(Baothanhhoa.vn) - Nhân dân là cội nguồn sức mạnh! Chân lý ấy đã được chứng minh vô cùng thuyết phục qua cuốn biên niên sử ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đặc biệt, ở những chương đau thương nhất của lịch sử, chân lý ấy càng rạng rỡ, càng hùng hồn và trở thành một minh triết như đúc kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Gốc có vững, cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân”!

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân”

Nhân dân là cội nguồn sức mạnh! Chân lý ấy đã được chứng minh vô cùng thuyết phục qua cuốn biên niên sử ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đặc biệt, ở những chương đau thương nhất của lịch sử, chân lý ấy càng rạng rỡ, càng hùng hồn và trở thành một minh triết như đúc kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Gốc có vững, cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân”!

“Xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân”Khí thế của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn được tái hiện trong Lễ hội Lam Kinh.

Xuyên suốt bề dày lịch sử dân tộc, qua nhiều triều đại phong kiến quân chủ, có thể thấy rằng “mệnh trời” và “lòng dân” là hai nhân tố quyết định nhất đến sự hưng vong của mỗi vương triều. Có người đã đúc kết rằng, có hai việc mà ông vua nước Việt có quyền tận dụng sức dân và được dân theo mà không bị oán thán. Đó là chống ngoại xâm và chống thiên tai. Chống ngoại xâm để người dân được sống trong cảnh thanh bình, chống thiên tai vì cuộc sống ấm no. Đó là quyền sống chính đáng và cơ bản nhất của con người. Bởi vậy, mọi việc xuất phát từ nguyện vọng chính đáng thì đều có thể quy tụ được sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn trong Nhân dân. Cho nên, dựa vào sức dân để đánh đuổi kẻ thù, giữ gìn bờ cõi, xây dựng giang sơn gấm vóc... đó là sự lựa chọn tất yếu và là con đường duy nhất đúng cho những triều đại nếu muốn phát triển hưng thịnh. Thực tế, lịch sử đã có những pho kinh nghiệm quý báu và vô giá qua các triều đại Đinh, Lý, Trần, Lê.

Với vị thế địa - chính trị đặc biệt, Thanh Hóa được ví như “sân khấu của những bản anh hùng ca vĩ đại của nước Việt Nam”. Nói cách khác, đây từng là “đấu trường sinh tử” - nơi chứng minh đầy thuyết phục về tính đúng đắn và bất diệt cho chân lý thời đại: Sức dân như nước, nâng thuyền hay lật thuyền cũng từ sức nước. Trước khởi nghĩa Lam Sơn, cuộc kháng chiến của Nhà Hồ và các cuộc khởi nghĩa của quý tộc nhà Trần do Trần Ngỗi và Trần Quý Khoáng lãnh đạo, đều chung kết cục thảm bại. Kết cục ấy dường như đã dự báo trước, khi Hồ Nguyên Trừng (con cả Hồ Quý Ly) đã lo sợ: “Thần không ngại đánh, chỉ sợ lòng dân có theo hay không theo thôi” (Đại Việt sử ký toàn thư). Còn theo như phân tích của GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc (Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam) trong bài viết “Từ kháng chiến của Nhà Hồ đến khởi nghĩa Lam Sơn, lòng dân quyết định mọi thành bại”, là bởi các phong trào hoặc đều tự phát, đơn lẻ; hoặc người lãnh đạo phong trào và mục tiêu đặt ra không tạo được sự tin theo của Nhân dân. Nói đúng hơn, không ai trong số đó có khả năng đại diện cho sức mạnh toàn dân tộc, hay có khả năng quy tụ lòng dân – sức dân, nhằm dẫn dắt công cuộc cứu nước đi đến thành công. Cũng bởi “lòng dân không theo” đã khiến Nhà Hồ đơn độc trong cuộc chiến chống xâm lược và thất bại là khó tránh.

