(Baothanhhoa.vn) - Với vị trí đứng đầu khu vực miền Trung và thứ 8 cả nước trong thu hút đầu tư nước ngoài, Thanh Hóa đang có lợi thế trong thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp trong và ngoài nước. Không chỉ tạo kỳ vọng gia tăng các hoạt động sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, việc thu hút các dự án đầu tư trực tiếp cũng sẽ là cơ hội và tiềm năng lớn trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng khu công nghiệp (KCN).

Tiềm năng thu hút đầu tư hạ tầng khu công nghiệp

Với vị trí đứng đầu khu vực miền Trung và thứ 8 cả nước trong thu hút đầu tư nước ngoài, Thanh Hóa đang có lợi thế trong thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp trong và ngoài nước. Không chỉ tạo kỳ vọng gia tăng các hoạt động sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, việc thu hút các dự án đầu tư trực tiếp cũng sẽ là cơ hội và tiềm năng lớn trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng khu công nghiệp (KCN).

Tiềm năng thu hút đầu tư hạ tầng khu công nghiệpHạ tầng kỹ thuật Khu Công nghiệp Bỉm Sơn đã được hoàn thiện cơ bản.

Hiện nay, tại Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS) đã được quy hoạch 25 phân khu KCN, với diện tích khoảng gần 9.058 ha. Trong đó, có 23 KCN hiện hữu, 1 phân khu kho tàng và 1 phân khu dịch vụ hậu cần công nghiệp. Trong số 25 KCN này, mới chỉ có 4 KCN đã được giao cho các chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án đi vào hoạt động. Có tới 19 KCN chưa có chủ đầu tư hạ tầng. Cùng với việc tích cực các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư trong lĩnh vực này, tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành đề án giải phóng mặt bằng (GPMB), đầu tư xây dựng các khu tái định cư và GPMB các KCN trong KKTNS. Việc thực hiện đề án này kỳ vọng sẽ tạo quỹ mặt bằng sạch, “dọn đường” cho quá trình triển khai dự án của nhà đầu tư hạ tầng và các nhà đầu tư thứ cấp trong thời gian tới. Theo đó, trong giai đoạn 2023-2027, Thanh Hóa sẽ dành nguồn kinh phí hơn 11.300 tỷ đồng để tiến hành thực hiện GPMB, đầu tư xây dựng các khu tái định cư và GPMB tại các KCN số 6, số 20 và số 21 trong KKTNS. Tổng diện tích cần GPMB là hơn 1.500 ha.

Ngay sau khi ban hành đề án, Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã ban hành Quyết định số 1887, ngày 17-2-2023 về việc thành lập ban chỉ đạo thực hiện đề án GPMB, đầu tư xây dựng các khu tái định cư và GPMB các KCN trong KKTNS. Theo đó, tỉnh Thanh Hóa đã phân công các đồng chí lãnh đạo, các sở, ngành tập trung cao độ để thực hiện thành công đề án. Từ đó, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để xây dựng và phát triển các KCN với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, nhanh chóng lấp đầy đất công nghiệp tại các KCN, tạo ra các cực tăng trưởng cho nền kinh tế của tỉnh và tạo quỹ đất sạch để thu hút các nhà đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN trong KKTNS.

Trong giai đoạn 2023-2024, tỉnh sẽ tập trung GPMB, đầu tư xây dựng 3 khu tái định cư tại xã Anh Sơn và xã Các Sơn, với diện tích khoảng 23 ha, phục vụ di dân GPMB KCN số 20, đồng thời triển khai GPMB với diện tích khoảng 604 ha thuộc phạm vi KCN số 20. Từ năm 2023-2025, sẽ GPMB, đầu tư xây dựng 4 khu tái định cư tại các xã Thanh Sơn, Ngọc Lĩnh, các phường Mai Lâm, Trúc Lâm, với tổng diện tích khoảng 57 ha để chuẩn bị GPMB các KCN số 21 và số 6. Từ năm 2025-2027 sẽ thực hiện GPMB KCN số 21, diện tích 395 ha và KCN số 6, diện tích 549 ha.

