Gương mặt xuân trong thơ ca Thanh Hóa
Đã đành mùa xuân là tươi mới, trẻ trung. Chỉ mới nghĩ thôi bao trắc trở, gian nan lùi lại phía sau, mọi thứ hồi sinh “xanh non, biếc rờn”. Một chút đỏng đảnh của “cành tơ phơ phất”, hay rộn ràng “của yến anh này đây khúc tình si” cũng làm đủ nao lòng người lữ thứ xa quê. Có những hạnh phúc đong đầy đẹp tựa đào, mai vừa chớm nở. Lại cả những nhớ nhung, cách trở mà dệt thành những ký ức thâm trầm, suy tư, xao xuyến. Gương mặt xuân vì thế trở nên đa diện, đa sắc, đa thanh gắn với hồn các thi sĩ mọi lứa tuổi trong nhiều bối cảnh và khoảnh khắc tâm hồn.
Các văn nghệ sĩ đi thực tế sáng tác tại huyện Quảng Xương.
Mùa của tình yêu
Ta hãy cảm nhận gương mặt mùa xuân trong thơ Văn Đắc trong bài “Xuân đang về” để thấy mùa xuân thần thái, diệu kỳ:
Em ơi! Mùa xuân
Biển biếc ngàn năm em cũng không ngờ
Cứ xanh thế, để sóng làm con trẻ
Mặt trời lên như quả chín cột buồm.
Sức liên tưởng trong bài thơ thật lạ, rất Văn Đắc mà cũng rất đời. Con người trước tình yêu trở nên trẻ trai, vụng dại, hồn nhiên và lãng mạn đến không ngờ. “Mặt trời như quả chín cột buồm” là hình ảnh cực thơ và gợi. Chưa ai so sánh và liên tưởng sống động như vậy. Trước em và biển, tác giả trở nên lóng ngóng, run rẩy nhưng định vị cảm xúc thì chính xác. Quả chín cột buồm hay cũng là điểm nhìn thi sĩ của tác giả mang dấu ấn riêng không trộn lẫn. Mặt trời cũng chính em vì thế cũng trở nên rung động. Đó là cách mà Văn Đắc luôn dành cho nhân vật em bằng tất cả sự tinh tế, ý nhị và trong sáng:
Tay em đã vịn vào cành
Bao nhiêu lá cũng thành lời yêu.
(Vụng thầm)
Ở một góc nhìn khác Huy Trụ gương mặt xuân lại “dan díu” độc giả theo một lối khác, kiểu tham lam đáng yêu “gom hết" xuân đời, xuân lòng rất Thanh Hóa. “Vườn em” là minh chứng cho xúc cảm thơ về chủ đề này:
Gom hết ngày đông vào vạt áo
Thả hết nắng hồng xuống gót son
Mùa xuân nhu nhú mơn man gió
Đồi mơ men ủ, búp căng tròn.
Các động từ, tính từ dứt khoát, lột tả được cái quyết liệt, táo bạo của tình yêu trước mùa xuân. Hay mùa xuân làm cho con người trở nên mạnh mẽ?
Hãy nghe nhà thơ trải lòng:
Anh nấp vườn em rung trái cấm
Đào mai tròn mắt đợi giao thừa
Nghiêng chén đất trời nghiêng ngả múa
Mắt đằm trong mắt mặc thoi đưa.
Tình yêu và mùa xuân còn xuất hiện trong các nhà thơ trẻ, sôi nổi và ấm nồng. Xuân kia hãy cứ là cái cớ để lời thơ lên ngôi:
Có một mùa thương ùa về ngực trái
Ngay tại chỗ này
Xanh biếc phía hàng cây...
Ngay tại chỗ này
Trái tim đòi thương nhớ người dưng
Nỗi nhớ nảy mầm trong bao la cỏ rối...
