Những việc làm thiết thực giúp Hội Phụ nữ xã Nga Thủy thành điển hình tiên tiến cấp tỉnh

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những việc làm thiết thực giúp Hội Phụ nữ xã Nga Thủy thành điển hình tiên tiến cấp tỉnh

Những việc làm thiết thực giúp Hội Phụ nữ xã Nga Thủy thành điển hình tiên tiến cấp tỉnh

Dọn vệ sinh và trồng hoa ven đường đã trở thành phong trào sâu rộng của phụ nữ xã Nga Thủy.

Nga Thủy thuộc xã vùng triều ven biển, nằm ở phía Đông Nam huyện Nga Sơn, không có nhiều điều kiện phát triển. Những năm trước, kinh tế địa phương chủ yếu là thâm canh cây cói nhưng do thiếu nước ngọt, nước lợ xâm thực sâu nên ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, sản lượng. Tuy nhiên, khoảng 5 năm gần đây, lực lượng phụ nữ trong xã đã trở thành những “đầu tàu” phát triển kinh tế địa phương nhờ các chương trình huy động vốn của Hội Phụ nữ xã Nga Thủy cho hội viên phát triển kinh tế.

Trong danh sách những điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2015 – 2020, Hội Phụ nữ xã Nga Thủy là một trong những tập thể được xét chọn. Nhiều năm qua, Hội Phụ nữ xã vùng biển này đã làm tốt vai trò “cầu nối” giữa hội viên với các ngân hàng, đấu mối để phụ nữ trong xã vay vốn khởi nghiệp, phát triển kinh tế theo các chương trình tín dụng. Đến thời điểm hiện tại, hội đã và đang đấu mối với 2 ngân hàng là Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho các hội viên phụ nữ trong xã vay và quản lý tốt nguồn vốn hơn 16,36 tỷ đồng. Trong số đó, Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 9,2 tỷ đồng với 272 hộ phụ nữ đang được vay vốn phát triển kinh tế; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải ngân hơn 7,1 tỷ đồng cho 151 hộ vay. Hội Phụ nữ xã Nga Thủy còn làm tốt việc đôn đốc trả lãi, định hướng và giám sát cho em đầu tư đồng vốn đúng hướng và hiệu quả.

Ngoài đấu mối để hội viên vay vốn lãi suất thấp theo các chương trình ưu đãi từ ngân hàng, Hội Phụ nữ xã Nga Thủy còn triển khai thành công một hình thức huy động vốn khác: Huy động gửi tiết kiệm trong khu dân cư. Hội đã đứng ra tuyên truyền, vận động những hộ dân trong xã có thu nhập cao, có người đi xuất khẩu lao động gửi tiền về, mang đến gửi tại Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nga Sơn. Chính nguồn vốn này, phía ngân hàng tạo điều kiện cho các hội viên khác trong xã vay để phát triển kinh tế. Đây là cách làm sáng tạo, phát huy được vai trò đấu mối, làm cầu nối, mang lại lợi ích cho cả 3 phía: người cho vay huy động được tiền nhàn rỗi để sinh lợi nhuận, người được vay phát triển kinh tế và phía ngân hàng tăng cường hoạt động nghiệp vụ. Đến thời điểm hiện tại, số tiền huy động gửi tiết kiệm trong khu dân cư của đã đạt gần 2,5 tỷ đồng.

Từ nguồn vốn được vay trong các năm qua, nhiều gia đình phụ nữ trong xã đã vươn lên thoát nghèo, hướng đến làm giàu trên mảnh đất quê hương. Khi huyện Nga Sơn khuyến khích cải tạo vùng trồng cói kém hiệu quả thành các trang trại tổng hợp và vùng nuôi trồng thủy sản, nhiều hội viên phụ nữ đã hưởng ứng. Hàng chục hộ gia đình được vay vốn để đào ao đầm, xây dựng trang trại tổng hợp. Hiện nay, toàn xã có 48 ha vùng nuôi trồng thủy sản và trang trại tổng hợp tập trung với trên dưới 100 hộ tham gia, trong đó nhiều gia đình vay vốn từ kênh phụ nữ. Ngoài ra, nhiều người còn vay vốn để mở rộng các cơ sở tiểu thủ công nghiệp như dệt chiếu, sản xuất cói quại, các sản phẩm từ cói, hoạt động thương mại… Từ đó, hàng trăm mô hình kinh tế lớn nhỏ được gây dựng và duy trì hiệu quả, trong đó có 11 mô hình sau khi đã trừ mọi cho phí, cho lợi nhuận từ 90 triệu đồng mỗi năm trở lên, điển hình tại các thôn Hưng Đạo, Lê Lợi, Hoàng Long.

Năm 2017, gia đình chị Phạm Thị Dung ở thôn Lê Lợi trong xã được vay vốn gây dựng trang trại lợn. Đến nay, gia đình chị đã phát triển trang trại lợn theo hướng công nghiệp hiện đại, nuôi gia công cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Cùng thôn Lê Lợi, gia đình chị Ngô Thị Yến lại phát triển vườn cây ăn quả gồm mít, ổi, hồng xiêm, đinh lăng và trang trại tổng hợp nhờ vay vốn do Hội Phụ nữ xã đấu mối với ngân hàng. Chị Đoàn Thị Dần ở thôn Hoàng Long cách đây ít năm từng trắng tay khi bão lũ cuốn trôi và làm hư hại cơ sở sản xuất mắm ven sông. Khi được nguồn vốn ngân hàng tiếp sức, chị đầu tư vực lại cơ sở làm mắm, buôn bán thủy, hải sản, từng bước vươn lên thành hộ khá trong xã.

Nói về kinh nghiệm trong đấu mối huy động vốn của đơn vị, bà Trịnh Thị Giang, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nga Thủy, cho biết: Cái cốt yếu là phải liên tục theo dõi để nắm bắt, khi phía ngân hàng có chương trình cho vay ưu đãi phát triển kinh tế là chúng tôi phổ biến ngay. Các tổ vay vốn cấp thôn có trách nhiệm thông báo để hội viên biết. Mặt khác, để đồng vốn vay có hiệu quả, chúng tôi yêu cầu hội viên nói rõ mục đích vay, sau đó ưu tiên cho những mục đích rõ ràng, khả năng thành công nhất. Từ những mô hình hiệu quả, chương trình đấu mối cho vay cứ lan tỏa dần, tạo thành phong trào phát triển kinh tế sâu rộng tại địa phương.

Những việc làm thiết thực giúp Hội Phụ nữ xã Nga Thủy thành điển hình tiên tiến cấp tỉnh

Cải tạo môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp tại thôn Hưng Đạo, xã Nga Thủy.

Một phong trào khác được Hội Phụ nữ xã Nga Thủy triển khai thành công là công tác vệ sinh môi trường khu dân cư. Từ năm 2016, Hội Phụ nữ xã đảm nhiệm công tác vệ sinh môi trường địa phương. Hội đã phát động đến từng thôn, từng tổ dân cư, cứ chiều chủ nhật cuối tháng là tập trung dọn vệ sinh, nhổ cỏ và trồng hoa ven đường. Từ khi xã đạt chuẩn NTM vào năm 2019, công tác vệ sinh môi trường toàn xã được triển khai thành phong trào theo tuần. Đường làng ngõ xóm theo đó cũng trở nên sạch đẹp, những con đường hoa bung nở, góp phần tạo diện mạo mới cho vùng quê.

Lê Đồng


Lê Đồng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]