(Baothanhhoa.vn) - Cùng sự phát triển của Giải thưởng Kova - giải thưởng thường niên, uy tín tôn vinh những người phụ nữ Việt Nam xuất sắc, những tấm gương sáng trên khắp cả nước trong các lĩnh vực của đời sống, kinh tế - xã hội, những năm qua, phụ nữ Thanh Hóa vinh dự 4 lần được trao thưởng, trong đó có 2 tập thể và 2 cá nhân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phụ nữ Thanh Hóa với Giải thưởng Kova

Cùng sự phát triển của Giải thưởng Kova - giải thưởng thường niên, uy tín tôn vinh những người phụ nữ Việt Nam xuất sắc, những tấm gương sáng trên khắp cả nước trong các lĩnh vực của đời sống, kinh tế - xã hội, những năm qua, phụ nữ Thanh Hóa vinh dự 4 lần được trao thưởng, trong đó có 2 tập thể và 2 cá nhân.

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền (người ở hàng trên cùng) phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa được nhận Giải Kova (2017) tham gia chương trình hội ngộ doanh nhân, chủ cơ sở sản xuất là người khuyết tật năm 2018.

Với thành tích về xóa đói, giảm nghèo, xóa mù chữ, 100% trẻ đến trường, tỷ lệ thu hút hội viên sinh hoạt cao, năm 2003 ban chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Quang Trung (Ngọc Lặc) đã vinh dự được nhận Giải thưởng Kova ở hạng mục phục vụ đời sống xã hội. Quang Trung là xã miền núi nghèo với hơn 82% dân tộc Mường sinh sống còn rất nhiều khó khăn. Trước thực trạng nhiều hội viên, phụ nữ trong xã mù chữ, nhận thức hạn chế, ban chấp hành Hội LHPN xã Quang Trung đã phân công nhau “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động, kể cả giúp việc nhà để chị em tham gia học lớp xóa mù chữ, vận động con em đến tuổi đi học đến trường... Nhờ có sự kiên trì, bền bỉ của những cán bộ hội tâm huyết, trách nhiệm ấy mà đã xóa được mù chữ cho hội viên, phụ nữ, 100% các cháu trong độ tuổi đi học đều được đến trường. Biết chữ đồng nghĩa với nâng cao nhận thức, hiểu biết, nhiều hội viên đã biết cách làm kinh tế, nhận thầu đất sản xuất, trồng những loại cây lâu năm, cây ngắn ngày, phát triển chăn nuôi gia trại, rồi tích lũy đầu tư mở rộng sản xuất. Từ những hoạt động thiết thực này, Hội LHPN xã Quang Trung đã thu hút 78% phụ nữ từ 18 tuổi trở lên tham gia sinh hoạt hội.

Năm 2004, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng đề tài khoa học “Thực trạng và giải pháp nâng cao đời sống hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ tại Thanh Hóa”, từ đề tài này, mô hình câu lạc bộ (CLB) phụ nữ giảm nghèo được xây dựng và nhân rộng với mục đích giúp hội viên, phụ nữ thoát nghèo. Các thành viên trong CLB được hỗ trợ vốn vay để đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, làm nghề phụ, buôn bán nhỏ, tham gia tổ, nhóm phụ nữ tiết kiệm; bồi dưỡng, nâng cao kiến thức về mọi mặt. Qua đó, chị em được giao lưu, chia sẻ và giúp đỡ. Hiện mô hình CLB phụ nữ giảm nghèo đã nhân rộng ra 367 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh, giúp hàng ngàn hội viên thoát nghèo. Từ hiệu quả thiết thực của đề tài và mô hình “CLB phụ nữ giảm nghèo”, năm 2008, Hội LHPN tỉnh đã vinh dự được nhận Giải thưởng KOVA xếp loại A về hoạt động khoa học và công nghệ đạt hiệu quả thiết thực phục vụ đời sống xã hội.

17 năm dạy học miễn phí nơi vùng biển nghèo với 7 lớp học, 105 học sinh (độ tuổi 11-16 tuổi) không biết chữ thành biết chữ và học hết chương trình tiểu học, trong số đó có 35 em học sinh tiếp tục học THCS; xóa mù cho gần 85 phụ nữ ở xã Ngư Lộc (Hậu Lộc); vận động được 73 giáo viên trong xã tham gia dạy miễn phí cho 416 học sinh nghèo trên địa bàn xã; vận động 32 học sinh bỏ học ra lớp và ngăn chặn 56 học sinh có nguy cơ bỏ học ra lớp; vận động 15 trẻ em đang lang thang, kiếm sống trở về địa phương tiếp tục đi học... là những việc làm mang tính xã hội lan tỏa của cô giáo Nguyễn Thị Thông, xã Ngư Lộc (Hậu Lộc). Cô Thông đã vinh dự được nhận Giải thưởng Kova năm 2017. Việc làm của cô hết sức bình dị nhưng có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tính cộng đồng xã hội lớn mà không phải ai cũng làm được. Sau 35 năm công tác trong ngành giáo dục, từng giữ cương vị Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngư Lộc 2, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất..., với cô Thông, cuộc sống của cựu nhà giáo nghèo với người chị gái bị mù vẫn tiếp tục tỏa sáng, khi cô quyết định mở lớp dạy học miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (nghèo, mồ côi, tật nguyền, đi lang thang hoặc làm ăn xa trở về), người lớn chưa biết chữ, chưa có điều kiện đến trường ngay tại nhà mình và dành luôn cả suất lương hưu của mình mua sách, vở, lo bữa ăn cho các em. Những lớp học ban đầu vô cùng khó khăn, thiếu thốn..., nhưng cô Thông vẫn kiên trì “gieo chữ”, không kể thời gian. Đến nay, nhiều thế hệ học sinh của cô Thông đã và đang hòa nhập cộng đồng, một số em đã đi xuất khẩu lao động, làm nghề thợ mộc, chế biến hải sản, dịch vụ buôn bán, may, học lớp thuyền trưởng, máy trưởng...

Thanh Hóa vinh dự còn có chị Nguyễn Thị Thu Hiền, phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa) được nhận Giải thưởng Kova năm 2017 và được giao lưu với Thủ tướng Chính phủ. Chị Hiền là người khuyết tật, chỉ cao 88cm nhưng phấn đấu học có tới 2 bằng đại học. Hiện chị là Giám đốc Công ty TNHH Suri (chuyên sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, giải quyết việc làm cho nhiều lao động), chủ nhiệm CLB Thanh niên và Sinh viên khuyết tật tỉnh Thanh Hóa. Chị đã truyền lửa đam mê học tập, phấn đấu cho nhiều người, nhất là thế hệ thanh niên và những người khuyết tật.

Với những thành quả đạt được, 4 Giải thưởng Kova của phụ nữ xứ Thanh đã khẳng định phần nào nhiệt huyết, trách nhiệm của tập thể, cá nhân, những tình cảm đáng trân quý, việc làm nhân văn sâu sắc của phụ nữ quê hương Bà Triệu.


Bài và ảnh: Minh Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]