(Baothanhhoa.vn) - Với những thắng lợi to lớn của quân dân ta trên các chiến trường, thế và lực của ta ngày càng phát triển mạnh mẽ, cuối năm 1953 Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương mở cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh điểm là chiến dịch Điện Biên Phủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi và động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tập trung lực lượng, nêu cao ý chí quyết chiến, quyết thắng, phát huy thế mạnh của ta để giành thắng lợi trong trận quyết chiến chiến lược này.

Tự hào 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, quyết tâm xây dựng Thanh Hóa sớm trở thành tỉnh kiểu mẫu

Với những thắng lợi to lớn của quân dân ta trên các chiến trường, thế và lực của ta ngày càng phát triển mạnh mẽ, cuối năm 1953 Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương mở cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh điểm là chiến dịch Điện Biên Phủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi và động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tập trung lực lượng, nêu cao ý chí quyết chiến, quyết thắng, phát huy thế mạnh của ta để giành thắng lợi trong trận quyết chiến chiến lược này.

Tự hào 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, quyết tâm xây dựng Thanh Hóa sớm trở thành tỉnh kiểu mẫuThành phố Thanh Hóa ngày càng hiện đại. Ảnh: Minh Hiếu

Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến dịch quy mô lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và dân ta. Ngay khi biết thực dân Pháp xây dựng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng đã chấp nhận giao chiến với chúng, chọn Điện Biên Phủ là điểm quyết chiến chiến lược trong Đông Xuân 1953-1954, để kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp đang ngày càng có lợi cho ta. Kế hoạch chuẩn bị cho cuộc chiến sắp tới được chuẩn bị kỹ lưỡng về lực lượng, hậu cần, kế hoạch quân sự... và huy động cả nước cùng chung tay thực hiện.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa là tỉnh có đóng góp nhiều nhất cả về sức người và sức của, là hậu phương lớn nhất chi viện cho chiến trường, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại năm 1954.

Mặc dù Thanh Hóa là địa bàn xa trận địa, đường xá đi lại vô cùng khó khăn, nhưng vì là vùng tự do, căn cứ địa cho cuộc kháng chiến chống Pháp nên sẽ là địa bàn chủ chốt cung cấp lương thực, thực phẩm và dân công cho chiến dịch. Với Nhân dân Thanh Hóa, trong điều kiện đường lên Tây Bắc phải trèo đèo, lội suối, có những đoạn đường còn phải vừa đi, vừa mở đường mới thì vận chuyển hậu cần là một vấn đề nan giải, nhưng phải khắc phục bằng mọi giá để cung cấp sức người, sức của đúng như yêu cầu, quyết tâm cùng với cả nước nỗ lực không ngừng phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ IV (năm 1952) đã đề ra nhiệm vụ: Phát triển sản xuất, thực hiện dân chủ, cải thiện dân sinh, đẩy mạnh kháng chiến. Tích cực phục vụ tiền tuyến, bảo vệ hậu phương, củng cố khối đoàn kết toàn dân... tỉnh Thanh Hóa chủ trương tích cực đẩy mạnh, tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, tăng diện tích, sản lượng cây trồng để tự túc lương thực cung cấp cho kháng chiến, đạt và vượt mọi chỉ tiêu, kế hoạch Trung ương giao. Tỉnh đã thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận, đề ra kế hoạch cụ thể xây dựng hệ thống kho, trạm, sửa chữa đường nhằm nhanh chóng huy động nhân tài, vật lực cho chiến dịch. Lực lượng thanh niên Thanh Hóa nô nức lên đường, tham gia thanh niên xung phong mở đường, sửa đường, hàng ngàn dân công được huy động lên đường chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Tính chung, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa đã huy động hơn 200.000 dân công dài hạn và ngắn hạn, 3.500 xe đạp thồ, 1.126 thuyền ván các loại, 31 ô tô, 180 xe bò, 42 ngựa thồ, 3 voi thồ hàng. Cung cấp 4.500 tấn gạo, 350 tấn thực phẩm, 2.000 con lợn, 350 con trâu, bò và hàng chục tấn rau, đậu, lạc, vừng...

Tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ hiện nay còn trưng bày chiếc xe cút kít của ông Trịnh Đình Bầm, dân công xã Định Liên, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, người đã chế tác chiếc xe cút kít hình chữ A, trong đó 1 phần bánh xe được ghép bằng gỗ bàn thờ gia tiên. Với chiếc xe này, ông Bầm đã tải lương thực từ 100 đến 280kg/chuyến; suốt toàn chiến dịch, ông đã vận chuyển được gần 12.000kg lương thực, được Hội đồng Cung cấp Liên khu 4 tặng Bằng khen, được tuyên dương toàn tỉnh Thanh Hóa.