Chẳng nhắc một từ xuân mà vẫn thấy xuân căng đầy ngực trẻ, chẳng nói gì to tát mà thấy mọi thanh xuân ùa về, trái tim đòi hò hẹn, giăng mắc tơ tình cả không gian thơ. Đó là tình yêu cách nói của Việt Hưng, một cô giáo, nhà thơ trẻ trong bài thơ “Có một mùa thương ùa về ngực trái”.
Phạm Văn Dũng lại trình làng bài thơ “Mong ước xuân” mới mẻ từ câu chữ cho đến hình ảnh thơ cũng muốn góp một tiếng thơ xuân đượm lửa của tình yêu lứa đôi.
“Mùa xuân không gọi xanh mướt một vòm lá
Không gọi hồng rực cháy một cánh hoa...
Mùa xuân hãy chan vào mắt em
Lúng liếng ngọn lửa tình
Để thời gian
Đừng nguội lạnh”.
Xuân là vậy. Là ta hay là ai đi nữa, cứ có em và xuân thì thơ còn nóng hổi tình người, tình đời. Các tác giả thơ ở Thanh Hóa có hàng nghìn người, cả chuyên và không chuyên. Mỗi một cây bút lại khoác cho xuân một chiếc áo mà làm nên sự đa dạng. Thơ là bản tình ca mùa xuân cho những người đã yêu, đang yêu, bản tình ca ấy mỗi người một vẻ, mang theo một nguyên cớ, nhưng tựu trung đều xuất phát từ tấm lòng đa cảm, muốn dâng đời, làm đẹp hơn cuộc đời này.
Gương mặt văn hóa
Ở bất cứ thể loại văn học, nghệ thuật nào ngoài dấu ấn cá nhân đều mang theo nét văn hóa của quê hương, dân tộc. Văn hóa trong thơ không phải lý luận mà đó là hiện thực thông qua cảm nhận của tác giả. Hầu hết các nhà thơ khi viết thơ xuân đều gắn với hội làng, các trò diễn dân gian, ẩm thực dân gian, hoặc gắn với nhân vật văn hóa... Nhà thơ Vương Anh là một minh chứng, ông vừa là nhà thơ nhưng là nhà nghiên cứu văn hóa. Ông xứng đáng là tác giả được giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Trong bài “Lời ru”, ông viết:
Tháng Giêng còn mãi lời ru
“Tháng ăn chơi tháng bỏ bùa nhân gian”
Mưa rây thúc thắc vọng ngàn
Trĩu câu ví: “nắng mưa đan võng trời...”
... Tháng Giêng xin lộc, cầu may
Đừng cho thất bát, trắng tay mùa màng
Lời ru, thắc thỏm, nhụy nhàng
Thách ai ru cạn kho tàng dân ca?...
Câu cuối bài thơ không nói dài mà như một lời thách đố nhẹ nhàng đồng thời dặn dò thế hệ sau hãy giữ lấy vốn văn hóa dân gian, giữ lấy lời ru như điểm tựa cuộc đời.
Tháng Giêng gắn với văn hóa, thông điệp đó lại tiếp tục xuất hiện một lần nữa, ở bài “Vùng cao chờ” ông có sự đúc kết đầy chiêm nghiệm:
Lên nhà sàn Thái ngủ thăm
Rượu cần uống cả trăm năm vẫn thừa
Tết Mông cả tháng chưa vừa
Khèn Mông đổ núi vẫn chưa hết khèn...
Chợ phiên mây cũng thẫn thờ
Người chênh vênh núi, ngựa thồ lệch xe
Đêm trăng mê mẩn vòng xòe
Tay trong tay sợ lái bè dòng trôi.
Câu chuyện văn hóa đưa vào thơ làm cho gương mặt thơ xuân trở nên thắm đằm, có chiều sâu và có tính dân tộc. Nhà thơ không liệt kê mà điểm diện bằng sự quan sát, hiểu biết, vốn sống thực tiễn nên thơ thấm vào bạn đọc dễ hơn lịch sử, nghiên cứu. Ông đã lựa chọn thơ cũng là thể loại gần gũi để mang đến cho bạn đọc sự hiểu biết mà không giáo điều. Gấp sách lại vẫn văng vẳng tiếng khèn, vẫn đăm chiêu vòng xòe, vẫn thao thức ngủ thăm và kho tàng dân ca...
