Học và làm theo Bác trong đào tạo “người công dân tốt, người cán bộ tốt” (Bài 1): Nhân lên những tấm gương học và làm theo Bác
55 năm sau ngày đi xa, song những tư tưởng mang tính thời đại của Bác về giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) vẫn luôn là “ngọn đuốc soi đường”. Trong cuộc cách mạng 4.0, ngành GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa đã, đang đẩy mạnh học tập và làm theo Bác trong đào tạo “người công dân tốt, người cán bộ tốt”, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời kỳ mới.
Cô trò Trường mầm non Nga An (Nga Sơn) trong giờ học. Ảnh: Linh Hương
Thấm nhuần tư tưởng của Bác về đào tạo con người “hồng thắm, chuyên sâu”, từ việc đẩy mạnh học và làm theo Bác, trong ngành GD&ĐT đã xuất hiện nhiều tấm gương cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên, học sinh, sinh viên tiêu biểu, điển hình về học và làm theo Bác, qua đó tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn ngành, góp phần đào tạo nên “người công dân tốt, người cán bộ tốt”, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong nền kinh tế tri thức.
Từ cá nhân điển hình...
Khắc ghi lời dạy của Bác đối với đội ngũ giáo viên mầm non “Dạy trẻ cũng giống như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này các cháu thành người tốt”, cô giáo Trịnh Thị Oanh, bí thư chi bộ, hiệu trưởng Trường Mầm non Nga An (Nga Sơn) đã luôn phát huy trách nhiệm người đứng đầu, gương mẫu, tận tụy, sáng tạo trong công việc.
Hơn 20 năm công tác trong ngành giáo dục, trong đó có 17 năm làm công tác quản lý, cô Oanh luôn phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Với đặc thù ngành học mầm non, cô luôn hết lòng yêu thương trẻ, nỗ lực mang đến cho các em môi trường học tập, điều kiện sinh hoạt tốt nhất.
Đối với cán bộ, giáo viên (CBGV) trong nhà trường, cô cũng khuyến khích, động viên CBGV tích cực, chủ động trong hoạt động chuyên môn, thực hiện tốt kỷ luật hành chính, đặc biệt là thực hiện tốt “Bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường”. Bản thân cô cũng luôn “nói đi đôi với làm”, tích cực, gương mẫu trong đổi mới tác phong làm việc, đổi mới phương pháp quản lý, chỉ đạo, điều hành, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng trường học hạnh phúc.
Là người có uy tín về chuyên môn, cô Oanh luôn được đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh quý mến, Phòng GD&ĐT huyện Nga Sơn tin tưởng, chọn là quản lý cốt cán, là thành viên tham gia các hoạt động chuyên môn của ngành như: Báo cáo viên hội nghị tập huấn chuyên môn ngành học mầm non; thành viên đoàn đánh giá ngoài tỉnh Thanh Hóa; ban giám khảo hội thi giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh; thành viên hội đồng chấm sáng kiến kinh nghiệm cấp huyện, cấp tỉnh; hỗ trợ chuyên môn, công tác tự đánh giá, xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia cho các trường mầm non trong huyện... Cô cũng được Phòng GD&ĐT huyện phân công làm cụm trưởng cụm chuyên môn, cụm trưởng cụm thi đua của ngành.
Cô Trịnh Thị Oanh chia sẻ: "Dù công tác ở đơn vị nào tôi cũng luôn hết mình, nhiệt huyết, đam mê công việc mình làm. Là bí thư chi bộ, tôi luôn gương mẫu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ công tác, chi bộ 9 năm liên tục đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Bản thân tôi cũng 9 năm liên tục là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ". Cô Oanh được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020; Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc, góp phần phát triển sự nghiệp GD&ĐT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2012-2022; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”...
...làm nên những tập thể điển hình
Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Triệu Sơn Lê Hữu Hải là một trong 5 cá nhân của tỉnh được Sở GD&ĐT Thanh Hóa đề nghị Bộ GD&ĐT xét chọn “Nhà giáo tiêu biểu” năm 2024. Là bí thư chi bộ, thầy luôn có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức, lối sống giản dị, mẫu mực, chấp hành nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế làm việc của đơn vị và địa phương nơi cư trú. Trong công tác giảng dạy, thầy có nhiều học sinh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi (HSG) cấp tỉnh môn Toán, đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và được Giám đốc Sở GD&ĐT tặng giấy khen có thành tích xuất sắc trong hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Nhiều lần được tặng bằng khen và giấy khen của các cấp, ngành. Đặc biệt năm 2023, thầy vinh dự được Liên đoàn Lao động tỉnh tặng Bằng khen cho cá nhân đạt danh hiệu “Công chức, viên chức, người lao động tiêu biểu xứ Thanh".
Trung tâm GDNN-GDTX huyện Triệu Sơn bàn giao ngôi nhà trị giá 80 triệu đồng cho hộ bà Dương Thị Thời.
Trong công tác quản lý, từ năm 2015 đến nay tại các kỳ thi HSG cấp tỉnh Trung tâm GDNN-GDTX huyện Triệu Sơn luôn là đơn vị xếp nhất, nhì toàn tỉnh khối GDTX. Đặc biệt, năm học 2023-2024 trung tâm có 19/21 học sinh tham gia kỳ thi HSG cấp tỉnh đoạt giải. Trong đó có 2 giải nhất, 7 giải nhì, 6 giải ba và 4 giải khuyến khích, xếp nhất toàn tỉnh. Đây cũng là năm thứ 7 trung tâm xếp nhất toàn tỉnh trong kỳ thi HSG cấp tỉnh. Nhiều năm liền, trung tâm luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được các cấp ghi nhận và tuyên dương khen thưởng như: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm học 2021-2022; Bằng khen của Bộ GD&ĐT năm học 2022-2023; Cờ thi đua của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2022-2023; Cờ thi đua của UBND tỉnh; là đơn vị điển hình tiên tiến giai đoạn 2010-2015, 2015-2020, được Giám đốc Sở GD&ĐT tặng giấy khen...
