(Baothanhhoa.vn) - Chưa bao giờ việc giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai lại nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội như thời gian qua. Do vậy, hàng chục nghìn hồ sơ bị “ngâm” đã trở thành “tâm điểm” khi đưa ra chất vấn, bàn thảo tại một kỳ họp HĐND cấp tỉnh, nhằm “hóa giải” bức xúc, tạo dựng niềm tin trong Nhân dân.

Hàng chục nghìn hồ sơ đất đai bị “ngâm” - “tâm điểm” chất vấn và hóa giải bức xúc (Bài 1): Chậm trễ và tắc trách

Chưa bao giờ việc giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai lại nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội như thời gian qua. Do vậy, hàng chục nghìn hồ sơ bị “ngâm” đã trở thành “tâm điểm” khi đưa ra chất vấn, bàn thảo tại một kỳ họp HĐND cấp tỉnh, nhằm “hóa giải” bức xúc, tạo dựng niềm tin trong Nhân dân.

Hàng chục nghìn hồ sơ đất đai bị “ngâm” - “tâm điểm” chất vấn và hóa giải bức xúc (Bài 1): Chậm trễ và tắc tráchTiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính về đất đai tại bộ phận “một cửa” huyện Nông Cống. Ảnh: Tố Phương

Sự chậm trễ và tắc trách của một bộ phận cán bộ, viên chức khiến hàng chục nghìn hồ sơ lĩnh vực đất đai bị quá hạn, đã làm cho người dân không khỏi chán ngán và bức xúc. Trách nhiệm công vụ ở đâu, xử lý trách nhiệm này như thế nào? là vấn đề được dư luận xã hội rất quan tâm. Đặc biệt, nội dung này đã trở thành vấn đề “nóng” khi đưa ra chất vấn “tư lệnh ngành” tài nguyên và môi trường (TN&MT) tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hóa, khóa XVIII diễn ra hồi tháng 7/2023.

Quá hạn - chuyện như “cơm bữa”

Ngày 13/12/2023, ông Nguyễn Hữu Hợi (đại diện cho các đồng thừa kế của ông Nguyễn Hữu Biền - bà Ngô Thi Choai), xã Hoằng Yến (Hoằng Hóa) đến Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Hoằng Hóa nộp hồ sơ đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Theo quy định, tất cả các bước để hoàn chỉnh thủ tục này chỉ mất 25 ngày làm việc. Thế nhưng, phớt lờ quy định, hồ sơ của ông Hợi được “ngâm” đến ngày 11/7/2024 (thời điểm phóng viên tác nghiệp) vẫn chưa được giải quyết. Làm một phép tính đơn giản, bộ hồ sơ này đã quá hạn 183 ngày - một con số cách quá xa so với quy định là 25 ngày làm việc.

Sau nhiều tháng tất bật chạy ngược chạy xuôi và không thể chờ lâu hơn được nữa - cháu của ông Hợi, người đồng thừa kế là anh Nguyễn Văn Toàn đã liên hệ với phóng viên Báo Thanh Hóa phán ánh sự việc. Ngay sau đó, ngày 11/7/2024, phóng viên Báo Thanh Hóa đã làm việc với Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Hoằng Hóa, được biết, ngày 13/12/2023, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện tiếp nhận hồ sơ của ông Nguyễn Hữu Hợi. Qua công tác thẩm định, kiểm duyệt, chỉ 5 ngày sau khi nhận hồ sơ, tức là ngày 18/12/2023, chi nhánh đã chuyển hồ sơ về phòng TN&MT để tham mưu cho UBND huyện Hoằng Hóa ban hành quyết định công nhận QSDĐ. Thế nhưng sau hơn “6 tháng tham mưu” của phòng chuyên môn, UBND huyện Hoằng Hóa vẫn chưa thể ban hành được quyết định theo quy định. “Dù đã hoàn chỉnh đầy đủ giấy tờ theo yêu cầu, nhưng không hiểu vì lý do gì hồ sơ của chú tôi vẫn bị “ngâm” từ tháng này qua tháng khác. Thật không thể chấp nhận được” - anh Toàn bức xúc cho biết.

