(Baothanhhoa.vn) - Có câu ví von rất hay rằng: “Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”, “Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn”. Có gặp gỡ, lắng nghe hoàn cảnh của những bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh về mắt, đặc biệt là các bệnh liên quan đến nhược thị, mù lòa mới thấm thía hết “cảnh khổ” trên hành trình đi tìm lại ánh sáng cuộc đời. Thấu hiểu điều đó, đội ngũ bác sĩ, nhân viên Bệnh viện Mắt Thanh An luôn không ngừng nỗ lực cố gắng nâng cao chất lượng, đổi mới hoạt động, đầu tư trang thiết bị, xây dựng văn hóa giao tiếp, ứng xử... nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu khám, chữa bệnh của Nhân dân.

Bệnh viện mắt Thanh An: Trao ánh sáng, gieo mầm yêu thương, lan tỏa giá trị nhân văn sâu sắc

Có câu ví von rất hay rằng: “Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”, “Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn”. Có gặp gỡ, lắng nghe hoàn cảnh của những bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh về mắt, đặc biệt là các bệnh liên quan đến nhược thị, mù lòa mới thấm thía hết “cảnh khổ” trên hành trình đi tìm lại ánh sáng cuộc đời. Thấu hiểu điều đó, đội ngũ bác sĩ, nhân viên Bệnh viện Mắt Thanh An luôn không ngừng nỗ lực cố gắng nâng cao chất lượng, đổi mới hoạt động, đầu tư trang thiết bị, xây dựng văn hóa giao tiếp, ứng xử... nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu khám, chữa bệnh của Nhân dân.

Bệnh viện mắt Thanh An: Trao ánh sáng, gieo mầm yêu thương, lan tỏa giá trị nhân văn sâu sắcGiám đốc bệnh viện, bác sĩ chuyên khoa I Tô Hoài Thuyên hỏi thăm sức khỏe bệnh nhân sau khi phẫu thuật.

"Sống trong đời sống cần có một tấm lòng"...

Chiều đông rét mướt, căn phòng điều trị nội trú của Bệnh viện Mắt Thanh An (thuộc Công ty CP Bệnh viện Mắt Thanh An, đường Lê Hoàn, TP Thanh Hóa) ấm áp tiếng nói, tiếng cười. Giám đốc Bệnh viện, bác sĩ chuyên khoa I Tô Hoài Thuyên bước vào phòng, ân cần hỏi han từng bệnh nhân.

Là người lớn tuổi nhất trong số 7 bệnh nhân trong phòng, bà Ngô Thị Ký (84 tuổi ở xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lộc) có hoàn cảnh khá đặc biệt. Chồng mất sớm, mặc dù tuổi cao, sức yếu, nhưng do con cái đi làm ăn xa nên quanh năm bà quanh quẩn sống một mình, hằng ngày lọ mọ đi kiếm củi, hái rau bán kiếm chút tiền trang trải qua ngày. Những khi trái gió trở trời hay đau ốm bà con hàng xóm lại thương tình giúp đỡ, đùm bọc. Ngay cả việc ốm đau, hai mắt mờ đi do đục thủy tinh thể, bà Ký cũng chẳng dám than vãn, kể khổ với ai, lại càng chẳng dám nghĩ đến việc đi khám, điều trị ở đâu.

Cơ may đến với bà Ký khi Bệnh viện Mắt Thanh An phối hợp với Hội Người cao tuổi tỉnh Thanh Hóa triển khai, thực hiện chương trình “Mắt sáng cho người cao tuổi” tại địa phương. Không những được khám, chẩn đoán bệnh, bà còn được các bác sĩ của bệnh viện nhiệt tình tư vấn, hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần trong suốt quá trình điều trị.

Bà Ký phấn khởi cho biết: “Sau khi hướng dẫn tận tình, chu đáo quy trình làm thủ tục, chúng tôi được sắp xếp cho mổ rất nhanh chóng, không phải chờ đợi lâu”. Một người đàn bà trung tuổi ngồi ở góc giường đối diện nói thêm: “Để động viên bà Ký yên tâm điều trị, bệnh viện đã miễn giảm các chi phí phát sinh ngoài bảo hiểm cho bà. Tôi là người cùng làng với bà Ký, tình nguyện xuống đây chăm sóc, đỡ đần cho bà”.

