liên hoan văn nghệ chào mừng khai trương điểm du lịch thác Mây; thi đấu giao lưu một số môn thể thao và trò chơi dân gian; tổ chức gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu... Hòa vào cảnh sắc thiên nhiên ấy, không gian văn hóa Mường cũng chính là tài nguyên du lịch nhân văn, độc đáo, là “chiều sâu tâm hồn” của điểm du lịch thác Mây, để thương để nhớ trong lòng du khách.

Hoàng Linh


Hoàng Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]