Bài học “lấy dân làm gốc” vốn đã được nhiều triều đại trước đó vận dụng thành công. Ví như Nhà Trần với 3 lần chiến thắng Nguyên – Mông và Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đã đúc kết bài học ấy thành kim chỉ nam hành động cho muôn đời con cháu, rằng “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc chính là thượng sách giữ nước”. Thời đại Nhà Lê đã kế tục xứng đáng và nâng chân lý ấy lên tầm cao thời đại: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Cho nên, điểm cốt lõi giúp Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đi đến thắng lợi cuối cùng, chính là bởi biết dựa vào Nhân dân và xem “mệnh trời là ở lòng dân”! Cũng nhờ thành lũy lòng dân và tư tưởng vì dân, mà cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã kế tiếp hào khí Đông A để làm bật dậy hào khí Lam Sơn rạng ngời chính sử. Và, để cho hôm nay, ngẫm lại lời răn của Đức Thái tổ Cao Hoàng đế - người đã làm nên cuộc trung hưng lần hai vĩ đại cho quốc gia - dân tộc. Rằng: “Vật gốc ở trời, người gốc ở tổ, ví như nước và cây ắt có nguồn có cội (...). Bởi lẽ đất có thịnh thì cây mới tốt, nguồn có sâu thì nước mới dài. Nếu không phải đời trước vun đắp nhân ân dày dặn, chung đúc phúc trạch lớn lao thì làm sao mà được như thế”!

Những tư tưởng lớn từ chiều sâu quá khứ, được “thử nghiệm” và đúc kết thành chân giá trị thời đại, mà làm nên cốt cách dân tộc, tinh thần dân tộc. Đồng thời, cốt cách ấy, tinh thần ấy đã được cụ thể hóa thành truyền thống yêu nước, ý chí tự cường và trở thành sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Để rồi, tất cả tinh thần và lực lượng to lớn ấy, đã vụt dậy và tỏa sáng rạng rỡ trong thời đại Hồ Chí Minh.

Đất nước Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX sôi động bởi “ánh sáng” Âu hóa lừa bịp, mị dân và cỗ máy bóc lột hoạt động hết công suất. Thế nhưng con đường giải phóng dân tộc khỏi hai tầng áp bức lại kín như bưng. Dẫu người Việt Nam luôn một lòng yêu nước nồng nàn và căm thù bè lũ xâm lược. Song, phẩm chất quý giá ấy đã bị giấu kín, bị chôn vùi dưới vũng bùn nô lệ tăm tối, cùng cực. Kế thừa truyền thống ngàn năm của cha ông; đồng thời, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, Đảng ta ra đời đã nhanh chóng tập hợp được quần chúng, quy tụ được lòng người để nhanh chóng trưởng thành qua từng bước đường tranh đấu và lãnh đạo cách mạng. Đảng Cộng sản Việt Nam với “trái tim Đankô” thắp lửa, đã soi đường cho dân tộc ta “rũ bùn đứng dậy”, soi đường cho Nhân dân ta tìm lại phẩm giá làm người chân chính. Đó ví như một phép màu hay một biện chứng của ý Đảng - lòng dân. Bởi dân là lực lượng - động lực của cách mạng và Đảng là người dẫn dắt con đường cách mạng ấy đi đến bến bờ thắng lợi.

Những cuộc tranh đấu trường kỳ gian khổ của dân tộc ta, kể từ Cách mạng Tháng Tám và qua hai cuộc đối đầu chống lại kẻ thù hung bạo và hùng mạnh nhất thế kỷ XX, đã minh chứng rằng, sức mạnh từ ý Đảng - lòng dân không phải một “lý thuyết đẹp”. Đó là chân lý được đúc kết từ thực tiễn. Đảng ta mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công. Nhìn lại cuộc Cách mạng Tháng Tám để một lần nữa thấy hết tầm vóc và giá trị lớn lao của nó; cũng đồng thời để thấy sự sáng suốt của Đảng khi đã tổng động viên được tuyệt đại quần chúng “đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Thắng lợi của cuộc Cách mạng mùa Thu năm 1945 đã chứng minh rằng, một dân tộc nô lệ nhỏ bé có thể đứng lên, tự giải phóng và làm chủ vận mệnh. Để rồi, sau mốc son 1945 ấy, dân tộc ta đã giành về những chiến thắng vĩ đại và thu giang sơn về một mối.