Tự hào 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, quyết tâm xây dựng Thanh Hóa sớm trở thành tỉnh kiểu mẫuXe đạp của ông Trịnh Ngọc, dân công xe đạp thồ thị xã Thanh Hóa đạt kỷ lục vận chuyển 345,5 kg/chuyến phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Lam Vũ

Ghi nhận đóng góp của Nhân dân Thanh Hóa trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong kháng chiến đồng bào tỉnh ta, các tầng lớp Nhân dân đều tỏ ra đoàn kết tham gia kháng chiến. Tôi chỉ nói vài điểm, ví dụ: Dân công đã ra sức rất nhiều, trong một chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa góp 12 vạn dân công vận tải lương thực cho bộ đội. Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó” (Tập 10, tr. 598).

Trước đó, trong bài nói chuyện với các đại biểu thân sĩ trí thức, phú hào tỉnh Thanh Hóa ngày 20/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Tỉnh Thanh Hóa theo tôi, muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu, nhất định được, vì người đông, đất rộng, của nhiều” (tập 5, tr. 73). Và Người đề ra yêu cầu rất cụ thể cho từng lĩnh vực: “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu, thì phải làm sao cho mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự, phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu. Một tỉnh kiểu mẫu, một nước kiểu mẫu, thì thế giới biết nước ta là một nước đáng được độc lập, thống nhất; dân tộc tự do; kháng chiến thắng lợi. Tôi kêu gọi đồng bào trong tỉnh xắn tay áo làm đi, lần sau về đây, tôi sẽ thấy mỗi người là một người kiểu mẫu”. (tập 5, tr. 77).

Thấm nhuần lời dạy của Bác, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã lãnh đạo chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thi đua phấn đấu xây dựng Thanh Hóa thành “tỉnh kiểu mẫu” như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những năm gần đây, Thanh Hóa đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; đã vươn lên đứng đầu vùng Bắc Trung bộ và nằm trong số các tỉnh dẫn đầu của cả nước. Thanh Hóa là một trong số ít các tỉnh có đầy đủ 3 vùng địa lý: Đồng bằng, ven biển, vùng núi; là tỉnh có diện tích đứng thứ 5 toàn quốc và dân số đứng thứ 3; lực lượng lao động có 2,4 triệu người... Thanh Hóa đang có những thuận lợi trong kết nối phát triển với các tỉnh, thành khác, các trung tâm kinh tế khác, cũng như trong thu hút đầu tư. Khu Kinh tế Nghi Sơn là 1 trong 8 khu kinh tế trọng điểm ven biển cả nước, có những ưu đãi rất cao. Đặc biệt, tỉnh có Cảng nước sâu Nghi Sơn và Cảng Hàng không quốc tế Thọ Xuân rất thuận lợi cho Thanh Hóa sớm trở thành một tỉnh kiểu mẫu của cả nước.

Từ 11 đảng viên ban đầu được triệu tập tại Hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh ngày 29/7/1930; đến nay, Đảng bộ tỉnh đã có 31 đảng bộ trực thuộc, với hơn 230.000 đảng viên, là đảng bộ có số đảng viên đứng thứ 2 cả nước, sau Đảng bộ TP Hà Nội. Khẳng định những thành quả trong dòng chảy của 94 năm lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa để thấy rằng những thành tựu nêu trên có được là do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc thường xuyên nâng cao bản lĩnh chính trị và trình độ trí tuệ của Đảng bộ tỉnh. Trong giai đoạn hiện nay, việc thường xuyên nâng cao bản lĩnh chính trị và trình độ, trí tuệ của Đảng bộ tỉnh càng được coi là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách.

Cùng với Nhân dân cả nước hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, và bước sang năm 2025 - là 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 58-NQ/TW, ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tự hào 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, quyết tâm xây dựng Thanh Hóa sớm trở thành tỉnh kiểu mẫuNhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Khu Kinh tế Nghi Sơn). Ảnh: Minh Hiếu

Phát huy truyền thống vẻ vang xây dựng đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền đoàn kết, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; trọng tâm là xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gắn với đẩy mạnh thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, chính quyền cơ sở vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, năng động, sáng tạo, có tư tưởng đột phá, dám xả thân vì sự phát triển của tỉnh. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; tăng cường quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực. Đổi mới mạnh mẽ, tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, hoạt động của MTTQ và các đoàn thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tự hào với truyền thống vẻ vang, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa vững tin vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, phục vụ cho lợi ích chính đáng của Nhân dân, lấy hạnh phúc của người dân làm mục tiêu phấn đấu chính là hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

PGS, TS Lê Văn Cường

(Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) -

Lê Ngân Hà (Học viện Báo chí và Tuyên truyền)

Tài liệu tham khảo:

1.Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, Nxb CTQG Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 73; 77.

2.Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 10, Nxb CTQG Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 598.

3.https://thieuhoa.thanhhoa.gov.vn.

4.https://btctdbp-svhttdl.dienbien.gov.vn.

5. https://dantri.com.vn.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]