(Baothanhhoa.vn) - Chùa Mèo hay còn gọi là Đỉnh Miêu Thiền tự tọa lạc trên một quả đồi tại làng Chiềng Ban, xã Quang Hiến (nay là khu phố Chiềng Ban, thị trấn Lang Chánh). Chùa được xây dựng từ thế kỷ XIII và đã được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2005 và từ lâu đã trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa, tâm linh của Nhân dân trong vùng, là điểm du lịch của người dân trong và ngoài tỉnh.

Chùa Mèo - điểm du lịch tâm linh nơi miền tây xứ Thanh

Chùa Mèo hay còn gọi là Đỉnh Miêu Thiền tự tọa lạc trên một quả đồi tại làng Chiềng Ban, xã Quang Hiến (nay là khu phố Chiềng Ban, thị trấn Lang Chánh). Chùa được xây dựng từ thế kỷ XIII và đã được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2005 và từ lâu đã trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa, tâm linh của Nhân dân trong vùng, là điểm du lịch của người dân trong và ngoài tỉnh.

Chùa Mèo - điểm du lịch tâm linh nơi miền tây xứ Thanh

Du khách thập phương đến dâng hương, tham quan, vãn cảnh tại chùa Mèo.

Tương truyền công chúa nhà Trần là Chu Huyền lên Mường Chếch (nay là huyện Lang Chánh) để lánh nạn có mang theo hai quả chuông, có cận sĩ theo hầu. Về đây được bà con bảo vệ, chăm sóc chu đáo, cuộc sống trở nên ấm cúng, bình yên. Công chúa đã cùng với nhà Lang dựng một ngôi chùa. Khi dựng xong, công chúa cùng nhà Lang cho rước tượng đá Quan Âm ở miếu làng lên chùa thờ phụng. Chùa được xây dựng trên đỉnh đồi, có nhiều phong cảnh đẹp, với tên gọi ban đầu là chùa Chu (tên công chúa). Trước mặt chùa có dòng sông Âm chảy vòng quanh, bên tả có dãy núi Pù Bằng, bên hữu có dãy núi Pù Rinh, tiếng tăm chùa Chu ngày một lan rộng.

Đến thời Lê Lợi phát động khởi nghĩa Lam Sơn (1418) đã cùng nghĩa quân đi qua vùng chùa Chu và đóng quân, luyện võ ở nhiều vị trí. Vua Lê Lợi đã vào chùa Chu lễ phật và cầu nguyện cho sự nghiệp kháng chiến chống quân Minh thắng lợi. Vùng chùa Chu có nhiều địa danh gắn liền với cuộc kháng chiến chống giặc Minh của Anh hùng dân tộc Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn như: núi Chí Linh (dãy Pù Rinh) nơi 3 lần nghĩa quân Lam Sơn rút lui để củng cố, xây dựng lực lượng (hiện nay vẫn còn bia đá ghi lại). Hang Láu, thác Húng, núi đá, hòn bi - nơi xảy ra các trận tập kích của nghĩa quân Lam Sơn. Ngoài ra còn có nhiều địa danh ghi lại dấu tích và góp phần cùng vua và nghĩa quân an nghỉ, luyện rèn, ẩn náu chống giặc Minh toàn thắng. Đó là ghế đá vua Lê thường ngồi thưởng ngoạn, tảng đá mài gươm của nghĩa quân Lam Sơn. Sau cuộc kháng chiến chống giặc Minh thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi vua và với nỗi nhớ vùng quê, nơi có địa danh chùa Chu, những con sông, dòng suối đã góp phần phù hộ, độ trì cho sự nghiệp chống giặc toàn thắng, vua Lê đã sắc chỉ cho quan Lê Khả vào Mường Chanh đốc thúc thổ Lang cùng bà con ở đây tu sửa, nâng cấp chùa Chu rồi vua Lê đã cho đổi tên thành chùa Mèo, gắn liền với đồi Mèo… Đến giai đoạn lịch sử chống giặc nhà Thanh, anh hùng Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc đã dừng chân và vào chùa Mèo dâng hương cầu phật độ trì cho cuộc kháng chiến chống giặc Thanh thắng lợi. Chùa Mèo gắn liền với chiến công và cả vùng này như một chứng nhân của lịch sử, do đó sau khi các vị vua Lê Lợi, Quang Trung băng hà, đồng bào và sư trụ trì chùa Mèo đã ghi tạc công đức và thờ phật, thờ vua tại chùa.

Chùa Mèo - điểm du lịch tâm linh nơi miền tây xứ Thanh

Chuông chùa Mèo đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh.

Chùa Mèo được xây dựng theo kiểu tam quan và lợp bằng ngói mũi, gác chùa xây cao 15 m được lợp bằng ván ngọc, trong chùa có tượng các vị phật Quan Âm, La Hán, Thích Mâu Ni Ca và cả tượng Đức Thánh Trần, vua Lê Thái tổ, Nguyễn Trãi, Quang Trung… Hằng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, người dân vùng Mường Chếch, Mường Khạt, Mường Bo, Mường Nang… nô nức kéo nhau về hội chùa Mèo đông vui, náo nhiệt cả một vùng. Đặc biệt, vào cuối xuân năm Vĩnh Thịnh thứ 14, triều Lê (1718), đông đảo bà con và nhiều bản hội xứ Thanh đã cùng nhau tổ chức hưng công nhiều tiền của đúc chuông đồng lớn cung tiến, dâng lên chùa Mèo. Chuông chùa Mèo thuộc loại lớn, thân chính trụ tròn, cao 109 cm, đường kính miệng chuông 50 cm, chu vi 149 cm. Quai chuông với đôi rồng đấu đuôi vào nhau tạo nên dáng cong tròn. Đỉnh quai chuông có hình nậm rượu chia thành nhiều múi nối dọc xuống thân. Thân rồng mập, đầu ngẩng cao, mắt tròn, mũi to, miệng há rộng và ngậm viên ngọc. Toàn thân rồng phủ vảy kép, vây ở lưng hình ngọn lửa uốn theo hình quai chuông. Thân chuông được chia ba phần, 4 ô dọc bằng nhau ngăn cách bởi 5 đường chỉ đúc nổi. Bốn góc của 4 ô thân trên trang trí hình hoa văn mặt trời, vân mây nét đao mác. Có 8 chữ Hán đúc nổi “Chú tạo Miêu Đỉnh tự thiền hồng chung”; dịch là chùa Đỉnh Miêu đúc quả chuông lớn”. Bài minh chuông chùa Mèo có đoạn ghi: “Âm vang của tiếng chuông có thể nói vào hàng đầu, vì nó có thể thức tỉnh được những cơn mê của đông đảo chúng sinh. Tiếng chuông có thể phát huy được ý niệm lương thiện của con người, do đó từ xa xưa người ta đã dùng tiếng chuông đồng làm công cụ trợ giúp cho những lời giáo hóa của các bậc thánh nhân…”. Hiện chiếc chuông là bảo vật cổ đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh.

Do thời gian và thăng trầm của lịch sử, chùa Mèo bị xuống cấp, đồ thờ tự bị mất gần hết, duy chỉ còn lại chiếc chuông nguyên vẹn. Được sự quan tâm của huyện Lang Chánh và đông đảo bà con Nhân dân, năm 2013 chùa Mèo được trùng tu tôn tạo. Lễ hội chính của chùa Mèo được tổ chức vào ngày 6 tháng Giêng hàng năm, là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của bà con Nhân dân các dân tộc huyện Lang Chánh và là điểm du lịch tâm linh của du khách thập phương.

Bài và ảnh: Khắc Công



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]