Làm giàu trên đất quê hương
Lựa chọn lập nghiệp trên mảnh đất quê hương, đến nay anh Ngô Đình Tuấn (SN 1993) ở thôn 4, xã Xuân Giang (Thọ Xuân) đã thu hái những “quả ngọt” khi xây dựng được mô hình kinh tế bền vững cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Anh Ngô Đình Tuấn kiểm tra sức khỏe của lợn rừng. Ảnh: Anh Tuân
Với niềm đam mê nông nghiệp từ nhỏ, khi đang theo học chuyên ngành điện tử viễn thông tại Đại học Công nghiệp Hà Nội, anh Ngô Đình Tuấn đã nhiều lần lặn lội đến các tỉnh phía Bắc tham quan, học cách làm nông nghiệp. Mỗi khi được nghỉ về thăm nhà, anh lại mua các cây giống để trồng tại bãi mía của gia đình.
Năm 2018, khi gần tốt nghiệp đại học, anh quyết định nghỉ học giữa chừng rồi về quê làm nông nghiệp khiến bố mẹ hết sức ngỡ ngàng và ra sức can ngăn. Tuy nhiên, là thanh niên trẻ, anh xác định mình phải xung kích trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mang lại giá trị kinh tế cao; từ đó khuyến khích, động viên người dân tích cực phát triển kinh tế.
“Nghe tôi bàn chuyện nghỉ học, về quê và không muốn lập nghiệp bằng ngành nghề theo học, bố mẹ tôi kịch liệt phản đối. Bố mẹ không muốn tôi làm nông nghiệp vất vả, nhất là khi đó tôi đang có việc làm tại nhà máy Microsoft Bắc Ninh chuyên về phần cứng điện thoại với mức lương ổn định. Phải mất vài tháng tôi mới thuyết phục được bố mẹ ủng hộ", anh Tuấn chia sẻ.
Sau khi thuyết phục được bố mẹ, cùng với nguồn vốn của bản thân, gia đình và vay mượn thêm, anh Tuấn tận dụng lại diện tích trồng mía của gia đình rồi thuê thêm đất để trồng mít, bưởi Diễn. Đồng thời, nghiên cứu làm chuồng trại để nuôi thêm các vật nuôi có giá trị cao.
Khi mới bắt đầu thực hiện mô hình, anh gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, nhưng khó khăn nhất đó là nguồn vốn để đầu tư xây dựng và mua cây, con giống, tìm đầu ra cho sản phẩm. Trong khi đó nguồn vốn lớn nhất mà anh có khi ấy là ý chí quyết tâm làm giàu. Khó khăn là vậy, song với vốn kiến thức tự học hỏi, tích lũy được từ các lần đi tham quan các mô hình trang trại cùng với ý chí vươn lên làm giàu của tuổi trẻ, anh đã quyết tâm xây dựng chuồng trại và cải tạo đất để trồng cây ăn quả.
Đến nay, anh Ngô Đình Tuấn đã xây dựng thành công mô hình trồng cây ăn quả với diện tích 3ha gồm 1.500 gốc ổi lê Đài Loan, 200 gốc bưởi da xanh, 200 gốc chanh, 450 gốc na Đài Loan, 100 gốc táo Đài Loan. Hàng năm, anh cung cấp ra thị trường trên 20 tấn hoa quả. Anh Tuấn còn dành một phần diện tích đất để xây chuồng nuôi lợn rừng, nuôi nhím, nuôi ngỗng. Đây là những vật nuôi được anh chọn giống chất lượng cao, phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu địa phương. Bên cạnh đó trang trại còn nuôi 17 đàn ong lấy mật.
Quy mô trang trại được anh Tuấn xây dựng theo hướng tổng hợp, tuần hoàn, tái sử dụng phụ phẩm chăn nuôi để làm phân bón cho cây trồng, giảm thiểu rác thải, bảo vệ môi trường.
Hiện mỗi năm anh xuất bán ra thị trường khoảng 500 con lợn thịt và 1.000 lợn rừng giống, 300 nhím giống và gần 700 con ngỗng thịt. Vườn cây ăn quả nhờ chăm sóc tốt đã tạo ra năng suất cao. Trừ chi phí, anh thu nhập từ 500 - 600 triệu đồng mỗi năm.
Anh Tuấn còn liên kết và cấp giống cho 4 trang trại vệ tinh, đồng thời chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi cho bà con, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Mô hình phát triển kinh tế của anh cũng góp phần giải quyết việc làm thời vụ từ 4 - 5 lao động.
Bên cạnh việc trau dồi kiến thức, cần cù, chịu khó làm việc, anh thường xuyên đổi mới phương thức bán hàng, tìm kiếm thị trường. Trong mỗi buổi ra vườn làm việc, anh thường quay lại các clip hướng dẫn cách làm rồi thành lập kênh youtube để chia sẻ kinh nghiệm sản xuất đến với mọi người nhằm tăng lượng tương tác. Anh còn tạo các kênh bán hàng trên nền tảng mạng xã hội, nhờ đó anh không còn phải lo thị trường đầu ra. Sản phẩm của anh phân phối trong tỉnh và vươn ra nhiều địa phương khác, được khách hàng đánh giá cao...
Bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên huyện Thọ Xuân Nguyễn Thị Bích Phương cho biết: “Tấm gương lập nghiệp thành công của anh Ngô Đình Tuấn đã khuyến khích, cổ vũ thanh niên, nhất là thanh niên nông thôn lập thân, lập nghiệp. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục quan tâm tới các mô hình, tư vấn cho các thanh niên tiếp cận những gói hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp để khởi nghiệp hoặc mở rộng mô hình”.
Anh Tuân
{name} - {time}
-
2025-04-12 16:21:00
Những việc làm dung dị đem lại lợi ích lớn
-
2025-04-12 13:25:00
Làm giàu từ nghề nuôi ong lấy mật
-
2025-04-07 09:44:00
Người cán bộ biên phòng mẫn cán
Người cán bộ hội tận tụy với phong trào
Làm giàu từ đồng hoang
Lấy lợi ích của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu cho bản thân
Chuyện bán nhà, vay lãi để khởi nghiệp
Cựu chiến binh gương mẫu - đi đầu trong phát triển kinh tế
Thanh niên miền núi tiên phong khởi nghiệp từ chăn nuôi dúi
Trưởng công an xã nhiệt huyết, giàu lòng nhân ái
Người có uy tín nêu gương sáng trong cộng đồng dân cư
Khởi nghiệp từ đam mê trồng hoa