(Baothanhhoa.vn) - Sáng 7-8, tại TP Sầm Sơn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy 3 tỉnh: Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh đã phối hợp tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm và hợp tác phát triển giữa 3 tỉnh. Tại hội nghị, đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bi thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có bài phát biểu tham luận với chủ đề “Tiềm năng, lợi thế, cơ hội phát triển và khả năng hợp tác, liên kết giữa Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh”. Báo Thanh Hoá trân trọng giới thiệu toàn văn tham luận.

Tiềm năng, lợi thế, cơ hội phát triển và khả năng hợp tác, liên kết giữa Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh

Sáng 7-8, tại TP Sầm Sơn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy 3 tỉnh: Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh đã phối hợp tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm và hợp tác phát triển giữa 3 tỉnh. Tại hội nghị, đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bi thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có bài phát biểu tham luận với chủ đề “Tiềm năng, lợi thế, cơ hội phát triển và khả năng hợp tác, liên kết giữa Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh”. Báo Thanh Hoá trân trọng giới thiệu toàn văn tham luận.

Tiềm năng, lợi thế, cơ hội phát triển và khả năng hợp tác, liên kết giữa Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh

Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trình bày tham luận tại hội nghị.

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo 3 tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh,

Kính thưa các quý vị đại biểu, thưa toàn thể hội nghị!

Nằm ở cực Bắc của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có diện tích tự nhiên 33.604 km2, chiếm 10,1% diện tích cả nước; quy mô GRDP (theo giá hiện hành) năm 2021 khoảng 459,4 (1) nghìn tỷ đồng, chiếm 5,5% GDP cả nước; nơi đây được xem là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng, luôn giữ vai trò trọng yếu cả về chính trị, quân sự và kinh tế; là cầu nối quan trọng giữa Bắc Bộ với Duyên hải Trung Bộ và là cửa ngõ thông thương ra biển gần nhất của khu vực phía Tây Tây Bắc nước ta, các tỉnh Trung - Thượng Lào và Đông Bắc Thái Lan.

Với hệ thống giao thông thuận lợi, có đầy đủ các loại hình và các trục giao thông quan trọng của Quốc gia đi qua như: Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, tuyến đường bộ ven biển, đường sắt Bắc Nam, Cao tốc Bắc Nam; Cảng nước sâu Nghi Sơn, Cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương; có Cảng hàng không quốc tế Vinh và Cảng hàng không Thọ Xuân; có các cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Nậm Cắn, Na Mèo,... có thể kết nối với các địa phương, vùng miền trong nước và các nước trên thế giới, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước.

Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh là một trong số ít các tỉnh hội tụ đủ cả 3 vùng địa lý (vùng trung du, miền núi; vùng đồng bằng và vùng ven biển); có nguồn tài nguyên đa dạng, phong phú, có điều kiện để phát triển đa ngành, đa lĩnh vực trong cả nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; có điều kiện để liên kết, phát triển thành mạng lưới các ngành sản xuất quy mô lớn, cung cấp hàng hóa cho cả nước và hướng tới xuất khẩu; nổi trội về kinh tế biển, kinh tế rừng và di sản văn hóa - lịch sử. Đặc biệt, 3 tỉnh chúng ta có bờ biển dài 321 km với nhiều bãi biển đẹp như Sầm Sơn, Cửa Lò, Thiên Cầm…; có di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại Dân ca “Ví, Giặm” và nhiều di tích Quốc gia đặc biệt, di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, thuận lợi trong việc liên kết phát triển du lịch.

Tiềm năng, lợi thế, cơ hội phát triển và khả năng hợp tác, liên kết giữa Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh

Toàn cảnh hội nghị.

Kính thưa toàn thể hội nghị!

