(Baothanhhoa.vn) - Sau gần 4 năm triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), tỉnh Thanh Hóa đã từng bước tạo thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ lợi thế của các huyện, thị xã, thành phố và xây dựng, phát triển hàng trăm chuỗi giá trị trong sản xuất, đưa các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, thế mạnh của tỉnh đến thị trường trong và ngoài nước. Trong lộ trình thực hiện chương trình, các cấp ủy, chính quyền, địa phương trong tỉnh luôn xác định xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP cả về số lượng và chất lượng nhằm tạo ra hệ sinh thái toàn diện trong phát triển sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý, bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của địa phương.

Xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa

Sau gần 4 năm triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), tỉnh Thanh Hóa đã từng bước tạo thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ lợi thế của các huyện, thị xã, thành phố và xây dựng, phát triển hàng trăm chuỗi giá trị trong sản xuất, đưa các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, thế mạnh của tỉnh đến thị trường trong và ngoài nước. Trong lộ trình thực hiện chương trình, các cấp ủy, chính quyền, địa phương trong tỉnh luôn xác định xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP cả về số lượng và chất lượng nhằm tạo ra hệ sinh thái toàn diện trong phát triển sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý, bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của địa phương.

Xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP tỉnh Thanh HóaSản phẩm tổ yến sào và yến chưng của Công ty TNHH Dịch vụ Yến sào xứ Thanh (Hậu Lộc) tham gia triển lãm, hội chợ trong, ngoài tỉnh.

Tính đến hết tháng 3-2022, huyện Nga Sơn có 22 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa, dẫn đầu cả tỉnh về số lượng sản phẩm OCOP. Trong đó, có 13 sản phẩm 3 sao và 9 sản phẩm 4 sao của 6 chủ thể sản xuất. Đồng thời, huyện tiếp tục xây dựng, phát triển thêm nhiều sản phẩm mới gắn liền với những đặc trưng riêng của từng địa phương, để đưa nhiều hơn nữa những sản phẩm OCOP chất lượng tới tay người tiêu dùng. Ông Thịnh Văn Huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Nga Sơn, cho biết: Ngay từ khi tiếp thu, triển khai thực hiện Chương trình OCOP, huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn để các chủ thể, người dân biết về lợi ích, sức lan tỏa, giá trị của sản phẩm khi được “gắn sao” trong hệ thống OCOP. Đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện theo nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng”, với 6 bước cơ bản: Sau khi đăng ký sản phẩm, các đơn vị sản xuất sẽ xây dựng phương án, kế hoạch và triển khai thực hiện, cơ quan chức năng có thẩm quyền đánh giá, phân hạng sản phẩm, trên cơ sở đó sẽ hỗ trợ và xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm. Qua đó, đối với những xã có thế mạnh về nghề thủ công mỹ nghệ từ cói, như Nga An, Nga Thanh,... huyện đã hỗ trợ, khuyến khích các chủ thể mạnh dạn đầu tư sản xuất, chuẩn hóa sản phẩm theo chu trình OCOP. Đối với những xã có lợi thế về sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và có một số sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của thị trường, huyện giao nhiệm vụ cho các phòng, đơn vị liên quan và địa phương hỗ trợ về khoa học, công nghệ, một phần kinh phí để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại và hoàn thành các chứng nhận chất lượng để tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Với việc xác định được nhiệm vụ trọng tâm, quy trình xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP, những sản phẩm nằm trong nhóm thế mạnh của huyện, như: bộ rổ cói 3 chiếc, bình hoa bằng cói, dưa vàng Vạn Hoa, dưa lưới Vạn Hoa... đều được công nhận rất sớm (năm 2020) với chất lượng đạt hạng 4 sao. Đồng thời, sau khi được công nhận, những sản phẩm này đã có mặt tại nhiều hệ thống phân phối hiện đại trong, ngoài tỉnh; trong đó, có một số sản phẩm đã đủ điều kiện xuất khẩu trực tiếp và có mặt tại nhiều thị trường “khó tính”, như: Mỹ, Nhật Bản... Những kết quả đáng ghi nhận về xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Nga Sơn đã cho thấy sự thống nhất, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự vào cuộc tích cực, linh hoạt của các chủ thể nhằm tạo nhiều sản phẩm OCOP chất lượng, sức cạnh tranh lớn và có giá trị kinh tế cao.

