Bảo tồn và phát huy giá trị trang phục dân tộc
Thanh Hóa có 7 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 6 dân tộc thiểu số: Mường, Thái, Mông, Thổ, Dao, Khơ Mú. Mỗi dân tộc có một đặc trưng văn hóa riêng, thể hiện bản sắc của dân tộc mình. Trong đó, trang phục dân tộc được xem là một yếu tố nhận diện, phân biệt của mỗi dân tộc. Mỗi bộ trang phục không chỉ thể hiện nét riêng, độc đáo, thấm nhuần giá trị văn hóa truyền thống mà nó biểu hiện nếp sống, thể hiện trình độ thủ công truyền thống và quan điểm thẩm mỹ của mỗi tộc người. Trong quá trình phát triển và giao lưu văn hóa, trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số (DTTS) đã có sự cải biến, song nó vẫn thể hiện đặc trưng của mỗi dẫn tộc, tạo nên sự phong phú cho nền văn hóa xứ Thanh.
Trang phục của các dân tộc được trình diễn tại lễ hội Hương sắc vùng cao năm 2023.
Về huyện Như Xuân, chúng ta sẽ được tìm hiểu văn hóa của người Thổ qua những bộ trang phục độc đáo, khác biệt so với những dân tộc khác. Phụ nữ dân tộc Thổ thường mặc trang phục váy, áo, yếm, khăn lưng, khăn và các đồ trang sức. Váy có hai lớp, lớp ngoài có họa tiết thổ cẩm và lớp lót phía trong. Váy hình ống, màu nâu gồm 3 phần: cạp váy, thân váy và chân váy, được thiết kế đơn giản, không có hoạ tiết, hoa văn cầu kỳ. Sự đơn giản này trở thành đặc điểm nhận dạng của trang phục dân tộc Thổ Như Xuân. Đặc biệt, váy của người phụ nữ Thổ thường chỉ dài quá đầu gối chứ không dài như váy của người Mường, Thái. Áo thường có hai loại, áo cánh và áo dài. Áo cánh may theo lối “ngũ thân” như người Kinh, may suông, không chiết eo, dài gần tới hông, cổ tròn, cúc mở trước ngực, cài khuy, hai ống tay dài và bó. Đây là loại áo mặc thường ngày, còn áo dài thường mặc khi tham gia hội hè, đình đám, giống như áo của phụ nữ vùng Kinh Bắc. Con gái thắt dây lưng bằng vải màu xanh lục, để dải khăn ra đằng trước còn người già thắt lưng màu vàng, để 2 dải khăn ra phía sau, trông gọn gàng mà vẫn toát lên vẻ kín đáo, dịu dàng, duyên dáng của người phụ nữ dân tộc Thổ.
Trang phục của đàn ông người dân tộc Thổ thường đơn giản hơn rất nhiều so với trang phục của nữ. Đàn ông dân tộc Thổ ngày xưa mặc áo ngũ thân, nhuộm màu nâu đỏ, đầu đội khăn xếp, mặc quần dài trắng vấn cạp, ngày thường mặc chiếc quần nâu vấn cạp và áo vải nhuộm nâu, cổ đứng có túi lớn ở ngực bên trái. Ngày nay, trang phục của đàn ông người Thổ còn giữ được gần giống với bộ quần áo của người Kinh. Những bộ trang phục đơn giản của người Thổ cho thấy đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào dân tộc Thổ khá mộc mạc, giản dị; tính cách tương đối ôn hòa, chất phác.
Còn với người dân tộc Mường thì trang phục nam giới tương đối giống trang phục của người Kinh, chỉ có sự khác biệt trong trang phục nữ. Trang phục của phụ nữ Mường là sự kết tinh từ lao động, sáng tạo và sự khéo léo, gồm áo, váy, thắt lưng, khăn đội đầu, đi kèm với các trang sức, hoa tai, vòng cổ, trâm cài đầu, quai nón, vòng tay, dây vắt. Áo của phụ nữ Mường có nhiều loại như, áo ngắn (hay áo khóm), áo chùng... được kết hợp từ hai, ba màu sắc, chất liệu mềm mại nhằm tôn lên sự duyên dáng của người phụ nữ Mường.
Điểm nổi bật trong trang phục của người Mường chính là cạp váy - phần được thêu họa tiết đa dạng, rực rỡ, nổi bật làm tôn lên vòng eo của người phụ nữ. Đồng thời, những họa tiết trên váy cũng thể hiện sự sáng tạo, kỹ thuật dệt vải và bàn tay tài hoa, khéo léo của phụ nữ Mường. Các họa tiết độc đáo này cũng chính là những biểu trưng riêng trên trang phục của người Mường. Đó là biểu tượng của nương rẫy, sườn đồi, hay những dòng sông, con suối - những hình ảnh gần gũi, gắn liền với cuộc sống đời thường...
Có thể thấy, trang phục của mỗi dân tộc đều có một nét đẹp riêng thể hiện phong tục, tập quán cũng như cuộc sống lao động của mỗi tộc người. Tuy nhiên, giá trị văn hóa tiêu biểu của các dân tộc, trong đó có trang phục đang đứng trước nguy cơ mai một hoặc biến đổi. Nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4795/QĐ-UBND, ngày 31/12/2022 phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy và phát triển tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống của đồng bào DTTS tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030”.
Đồng thời, các cấp, ngành, địa phương đã triển khai nhiều hoạt động góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Cụ thể, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã phối hợp với các địa phương tổ chức liên hoan, hội thi, hội diễn, trưng bày triển lãm về trang phục truyền thống trong ngày hội văn hóa các dân tộc; tổ chức các chương trình quảng bá, giới thiệu nét đẹp trong trang phục, nghề truyền thống của đồng bào DTTS phục vụ phát triển du lịch; tập huấn về cách bảo tồn trang phục truyền thống cho cán bộ và người dân... Các hoạt động đã dần “hồi sinh” trang phục truyền thống, giúp cho các trang phục truyền thống gần với đời sống hiện nay, qua đó góp phần xây dựng nền văn hóa xứ Thanh tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Bài và ảnh: Thùy Linh
- 2024-11-18 11:28:00
Tự hào một dải non sông - lan tỏa tình yêu nước trong thế hệ trẻ Thọ Xuân
- 2024-11-18 10:38:00
Thanh Hóa giành thành tích cao tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng “Hội tụ sông Hồng"
- 2024-01-07 08:34:00
Lễ hội Sết Boóc Mạy - một nguồn tài nguyên di sản
Ai về nghe giọng làng tôi
[Podcast] Truyện ngắn: Chiếc nhẫn hoa mai
Nhiều hoạt động đặc sắc tại “Tết xưa làng cổ”
Khôi phục và tái hiện nghi lễ tế Nam Giao vương triều Hồ
Một dải văn hóa - tâm linh về phía biển
[E-Magazine] – Hoa cải còn đây, người xưa nơi đâu?
Báo Italy: “Cầu Hôn là nơi có cảnh hoàng hôn gợi cảm nhất thế giới”
Tổ chức Cuộc vận động sưu tầm, hiến tặng hiện vật, kỷ vật của cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và học sinh miền Nam trong những năm tháng trên đất Bắc
Phát hành bộ tem bưu chính “Tết Giáp Thìn” 2024