Những năm qua, trong bối cảnh chung của đất nước còn nhiều khó khăn, thách thức; song Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc 3 tỉnh chúng ta đã có nhiều nỗ lực, tự lực, tự cường, đoàn kết vươn lên và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vào sự phát triển chung của cả nước, trong đó: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm giai đoạn 2016 - 2020 của 3 tỉnh đạt khoảng 8,3% (2), cao hơn so với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân cả nước (5,9%) và năm 2021, tăng trưởng GRDP bình quân của 03 tỉnh là 7,2% (3) (cả nước là 2,58%). Hoạt động liên kết vùng giữa 03 tỉnh ngày càng được quan tâm và phát triển trên nhiều lĩnh vực, như:

- Trong liên kết phát triển nông, lâm nghiệp , thủy sản: Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 3 tỉnh đã tích cực hợp tác, liên kết trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; phối hợp trong triển khai các dự án về thủy lợi và phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới 3 tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn công tác để tham quan, học tập kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới.

- Trong liên kết phát triển công nghiệp , thương mại : Các tỉnh đã tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực có thế mạnh như: công nghiệp lọc hóa dầu, sản xuất thép, xi măng, nhiệt điện, chế biến gỗ và thủy điện... Các tỉnh đã đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu kinh tế ven biển, trong đó Khu kinh tế Nghi Sơn và Khu kinh tế Vũng Áng là 2 trong 8 khu kinh tế trọng điểm ven biển được ưu tiên đầu tư gắn với phát triển Cảng nước sâu Nghi Sơn và Cảng nước sâu Sơn Dương - Vũng Áng. Bên cạnh đó, ngành Công Thương các tỉnh Bắc Trung Bộ đã duy trì, luân phiên tổ chức Hội nghị thường niên để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước, đề xuất các giải pháp phối hợp, liên kết khai thác tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương; thường xuyên tổ chức Hội nghị kết nối - cung cầu để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại.

- Trong liên kết phát triển dịch vụ: 3 tỉnh đã cùng với tỉnh Quảng Bình ký kết và triển khai thực hiện Biên bản thỏa thuận Hợp tác phát triển du lịch 4 tỉnh năm 2016. Trên cơ sở đó, các tỉnh đã đẩy mạnh phát triển du lịch, nhiều khu, điểm du lịch đã trở thành địa chỉ đỏ cho đông đảo du khách, như: Sầm Sơn, Cửa Lò, Thiên Cầm (du lịch biển); Thành Nhà Hồ, Khu Di tích Lam Kinh, Khu Di tích Kim Liên, Khu Di tích Đại thi hào Nguyễn Du, chùa Hương Tích (du lịch di sản văn hóa)…; hình thành các tour du lịch trải nghiệm, di sản văn hóa kết hợp nghỉ dưỡng biển tại các địa phương.

Công tác xúc tiến thị trường, quảng bá du lịch trong nước và nước ngoài được 3 tỉnh thường xuyên phối hợp. Đã tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện chung như: tham gia tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch tại Thái Lan, Trung Quốc; tổ chức các gian hàng chung tại Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam tại Hà Nội và Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, cuối tháng 3 vừa qua, trong khuôn khổ các hoạt động bên lề Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam tại Hà Nội, 3 tỉnh chúng ta đã phối hợp tổ chức hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch với chủ đề “Ba địa phương, một điểm đến, nhiều trải nghiệm” nhằm chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để đón, phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế bảo đảm tiêu chí an toàn, thân thiện, hấp dẫn.

Song song với phát triển du lịch, việc liên kết phát triển các dịch vụ đào tạo và y tế đã được triển khai tích cực. Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An là tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật khám chữa bệnh khu vực Bắc Trung Bộ; Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Hồng Đức, Trường Đại học Hà Tĩnh là các trung tâm đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực đa ngành, đa lĩnh vực, có chất lượng cho cả vùng.

- Trong liên kết phát triển kết cấu hạ tầng: Các tỉnh đã chủ động sử dụng các nguồn vốn để đầu tư, nâng cấp các tuyến đường giao thông, tạo sự kết nối liên thông, thuận lợi giữa các tỉnh; nhiều tuyến đường quan trọng đã được các tỉnh phối hợp thực hiện nhanh, hiệu quả như tuyến đường bộ ven biển, tuyến Quốc lộ 1A, tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam... Ngoài ra, các địa phương cũng đã ưu tiên nguồn lực để từng bước đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu kinh tế ven biển; cảng biển và khu neo đậu, hậu cần nghề cá. Cảng Nghi Sơn, Cảng Cửa Lò và Cảng Sơn Dương - Vũng Áng đã từng bước được đầu tư hoàn chỉnh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp của 3 tỉnh và các tỉnh lân cận thông thương hàng hóa và xuất, nhập khẩu đi các nước, góp phần tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Kính thưa toàn thể hội nghị!