Ngoài KKTNS, trên địa bàn tỉnh còn có 8 KCN ngoài khu kinh tế, hiện nay mới có 5/8 KCN đã có nhà đầu tư hạ tầng. Trong thời gian qua, một số các nhà đầu tư lớn đã quan tâm, tìm hiểu các cơ hội đầu tư tại Thanh Hóa như: Tập đoàn Foxconn - tập đoàn công nghiệp chuyên sản xuất thiết bị, linh kiện điện tử cho nhiều hãng công nghệ toàn cầu đã đến tìm kiếm các địa điểm để đặt nhà máy tại địa phương; Tập đoàn AVG Capital Partners (Liên bang Nga) đã ký kết biên bản ghi nhớ theo hình thức trực tuyến với UBND tỉnh Thanh Hóa về việc triển khai dự án Tổ hợp chế biến thịt lợn với quy mô đầu tư lên tới 1,4 tỷ USD... Nhiều tập đoàn lớn trong nước, cũng đang tìm đến Thanh Hóa để khảo sát và tìm kiếm các cơ hội xây dựng nhà máy. Trong giai đoạn 2022-2025, Thanh Hóa có lộ trình thu hút tổng nguồn vốn FDI và đầu tư trong nước (DDI) đạt khoảng 30 tỷ USD. Trong đó, mục tiêu cụ thể sẽ tiếp cận, xúc tiến từ 3 đến 6 công ty sở hữu công nghệ gốc, nằm trong top 500 công ty xuyên quốc gia trên thế giới đầu tư vào Thanh Hóa. Đây cũng sẽ là “nguồn” nhà đầu tư thứ cấp trong tương lai để tiến tới lấp đầy các KCN trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, tại “Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã định hướng về không gian phát triển khu kinh tế, KCN. Đối với khu kinh tế, sẽ tập trung phát triển KKTNS theo Quyết định số 1699/QĐ-TTg ngày 7-12-2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng KKTNS. Xây dựng KKTNS trở thành một trong những trung tâm đô thị - công nghiệp và dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước. Đối với các KCN, sẽ tiếp tục thực hiện 8 KCN theo quy hoạch được duyệt với tổng diện tích 1.424,2 ha, gồm: KCN Lễ Môn; KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga; KCN Bỉm Sơn; KCN - đô thị Hoàng Long; KCN Lam Sơn - Sao Vàng; KCN Thạch Quảng, huyện Thạch Thành; KCN Ngọc Lặc; KCN Bãi Trành, huyện Như Xuân. Đồng thời phát triển mới 9 KCN với tổng diện tích 2.281,5 ha, gồm: KCN phía Tây TP Thanh Hóa; KCN Phú Quý, huyện Hoằng Hóa; KCN Bắc Hoằng Hóa, huyện Hoằng Hóa; KCN Hà Long, huyện Hà Trung; KCN Lưu Bình, huyện Quảng Xương; KCN Tượng Lĩnh, huyện Nông Cống; KCN Giang Quang Thịnh, huyện Thiệu Hóa; KCN Nga Tân, huyện Nga Sơn; KCN Đa Lộc, huyện Hậu Lộc. Sau năm 2030 phát triển mới thêm 2 KCN với diện tích 872 ha, gồm: KCN Phong Ninh, huyện Yên Định; KCN Hà Lĩnh, huyện Hà Trung.

Cùng với định hướng không gian và lộ trình phát triển các KCN, quy hoạch phát triển các ngành quan trọng của tỉnh cũng được hoạch định. Theo đó, Thanh Hóa phấn đấu trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp chế biến, chế tạo với lọc hóa dầu và hóa chất là mũi nhọn; công nghiệp sản xuất, cung ứng điện với định hướng thu hút phát triển các nhà máy điện khí LNG, hình thành Trung tâm điện khí LNG tại KKTNS; công nghiệp cơ khí, điện tử và sản xuất kim loại với việc khuyến khích đầu tư các dự án công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, sản xuất thiết bị, phụ tùng máy công nghiệp, điện tử - viễn thông; công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; công nghiệp dệt may, giày da... Việc hoạch định này cùng những giải pháp định hướng về thu hút đầu tư sẽ là mảnh đất tiềm năng trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng KCN nhằm đón đầu các dự án công nghiệp trong tương lai gần.

Bài và ảnh: Tùng Lâm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]