Những chuyến xe 0 đồng và tấm lòng thiện của vị linh mục
Trăn trở với mong muốn “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” của Bác Hồ, Cha Thường không chỉ rao giảng qua những buổi thánh lễ mà còn “hiện thực hóa” ước muốn tột bậc của Người trong cuộc đời thực, thấm đẫm đạo và đời. Cha không chọn những việc “đao to, búa lớn” để làm mà âm thầm từ những việc bình dị. Những hành động dù nhỏ nhưng đều xuất phát từ tấm lòng, cái tâm trong sáng, như lời của Mẹ Têrêsa Calcutta: “Không phải tất cả chúng ta đều làm được những điều vĩ đại, nhưng chúng ta có thể làm những điều nhỏ nhặt với tình yêu vĩ đại”.
Những chuyến xe 0 đồng trở thành cứu cánh đối với các bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
Trên những nẻo đường nhân đạo
Công việc thường xuyên phải tới, lui Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tôi nhiều lần nghe thấy cái tên Cha Thường. Cái tên được các y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên phòng công tác xã hội (CTXH) bệnh viện nhắc đi nhắc lại khi có trường hợp bệnh nhân khó khăn, cần giúp đỡ. Không biết từ bao giờ Cha Thường trở thành “ông Bụt” trong lòng nhiều bệnh nhân khó khăn và các cán bộ, nhân viên nơi đây. Họ đã rất tự hào khi kể về linh mục Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Ủy ban Bác Ái Caritas Giáo phận Thanh Hóa. Chị Mai Thị Dung, Phó trưởng Phòng CTXH, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nói "Trường hợp nào không thể “xin” được ở đâu thì cứ gọi Cha, chắc chắn sẽ được giúp đỡ, không nhiều thì ít, không góp của thì góp công. Cha chưa bao giờ từ chối bất cứ lời đề xuất, kêu gọi nào, dù đó có là cuộc gọi khi nửa đêm, lúc gà gáy".
Dù không theo đạo nhưng tôi cũng xin phép gọi linh mục Nguyễn Văn Thường là Cha để thể hiện sự trân trọng và biết ơn. Gặp và trò chuyện với Cha sau khi Cha vừa chở bệnh nhân từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh về nhà tại huyện Vĩnh Lộc trên chuyến xe cứu thương 0 đồng, một cảm giác nhẹ nhàng, bình an đến lạ. Cảm giác cuộc đời này thật ý nghĩa, cần phải có lòng tri ân và cần cho đi nhiều hơn nữa. Được biết, cùng phụ trách những chuyến xe 0 đồng với Cha Thường còn có Cha Nghiêm Văn Sơn, Phó Giám đốc Ủy ban Bác Ái Caritas Giáo phận Thanh Hóa, phụ trách khu vực miền núi.
Chia sẻ về 2 chiếc xe cấp cứu, Cha Thường nhắc đến những phận người cần chuyển tuyến ra Hà Nội cấp cứu hoặc đã ra viện nhưng không thể về nhà do không có tiền thuê xe mà bản thân đã gặp, đã giúp đỡ. “Bà con ta nhiều vùng còn rất nghèo, đời sống rất khó khăn. Khi không may bị ốm đau, nhiều người đã không đủ tiền để gọi một chuyến xe cấp cứu nên rất nguy đến tính mạng”, Cha nói.
Sau nhiều đêm trăn trở, Cha bàn với một số giáo dân và không ngờ họ ủng hộ ngay ý tưởng này. Vậy là Caritas Giáo phận Thanh Hóa đứng ra kết nối, góp tiền, mua xe. Nhớ lại chuyến khởi hành đầu tiên sau khi nhận xe, đó mãi mãi là kỷ niệm đáng nhớ với Cha. “Chuyến ấy, tôi chở 3 người cùng một gia đình. Đứa trẻ bị hóc xương cá phải ra Bệnh viện Nhi Trung ương để cấp cứu. Qua câu chuyện với bố mẹ đứa trẻ, tôi biết hoàn cảnh gia đình này rất đáng thương. Anh chị sinh được 4 người con nhưng chẳng may ba người con bị bệnh câm điếc, chỉ một người lành lặn. Thế nhưng, 10 năm trước, đứa con lành lặn duy nhất lại không may rớt xuống sông, chết đuối. Nghe câu chuyện đẫm nước mắt đó, tôi cảm thấy bao nhiêu mệt mỏi đều tan biến hết vì tôi đang giúp một trường hợp cần phải giúp”.
