Hiểu đúng về lập di chúc
Ông Lê Văn Khả và vợ vốn là giáo viên đã nghỉ hưu nhiều năm, sinh sống ở xã Vân Sơn (Triệu Sơn). Ông bà có 3 người con (2 trai, 1 gái); các con đều đã trưởng thành, thành đạt trong cuộc sống. Hai ông bà cũng đã lớn tuổi nên mong muốn lập di chúc để phân chia tài sản công bằng cho các con. Tài sản mà ông Khả muốn định đoạt trong di chúc của mình là phần đất đai mà ông bà đang sinh sống. Ông Khả đã đến UBND xã Vân Sơn để được cán bộ hướng dẫn về điều kiện lập di chúc.
Công chức tư pháp - hộ tịch xã Vân Sơn (Triệu Sơn) hướng dẫn công dân những thông tin cần thiết để di chúc được lập bảo đảm tính hợp pháp.
Ông Khả cho biết: Lập di chúc để phân chia tài sản cho các con một cách công bằng, xem như một món quà nhỏ dành cho các con trai, con gái trong gia đình. Hơn nữa, lập di chúc hợp pháp cũng là cách thức để con cái không gặp rắc rối về hồ sơ, thủ tục sau này. Bởi nhiều gia đình muốn sang tên đất đai, song không có di chúc nên phức tạp trong việc hoàn thiện hồ sơ thủ tục.
Theo bà Lê Thị Phương, công chức tư pháp - hộ tịch xã Vân Sơn, lập di chúc là nguyện vọng của nhiều người lớn tuổi khi muốn định đoạt phần tài sản của mình cho người khác sau khi qua đời. Đây là một việc làm văn minh, không chỉ thể hiện tình cảm, nguyện vọng của các bậc cha mẹ trước lúc qua đời mà còn tránh phát sinh mâu thuẫn không đáng có về sau. Ở các nước có nền pháp lý phát triển, di chúc được lập khá phổ biến.
“Tại xã Vân Sơn, những năm gần đây, nhiều công dân lớn tuổi có nguyện vọng lập di chúc đã tìm đến UBND xã để hỏi về lĩnh vực lập di chúc. Chúng tôi đã hướng dẫn công dân các điều kiện cần thiết, nội dung, hình thức và những thông tin cần thiết để di chúc được lập bảo đảm tính hợp pháp. Chẳng hạn, đối với tài sản là đất đai, phải đáp ứng điều kiện đất đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; trong di chúc phải thể hiện đầy đủ các thông tin cần thiết để di chúc được hợp pháp”, bà Lê Thị Phương, công chức tư pháp - hộ tịch xã Vân Sơn chia sẻ.
Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Theo Điều 631, Bộ luật Dân sự năm 2015, di chúc cần có các nội dung gồm: Ngày, tháng, năm lập di chúc; họ tên, nơi cư trú của người lập di chúc; họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản; thông tin về di sản để lại, nơi có di sản; các nội dung khác theo ý chí cuối cùng của người để lại di chúc, không trái đạo đức xã hội, không vi phạm điều cấm của luật.
Trợ giúp viên pháp lý Lê Thị Phượng, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh, cho biết: Những năm qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh đã tiếp nhận, trợ giúp cho nhiều vụ việc tranh chấp đất đai, trong đó có những vụ án tranh chấp về chia thừa kế. Nguyên nhân của các vụ tranh chấp thường xuất phát từ việc người có tài sản không phân chia rõ ràng trong việc tặng, cho tài sản giữa bố mẹ và các con, cũng như không để lại di chúc trước khi chết để làm cơ sở phân chia di sản thừa kế sau này. Những vụ án tranh chấp về chia di sản thừa kế tương đối phức tạp do các bên tranh chấp thường có mối quan hệ huyết thống, thân thuộc, liên quan đến nhiều người, hàng thừa kế, diện thừa kế, nghĩa vụ dân sự của người để lại di sản đã mất. Nhiều vụ việc phát sinh tranh chấp tài sản giữa bố mẹ và con cái, anh, em ruột thịt diễn ra căng thẳng, kéo dài, khó giải quyết, thậm chí gây nhiều hệ luỵ, tổn thương cho người trong cuộc.
Từ những vụ việc tranh chấp phức tạp đã từng xảy ra, các bậc làm cha mẹ cần thấy rõ những ưu điểm của sự phân chia, thỏa thuận về tài sản giữa bố mẹ và con cái, hiểu đúng về di chúc và quan tâm đến việc lập di chúc. Khi lập di chúc, người có tài sản nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia pháp lý, các luật gia, luật sư để bảo đảm di chúc được lập hợp pháp, an toàn, tránh các tranh chấp phát sinh ngoài ý muốn về sau.
Trợ giúp viên pháp lý Lê Thị Phượng cho biết thêm, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, một di chúc được coi là hợp pháp phải hội đủ các điều kiện: Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép; nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; di chúc phải được lập thành văn bản, hoặc có thể di chúc miệng trong các trường hợp đặc biệt. Sau khi lập di chúc, người lập di chúc có thể nhờ người ký làm chứng hoặc công chứng tại các phòng công chứng hoặc chứng thực di chúc tại UBND địa phương nơi người lập di chúc cư trú. Việc lập di chúc hoàn toàn phụ thuộc vào ý nguyện của người có tài sản, không cần sự đồng ý của người được hưởng di sản. Di chúc có thể lập và hủy nhiều lần. Trường hợp muốn hủy thì phải có đơn xin hủy nơi đã công chứng, chứng thực trước đây. Trường hợp tồn tại nhiều di chúc thì bản di chúc sau cùng sẽ có hiệu lực pháp luật.
Bài và ảnh: Việt Hương
{name} - {time}
-
2024-12-11 19:44:00
Cảnh cáo người đăng tin sai “cháo lươn là di sản phi vật thể quốc gia”
-
2024-12-11 18:24:00
Khiển trách Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện
-
2024-06-19 10:55:00
Hà Trung đưa pháp luật hướng về cơ sở
Đưa pháp luật đến với người dân vùng biên
[Video] Phá chuyên án mua bán, tàng trữ súng săn trên không gian mạng
Bắt giữ 2 đối tượng chuyên cho vay nặng lãi
Công an huyện Triệu Sơn tăng cường đấu tranh, ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật trong khai thác khoáng sản
Phá chuyên án mua bán, tàng trữ súng săn trên không gian mạng
UBND tỉnh quán triệt, triển khai Luật Căn cước, Luật Nhà ở (sửa đổi)
Xử phạt 5 cơ sở kinh doanh vàng, trang sức mỹ nghệ giả mạo nhãn hiệu hàng hóa
Bắt đối tượng chiếm đoạt tài sản trốn truy nã 27 năm
Xử phạt Phòng khám đa khoa Hà Thanh 90 triệu đồng