Đi sâu tìm hiểu thực hư vấn đề và để làm rõ trách nhiệm, phóng viên Báo Thanh Hóa đã làm việc với Phòng TN&MT huyện Hoằng Hóa. Tại đây cả lãnh đạo phòng và chuyên viên phụ trách đều cho biết, việc chậm giải quyết hồ sơ của ông Hợi có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó nguyên nhân chủ quan là bộ hồ sơ này được thực hiện vào thời điểm giao thời của việc điều động, phân công lại công việc của cả chuyên viên và lãnh đạo phụ trách giải quyết hồ sơ. Từ nguyên nhân này, nhiều người cho rằng, liệu có sự đùn đẩy trách nhiệm hay cố tình phớt lờ quy định để “ngâm” hồ sơ của công dân hay không?.

Đáng nói hơn, trường hợp của anh Toàn không phải là cá biệt. Chúng tôi đã từng ghi nhận hành trình đi đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất của chị Đặng Thị X. ở phường Quảng Tâm (TP Thanh Hóa) cũng “ngán ngẩm” không kém. Theo giấy hẹn ngày 17/6/2024 của bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thuộc Văn phòng Đăng ký đất đai TP Thanh Hóa, hồ sơ của chị X. sẽ được giải quyết trong thời gian 15 ngày kể từ ngày tiếp nhận. Trong đó, ngày 1/7/2024 sẽ nhận thông báo thuế; ngày 8/7/2024 sẽ trả kết quả. Thế nhưng đến ngày 15/7/2024, thời điểm phóng viên trao đổi với gia đình chị X. thì chị X. vẫn chưa nhận được thông báo thuế. Điều này cũng đồng nghĩa hồ sơ của chị X. đã quá hạn giải quyết so với quy định rất nhiều ngày, trong khi đó gia đình chị X. không nhận được “thư xin lỗi” vì trễ hẹn từ phía Văn phòng Đăng ký đất đai TP Thanh Hóa theo Quyết định 876/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh “Về công khai kết quả giải quyết thủ tục hành chính; công khai xin lỗi trong giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh”.

Sự chậm trễ và tắc trách trong giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai là một thực trạng đáng “quan ngại”. Chỉ cần đăng lên các trang mạng xã hội facebook, zalo... một status về tình trạng này sẽ có hàng loạt bình luận tỏ rõ sự bất bình từ phía người dân, nào là “Nhà em chuyển mục đích sử dụng đất mấy năm nay mà chưa xong”, “anh em lựa mà làm”, “không có tiền khó xong lắm”, “cò cho nhanh”...

Câu chuyện quá hạn hay “lỡ hẹn” cứ lặp đi lặp lại không được giải quyết khiến dư luận vô cùng bức xúc. Tại huyện Nông Cống, qua báo cáo của phòng chuyên môn về công tác cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (lần đầu) cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện giai đoạn 2020-2023 cho thấy, năm 2020, tổng số hồ sơ giải quyết là 2.160 hồ sơ, số hồ sơ giải quyết quá hạn là 153 hồ sơ (chiếm 7,08%). Năm 2021, tổng số hồ sơ giải quyết 3.944 hồ sơ, số hồ sơ giải quyết quá hạn tăng lên 353 hồ sơ (chiếm 8,95%). Năm 2022, tổng số hồ sơ giải quyết 7.469 hồ sơ, số hồ sơ giải quyết quá hạn là 86 hồ sơ (chiếm 1,15%)... Tương tự, tại huyện Quảng Xương, qua giám sát của ngành chức năng cũng cho thấy, năm 2021 và 2022, toàn huyện có tới 1.606 hồ sơ giải quyết quá hạn về cấp GCNQSDĐ thuộc thẩm quyền giải quyết của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện.

"Trước đây, các sở, ngành nỗ lực, cố gắng để được giao nhiều việc, nhưng bây giờ thì ngược lại, khi được giao việc lại đùn đẩy (càng không giao việc càng tốt) làm trì trệ trong khâu giải quyết thủ tục hành chính, dẫn đến nhiều công trình, dự án bị kéo dài, gây thất thoát, lãng phí cho doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp mất cơ hội đầu tư, ảnh hưởng đến đời sống của người lao động và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh” - đại biểu Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh.

Sự chậm trễ, quá hạn trong giải quyết hồ sơ liên quan đến đất đai đã được Sở TN&MT thừa nhận bằng “những con số biết nói”. Đơn cử như trong 2 năm 2020 và 2021, toàn tỉnh có 7.063 hồ sơ đề nghị cấp đổi, cấp lại GCNQSDĐ, đăng ký, chỉnh lý biến động đất đai của hộ gia đình, cá nhân do các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai thực hiện bị quá hạn. Điều đáng buồn là trong số 7.063 hồ sơ quá hạn, có không ít hồ sơ đủ điều kiện giải quyết nhưng vẫn không được cán bộ, viên chức xử lý theo quy định.