Ta hãy thêm một trải nghiệm “Chợ tết vùng cao” cùng nhà thơ nữ Lê Huyền, để hòa vào nét văn hóa người vùng cao Thái, Mường, Dao...:
Em mặc váy thêu áo khóm
Tung tăng xuống chợ một ngày
Ơ kìa, vàng xanh trắng đỏ
Vải hoa rực rỡ sắc màu.
Còn nữa một nét đặc trưng không thể thiếu của xuân vùng cao là uống rượu cần nhảy múa quanh đống lửa:
Bên kia người trai bản Thượng
Ấm môi bên chóe rượu cần
Bên này gái ngoan bản Hạ
Say điệu kèn lá vang ngân.
Và nếu ta từ miền núi về miền xuôi thì tại trang thơ của Mai Thị Hạnh Lê chỉ một câu hò sông Mã thôi cũng gợi bao nhiêu điều về một xứ văn hóa:
Thành phố mình thao thức đợi bình minh
Bao ngã rẽ lòng chưa vơi mộng ước
Tim nán lại dưới vòng cây thân thuộc
Lắng câu hò trên sông Mã, vọng trăng.
Nhà thơ trẻ Mai Thị Hạnh Lê trước sự đổi thay của thời cuộc, đón bình minh của TP Thanh Hóa hôm nay vẫn hướng về giá trị cổ truyền “Lắng câu hò sông Mã”. Đó là giá trị của thơ, kết nối xưa và nay với những vần thơ thành thực và rung động. Những câu thơ viết trước thềm năm mới thật ý nghĩa!
Và còn nữa, rất nhiều bài thơ nữa, không kể hết có cảm hứng từ mùa xuân. Xin mượn một khổ trong bài thơ “Múa hoa sen ở rừng biên giới” của nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm để kết lại bài viết nhỏ này:
Triệu con tim kết sức mạnh dâng Người
Xuân khốc liệt thành mùa xuân đại thắng
Mỗi cánh sen lung linh ngàn tia nắng
Đất nước này thơm mãi muôn sau.
Tưởng nhớ, tri ân Người là tình cảm chúng ta thường gặp trong thơ, đó cũng là chủ đề xuyên suốt của thơ ca nói chung, thơ Thanh Hóa nói riêng. Mỗi độ tết đến, xuân về hình ảnh Bác Hồ lại ùa về, hiện thân cho ánh sáng của Đảng soi đường, tượng trưng cho sức mạnh dân tộc “mỗi cánh sen lung linh ngàn tia nắng”. Bài thơ có hình ảnh cánh sen vừa ngợi ca Người như đóa sen “thơm mãi muôn sau”, vừa như thành kính dâng Người loài hoa thanh khiết cao quý.
Lúc này, khi mùa xuân đang về, nhắc tên Người trong thơ Thanh Hóa, bỗng nhiên tôi lòng tôi cảm nhận gương mặt xuân tròn đầy hơn.
THY LAN
{name} - {time}
-
2025-02-02 10:14:00
Sống và dấn thân với nghề
-
2025-02-02 10:12:00
Như ngọn triều dâng...
-
2025-01-31 10:13:00
Pháo hoa
Hoàng Hạc vươn mình
Tự sự... cùng phố
Mở Đường (Bài 2): Một vòng xứ Thanh qua những tuyến đường động lực, kết nối
Hành trình của một người lính
Mở Đường (Bài 1): Thênh thang đường về quê Thanh...
Những cựu chiến binh xông pha trong thời chiến, cống hiến giữa thời bình
Dáng vóc đô thị “tựa núi, bên sông, hướng biển”
Ông Hoàng Trọng Cường, Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa: “Xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với đô thị văn minh trên nền tảng của sự đổi mới, sáng tạo, đi vào chiều sâu, hướng đến giá trị bền vững”
Chiến tranh và nỗi ám ảnh