(Baothanhhoa.vn) - 20 năm gắn bó cùng học sinh miền Nam (HSMN); 3 lần được gặp Bác Hồ, rồi được nhận Bằng khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh..., với thầy giáo Lê Ngọc Lập, đó là những năm tháng đáng tự hào.

Người thầy của học sinh miền Nam

20 năm gắn bó cùng học sinh miền Nam (HSMN); 3 lần được gặp Bác Hồ, rồi được nhận Bằng khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh..., với thầy giáo Lê Ngọc Lập, đó là những năm tháng đáng tự hào.

Người thầy của học sinh miền NamBằng khen và phần thưởng Bác Hồ trao tặng được thầy giáo Lê Ngọc Lập nâng niu cất giữ.

Tôi tìm đến căn nhà nho nhỏ nằm bên trong con ngách ở phố Bùi Thị Xuân, phường Ngọc Trạo (TP Thanh Hóa) thăm thầy giáo Lê Ngọc Lập. Dù đã 90 tuổi nhưng thầy còn rất minh mẫn, nụ cười tươi và khuôn mặt hiền từ.

Khoác ba lô theo các trường HSMN

Năm 1956 sau khi từ Trung Quốc trở về, thầy giáo trẻ Lê Ngọc Lập (sinh năm 1934) vừa tròn 22 tuổi được phân công về dạy ở Trường HSMN số 14 (La Khê, Hà Đông). Cũng từ đó, thầy giáo khoác ba lô theo các trường HSMN trên đất Bắc cho đến khi các trường giải thể hoàn toàn.

Từ Hà Đông, thầy Lập “trên từng cây số” qua Hải Phòng dạy. “Tôi dạy ngữ văn, lịch sử, và phụ trách lao động: làm mộc, nấu xà phòng, đúc phấn... Công việc giảng dạy, hướng dẫn lao động hằng ngày như một chất keo gắn bó tôi với các em học sinh. Biết bao gần gũi, hồn nhiên, thân thiết như người trong một nhà vậy”, thầy Lập chia sẻ.

Mùa hè năm 1960, thầy được cử đi học bồi dưỡng văn học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Học xong thầy lại được điều chuyển về Trường HSMN cấp III số 8 Hải Phòng.

“Ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ bắt đầu đánh phá miền Bắc. Hải Phòng bị uy hiếp. Trường số 8 và các trường HSMN số 4, số 6 được lệnh sơ tán. Thầy lại ngược lên Hà Nội dạy. “Lúc ấy tôi phấn khởi lắm vì rút ngắn đoạn đường về quê hơn 100km, cũng có nghĩa là trút bớt đi nỗi vất vả mỗi lần đi tàu xe về quê nghỉ hè, nghỉ tết”.

Chẳng bao lâu, thầy Lập lại được phân công giảng dạy ở Trường HSMN số 1 Đông Triều (Quảng Ninh) - nơi hội tụ của các HSMN cấp III còn lại trên đất Bắc. Lúc này giặc Mỹ mở rộng đánh phá miền Bắc, thầy Lập cùng các học trò phải đào giao thông hào và hầm cá nhân. “Hàng kilomet đường hào ngoằn ngoèo, chằng chịt như một cái mạng nhện khổng lồ băm nát cả khu trường. Chưa được bao lâu, “con ma”, “thần sấm” của Mỹ lại rình rập, bắn rốc két, dội bom giết người, phá của...”.

Đến tháng 8/1967, thầy Lập được điều sang làm công tác tổ chức cho Trường HSMN Nguyễn Văn Bé ở Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Từ năm học 1968-1969, thầy Lập lên dạy HSMN ở thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phú nay là TP Phúc Yên, Vĩnh Phúc.

...Ngày 30/4/1975, Sài Gòn được giải phóng, “chúng tôi trào dâng một niềm vui sướng như sóng biển xô bờ. Lòng mong mỏi sớm được về quê hương của cán bộ, HSMN bừng bừng, náo nức”, thầy Lê Ngọc Lập kể lại.