Từ đó, những chuyến xe cấp cứu đã xuất phát từ tấm lòng thiện nguyện, yêu thương mọi người của những con người có tấm lòng thiện lại tiếp tục đi trên nẻo đường nhân ái, đến những vùng xa xôi, đến với những phận người nghèo khó ở khắp nơi, giúp cho hàng trăm lượt bệnh nhân nghèo được cứu sống kịp thời, được trở về nhà an toàn. Tôi băn khoăn đến việc, xe cấp cứu của giáo phận thì sẽ ưu tiên bệnh nhân là người công giáo. Nhưng Cha Thường đã khiến tôi rất đỗi ngạc nhiên. “Xe cứu thương phục vụ miễn phí người nghèo, không phân biệt lương và giáo. Cùng một thời điểm có mấy người gọi, nhưng ai là người nghèo nhất thì được ưu tiên đi trước”, Cha khẳng định.
Được biết, ngoài Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Cha Thường cũng thường xuyên lui tới giúp đỡ các bệnh nhân nghèo đang điều trị tại Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa TP Thanh Hóa... Rất nhiều bệnh nhân nghèo đã nhận được sự hỗ trợ thiết thực từ Caritas Giáo phận Thanh Hóa để có tiền mua BHYT, trả viện phí hay mua thuốc chữa bệnh. Đặc biệt hàng tháng, Cha còn tài trợ chương trình “Dĩa cơm trên tường” cho bệnh nhi và người nhà bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa.
Nhân lên truyền thống sống "tốt đời, đẹp đạo"
Không chỉ là những chuyến vận chuyển miễn phí mà Cha Thường còn khởi xướng, vận động các nhà hảo tâm, bà con giáo dân trong và ngoài nước đóng góp quỹ “Bác ái”. Từ nguồn quỹ hàng năm, Caritas Giáo phận Thanh Hóa mà đại diện là Cha Thường đã tổ chức nhiều hoạt động tặng quà; ủng hộ tiền, xây dựng nhà tình thương; tặng xe lăn cho người khuyết tật; tặng học bổng cho trẻ em nghèo vượt khó vươn lên, trẻ em mồ côi; hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, người già neo đơn, người khuyết tật, người mù... trên địa bàn toàn tỉnh. Đơn cử, từ đầu năm đến nay, Caritas Giáo phận Thanh Hóa đã tổ chức nhiều hoạt động nhân đạo từ thiện trị giá quà tặng hàng chục tỷ đồng. Đặc biệt, từ năm 2017-2021, Caritas Giáo phận Thanh Hóa đã phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh hỗ trợ gần 7,5 tỷ đồng xây 48 căn nhà Đại đoàn kết cho các hộ giáo dân nghèo tại các huyện Yên Định, Thọ Xuân. Năm 2022, tiếp tục hỗ trợ xây dựng 52 nhà Đại đoàn kết cho đồng bào công giáo sinh sống trên sông lên bờ ổn định cuộc sống tại các huyện Yên Định, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, Cẩm Thủy, Thạch Thành. Năm 2023, Caritas Giáo phận Thanh Hóa đã hỗ trợ xây dựng 82 căn nhà cho các gia đình công giáo nghèo trên sông tại các huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Yên Định và TP Thanh Hóa. Mỗi căn nhà được hỗ trợ 50 triệu đồng. Ngoài ra, Caritas Giáo phận Thanh Hóa cũng hỗ trợ xây dựng rất nhiều nhà tình thương cho các hộ nghèo tại các huyện: Lang Chánh, Ngọc Lặc, Hà Trung, Hoằng Hóa...