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc khai thác tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội và hợp tác, phát triển liên kết vùng giữa 3 tỉnh trong thời gian qua còn có những khó khăn, hạn chế, đó là:

- 3 tỉnh chúng ta có địa hình phức tạp, bị chia cắt nhiều bởi các sông, núi; diện tích khu vực miền núi lớn, nên khó hình thành được các vùng công nghiệp tập trung quy mô lớn; thường xuyên xảy ra mưa, lũ; song cũng có nhiều đợt hạn hán, sương muối, rét đậm, rét hại, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của người dân và doanh nghiệp, nhất là trong sản xuất nông nghiệp.

- Mặc dù có điều kiện tự nhiên, tiềm năng, thế mạnh khá tương đồng nhau trên nhiều lĩnh vực; song, thời gian qua sự phối hợp giữa các địa phương còn chưa toàn diện và thường xuyên, chưa tạo ra sức mạnh tổng hợp, hiệu quả trong giải quyết những vấn đề chủ yếu của liên kết vùng, nhất là trong việc phối hợp và phân công hợp tác phát triển các ngành, lĩnh vực có thế mạnh của từng tỉnh và của vùng.

- Năng lực, sức cạnh tranh của từng tỉnh còn thấp; chưa có nhiều nguồn lực để tổ chức thực hiện các chương trình, đề án liên kết; đồng thời, chưa có cơ chế điều tiết lợi ích được tạo ra từ liên kết, điều tiết các nguồn lực phân bổ cho các dự án.

Kính thưa toàn thể hội nghị!

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, liên kết phát triển vùng là một nhiệm vụ trọng tâm trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của từng ngành, địa phương, đơn vị. Tại buổi làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh ngày 13/12/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh “Hà Tĩnh phải cùng Nghệ An, Thanh Hóa tạo nên một cực tăng trưởng mới nổi của cả nước”. Do đó, vấn đề liên kết, hợp tác phát triển giữa 03 tỉnh chúng ta phải được đặt trong bối cảnh phát triển chung của cả nước và khu vực; phù hợp với định hướng phát triển quốc gia, quy hoạch phát triển vùng và các quy hoạch ngành quốc gia; phải phát huy được tiềm năng, lợi thế của mỗi tỉnh cho phát triển và cần thống nhất quan điểm “Tỉnh có mạnh thì vùng mới mạnh và có cơ hội phát triển liên kết”. Cụ thể liên kết, hợp tác trên một số lĩnh vực như sau:

- Trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Với lợi thế có đường Hồ Chí Minh đi qua, chúng ta có lợi thế, khả năng hợp tác để liên kết, hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị, sản xuất tập trung, chuyên canh quy mô lớn dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến, đến tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực của các địa phương; kết hợp phát triển nông nghiệp với du lịch.

- Trong phát triển công nghiệp: Với lợi thế về trữ lượng lớn tài nguyên đá vôi, sắt và nhiều loại quặng có giá trị, 3 tỉnh có thế mạnh để đẩy mạnh liên kết phát huy lợi thế phát triển ngành công nghiệp sản xuất xi măng, sắt, thép, nhằm nâng cao chất lượng, hạ giá thành, tạo thương hiệu sản phẩm để cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường với các sản phẩm tại các vùng, địa phương khác.

- Trong phát triển du lịch: Chúng ta cần đẩy mạnh phát triển các sản phẩm có thế mạnh là du lịch biển, du lịch sinh thái và du lịch di sản, tiến tới hình thành các cụm du lịch giữa các địa phương với các sản phẩm du lịch đặc trưng như:

+ Du lịch biển: Tập trung huy động nguồn lực xây dựng và hình thành các đô thị du lịch ven biển gắn với các bãi biển đẹp như: Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa (Thanh Hóa), Cửa Lò, Cửa Hội (Nghệ An), Thiên Cầm, Xuân Thành (Hà Tĩnh).