Và thật vinh dự, ngày 23/8/1975, thầy Lập cùng những HSMN đã lên tàu Sông Đà, từ Hải Phòng vượt sóng biển cập bến Nhà Rồng. “Một cuộc trùng phùng chan hòa nước mắt diễn ra khi các em học sinh đặt chân lên bờ gây niềm xúc động mạnh mẽ trong tôi. Và tôi bàn giao học sinh cho Bộ Giáo dục và Thanh niên của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và cho gia đình các em trong sự bịn rịn để quay trở ra Bắc”, thầy Lê Ngọc Lập nhớ lại.

Hoàn thành 2 chuyến đưa tiễn gần 500 học sinh về Sài Gòn, thầy Lê Ngọc Lập đã hoàn thành sự nghiệp “ươm trồng những hạt giống đỏ” miền Nam trên đất Bắc trong 20 năm.

Những kỷ niệm không bao giờ quên

Đối với thầy Lê Ngọc Lập, Trường HSMN đã trở thành gia đình thứ hai. Trong 20 năm xa quê ấy, mỗi năm thầy chỉ về thăm nhà được một, hai lần. Vì thế mà thầy đã dành tất cả tình cảm cho học sinh. “Có thể nói, tôi sống 24/24 giờ trong ngày với các em. Tôi theo dõi việc sinh hoạt ăn ở, học tập, sức khỏe của các em như một người cha trong gia đình. Có em đau ốm phải đưa đi bệnh viện kịp thời. Hàng ngày, cứ tinh mơ đã thức dậy cùng các em tập thể dục buổi sáng, còn buổi chiều và tối phải có mặt ở lớp kiểm tra việc tự học. Đến phiên lớp canh gác phải thức trực đốc gác thâu đêm”.

Người thầy của học sinh miền NamThầy giáo Lê Ngọc Lập - người có 20 năm gắn bó với các HSMN.

20 năm ấy là biết bao nhiêu kỷ niệm với HSMN. Người ta nói là vui như tết, nhưng ở trường HSMN thì buồn như tết, đó là những thời khắc mà không bao giờ thầy Lê Ngọc Lập quên được. “Tết đến, khi các gia đình ở miền Bắc sum họp thì các em HSMN vẫn một thân một mình xa cha, vắng mẹ và sống trong cảnh khắc khoải ba má ở trong kia có an toàn không. Mặc dù, Đảng, Chính phủ và Nhân dân gửi nào gạo nếp, bánh chưng, đỗ xanh và rất nhiều bánh kẹo. Những món quà ấy chỉ làm vơi bớt nỗi buồn của các em. Từ chiều 30 Tết, không khí các trường HSMN phủ một màu buồn bã và nhớ thương. Hầu hết các em bỏ ăn, hoặc ăn uống qua loa và lên giường đắp chăn khóc. Nhiều em mang ảnh ba má đặt lên đầu giường. Một số em có ba má mất còn làm bát hương ngay bên di ảnh”.

Để các em khuây khỏa, chúng tôi hô hào học sinh lên nơi tập trung đón giao thừa, và tổ chức trò chơi bốc thăm may rủi đầu xuân. “Còn nhớ năm ấy, tôi được phân phối một chiếc xe phượng hoàng mới toanh. Nhưng nghĩ đến việc không có dụng cụ tổ chức vui chơi cho các em, tôi loay hoay cả sáng ngày 30 tháo xe ra, lấy cái vành làm vòng quay số. Học sinh không thiếu bánh, thiếu quà... quan trọng hơn hết là giữ cho các em phấn khởi, vui vẻ”, thầy Lập nói.

Và 3 lần được gặp Bác Hồ

Chỉ trong 4 năm, thầy Lê Ngọc Lập đã có 3 lần được gặp Bác Hồ. Đó là đầu năm học 1956-1957, trước khi khai giảng năm học mới, Bộ GD&ĐT tổ chức lớp học tập chính trị cho các thầy cô giáo dạy HSMN tại Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội); mùa hè năm 1958, thầy Lập lại vinh dự được gặp Bác Hồ khi đang theo học lớp chỉnh huấn giáo viên dạy Trường HSMN tại Trường HSMN ở Chương Mỹ - Hà Đông; Và năm 1960, thầy Lập lần thứ 3 được gặp Bác Hồ khi Bác đến thăm Lớp chỉnh huấn giáo viên dạy HSMN tại Trường Bổ túc Công Nông ở Hà Nội.

