(Baothanhhoa.vn) - Nhà văn, nhà báo Đặng Vương Hưng – người đã dành nhiều tâm huyết sưu tầm, biên soạn, giới thiệu “Những lá thư thời chiến Việt Nam” (2023, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật) sâu sắc nhận định: “Đôi khi, chính những trang thư, nhật ký, ghi chép... tưởng chừng rất đỗi riêng tư, lại mang đến cho chúng ta những thông tin và tư liệu cực kỳ quý báu; chúng có thể gợi mở biết bao điều về đời sống tinh thần, vật chất và cả văn hóa của xã hội trong quá khứ; góp phần lý giải những bí mật của lịch sử, làm cho cuộc sống hiện tại và tương lai của chúng ta tốt đẹp hơn”.

Những cánh thư gửi từ nơi đạn lửa...

Nhà văn, nhà báo Đặng Vương Hưng – người đã dành nhiều tâm huyết sưu tầm, biên soạn, giới thiệu “Những lá thư thời chiến Việt Nam” (2023, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật) sâu sắc nhận định: “Đôi khi, chính những trang thư, nhật ký, ghi chép... tưởng chừng rất đỗi riêng tư, lại mang đến cho chúng ta những thông tin và tư liệu cực kỳ quý báu; chúng có thể gợi mở biết bao điều về đời sống tinh thần, vật chất và cả văn hóa của xã hội trong quá khứ; góp phần lý giải những bí mật của lịch sử, làm cho cuộc sống hiện tại và tương lai của chúng ta tốt đẹp hơn”.

Những cánh thư gửi từ nơi đạn lửa...Tuyển tập "Những lá thư thời chiến Việt Nam" (2023, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật) do Đặng Vương Hưng sưu tầm, biên soạn, giới thiệu).

Những lá thư thời chiến Việt Nam” là kết quả sau khi lựa chọn trong hàng triệu lá thư của người lính trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, được trân trọng gửi về từ mọi miền Tổ quốc. Hầu hết chủ nhân của những lá thư ấy đến nay đã không còn, nhưng từng con chữ như vẫn ánh lên ngọn lửa lý tưởng, tinh thần cống hiến, xả thân, chất chứa biết bao tình cảm, suy tư, trăn trở. Mỗi bức thư như nhân chứng thầm lặng kể chuyện lịch sử, chuyện chung, chuyện riêng của cả một thời đại, một thế hệ anh hùng, đúng như nhà văn, nhà báo Đặng Vương Hưng trải lòng: “Giữa sự im lặng của những con chữ, những trang giấy mỏng manh đã cũ kỹ và ố vàng vì thời gian ấy, ta bỗng nhận ra khí phách Việt Nam trong quá khứ hào hùng và cả trách nhiệm với những người đã hy sinh, cống hiến và thời đại chúng ta đang sống”.

Đó là những trang viết máu thịt của cuộc đời, được viết nên trong phút giây thăng hoa nhất của tâm hồn và cảm xúc. Có những lá thư viết vội chỉ đôi dòng ngắn ngủi trên mảnh vải cắt ra từ chiếc quần cũ; có những lá thư dài 3 - 4 trang thấm đẫm lý tưởng, hoài bão tuổi trẻ; nhiều những lá thư đong đầy nỗi nhớ nhà, người thân, tình đồng chí, đồng đội, trải lòng về biết bao điều xoay quanh cuộc chiến và thân phận mỗi người trong cuộc chiến ấy.

Tác giả của những bức thư này xuất thân từ nhiều thành phần, nhiều ngành nghề, quê quán khác nhau. Họ là trí thức, công nhân, nghệ sĩ, giảng viên đại học, họa sĩ, nông dân, sinh viên, học sinh... Đọc từng lá thư được tập hợp trong cuốn sách này, bạn đọc có dịp sống lại từng khoảnh khắc, sự kiện lịch sử bi hùng của dân tộc, càng thêm thấu hiểu, trân trọng, tự hào về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần yêu nước nồng nàn cùng bản lĩnh, trí tuệ, tầm vóc của con người Việt Nam ngay trong những thời khắc ngặt nghèo nhất.