Tỉnh Thanh Hóa có đa dạng các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, sản phẩm lợi thế “tiền OCOP”. Do đó, khi triển khai thực hiện chương trình, các sở, ngành, địa phương đã chú trọng khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP, như: Các làng nghề truyền thống ở các huyện Nga Sơn, Hoằng Hóa, thị xã Nghi Sơn... Nhiều sản phẩm OCOP đã khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý, như: lá ngâm chân Mộc Việt (Quảng Xương), tinh dầu sả chanh (Thạch Thành), rượu Sâm Báo, nếp hạt cau Lộc Thịnh (Vĩnh Lộc), chè xanh sạch Bình Sơn (Triệu Sơn)... Qua việc phát triển về số lượng sản phẩm OCOP, phương thức sản xuất của người dân cũng từng bước thay đổi, hình thành các chuỗi liên kết, nhất là gắn với vai trò của các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời, phát huy vai trò, sự sáng tạo của chủ thể để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh cho sản phẩm OCOP.

Tại HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn (Triệu Sơn) - một trong số những chủ thể đầu tiên có sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2019, HTX không chỉ phát triển, nâng cao giá trị của nghề sản xuất chè truyền thống, nuôi ong mật của địa phương mà còn linh động, sáng tạo trong ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong nâng cao chất lượng sản phẩm. Ông Lê Đình Tú, giám đốc HTX, cho biết: Ngoài việc học hỏi, tham khảo các HTX, doanh nghiệp hoạt động cùng lĩnh vực để phát triển về số lượng sản phẩm OCOP, HTX còn thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng và sao chè, tuân thủ sản xuất theo quy trình an toàn và liên kết với Nhà máy Sắn Phúc Thịnh (Ngọc Lặc) để nhập chất thải bã sắn trộn phụ gia làm phân bón cho cây chè. Áp dụng quy trình sản xuất không sử dụng các chất kích thích phát triển, không bón phân hóa học, tuân thủ quy trình theo yêu cầu của HTX... đã tạo nên uy tín cho sản phẩm chè Bình Sơn trên thị trường. Cùng với đó, ở sản phẩm mật ong, HTX cũng liên kết với 400 hộ trong xã, đầu tư hệ thống máy thủy phân hiện đại để tách nước, tạp chất trong mật ong để có sản phẩm đạt chuẩn cung cấp cho thị trường.

Được biết, nhờ sự linh động, sáng tạo trong xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP, tính đến tháng 4-2022, HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn đã phát triển được 4 sản phẩm OCOP cấp tỉnh hạng 3 sao. Đồng thời, những sản phẩm của HTX thường xuyên được tham gia trưng bày, triển lãm và giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm trong, ngoài tỉnh, được người tiêu dùng ưa chuộng, đánh giá cao, doanh thu hằng năm đạt hơn 1,7 tỷ đồng.

Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập trung triển khai nhiều giải pháp, xây dựng bộ tài liệu tập huấn Chương trình OCOP và triển khai trên toàn tỉnh. Tính đến hết tháng 3-2022, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) tỉnh đã tổ chức tập huấn cho hơn 7.000 lượt người là cán bộ các sở, ngành, đoàn thể các cấp và đại diện doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh cá thể... về quy trình triển khai, cách thức thực hiện Chương trình OCOP. Ngoài ra, văn phòng còn phối hợp tuyên truyền và khuyến khích các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh hiểu, tham gia thực hiện chương trình một cách hiệu quả. Ông Bùi Công Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM, cho biết: Chương trình OCOP tỉnh Thanh Hóa được triển khai từ năm 2018, đã phát huy tính sáng tạo, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của nông dân, xây dựng mối liên kết phát triển kinh tế cộng đồng bền vững, tạo nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang thương hiệu riêng của từng địa phương, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và chuyển dịch cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn. Với 196 sản phẩm được công nhận và có hơn 80% sản phẩm OCOP của tỉnh đã được tham gia vào các siêu thị, nhà hàng, hệ thống thương mại hiện đại... doanh thu, lợi nhuận của các sản phẩm đều tăng qua các năm, góp phần tích cực vào quá trình XDNTM của tỉnh chính là thành quả của quá trình xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP hiệu quả, thiết thực.

Nhằm giúp sản phẩm OCOP tiếp tục giữ vai trò là trọng tâm của phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn, tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có thêm ít nhất 3 sản phẩm OCOP 5 sao, hơn 100 sản phẩm OCOP 3 - 4 sao. Có 5 mô hình dịch vụ du lịch cộng đồng, điểm du lịch và mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; hình thành các trung tâm thiết kế sáng tạo phát triển sản phẩm OCOP gắn với quảng bá, giới thiệu sản phẩm... Để thực hiện được mục tiêu đó, Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM đã và đang hỗ trợ các địa phương xây dựng khung Chương trình OCOP phù hợp với tiềm năng và lợi thế, huy động sự tham gia của các chủ thể kinh tế, các cấp, các ngành trong triển khai chương trình; tăng cường tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP. Trong đó, chú trọng khuyến khích các chủ thể tham gia các hội chợ, triển lãm gắn với các chương trình, hội chợ sản phẩm OCOP thường niên cấp quốc gia, cấp vùng và địa phương.

Bài và ảnh: Lê Hòa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]