(Baothanhhoa.vn) - Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã tạo ra những sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, sức tiêu thụ tốt trên thị trường. Từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên. Thông qua những sản phẩm OCOP, tên tuổi, sức cạnh tranh của các HTX được khẳng định, lan tỏa, trở thành mô hình tiêu biểu được nhân rộng.

Các HTX khẳng định tên tuổi nhờ sản phẩm OCOP

Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã tạo ra những sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, sức tiêu thụ tốt trên thị trường. Từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên. Thông qua những sản phẩm OCOP, tên tuổi, sức cạnh tranh của các HTX được khẳng định, lan tỏa, trở thành mô hình tiêu biểu được nhân rộng.

Các HTX khẳng định tên tuổi nhờ sản phẩm OCOPSản xuất sản phẩm OCOP 4 sao bánh lá Hà Lai tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Hà Lai (Hà Trung).

Được thành lập năm 2003, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hà Lai (Hà Trung) chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ công, như: bảo nông, thủy lợi, cung ứng giống, vật tư sản xuất..., doanh thu và lợi nhuận hằng năm còn hạn chế. Tuy nhiên, từ năm 2021, khi hưởng ứng và triển khai thực hiện Chương trình OCOP với sản phẩm bánh lá Hà Lai, HTX đã có sự phát triển vượt bậc, trở thành địa chỉ tin cậy cung ứng sản phẩm OCOP 4 sao cho thị trường trong, ngoài tỉnh. Để tham gia vào Chương trình OCOP, các cơ sở sản xuất trong HTX đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua sắm các loại máy móc, như: máy nghiền bột, đánh bột, máy hấp, máy hút chân không và hệ thống tủ bảo ôn. Đồng thời, các khâu sản xuất đều bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để tạo nên sản phẩm chất lượng, đạt tiêu chuẩn cung ứng cho người tiêu dùng. Nhờ đó, sau hơn 2 năm phát triển theo chuỗi giá trị, sản phẩm của HTX có bao bì quy chuẩn, có tem truy xuất nguồn gốc, không chỉ có mặt tại nhiều siêu thị ở trong tỉnh mà còn được tiêu thụ rộng rãi tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Chị Nguyễn Thị Lý, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hà Lai cho biết: Địa phương vốn có nghề làm bánh lá truyền thống, sản phẩm có hương vị độc đáo, khác biệt so với những sản phẩm cùng loại trên thị trường. Do đó, HTX đã liên kết, vận động một số hộ làm bánh thường xuyên, có chất lượng tốt và khả năng cung ứng số lượng lớn để phát triển thành sản phẩm OCOP. Sau thời gian nỗ lực, tháng 8/2021, sản phẩm bánh lá Hà Lai của HTX đã được UBND tỉnh công nhận đạt chất lượng OCOP 4 sao, ngày càng nhiều thị trường đón nhận, sức tiêu thụ tăng cao, sản lượng tiêu thụ bình quân khoảng 70 đến 80 vạn bánh/tháng, mang lại doanh thu hơn 200 triệu đồng/tháng. Thông qua sản phẩm OCOP bánh lá Hà Lai, tên tuổi của HTX ngày càng được khẳng định, trở thành địa chỉ tin cậy, uy tín về sản phẩm bánh lá OCOP trên thị trường.

Là một trong số ít HTX phát triển được 4 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm OCOP 4 sao, HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Quảng Phúc (Quảng Xương) đã và đang trở thành một trong những HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả của tỉnh. Ông Bùi Ngọc Tam, Chủ tịch UBND xã Quảng Phúc, cho biết: Nói không quá khi nhận định Chương trình OCOP đã “thay da đổi thịt” cho HTX. Từ một đơn vị làm dịch vụ công, mặc dù đã đổi mới hoạt động theo Luật HTX 2012 song hiệu quả không mấy khả quan. Khi Chương trình OCOP được triển khai rộng rãi, địa phương đã vận động, định hướng cho HTX xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh gắn với phát triển các sản phẩm đặc sản, thế mạnh của địa phương thành sản phẩm OCOP. Nhờ được hỗ trợ từ chính quyền và sự vào cuộc tích cực của các hộ dân, năm 2022, sản phẩm Mắm cáy Quảng Phúc được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao đã “mở luồng gió mới” cho phát triển sản xuất kinh doanh của HTX.

Được biết, sau sản phẩm Mắm cáy Quảng Phúc, HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Quảng Phúc còn phát triển thêm 3 sản phẩm OCOP 3 sao, gồm: Chiếu cói Quảng Phúc, rạm xay Quảng Phúc và cáy xay Quảng Phúc. Mỗi sản phẩm OCOP được phát triển thành công đều phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Theo thống kê của UBND xã Quảng Phúc, trung bình việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP mang lại doanh thu khoảng 50 tỷ đồng/năm cho HTX, tạo việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho thành viên HTX nói riêng và người dân địa phương nói chung.

Tính đến tháng 9/2024, toàn tỉnh có 103 HTX tham gia sản xuất sản phẩm OCOP, với 123 sản phẩm OCOP được công nhận, xếp hạng. Điều này cho thấy các HTX đã và đang phát huy vai trò quan trọng trong xây dựng sản phẩm chủ lực của địa phương. Đồng thời, phát huy được lợi thế trong tập hợp, liên kết các thành viên, hộ sản xuất và mở rộng vùng nguyên liệu cho sản xuất quy mô lớn. Ông Lê Hồng Hải, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Sau 6 năm cùng chính quyền, các địa phương thực hiện Chương trình OCOP, các HTX đã khẳng định được vai trò là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong việc xây dựng, nâng cao chất lượng các sản phẩm chủ lực của mỗi địa phương, nhất là phát triển được nhiều sản phẩm chất lượng, được thị trường đánh giá cao. Thông qua việc phát triển được sản phẩm OCOP, không chỉ doanh thu lợi nhuận của HTX được nâng lên mà vị thế, tên tuổi và sức cạnh tranh của bản thân HTX cũng được khẳng định trên bản đồ kinh tế tập thể, bản đồ OCOP của cả nước. Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng các HTX trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển sản xuất kinh doanh nói chung và phát triển sản phẩm OCOP nói riêng. Đồng thời, căn cứ vào nhu cầu, khả năng phát triển để hỗ trợ các HTX tiếp cận nguồn vốn, khoa học công nghệ tiên tiến, xúc tiến thương mại để phát triển sản phẩm OCOP chất lượng, hiệu quả.

Bài và ảnh: Lê Hòa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]