+ Du lịch sinh thái, trải nghiệm: Khai thác, phát huy vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ của hệ thống các vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên tại các địa phương như: Vườn quốc gia Bến En và các Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Pù Hu, Xuân Liên (Thanh Hóa), Vườn quốc gia Pù Mát và các Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, Pù Huống (Nghệ An), Vườn quốc gia Vũ Quang, Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh)…

+ Du lịch di sản - văn hóa, nhân văn: Đẩy mạnh kết nối, hình thành các sản phẩm du lịch di sản với điểm đến là Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ; các sản phẩm du lịch gắn với các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng, danh lam thắng cảnh như: Khu di tích lịch sử Lam Kinh, Khu di tích lịch sử Kim Liên, Khu lưu niệm Nguyễn Du, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc…

- Trong phát triển kinh tế biển: Liên kết để thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động, thu hút đầu tư và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm phát huy thế mạnh về kinh tế biển của các tỉnh, gồm:

+ Phát triển cảng biển: Tập trung huy động nguồn lực, phối hợp ban hành các cơ chế chính sách thực sự hấp dẫn để thu hút đầu tư hạ tầng cảng biển Nghi Sơn, Cửa Lò, Vũng Áng - Sơn Dương; mở mới các tuyến vận tải đường biển qua cảng để nâng cao năng lực bốc xếp, thông quan hàng hóa qua cảng, từng bước xây dựng và hình thành cụm cảng biển trong vùng. Các địa phương cần tích cực phối hợp, liên kết với các cảng biển lớn ở các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam để được chia sẻ nguồn hàng cũng như giảm ùn tắc tại các cảng biển lớn.

+ Phát triển thủy sản: 3 tỉnh chúng ta có ngư trường khai thác rộng lớn, nên cần liên kết, phối hợp để đẩy mạnh đánh bắt xa bờ, hình thành các tổ đội đoàn kết liên tỉnh trên biển. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú tàu thuyền, hình thành các đô thị nghề cá, tạo thuận lợi cho ngư dân vươn khơi, bám biển. Tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong nuôi trồng thủy sản, nhất là việc phối hợp trong việc lựa chọn các con nuôi thủy sản. Phối hợp thu hút các dự án chế biến thủy sản lớn, có tính liên vùng, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với ngư dân.

- Trong phát triển kết cấu hạ tầng: Các tỉnh cần tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ kết nối 3 tỉnh và các địa phương lân cận, tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, rút ngắn thời gian di chuyển giữa 3 tỉnh và tạo liên kết chặt chẽ với các địa phương khác trong khu vực và cả nước, nhất là vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung. Đồng thời, 03 tỉnh cần liên kết, chia sẻ kinh nghiệm trong việc chuyển đổi số và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh, tạo thuận lợi cho việc liên kết, chia sẻ các thông tin phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là về du lịch và thu hút đầu tư…

Tiềm năng, lợi thế, cơ hội phát triển và khả năng hợp tác, liên kết giữa Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh

Kính thưa toàn thể hội nghị!

Để hiện thực hóa các nội dung liên kết, hợp tác phát triển, cùng với việc tổ chức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đã được đề ra trong các nghị quyết của Đảng, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và các nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá đã được ban hành; trong thời gian tới, 3 tỉnh chúng ta cần tập trung vào một số nội dung sau:

Một là, chúng ta cần thống nhất được nhận thức chung về liên kết, phát triển giữa các địa phương, đây không chỉ là trách nhiệm của Trung ương mà còn là vấn đề chung của mỗi địa phương.