Những lá thư nói lên bao điều. Đó là thực tế khốc liệt của cuộc chiến. Những chặng đường hành quân gian truân, khó nhọc, hiểm nguy luôn cận kề: “Hơn 2 tháng trời hành quân liên miên đuổi giặc, đi cả ngày cả đêm trung bình 34 – 45 cây số (có ngày tới 62 cây số), leo những đèo cao ngút ngàn hàng 20 cây và dưới trời nắng như thiêu người, khát khô cổ không có lấy một giọt nước trong. Có đêm cứ đội mưa mà đi, nước ngấm vào người lạnh thấu xương, vắt bám đầy chân cẳng. Sáng hôm sau trông anh nào cũng như thương binh và con đường đi thấm máu hồng tươi của mọi người. Đó là chưa kể những ngày ăn bữa cháo, bữa cơm hoặc là bụng rỗng không, cán bộ, chiến sĩ nhìn nhau hẹn một ngày mai no đủ. Gian khổ lần này mới thật là gian khổ. Trong đời lính có lẽ chưa lần nào thấm thía bằng lần này. Có thế mới đuổi kịp được giặc, mới diệt được hết chúng nó. Và có thế anh mới có phút ngồi đây, được phép nghĩ đến em giây lát mà lương tâm không nghẹn ngùng, hổ thẹn”.

Cũng chính là những bức thư đã cho những người đang sống hôm nay biết rõ hơn về “bí mật dưới Thành cổ Quảng Trị” – nơi 7 chiến sĩ đã bị kẹt lại trong tình trạng đói, khát vẫn đánh bức điện cuối cùng báo cho đồng đội biết về tình hình của địch, yêu cầu dùng pháo bắn cấp tập và bắn thẳng vào vị trí hầm của mình để tiêu diệt địch.

Phía sau những con chữ là lấp lánh chân dung tinh thần của những người lính trước lằn ranh sinh tử, trong nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, tình đồng chí – đồng đội, tình yêu nam nữ... Đọc những dòng thư của Thượng tướng Vũ Lăng gửi vợ trước chiến dịch Điện Biên Phủ để thấy người lính Cụ Hồ không chỉ có tinh thần quả cảm, sẵn sàng hy sinh khi Tổ quốc cần mà còn là những tâm hồn nghệ sĩ – hào hoa: “Hôm nay viết thư cho em trên dọc đường hành quân khi dừng lại nghỉ ở một bản trên đường. Trong mùi thơm ngát của hoa cau buổi sớm, nhớ đến nụ cười, đôi mắt, tiếng nói thân yêu của những ngày nào tháng 6 năm ngoái ở chợ Chu. Nhớ căn nhà lá xinh xinh bên dòng suối mát, những buổi cơm rau dền, những đêm ánh trăng chênh chếch chiếu qua khung cửa sổ... Nhớ tất cả”. Có những giây phút tạm dừng chân bên đường mà bồi hồi, xúc động: “Cậu mợ và các em có biết con sẽ thế nào không, nếu quả bom nổ? Những lúc đứng giữa cảnh chết chóc hoang tàn đó, con nghĩ nhiều đến hạnh phúc gia đình, nghĩ tới ngày xum họp, nghĩ tới những ngày hòa bình và con nghĩ ước mơ ngày về gặp mặt cậu mợ và các em con”...

Vượt lên trên tất cả, những người lính vẫn băng rừng, lội suối, dưới làn mưa bom bão đạn mà kiên cường tiến bước. Bởi lẽ, trong trái tim nhiệt thành ấy luôn nhận thức sáng rõ, một lòng hướng về Tổ quốc, Đảng, cách mạng... Tình cảm lớn lao ấy hiện diện trên từng con chữ: “Cách mạng thành công, Đảng ta đưa ánh sáng về cho Nhân dân. Gia đình ta là một trong số gia đình được Đảng cứu sống... Mùa xuân trên đất Bắc sao mà tươi đẹp, gia đình ta đang hưởng hạnh phúc của một mùa xuân mới và sản xuất mới nhưng đồng bào miền Nam còn đang bị đế quốc Mỹ tàn sát giết chóc đau thương. Một nước, một dân tộc mà hai chế độ căn bản khác nhau. Nhiệm vụ của con không thể thờ ơ được, do đó mùa xuân này con tạm biệt thầy mẹ, tạm biệt xóm làng, quê hương, người vợ và các con thân yêu của con để lên đường làm nhiệm vụ vĩ đại, vinh quang nhưng đầy gian khổ, khó khăn... để Nam - Bắc chóng được sum họp”.