Cha Thường và các đồng sự thực hiện "Dĩa cơm trên tường" cho bệnh nhi và người nhà bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa.
Những việc làm nhân ái của Caritas Giáo phận Thanh Hóa và Cha Thường đã góp phần giúp đỡ những hộ nghèo có được căn nhà ấm áp tình thương, có một số tiền làm lưng vốn để làm ăn vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống; giúp những học sinh nghèo vượt qua nghịch cảnh để tiếp tục đến trường; giúp những mảnh đời bất hạnh vượt qua mặc cảm; giúp những đứa trẻ tật nguyền vượt lên chính mình để hòa nhập cộng đồng... Cha chia sẻ: “Với tinh thần sống phúc âm giữa lòng dân tộc như lời mời gọi của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 1980, những việc làm trên đã thể hiện rõ trách nhiệm và bổn phận của một công dân đối với quê hương, đất nước. Còn với cương vị là một linh mục tôi quan niệm, hành đạo là chọn làm những việc tốt nhất cho xã hội, làm việc để cho đời sống con người khá lên, xã hội tốt đẹp hơn. Rất may mắn là tôi luôn nhận được sự đồng tình, ủng hộ của chính quyền địa phương và nhiều bà con giáo dân trong và ngoài nước”.
Cứ như thế, bằng suy nghĩ chân thành, việc làm thiết thực, Cha Thường và các cộng sự đã để lại những dấu ấn, tình cảm tốt đẹp không riêng bà con giáo dân mà cả với đông đảo những người dân trong tỉnh. Năm 2021, linh mục Nguyễn Văn Thường đã được Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Năm 2022, linh mục Nguyễn Văn Thường được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong việc tham gia các phong trào thi đua yêu nước, sống tốt đời, đẹp đạo. Năm 2023, linh mục Nguyễn Văn Thường được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Nói về linh mục Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Ủy ban Bác Ái Caritas Giáo phận Thanh Hóa, bà Lê Thị Huyền, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, nhận định: Qua công tác phối hợp hoạt động vì người nghèo, từ thiện nhân đạo trong nhiều năm qua có thể nói linh mục Nguyễn Văn Thường là người tiêu biểu sống tốt đời, đẹp đạo, phát huy sứ mạng của tổ chức Bác ái, liên kết với mọi người thiện chí để phục vụ người nghèo, người bệnh, người đau khổ, người cần đến sự giúp đỡ, góp phần động viên, giúp đỡ nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho đồng bào cả lương và giáo trên địa bàn toàn tỉnh, khẳng định và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Bài và ảnh: Tăng Thúy
{name} - {time}
-
2024-12-23 19:34:00
Giảm lãi suất cho vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng của bão số 3
-
2024-12-23 18:45:00
Gửi gạo hỗ trợ 150 lao động Việt Nam tại Nhật Bản bị nợ lương
-
2024-01-07 13:30:00
Chuyện ghi ở “xã xuất ngoại” vùng cao
Nhiệm vụ nặng nề nhưng cũng rất vinh quang
Họp ít mà việc vẫn xong mới cần
Không tổ chức riêng lễ trao tặng, đón nhận danh hiệu thi đua, khen thưởng
Thạch Thành: Áp dụng “số hóa” tại Ngày hội hiến máu tình nguyện năm 2024
Phụ nữ Thanh Hóa với mô hình xây dựng gia đình “5 có, 3 sạch”
Cán bộ hội phụ nữ nhiệt huyết, trách nhiệm
Nhân lên việc làm cao đẹp vì tương lai trẻ mồ côi khó khăn
Hội Cựu TNXP TP Thanh Hóa l ấy công tác nghĩa tình làm nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt
“Trợ lực” thoát nghèo cho bà con miền núi