(Baothanhhoa.vn) - Di tích lịch sử kiến trúc - nghệ thuật đền Hổ Bái tọa lạc tại thôn 2, xã Yên Trường (Yên Định). Đây là ngôi đền cổ hàng nghìn năm tuổi, là niềm tự hào của cấp ủy, chính quyền, Nhân dân địa phương.

Thăm đền Hổ Bái, nhớ công đức người xưa

Di tích lịch sử kiến trúc - nghệ thuật đền Hổ Bái tọa lạc tại thôn 2, xã Yên Trường (Yên Định). Đây là ngôi đền cổ hàng nghìn năm tuổi, là niềm tự hào của cấp ủy, chính quyền, Nhân dân địa phương.

Thăm đền Hổ Bái, nhớ công đức người xưa

Di tích lịch sử kiến trúc - nghệ thuật đền Hổ Bái.

Theo Địa chí xã Yên Bái (cũ) và Thần phả làng Hổ Bái, đền Hổ Bái thờ thần Lạc Hầu Hợp Lang - người con thứ mười một của Vua Hùng. Trong một lần theo dòng sông Mã tìm đến đất Trang Trân Bái ở huyện Yên Định (nay là làng Hổ Bái), Hợp Lang nhận thấy nơi đây là vùng đất linh thiêng nên cho quân lính xây dựng ngôi đền gần dòng sông Mã. Ngôi đền chính là đền Hổ Bái ngày nay. Sau khi xây dựng đền xong, Hợp Lang trở về thủy cung.

Cũng theo sử sách ghi chép lại, liên quan đến đền Hổ Bái, ngoài sự kiện thần Lạc Hầu Hợp Lang về cho xây dựng đền thì vẫn còn 3 sự kiện quan trọng và ý nghĩa khác. Đó là trong một lần Hai Bà Trưng về đền cầu anh linh Vua Hùng phù hộ để diệt giặc ngoại xâm bảo vệ bờ cõi. Lời khấn cầu linh ứng, Hai Bà Trưng cùng nghĩa quân đã đánh tan quân giặc. Ngay sau đó, Hai Bà về đất Trang Trân Bái mở hội ăn mừng và tiến hành tu sửa đền thờ.

Năm 1286 đất nước ta rơi vào cảnh hạn hán khốc liệt, khiến cuộc sống Nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Nhân cơ hội này, kẻ thù nuôi dã tâm xâm lược nước ta. Đứng trước tình cảnh này, vua Trần Nhân Tông lệnh cho người về đền Hổ Bái làm lễ tế xin cho đất nước qua cơn hoạn nạn. Ba ngày sau có mưa lớn, khắp nơi thoát cảnh hạn hán. Trước sự linh ứng ấy, vua lệnh truyền cho các cụ già ở làng Trang Trân Bái tiến hành làm lễ tạ, ban sắc phong thần cho đền Hổ Bái.

Năm 1888, trước sự tấn công của thực dân Pháp, Nhân dân Trang Trân Bái đã tập hợp đội quân theo vua Hàm Nghi chống giặc. Khi biết nghĩa quân của ta đóng tại đền Hổ Bái, bọn Pháp đem một trung đội có đầy đủ súng ống về đàn áp nhưng Nhân dân Hổ Bái chiến đấu rất kiên cường. Bỗng một hôm, ngôi đền bốc cháy dữ dội. Đến đời vua Thành Thái (1896), đền được xây dựng lại bề thế, vững chắc với kiến trúc đậm chất nghệ thuật, được chạm khắc tinh xảo. Đền gồm có cổng nghinh môn, chính điện và hậu cung được xây dựng rất hài hòa.

Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đền Hổ Bái được sử dụng vào việc lưu giữ quân lương phục vụ cho kháng chiến và sau đó là nơi làm việc của Ủy ban Hành chính xã Yên Bái và HTX nông nghiệp Yên Bái.

Năm 1993, đền Hổ Bái được công nhận Di tích lịch sử kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia. Đã thành thông lệ, cứ vào ngày 9 tháng 2 âm lịch hàng năm người dân xã Yên Trường lại tổ chức lễ hội đền Hổ Bái. Ngoài phần lễ còn có phần hội với những trò chơi, trò diễn truyền thống hấp dẫn. Đặc biệt cuộc thi làm bánh răng bừa có từ lâu đời vẫn được đều đặn tổ chức, thu hút đông đảo người dân tham gia.

Trải qua những biến cố, thăng trầm của lịch sử, ngôi đền bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2019, bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh, huyện, nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn huy động hợp pháp khác, đền được tu bổ, tôn tạo các hạng mục, như: nhà tiền đường, hậu cung... với tổng mức đầu tư hơn 5,3 tỷ đồng. Đến tháng 12/2024, dự án tu bổ, tôn tạo di tích kiến trúc - nghệ thuật đền Hổ Bái được hoàn thành, đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của Nhân dân trong và ngoài xã Yên Trường.

Ông Trịnh Bá Đan, người dân xã Yên Trường có nhiều đóng góp tu bổ, tôn tạo đền Hổ Bái, cho biết: "Ngoài việc tuyên truyền các thành viên trong dòng họ tham gia giữ gìn, phát huy các giá trị di tích, bản thân tôi còn góp công, góp của để chỉnh trang lại khuôn viên của di tích. Hiện nay, một số hạng mục đền được tu bổ, tôn tạo trở nên khang trang hơn, tôi cảm thấy rất phấn khởi và thời gian tới sẽ cùng với người dân trong xã tích cực bảo vệ di tích".

"Tự hào về quê hương có nhiều di tích lịch sử văn hóa quốc gia, xã Yên Trường luôn nỗ lực bảo vệ, gìn giữ và phát huy những giá trị của các di tích bằng những việc làm thiết thực, như: chỉnh trang khuôn viên di tích; vệ sinh môi trường xung quanh di tích; thành kính thắp hương vào các ngày đầu tháng, ngày rằm...; chỉ đạo đoàn thanh niên phối hợp với các trường học trên địa bàn xã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục giá trị di tích cho thế hệ trẻ. Tuy được tu bổ, tôn tạo nhưng hiện nay vẫn còn nhiều hạng mục xuống cấp, như: cổng nghinh môn, sân, tường rào... ảnh hưởng đến sinh hoạt tâm linh của Nhân dân cũng như mỹ quan của khu di tích. Rất mong cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm đầu tư trùng tu, tôn tạo để di tích lịch sử kiến trúc - nghệ thuật đền Hổ Bái xứng tầm với di tích cấp quốc gia", ông Bùi Thanh Hải, Chủ tịch xã Yên Trường, chia sẻ.

Bài và ảnh: Nguyễn Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]