Chỉ kể lại thôi cũng đủ để thầy Lập xúc động rưng rưng nước mắt. “Trong bộ áo nâu giản dị, Bác hỏi thăm sức khỏe mọi người rồi dặn dò: HSMN xa nhà, thiếu thốn tình cảm, chưa quen với phong tục tập quán của miền Bắc, các thầy cô giáo phải yêu thương, gần gũi với các em, coi HSMN như con em của mình. Các thầy cô giáo thay mặt cho Đảng, Bác Hồ, đồng bào Miền Bắc để chăm sóc cho các em HSMN...”.

Những lời chỉ bảo của Bác, thầy Lập luôn khắc ghi: “Các thầy cô giáo phải luôn luôn tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ nghề nghiệp; giáo viên Trường HSMN phải thực hiện 3 tốt là: Nuôi tốt, dạy tốt và học tốt. Mỗi lần được gặp Bác, được nhìn thấy Bác, nghe Bác nói chúng tôi có thêm động lực để phấn đấu, rèn luyện và cống hiến”.

Vì thế mà năm 1962, khi đang là giáo viên Trường HSMN số 8, Hải Phòng, thầy Lê Ngọc Lập đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Bằng khen vì lập nhiều thành tích trong việc nuôi dạy các cháu HSMN và xây dựng nhà trường xã hội chủ nghĩa. Năm 1964, thầy được Bác tặng phần thưởng là giáo viên dạy giỏi năm 1963-1964.

...70 năm đã qua, thầy Lập vẫn miệt mài ghi chép những tư liệu về thầy và trò ở các trường HSMN. Giới thiệu với chúng tôi những cuốn sách do chính thầy viết, như: Mái trường HSMN thân yêu (Hồi ký); Đi một ngày đàng (Hồi ký); Nẻo thương (thơ)... tôi thêm hiểu những câu thơ cũng của thầy viết: “Giống đỏ” miền Nam gieo đất Bắc/ Dãi dầu sương giá với bão giông/ Mỡ màu giọt giọt xanh chồi lá /Cao vút ngàn cây một dáng thông” (Dáng thông).

Những hạt giống đỏ ấy đã nảy mầm, xanh tốt và kết trái. Điều thầy tự hào nhất là trong suốt 20 năm công tác ở trường HSMN, thầy làm việc hết sức mình. Đó cũng là lý do mà sau 70 năm, HSMN và đồng nghiệp vẫn liên lạc, viết thư gửi thầy. Hàng trăm bức thư ấy được thầy nâng niu cất giữ, những vần thơ được thầy chép lại trong cuốn sổ tay. Tôi nhớ 4 câu thơ của thầy giáo Lý Ngọc Lương gửi tặng thầy Lê Ngọc Lập:

“Cây quý” miền Nam trao gửi anh

Như trao một nửa trái tim mình

Dầm mưa, dãi nắng anh chăm bón

Vườn nở ngàn hoa, trái trĩu cành.

Trở về quê nhà, thầy giáo Lê Ngọc Lập tiếp tục công tác ở Trường Trung học Sư phạm 10+3 Thanh Hóa từ năm 1976-1978; là Hiệu trưởng Trường Trung học Sư phạm Thanh Hóa từ năm 1978 đến khi nghỉ hưu năm 1995. Từ năm 1998 đến nay, thầy được mời làm Phó hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt (TP Thanh Hóa).

Trọn cuộc đời thầy gắn bó với nghề giáo. Đến nay vừa tròn 90 tuổi đời, gần 65 năm tuổi Đảng, thầy Lê Ngọc Lập vẫn là miền yêu thương của các thế hệ học sinh, trong đó có các HSMN năm xưa.

Bài và ảnh: Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]