Cũng như bà Ký, bà Đỗ Thị Diễn (68 tuổi) được các bác sĩ của Bệnh viện Mắt Thanh An thăm khám, chẩn đoán bị đục thủy tinh thể cả hai mắt, chỉ định phải phẫu thuật. Hoàn cảnh gia đình khá khó khăn, bà Diễn được hưởng chi phí bảo hiểm xã hội, chỉ đóng thêm vài trăm nghìn đồng cho các chi phí phát sinh. Bà Diễn chân thành bộc bạch: “Cảm ơn tập thể cán bộ, bác sĩ của bệnh viện đã quan tâm, hỗ trợ cho những bệnh nhân khó khăn được thăm khám, điều trị tận tình, chu đáo. Không có điều gì diễn tả được niềm vui, hạnh phúc khi tìm lại được ánh sáng cho đôi mắt”.

Được biết, năm 2023, cùng với các cấp, các ngành, Bệnh viện Mắt Thanh An đã triển khai, thực hiện hiệu quả chương trình “Mắt sáng cho người cao tuổi” tại nhiều huyện trên địa bàn tỉnh với hàng chục nghìn bệnh nhân được khám, cấp phát thuốc, tư vấn.

Dường như, trong niềm vui, nụ cười của bà Ký, cô Diễn và những người trong phòng bệnh hôm ấy, chúng tôi thấy nụ cười lấp lánh tình đời, tình người. Những việc làm thiết thực, hỗ trợ, giúp đỡ tận tình của tập thể cán bộ, bác sĩ Bệnh viện Mắt Thanh An không chỉ là giá trị vật chất. Hơn thế, đó là tấm lòng, một thông điệp yêu thương.

Tất cả vì sức khỏe, niềm vui của bệnh nhân

Xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển, Bệnh viện Mắt Thanh An luôn nêu cao phương châm hoạt động: Lấy bệnh nhân làm trung tâm, không để bất kỳ bệnh nhân nào có bệnh về mắt đến với bệnh viện mà không được điều trị khỏi bệnh; sẵn sàng hỗ trợ cả về tài chính và tinh thần để bệnh nhân được hưởng dịch vụ khám, chữa bệnh tốt nhất...

Bệnh viện mắt Thanh An: Trao ánh sáng, gieo mầm yêu thương, lan tỏa giá trị nhân văn sâu sắcBác sĩ Lê Văn Đồng khám mắt cho bệnh nhân.

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu ấy, bệnh viện không ngừng nâng cao chất lượng, đổi mới hoạt động, đầu tư trang thiết bị, xây dựng văn hóa giao tiếp, ứng xử... nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu khám, chữa bệnh của Nhân dân. Năm 2023, bệnh viện đã khám cho 27.215 lượt bệnh nhân; phẫu thuật cho 6.363 lượt bệnh nhân, trong đó hơn 82% là bệnh nhân mù lòa hoặc giảm thị lực trầm trọng do đục thủy tinh thể.

Là bệnh viện hạng III theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật, Bệnh viện Mắt Thanh An có quy mô 45 giường bệnh với 4 khoa, 3 phòng. Trong những năm qua, bệnh viện tập trung nguồn lực đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại phục vụ người bệnh như: máy phẫu thuật phaco, máy siêu âm A-B, máy OCT, máy sinh hiển vi khám mắt, hệ thống diệt khuẩn vô trùng để hấp các dụng cụ không chịu nhiệt dùng trong phẫu thuật...

Nguồn nhân lực là “chìa khóa” nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Nhận thức sâu sắc điều đó, bệnh viện chú trọng đến công tác phát triển nguồn nhân lực, tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ, bác sĩ được đi đào tạo nâng cao trình độ và tay nghề, đủ khả năng làm chủ các trang thiết bị hiện đại, tận tâm, tận lực với chuyên môn; có cơ chế, chính sách thu hút và “giữ chân” người giỏi. Hiện nay bệnh viện có 60 cán bộ, bác sĩ, nhân viên, trong đó có 1 bác sĩ chuyên khoa nội, 7 bác sĩ chuyên khoa mắt, phần lớn đều có kinh nghiệm làm việc tại các bệnh viện lớn.

