Bầu cử Thượng viện Nhật Bản: Liên minh cầm quyền mất đa số
Theo phóng viên tại Tokyo, liên minh cầm quyền Nhật Bản đã mất đa số tại Thượng viện trong cuộc bầu cử ngày 20/7.
Kết quả này gia tăng áp lực đối với Thủ tướng Shigeru Ishiba - người đã cam kết sẽ tiếp tục tại vị bất chấp thất bại thứ hai liên tiếp trong bầu cử kể từ khi ông đảm nhiệm vị trí Chủ tịch đảng Dân chủ tự do cầm quyền (LDP).
Kết quả kiểm phiếu cho thấy LDP cầm quyền và đối tác liên minh là đảng Công Minh đã giành được ít hơn 125 ghế cần thiết để duy trì thế đa số trong Thượng viện gồm 248 thành viên, ngay cả sau khi đã bao gồm 75 ghế của liên minh không được bầu cử.
Với kết quả 47 ghế trong lần bầu cử này, trong đó LDP được 39 ghế và đối tác cấp dưới là đảng Công Minh được 8 ghế, liên minh cầm quyền Nhật Bản đã không giành được 50 ghế cần thiết trong lần bầu cử này để duy trì thế đa số tại Thượng viện, khiến Thủ tướng Shigeru Ishiba rơi vào tình thế bấp bênh khi không có đa số ghế tại cả hai viện của Quốc hội - một tình huống rất hiếm gặp đối với một Chính phủ Nhật Bản sau chiến tranh.
Cũng theo kết quả kiểm phiếu, đảng Dân chủ Lập hiến (CDPJ) giành được 22 ghế, so với 38 ghế trước đó và đảng Đổi mới Nhật Bản (JIP) giành được 7 ghế, giảm từ 18 ghế.
Trong khi đó, các đảng đối lập gồm đảng Dân chủ Nhân dân (DPP) trung hữu và đảng cánh hữu Sanseito, với cương lĩnh “Nhật Bản trên hết,” đã đạt được những bước tiến lớn trong đó DPP được 17 ghế, tăng so với 9 ghế trước đó và Sanseito được 14 ghế (tăng so với 2 ghế trước đó).
Mặc dù theo đuổi khẩu hiệu “Nhật Bản trên hết” và chương trình nghị sự chính sách dân tộc chủ nghĩa nhắm vào người nước ngoài - bị các nhà phê bình coi là bài ngoại - nhưng với việc đạt được 14 ghế, Sanseito đã đủ tư cách trình dự luật lên Thượng viện.
Người dân Nhật Bản đi bỏ phiếu trong bối cảnh khủng hoảng chi phí sinh hoạt, với lạm phát vẫn ở mức cao và tăng trưởng tiền lương trì trệ. Cuộc bầu cử đã trở thành một lựa chọn giữa liên minh cầm quyền, vốn hứa hẹn sẽ chi tiền mặt để giảm bớt áp lực chi phí và các đảng đối lập cam kết sẽ cắt giảm thuế tiêu dùng ở các mức độ khác nhau.
Ông Rintaro Nishimura, một chuyên gia tại công ty tư vấn The Asia Group nhận định rằng kết quả này là “một sự khiển trách rõ ràng” của cử tri đối với ông Ishiba và chính phủ của ông.
Trước đó, Thủ tướng Ishiba khẳng định tuyên bố sẽ tiếp tục lãnh đạo Nhật Bản cho dù phe cầm quyền mất thế đa số tại Thượng viện.
Tuy nhiên, nếu không có đa số, liên minh cầm quyền của ông Ishiba sẽ phải hình thành quan hệ đối tác theo từng vấn đề, vì chưa có đảng nào khác tuyên bố sẵn sàng tham gia. Ông tin tưởng rằng điều này có thể đạt được, thể hiện qua việc liên minh cầm quyền đã có thể thông qua dự thảo ngân sách “nhờ những nỗ lực, sự hỗ trợ và hướng dẫn đa dạng của các đảng khác” trong các kỳ họp Quốc hội năm ngoái và năm nay.
Ông Ishiba cho biết sẽ không có thay đổi lớn nào về định hướng chính sách, đặc biệt là liên quan đến thuế tiêu dùng.
Tuy nhiên, ông Tobias Harris - người sáng lập công ty tư vấn Japan Foresight, dự đoán ông Ishiba khó có thể trụ vững sau 2 thất bại liên tiếp tại 2 cuộc bầu cử quốc gia, khi tất cả các đảng đối lập lớn đều từ chối hợp tác với LDP và đảng Công Minh trong một liên minh mở rộng. Bất chấp ý định tiếp tục giữ chức thủ tướng của ông, những lời kêu gọi ông Ishiba từ chức từ nội bộ LDP có thể sẽ gia tăng.
Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu bầu cử Thượng viện đạt 58,51%, cao hơn mức 52,05% được ghi nhận trong cuộc bầu cử Thượng viện trước đó vào năm 2022.
Cuộc bầu cử lần này lập kỷ lục 26 triệu người đã bỏ phiếu sớm do diễn ra vào giữa kỳ nghỉ cuối tuần kéo dài 3 ngày./.
Theo TTXVN
{name} - {time}
-
2025-07-21 08:42:00
Thái Lan kích hoạt “phòng tác chiến” ứng phó bão Wipha
-
2025-07-21 08:30:00
Trung Quốc triển khai nhiều biện pháp ứng phó cơn bão Wipha
-
2025-07-21 07:04:00
CHDC Congo và lực lượng M23 ký tuyên bố ngừng bắn, hướng tới hòa bình toàn diện