Tâm sự của một nhà khoa học trẻ hy sinh năm 27 tuổi, từng được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh là bài học sâu sắc dành cho thế hệ trẻ hôm nay: “Xa nhà, xa nước, xa Tổ quốc đang ngày đêm rực lửa chiến tranh và bừng bừng khí thế sản xuất, anh nghĩ rằng không có gì xót xa bằng, không có gì dằn vặt hơn. Người có lương tâm, biết yêu, biết ghét không ai tránh khỏi cơn giày vò tai ác đó... Là người thanh niên Việt Nam, đất nước đang đứng ở vị trí tiên phong của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, của thế giới đang tiến lên CNXH, thì phải có hoài bão, có lý tưởng cách mạng to lớn... Đừng bao giờ bó hẹp lại trong khuôn khổ nào cả... phải để cho mọi người thấy các em là những thanh niên Việt Nam anh hùng! Có phong cách Việt Nam trong cách sống, có ý chí Việt Nam trong công việc... Tổ quốc chúng ta đã và đang tạo ra những thành tích kỳ diệu, làm việc đó được chính chúng ta với ý chí cách mạng, với tinh thần sáng tạo mà chiến thắng những khó khăn không ai tưởng tượng nổi”.

Những dòng thư của nữ bác sĩ, liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Đặng Thùy Trâm để thấy rõ hơn lý tưởng cách mạng, niềm tin vào sự lãnh đạo tài tình của Đảng và cả tình quân dân thắm thiết, hiệp đồng... đã tạo nên một thời đại anh hùng, một thế hệ anh hùng: “Biết bao lần trong giấc mơ, con trở về vòng tay êm ấm của mẹ của ba, trong tiếng cười trong trẻo của các em và trong ánh sáng chan hòa của Hà Nội. Ai đó có thể vì tiền tài danh vọng mà đi, nhưng với con, ngoài Đảng – chắc không ai khiến con xa nổi gia đình”.

Có những tâm sự rất thật mà sao thấy cao cả, thương yêu quá đỗi: “Con rất thương mẹ... Cả các em con cũng vất vả lại phải bỏ dở việc học tập. Và con cũng thương cả con nữa. Nhưng mẹ ơi! Nhân dân và Tổ quốc còn cần, chúng con phải hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn nữa. Vả lại nơi con ở còn có nhiều anh em phải xa gia đình hàng chục năm nay rồi. Có người chẳng biết tin tức gia đình ra sao. Có người cha mẹ, vợ con mỗi người mỗi ngả. Còn có cả những anh em thương binh mà vẫn còn làm nhiệm vụ. Còn những anh ngoài 30 - 40 chưa nói chuyện lập gia đình thì cũng khá nhiều. Con là người đi sau, đến muộn chưa làm được gì hơn các anh em ấy, đâu con đã dám nghĩ đến hưởng thụ trước”.

Nhiều cánh thư được gửi từ trong chiến trường khói lửa để động viên gia đình, người thân đừng quá lo lắng, vững tin vào kháng chiến: “Chúng con ra đi là nghĩa vụ của những người thanh niên trong thời đại chống Mỹ. Vì chúng con muốn Tổ quốc được tự do và độc lập. Mà đâu chỉ có mình con ra đi, có hàng vạn người cùng chung mục đích như chúng con vậy. Bố mẹ thương nhớ chúng con thì hãy tạm gác nỗi lòng mà vui lên. Còn mấy đứa em con đó, mẹ hãy cứ coi như chúng con đang còn ở nhà như ngày nào”...

Cuốn sách gần 400 trang khép lại mang theo nhiều nỗi niềm xúc động, rưng rưng. Những lá thư đã đi qua hai chiều quá khứ - hiện tại và vẫn còn mãi đến tương lai không chỉ là kỷ vật vô giá của gia đình, thân nhân những người lính mà còn là kỷ vật của quốc gia, dân tộc: “Có những phút làm nên lịch sử/ Có cái chết hóa thành bất tử/ Có những lời hơn mọi bài ca/ Có con người như chân lý sinh ra”... (Hãy nhớ lấy lời tôi – Tố Hữu). Từng cánh thư như lời nhắc nhở thế hệ con cháu hôm nay và mai sau sống sao cho xứng đáng với công lao, sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha ông.

Hoàng Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]