Sự chậm trễ hay quá hạn khiến người dân bức xúc ví như chuyện “cơm bữa”. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi con số chậm trễ cứ ngày càng tăng lên. Từ ngày 1/1/2022 đến 31/5/2023, toàn tỉnh có tới hơn 11.000 hồ sơ quá hạn. Trong đó, số hồ sơ quá hạn thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở TN&MT và văn phòng đăng ký đất đai là 10.181 hồ sơ; số hồ sơ quá hạn thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện là 895 hồ sơ. Đặc biệt, trong thời gian này lượng hồ sơ cấp lần đầu bị trả lại hoặc đang chờ bổ sung chiếm tới 20,39%. Thống kê từ Văn phòng Đăng ký đât đai tỉnh Thanh Hóa cho thấy, từ ngày 1/6/2023 đến ngày 1/6/2024 toàn tỉnh có hơn 1.000 hồ sơ quá hạn chưa được giải quyết. Có lẽ đây là con số “hiện hữu” trên phần mềm theo dõi hồ sơ, trên thực tế chắc rằng con số này sẽ cao hơn rất nhiều?.

“Đăng đàn” giải quyết

Không thể phủ nhận đất đai là lĩnh vực phức tạp, liên quan đến đất đai là liên quan đến cả “rừng thủ tục”. Người dân thì phải đi qua “nhiều cửa”, người thực thi pháp luật đôi khi cũng gặp khó vì “vướng cái nọ, mắc cái kia”. Ví như trường hợp của ông Nguyễn Công H., phường Quảng Tâm (TP Thanh Hóa). Năm 2001, ông H. nhận chuyển nhượng đất trồng cây hằng năm của một gia đình gần nhà với diện tích hơn 380m2. 23 năm qua, ông H. đã nhiều lần cậy nhờ “cửa quan” nhưng đến nay vẫn chưa được đứng tên mình trên sổ đỏ. Mặc dù các loại hồ sơ giấy tờ, công tác đo đạc địa chính thửa đất đã được gia đình ông hoàn thiện gửi chính quyền địa phương và đơn vị chức năng xem xét, giải quyết.

Tìm hiểu thực tế, nhóm phóng viên chúng tôi đã chứng kiến không ít trường hợp, không chỉ người dân mà cả người làm “môi giới” cũng phản ánh việc thực hiện các thủ tục liên quan đến cấp GCNQSDĐ quá phức tạp, phải qua nhiều khâu, nhiều công đoạn và nhiều đơn vị chức năng. Thậm chí cả những cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp làm việc ở lĩnh vực này cũng phải thừa nhận, các văn bản của pháp luật liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận sửa đổi bổ sung qua các thời kỳ không có tính ổn định, có những nội dung chưa phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Trong khi đó, phần mềm theo dõi hồ sơ có lúc, có nơi chưa hoạt động thông suốt; số lượng giao dịch về đất đai của người dân tăng đột biến trong khi nhân lực, trang thiết bị, máy móc của hệ thống văn phòng đăng ký đất đai còn nhiều hạn chế dẫn đến chậm giải quyết thủ tục hành chính cho người dân...

Từ năm 2020 đến ngày 1/6/2024, toàn tỉnh có tới 19.063 hồ sơ đề nghị cấp đổi, cấp lại GCNQSDĐ, đăng ký, chỉnh lý biến động đất đai của hộ gia đình, cá nhân do các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai thực hiện bị quá hạn. Trong đó, năm 2020 và 2021 có 7.063 hồ sơ quá hạn. Từ ngày 1/1/2022 đến 31/5/2023, con số này lên tới hơn 11.000 hồ sơ. Từ ngày 1/6/2023 đến ngày 1/6/2024 là 1.000 hồ sơ”.