Với đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực, tâm huyết với nghề, bệnh viện đã ứng dụng có hiệu quả nhiều tiến bộ kỹ thuật vào chẩn đoán và điều trị, thực hiện thành công nhiều ca bệnh khó mà trước đây phải chuyển tuyến trên như mổ đục thủy tinh thể bằng phương pháp phaco, mổ glucom, xử lý các ca chấn thương về mắt phức tạp...

Với 13 năm kinh nghiệm trong nghề, từng trải qua nhiều vị trí việc làm tại các bệnh viện lớn, bác sĩ Lê Văn Đồng (40 tuổi) quyết định “đầu quân” về Bệnh viện Mắt Thanh An. Nhìn người đàn ông trong chiếc áo Blouse trắng đang tập trung cao độ trong phòng mổ, ít ai biết, anh có nhiều nỗi niềm riêng trong cuộc sống khó giãi bày, tâm sự. Chỉ biết rằng, để trở thành bác sĩ chuyên khoa mắt có năng lực, uy tín như hiện nay, với anh là cả hành trình nỗ lực, cố gắng. Bác sĩ Đồng tâm sự: “Ban đầu, khi lựa chọn theo học chuyên khoa mắt, mình chỉ đơn giản nghĩ rằng phù hợp với điều kiện, sức khỏe mình khi đó. Nhưng khi càng đi sâu vào việc học, làm nghề, càng yêu mến, say mê, càng mong muốn được cống hiến”.

Là bác sĩ chịu trách nhiệm toàn bộ khâu phẫu thuật của Bệnh viện Mắt Thanh An, trung bình mỗi tháng bác sĩ Đồng đảm nhận hàng trăm ca phẫu thuật. “Thực tiễn là người thầy uy tín nhất. Cường độ, áp lực làm việc cao nhưng đó cũng là môi trường đào tạo, rèn luyện, trưởng thành hơn mỗi ngày. Chúng tôi làm việc với tinh thần, trách nhiệm cao nhất, luôn coi người bệnh như người thân của mình, coi mắt của người bệnh như mắt của mình”, bác sĩ Đồng nói.

Song song với nâng cao chất lượng dịch vụ, đổi mới hoạt động, phát triển nguồn nhân lực, Bệnh viện Mắt Thanh An đã phát động phong trào thi đua xây dựng văn hóa giao tiếp, ứng xử đến toàn thể cán bộ, nhân viên. Thông qua các hoạt động như: thực hiện tốt 12 điều y đức và quy tắc ứng xử, các quy chế về chuyên môn gắn với thực hiện việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”... Ban Giám đốc bệnh viện luôn cương quyết loại trừ những biểu hiện tiêu cực trong khám chữa bệnh; thực hiện tốt khẩu hiệu: “Người bệnh đến đón tiếp niềm nở, ở chăm sóc tận tình, ra về dặn dò chu đáo”.

Hài hòa lợi ích kinh tế, việc làm và trách nhiệm, tình yêu thương với cộng đồng xã hội, đó là việc nói dễ hơn làm. Để có thể đi đến cùng mục tiêu ấy phần lớn phụ thuộc vào ý chí, quyết tâm của người đứng đầu và sự chung sức, đồng lòng của đội ngũ cán bộ, nhân viên. Trong thời gian tới, bệnh viện tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu khám, chữa bệnh về mắt, cả ở nội khoa và ngoại khoa, bệnh lý và thẩm mỹ; phát triển toàn diện từ chuyên môn, nghiệp vụ đến phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ, bác sĩ, nhân viên... đưa Bệnh viện Mắt Thanh An trở thành địa chỉ tin cậy - nơi người bệnh gửi trọn niềm tin. Đặc biệt, bệnh viện luôn đề cao chữ tâm và chữ tầm, tâm sáng thì tầm mới có thể vươn cao, lan tỏa giá trị yêu thương đến cộng đồng.

Bài và ảnh: Thảo Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]