Thầy Lê Hữu Hải chia sẻ: Để đào tạo “người công dân tốt, người cán bộ tốt”, thì bản thân người cán bộ quản lý phải đầu tàu, gương mẫu, do đó, tôi luôn xác định dù ở bất kỳ vị trí nào, bản thân phải luôn gương mẫu trong lối sống, trong công việc, luôn phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, nhiệt tình, sát sao, trách nhiệm trong công việc. Việc khó không tránh né, việc dễ không chủ quan. Đồng thời, sau mỗi công việc tôi cùng các đồng nghiệp luôn nhìn nhận lại và rút kinh nghiệm cho công việc tiếp theo.
Bên cạnh đó, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Triệu Sơn cũng luôn chú trọng “rèn đức, luyện tài”, chú trọng chuyên môn nhưng không lơ là giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh bằng nhiều hoạt động thiết thực như kêu gọi, vận động CBGV, nhân viên, học sinh trung tâm tham gia ủng hộ các chương trình tết vì người nghèo, ủng hộ đồng bào bị bão lụt... Gần đây nhất, thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về hỗ trợ, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ khó khăn về nhà ở, CBGV, nhân viên, học sinh trung tâm đã đóng góp được 80 triệu đồng xây dựng 1 căn nhà cho hộ bà Dương Thị Thời ở thôn Thiện Chính, xã Dân Lực.
Góp phần đào tạo nên người công dân tốt
Sùng A Hồng, sinh viên năm thứ nhất ngành ngôn ngữ Anh, Khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Hồng Đức là tấm gương sáng về tinh thần nỗ lực, vượt khó vươn lên. Sinh ra trong một gia đình có 11 anh chị em ở bản Khằm 1, xã Trung Lý (Mường Lát), năm 2018 Hồng thi đậu vào lớp 10 Trường THPT Dân tộc nội trú Ngọc Lặc (Ngọc Lặc) cách nhà hơn 100 cây số. Đi học xa nhà, sau Hồng lại còn 5 em đang tuổi ăn, tuổi học. Để lo cho các con ăn học, cha mẹ Hồng phải lao động cực nhọc khiến Hồng không đành lòng yên tâm học tập. Sau khi học xong lớp 10, Hồng quyết định dừng lại việc học, ở nhà giúp gia đình, nhường suất học cho các em, bởi Hồng biết nếu không dừng lại việc học thì các em của em sẽ phải nghỉ học.
Sùng A Hồng (bên trái), sinh viên Khoa Ngôn ngữ Anh, Trường Đại học Hồng Đức nhận học bổng tại lễ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn do Báo Tuổi trẻ tổ chức.
Sau 3 năm ở nhà phụ giúp cha mẹ làm nương rẫy, chăn nuôi, khi các em đã hoàn thành việc học, Sùng A Hồng bắt đầu có suy nghĩ khác: “Nếu như không đi học thì cả cuộc đời dài rộng phía trước ngày nối ngày cũng chỉ toàn nghèo đói, không tương lai”. Hồng xin cha mẹ cho quay trở lại trường, tiếp tục học lớp 11 tại Trường THPT Mường Lát cách nhà gần 50 cây số.
Để có đủ kinh phí trang trải cho việc học, Hồng phải chi tiêu tằn tiện, có khi cha mẹ chưa có tiền gửi lên Hồng đi bắt cá suối, hái rau ven bờ sông ăn tạm cho xong bữa, rồi lại chăm chỉ học với quyết tâm thi đỗ đại học.
Sùng A Hồng chia sẻ: "Em lựa chọn ngành ngôn ngữ Anh, vì tiếng Anh thực sự rất cần thiết để hội nhập và phát triển, nhưng ở bản em lại không có giáo viên dạy tiếng Anh. Em muốn sau này trở về sẽ giúp cho các bạn học sinh biết tiếng Anh để theo kịp với các bạn vùng xuôi".
21 tuổi, Sùng A Hồng vượt qua “cổng trời” Mường Lát để đến với giảng đường đại học, dù biết hành trình chinh phục ước mơ của em còn rất nhiều khó khăn, nhưng với nghị lực và quyết tâm của mình, nhất định Sùng A Hồng sẽ làm được.
Linh Hương
Bài 2: Những cách làm hay
{name} - {time}
-
2025-01-18 13:57:00
Gương sáng học và làm theo Bác
-
2025-01-12 15:34:00
Tô thắm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới
-
2024-11-06 15:55:00
Đòn bẩy thúc đẩy phẩm chất “dám nghĩ”, “dám làm”
Các cấp hội phụ nữ tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước
Điểm sáng trong phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu”
Phụ nữ Thanh Hóa thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thành công từ cuộc thi “Học tập Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”
Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên trong học và làm theo Bác
Học và làm theo Bác ở một đơn vị biên phòng
Như Xuân học tập và làm theo Bác bằng những hành động thiết thực
Lan tỏa việc học và làm theo Bác ở Đảng bộ huyện Vĩnh Lộc
Thị trấn Vĩnh Lộc học và làm theo Bác