Phát triển sản phẩm OCOP trong các HTX
Không chỉ đẩy mạnh liên kết sản xuất, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, những năm qua, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã phát huy sự năng động sáng tạo, nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của thị trường, làm “sống lại” sản phẩm truyền thống của địa phương. Đồng thời, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các hộ thành viên HTX và người dân địa phương.
Sản phẩm OCOP 3 sao Gạo Vân Đài của HTX Dịch vụ nông nghiệp Thiệu Viên, xã Thiệu Trung được tiêu thụ tốt trên thị trường.
Sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX năm 2012, HTX Dịch vụ nông nghiệp Thiệu Viên, xã Thiệu Trung không chỉ hoạt động tốt ở các dịch vụ công, mà còn đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Trong đó, HTX đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất lúa giống, rau màu và phát triển liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm cho người dân. HTX được nhiều doanh nghiệp, đối tác đánh giá cao về các sản phẩm lúa giống, lúa gạo thương phẩm. Từ năm 2021, khi địa phương triển khai thực hiện Chương trình OCOP, HTX đã từng bước chuẩn hóa quy trình để phát triển sản phẩm lợi thế của địa phương thành sản phẩm OCOP. HTX đã liên kết với nông dân sản xuất 30ha gạo Vân Đài bằng giống lúa Japonica theo chu trình OCOP.
Ông Lê Bá Dũng, Chủ tịch HĐQT, giám đốc HTX, cho biết: “Gạo Vân Đài được chúng tôi tổ chức sản xuất từ lúa trồng theo phương pháp RSI định hướng hữu cơ; được sấy và chế biến trên dây chuyền công nghệ hiện đại của các doanh nghiệp liên kết. Với chất lượng vượt trội và đánh giá tích cực của thị trường nên chúng tôi đã lựa chọn đây là sản phẩm mũi nhọn để HTX xây dựng thương hiệu, phát triển thành sản phẩm OCOP. Đầu năm 2023, sản phẩm gạo Vân Đài đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao”.
Được biết, nhờ tuân thủ các quy trình, tiêu chuẩn sản xuất, gạo Vân Đài được HTX liên kết với doanh nghiệp trung gian xuất khẩu thành công sang thị trường Nhật Bản. Hiện nay, với sản lượng 250 tấn/vụ không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường nên HTX đã và đang mở rộng diện tích gieo trồng, định hướng mở rộng thêm vùng trồng ra các xã lân cận.
Được thành lập năm 2003, HTX Nông nghiệp Quảng Phú, xã Xuân Tín phát triển đa dạng các ngành nghề, như: thủy lợi, cung ứng vật tư sản xuất nông nghiệp, vệ sinh môi trường, mạ khay máy cấy và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho người dân. Tuy nhiên, HTX chỉ được thị trường, người tiêu dùng biết đến khi phát triển thành công sản phẩm bột sắn dây Quảng Phú. Đây là sản phẩm OCOP 3 sao có nguồn nguyên liệu từ cây trồng lợi thế của địa phương. Từ khi tham gia Chương trình OCOP, HTX không ngừng mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa thị trường tiêu thụ. Giám đốc HTX Vũ Văn Vĩnh, cho biết: Ngoài việc chú trọng nâng cao chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm, HTX cũng đẩy mạnh công tác quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Gần đây, HTX đã ký hợp đồng cung cấp sản phẩm cho nhiều siêu thị mini trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, chứng nhận OCOP cũng đã giúp sản phẩm thuận lợi hơn nhiều trong tiêu thụ qua các kênh online. Doanh thu hằng năm của sản phẩm bột sắn dây Quảng Phú đạt gần 2 tỷ đồng”.
Hiện tại, HTX đã xây dựng được vùng sản xuất nguyên liệu với diện tích 5ha và liên kết với các hộ dân trong vùng khoảng 20ha để phục vụ sản xuất. Ngoài ra, HTX dự định sẽ tiếp tục đầu tư thêm một số máy móc và hệ thống đóng gói tự động, chuẩn hóa hơn quy trình sản xuất và phát triển thêm cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm.
Theo khảo sát nhanh của Liên minh HTX tỉnh, hiện nay, nhiều HTX đã chủ động ứng dụng công nghệ vào sản xuất, đăng ký nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu, xây dựng sản phẩm OCOP để đưa hàng hóa vươn ra thị trường góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên, người lao động. Tính đến tháng 7/2025, toàn tỉnh có 134 HTX phát triển được 159 sản phẩm OCOP; trong đó, có nhiều sản phẩm OCOP được thị trường đón nhận, đánh giá cao, như: sản phẩm OCOP 4 sao miến gạo Thăng Long của HTX Dịch vụ sản xuất miến gạo Thăng Long; gạo nếp hương của HTX Dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Thịnh; bánh lá răng bừa Hà Lai của HTX Dịch vụ nông nghiệp Hà Lai... Nhờ phát triển sản phẩm OCOP, các HTX đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập thường xuyên cho hàng chục lao động và liên kết tạo việc làm thời vụ cho hàng trăm lao động khác tại địa phương.
Ông Lê Hồng Hải, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Sau hơn 6 năm phối hợp thực hiện Chương trình OCOP, các HTX đã khẳng định được vai trò là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong việc xây dựng, nâng cao chất lượng các sản phẩm chủ lực của mỗi địa phương, nhất là phát triển được nhiều sản phẩm chất lượng, được thị trường đánh giá cao. Thông qua việc phát triển được sản phẩm OCOP, không chỉ doanh thu, lợi nhuận của HTX được nâng lên mà vị thế, tên tuổi và sức cạnh tranh của bản thân HTX cũng được khẳng định trên bản đồ kinh tế tập thể, bản đồ OCOP của cả nước. Mặc dù công tác phát triển mới sản phẩm OCOP trong các HTX là điều cần thiết, song Liên minh HTX tỉnh luôn định hướng cho các HTX duy trì và phát triển bền vững những sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP.
Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành tạo điều kiện cho các HTX ứng dụng khoa học công nghệ; tham gia liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; giúp các HTX tiếp cận với chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực cho HTX; hỗ trợ HTX chuyển đổi số, phát triển nông nghiệp số, nông nghiệp tuần hoàn; tổ chức học tập thực tế các mô hình HTX hoạt động có hiệu quả ở các tỉnh để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm...
Bài và ảnh: Lê Hòa
{name} - {time}
-
2025-07-25 10:23:00
Khi làng nghề “hòa sóng du lịch”
-
2025-07-24 08:00:00
[REVIEW OCOP] Nấm bào ngư: Sạch từ gốc, ngon từ tâm
-
2025-07-22 08:00:00
[REVIEW OCOP] “Thần dược” mọc lên từ bàn tay người nông dân