(Baothanhhoa.vn) - Hiện nay ngành nông nghiệp và các huyện miền núi của tỉnh đang tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư (TĐC), di chuyển các hộ dân ở khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng của thiên tai đến nơi ở an toàn, ổn định đời sống.

Gỡ khó trong thực hiện các dự án sắp xếp dân cư vùng thiên tai

Hiện nay ngành nông nghiệp và các huyện miền núi của tỉnh đang tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư (TĐC), di chuyển các hộ dân ở khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng của thiên tai đến nơi ở an toàn, ổn định đời sống.

Gỡ khó trong thực hiện các dự án sắp xếp dân cư vùng thiên taiHuyện Mường Lát và lực lượng biên phòng đóng quân trên địa bàn hỗ trợ lương thực cho người dân sinh sống vùng có nguy cơ bị sạt lở ở bản Lách, xã Mường Chanh.

Năm 2022, xã Mường Chanh (Mường Lát) được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư 2 khu TĐC bố trí sắp xếp cho 48 hộ dân sống trong khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở, lũ quét cần phải di dời đến nơi an toàn với tổng kinh phí 9,7 tỷ đồng. Trong đó, khu TĐC bản Lách ổn định chỗ ở cho 27 hộ dân và khu TĐC bản Ngố ổn định chỗ ở cho 21 hộ dân. Ngoài ra, còn 1 khu TĐC bản Cang bố trí TĐC cho 30 hộ do chưa phù hợp quy hoạch sử dụng đất nên huyện Mường Lát đang khẩn trương thực hiện thống nhất vị trí xây dựng và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư.

Theo Chủ tịch UBND xã Mường Chanh Bùi Văn Nhân, hiện xã đã cập nhật kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 các khu TĐC bản Lách, bản Ngố. Hiện nay, mùa mưa đã bắt đầu, nhưng các khu TĐC cho các hộ dân nằm trong vùng sạt lở núi của xã vẫn chưa được triển khai xây dựng, khiến người dân luôn phải sống trong lo sợ sạt lở đất, lũ quét. Địa phương rất mong các ngành có liên quan của tỉnh và huyện Mường Lát sớm triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các khu TĐC này để người dân có nơi ở ổn định đời sống, yên tâm phát triển sản xuất.

Qua rà soát từ các ngành có liên quan của tỉnh, giai đoạn 2023-2025, trên địa bàn các huyện miền núi có nhu cầu thực hiện 39 khu TĐC tập trung, TĐC liền kề (bao gồm cả 11 khu TĐC được quyết định chủ trương đầu tư chuyển tiếp năm 2022 sang) với tổng số hộ được bố trí là 1.368 hộ. Trong đó, có 12 khu TĐC tập trung, sắp xếp ổn định nơi ở cho 636 hộ (hiện có 6 khu TĐC đã được quyết định chủ trương đầu tư và 6 khu TĐC đang được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND các huyện lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư). TĐC liền kề có 27 khu, sắp xếp ổn định nơi ở cho 732 hộ (hiện đã có 11 khu TĐC đã được quyết định chủ trương đầu tư và 16 khu TĐC đang được Sở NN&PTNT phối hợp với UBND các huyện lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư). Ngoài ra, số hộ được bố trí TĐC xen ghép là 977 hộ. Tổng nhu cầu nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng các khu TĐC là hơn 300 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở NN&PTNT, tính đến ngày 20-6-2023 tiến độ sắp xếp, ổn định dân cư còn chậm, TĐC xen ghép đạt tỷ lệ 24,8%, TĐC liền kề và TĐC tập trung đạt tỷ lệ 23,1% và chưa sát với yêu cầu thực tế, nhất là các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Phần lớn các khu TĐC cho các hộ dân còn thiếu mặt bằng xây dựng, chưa đạt được theo mức quy định. Việc huy động các nguồn lực cùng tham gia vào chương trình sắp xếp, ổn định dân cư đã được một số địa phương thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao, vẫn còn phải trông chờ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước.

Theo tìm hiểu thực tế, việc thực hiện các khu TĐC còn gặp nhiều khó khăn, trong quá trình thẩm định dự án vẫn chưa đảm bảo do các huyện chưa cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030. Phần lớn các dự án TĐC đã được HĐND, UBND tỉnh bố trí nguồn vốn để thực hiện, nhưng tiến độ triển khai thực hiện của các dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư của các huyện còn chậm, vẫn đang ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Khả năng bố trí đất ở và đất sản xuất cho các hộ dân di cư ở các huyện miền núi là rất khó khăn, nhiều huyện không còn quỹ đất vì đã giao hết cho các hộ dân sản xuất lâu dài nên khi thực hiện khu TĐC cần chi phí bồi thường cao. Việc bổ sung đầu tư thêm hạng mục phòng cháy, chữa cháy theo quy định ở các khu TĐC gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn để thực hiện.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các khu TĐC, theo Sở NN&PTNT, trước mắt ưu tiên thực hiện bố trí cho các hộ dân sống ở các vùng đồi núi có độ dốc lớn, nền địa chất kém ổn định, có nguy cơ sạt lở cao thì TĐC xen ghép trên nguyên tắc bố trí trong nội thôn, nội xã là chính để hạn chế sự thay đổi lớn đến đời sống và sản xuất của người dân. UBND các huyện, xã rà soát, xây dựng kế hoạch sử dụng đất hàng năm phù hợp với Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 để bố trí quỹ đất thực hiện sắp xếp, ổn định dân cư cho các hộ dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất làm căn cứ để chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất theo quy định của pháp luật. Ngoài nguồn vốn bố trí theo kế hoạch hàng năm, các địa phương cần chủ động rà soát các dự án bố trí dân cư trên địa bàn, xác định các vùng cần di dời cấp bách trình cấp có thẩm quyền bổ sung để thực hiện, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.

Bài và ảnh: Lê Hợi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]