Ngoài những bất cập mang tính khách quan, chỉ rõ nguyên nhân chủ quan dẫn đến hàng chục nghìn hồ sơ quá hạn, tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh diễn ra tháng 7/2023, Giám đốc Sở TN&MT Lê Sỹ Nghiêm thừa nhận để xảy ra tình trạng này có một phần trách nhiệm của cán bộ, viên chức Sở TN&MT và chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai các địa phương. Tình trạng cán bộ, công chức, viên chức chưa làm hết trách nhiệm, chưa gương mẫu trong thực thi nhiệm vụ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp chưa tận tình và kịp thời, để người dân phản ánh, kiến nghị, tạo dư luận không tốt.

Cũng tại kỳ họp này, không ít đại biểu đã “mổ xẻ” và có những nhận định sâu sắc liên quan đến việc chậm cấp GCNQSDĐ. Nếu theo dõi sát kỳ họp chắc chắn rằng, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân sẽ không quên ý kiến của đại biểu Mai Xuân Bình, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh đã chỉ rõ ngay tại kỳ họp, rằng: “Tâm lý sợ sai, sợ chịu trách nhiệm, né tránh của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ” và nhấn mạnh biểu hiện “3 không” của một bộ phận cán bộ đó là: Không nói, không tham mưu đề xuất và không làm (hoặc có làm thì cũng cầm chừng, vừa làm vừa nghe ngóng).

Cùng với ý kiến của đại biểu Bình, nhiều người cũng tâm đắc với ý kiến của đại biểu Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã chỉ ra “Cơn bão ngầm trong hành chính” khi một bộ phận cán bộ, công chức có dấu hiệu né tránh, đùn đẩy công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền đã đẩy doanh nghiệp lâm vào tình cảnh ngày càng khó khăn hơn.

Có thể thấy, tại mỗi kỳ họp HĐND tỉnh, ngoài đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội; thảo luận, thống nhất thông qua các tờ trình, nghị quyết thì phiên chất vấn luôn là “tâm điểm” được các đại biểu và đông đảo cử tri quan tâm. Qua nhiều lần theo dõi các kỳ họp HĐND tỉnh, có lẽ Kỳ họp lần thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII diễn ra hồi tháng 7/2023 là kỳ họp nhận được nhiều ý kiến của cử tri trong tỉnh thông qua đường dây nóng khi tiến hành phiên chất vấn tư lệnh ngành TN&TM về lĩnh vực đất đai. Theo đó, đồng chí nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng đã có những chỉ đạo trực tiếp và giao nhiệm vụ cụ thể cho ngành chức năng, chính quyền các địa phương giải quyết kịp thời, thỏa đáng những kiến nghị của cử tri. Nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng cũng đã “truy vấn” “tư lệnh” ngành TN&MT “có hay không tình trạng sách nhiễu, tiêu cực trong cấp GCNQSDĐ cho người dân?”. Trước câu hỏi của người đứng đầu HĐND tỉnh Thanh Hóa, Giám đốc Sở TN&MT Lê Sỹ Nghiêm thừa nhận: “Tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà trong cấp GCNQSDĐ có ở nhiều khâu. Trong đó trách nhiệm lớn nhất vẫn thuộc về các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai. Từ khi đi vào hoạt động (ngày 1/9/2020 đến 30/6/2023), Văn phòng Đăng ký đất đai đã tiếp nhận 149 đơn, trong đó 132 đơn kiến nghị, phản ánh, 14 đơn tố cáo và 3 đơn khiếu nại. Nội dung đơn kiến nghị đòi giải quyết thủ tục hành chính về cấp GCNQSDĐ; tố cáo về hành vi không giải quyết hồ sơ, gây phiền hà, sách nhiễu, đòi “bôi trơn” mới giải quyết hồ sơ...”.

Việc cấp GCNQSDĐ hiện nay chịu sự ràng buộc bởi nhiều quy định, nhiều thủ tục. Đây là nhân tố dễ phát sinh tiêu cực, sai phạm trong quá trình giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp. Chúng ta đã từng chứng kiến nhiều cán bộ, công chức, viên chức thiếu đạo đức công vụ, cố tình lợi dụng sự phức tạp của các thủ tục hành chính để hạch sách, nhũng nhiễu, làm khó, buộc người dân, doanh nghiệp phải “bôi trơn”, “lót tay” khi giải quyết thủ tục hành chính. Còn đối với những trường hợp “không biết điều” gì thì việc “ngâm” hồ sơ cũng là “chuyện đương nhiên” và “dễ hiểu”.

Phong Sắc - Tố Phương

Bài 2: “Thông lệ lót tay” và sự “nhúng chàm” phải trả giá.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]