Với quyết tâm không gì lay chuyển “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, cùng với Nhân dân cả nước, Thanh Hóa trở thành hậu phương lớn cho các chiến dịch Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào. Đặc biệt, với chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa đã “góp sức” tới gần 5.000 tấn gạo, gần 550 tấn thực phẩm. Có những thời điểm, để đủ lương thực cho tiền tuyến, Nhân dân trong tỉnh đã phải “dốc bồ” và nông dân khắp nơi ra đồng cắt tỉa từng bông lúa chín. Trong kháng chiến chống Mỹ, Thanh Hóa vừa là hậu phương, vừa là chiến trường chia lửa cho miền Nam ruột thịt. Kể từ lời tuyên chiến đầy hận thù của Ních - xơn: “Đã đến lúc người Mỹ phải đánh tan ý chí của những mái đầu bạc Hà Nội và đánh gãy xương sống của quân đội Việt Nam, bằng cách đánh ngay vào chiếc cầu then chốt có tên Hàm Rồng...”. Để rồi, mùa hè tháng 4-1965, Hàm Rồng trở thành chảo lửa, khi mỗi trụ cầu phải oằn mình gánh hàng nghìn tấn bom đạn. Hàm Rồng vẫn trụ vững, để cho sử sách còn ghi lại cho muôn đời về một “Mùa hè rực lửa tháng tư năm 1965 ấy sẽ mãi mãi vạch vào trời xanh Hàm Rồng, Nam Ngạn một ánh sao băng về sự đau thương và lòng dũng cảm, về máu và hoa, về cái có thể nằm trong cái không thể, về một câu chuyện cổ tích chàng Đa-vít nhỏ bé đã chiến đấu và chiến thắng gã khổng lồ Gô-li-át gây kinh ngạc cho cả loài người...”!

Điều thần kỳ nào đã vượt ra ngoài quy luật của súng đạn, rằng kẻ mạnh về kỹ thuật sẽ thắng? Đó chỉ có thể được lý giải thuyết phục bằng sức mạnh quật khởi của tinh thần yêu nước và ý chí quyết chiến quyết thắng mãnh liệt, đã khảm lên ngọn Cánh Tiên. “Quyết tử cho cầu Hàm Rồng đứng vững” là quyết tâm được viết bằng máu của nhiều lớp người đã đi qua, đã chiến đấu và đã nằm lại bên chân cầu này. Cũng chính tinh thần và ý chí ấy đã nhân lên sức mạnh, giúp những cô gái mảnh dẻ có thể vác trên vai khối đạn gấp đôi cơ thể; có thể chết mà không luyến tiếc tuổi thanh xuân; có thể ăn cơm trộn khói lửa, bom đạn chứ quyết không dời trận địa... Rồi những em nhỏ quên mình cứu bạn; những gia đình đều ra trận địa; những nhà sư tạm dời cửa chùa thanh tịnh, xắn áo nâu sòng chạm tay vào máu và bùn để sơ cứu thương binh, đưa cơm lên trận địa pháo... Khi Tổ quốc lâm nguy, những người con có lương tri và trách nhiệm, ai có thể thờ ơ đặt mình đứng ngoài thời cuộc?!

Nhiều người có thể cho rằng, Thanh Hóa là đất quý hương của nhiều triều đại phong kiến, nên người dân giàu lòng yêu nước và tự tôn dân tộc. Đây cũng là mảnh đất anh hùng và người dân giàu đức hy sinh. Điều đó có thể đúng, nhưng vẫn còn một duyên cớ sâu xa hơn, đó là lòng tin. Nhân dân ta tin vào ngày thắng lợi, cũng chính là đặt niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng. Khi ý Đảng hợp lòng dân thì mỗi lời động viên cũng giống như một lời hiệu triệu! Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, có lẽ không tự nhiên mà nằm ngay dưới Quốc hiệu của Việt Nam. Đó là khát vọng muôn đời của dân tộc này. Đó cũng là biện chứng rất sáng tỏ rằng, độc lập mà Nhân dân không hạnh phúc, tự do thì độc lập sẽ chẳng có ý nghĩa. Do đó, xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân, vừa là mục tiêu vừa là lý tưởng cao nhất. Đường đến bến bờ tươi sáng ấy, sẽ còn vô vàn gập ghềnh và đòi hỏi Đảng ta phải vững tay chèo, còn lòng dân phải ví như con nước hiền hòa vậy. Đó cũng đồng thời là “bộ khung” cần được thường xuyên bồi đắp cho bền vững, làm cơ sở cho sự phát triển thịnh vượng của quốc gia - dân tộc này.

Có ai đó đã khẳng định rằng, “Truyền thống dù chỉ một chút nhỏ cũng tốn lượng lịch sử vô tận để tạo ra”. Khi Tổ quốc lâm nguy, truyền thống yêu nước trong mỗi người đã kết nên thành lũy, để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng. Còn khi đất nước hòa bình và đang ra sức dựng xây để trở nên “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, thì sức mạnh lòng dân hay lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, nhân ái, chính là “nguồn lực bí mật” cho một xã hội hạnh phúc và thịnh vượng!

Bài và ảnh: Lê Dung



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]