Thực tiễn cho thấy, việc thiếu liên kết, phối hợp giữa các địa phương sẽ tiềm ẩn nguy cơ phát sinh vấn đề “xung đột lợi ích”, chưa xem xét việc phối hợp trong lợi ích tổng thể chung, mà cát cứ, cục bộ “mạnh ai nấy làm” nên xảy ra tình trạng thiếu liên kết, hợp tác, bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau phát triển, không khai thác, phát huy hết được các tiềm năng, lợi thế các địa phương. Việc định hướng và tổ chức không gian phát triển là vấn đề vượt ra ngoài ranh giới hành chính một tỉnh; do đó, cần có cách tiếp cận và giải quyết thông qua hành động tập thể, có sự thống nhất nhận thức chung, mục tiêu chung, từ đó chủ động trong hợp tác, liên kết theo phương châm “muốn đi nhanh và đi xa thì hãy đi cùng nhau”.

Hai là, phải tạo ra một cơ chế liên kết giữa các tỉnh. Hiện nay, 03 tỉnh chúng ta nói riêng, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ nói chung đang đứng trước cơ hội lớn về tăng trưởng và phát triển bền vững với mô hình liên kết dựa vào thế mạnh chung của toàn vùng để hình thành mạng lưới sản xuất công nghiệp và phân phối hàng hóa đồng bộ, hướng vào ngành có lợi thế cạnh tranh và đưa xuất khẩu, dịch vụ, du lịch trở thành mũi nhọn…

Đặc biệt, ngày 14/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 462/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đây là cơ sở, là thời điểm hợp lý để các tỉnh cùng nhìn nhận, đánh giá các vấn đề của vùng một cách toàn diện, xác định rõ quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển của vùng.

Ba là, xây dựng cơ chế liên kết huy động nguồn lực giữa các tỉnh, trọng tâm là phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và đẩy mạnh liên kết với các tỉnh, thành phố khác để tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, huy động tối đa các nguồn lực để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư mang tính liên kết vùng và để phát triển các ngành, lĩnh vực mũi nhọn của 03 tỉnh, tránh sự cạnh tranh trực tiếp giữa các tỉnh trong việc thu hút đầu tư. Đồng thời, cần nghiên cứu, phối hợp đề xuất một số chính sách nhằm phát huy thế mạnh của các địa phương. Đặc biệt, hiện nay tuyến đường Hồ Chí Minh được đầu tư đã lâu, bề rộng mặt đường nhỏ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của 03 tỉnh nói chung và các huyện phía Tây nói riêng; do đó, đề nghị 3 tỉnh cùng đấu mối với các bộ, ngành Trung ương để sớm được đầu tư mở rộng hoặc cho phép 3 tỉnh cùng đầu tư mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn qua 3 tỉnh, tạo hành lang phát triển khu vực phía Tây của các tỉnh.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh liên kết trong việc đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục đại học, đào tạo nguồn nhân lực nhằm phát huy thế mạnh của các cơ sở đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các địa phương; đồng thời, các địa phương cần phối hợp trong việc thu hút và sử dụng nguồn lao động của nhau, nhất là lao động vào làm việc trong khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất.

Kính thưa toàn thể hội nghị!

Liên kết phát triển giữa các địa phương là một hành trình không có điểm đầu và điểm kết thúc; do đó, để thực hiện thành công liên kết phát triển của 3 tỉnh chúng ta nói riêng, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ nói chung, đòi hỏi phải có sự tham gia tích cực, chủ động và trách nhiệm của 3 tỉnh, hướng đến mục tiêu xây dựng 03 tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh phát triển và thịnh vượng.

Cuối cùng, xin kính các quý vị đại biểu, các vị khách quý, cùng toàn thể hội nghị sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn!

-----------------

1 Trong đó: GRDP năm 2021 theo giá hiện hành của tỉnh Thanh Hóa là 215.851 tỷ đồng, Nghệ An là 155.425 tỷ đồng và Hà Tĩnh là 88.086 tỷ đồng.

2 Trong đó: Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Thanh Hóa tăng bình quân 11,3%; Nghệ An tăng bình quân 7,2% và Hà Tĩnh tăng bình quân 4,6%.

3 Trong đó: Năm 2021, tỉnh Thanh Hóa tăng 8,85%; Nghệ An tăng 6,2% và Hà Tĩnh tăng 5,02%.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]