(Baothanhhoa.vn) - Sau khi giành được độc lập vào năm 1945, dân tộc ta phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, nguy hiểm đó là giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị mở chiến dịch “Chống nạn mù chữ”, tiêu diệt giặc dốt. Ngày 8-9-1945, Nha Bình dân học vụ (BDHV) được thành lập và phong trào BDHV nhanh chóng được lan rộng khắp cả nước.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhớ phong trào bình dân học vụ những năm kháng chiến

Sau khi giành được độc lập vào năm 1945, dân tộc ta phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, nguy hiểm đó là giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị mở chiến dịch “Chống nạn mù chữ”, tiêu diệt giặc dốt. Ngày 8-9-1945, Nha Bình dân học vụ (BDHV) được thành lập và phong trào BDHV nhanh chóng được lan rộng khắp cả nước.

Để kích thích tinh thần học, tiếp thu kiến thức, nhiều cách dạy và học đã được sáng tạo. Trong đó, phổ biến nhất là dùng các bài thơ, vè, văn vần - một hình thức văn học rất gần gũi với đời sống Nhân dân. Ví như để khuyến khích việc học, chế giễu những người lười biếng, các cô thôn nữ ca: “Anh ăn mặc đẹp trai, mặt mày sáng sủa/ Mà dốt đặc cán mai, chữ chi chưa biết chữ chi/ Qua cổng chợ làng cúi khom xuống mà đi/ Cụ Hồ đã có lời khuyên ta đi học, anh có nhớ gì không anh?”. Rồi cả bằng thái độ quyết liệt: “Anh về thưa với mẹ cha/ Xong lớp bình dân học vụ/ rồi hãy qua bỏ trầu!..”. Lòng yêu nước, căm thù giặc ngoại xâm cũng đã trở thành một động lực học hành: “Bác Hồ khuyên dạy ngày đêm/ Thoát nạn mù chữ mới thắng được bầy sói lang”... Một loạt ca dao về BDHV đã đi vào trí nhớ mọi người như “Rủ nhau đi học i tờ/ Xem tin đọc báo, xem thơ dễ dàng”. Hoặc “Cô kia vừa đẹp vừa giòn/ Cô không biết chữ, cô còn lấy ai”...

Hay dấu ấn đi học BDHV cũng được vào tranh ký họa của danh họa Tô Ngọc Vân. Họa sĩ vẽ một nông dân đã luống tuổi, đốt đuốc đi học đêm. Nhà thơ Tố Hữu ở bài thơ “Phá đường” có câu: “Đường đi ngoắt ngoéo chữ chi/ Hố ngang hố dọc chữ i, chữ tờ”. Ở bài thơ Việt Bắc cũng có dấu ấn của học xóa mù chữ: “Nhớ sao lớp học i tờ”...

Bác Hồ đã khẳng định “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Chính vì thế, Đảng và Chính phủ đề ra đường lối diệt giặc dốt song song với diệt giặc đói và chống giặc ngoại xâm. Thực hiện chủ trương ấy, Chính phủ phát động một phong trào “Toàn dân diệt dốt”. Nhà nước có nha BDHV. Tỉnh, huyện, xã đều có ban BDHV. Tên của ban này rất sâu sắc và cụ thể, BDHV là mọi người bình dân phải coi việc học là nhiệm vụ của mình. Đã là nhiệm vụ thì gắn với bắt buộc phải làm chứ không theo sở thích cá nhân nữa. Khẩu hiệu nhắc nhở mọi người đi học được viết bằng vôi, bằng than củi ở trên bờ tường, ở nong, nia, mẹt, cót rồi treo mọi nơi. Học viên thì đủ mọi lứa tuổi, già, trẻ, phụ nữ, thanh niên, thiếu niên. Người dạy được coi là chiến sĩ diệt dốt. Người ta học ngày, học đêm, học ở ngoài đồng, học ở chợ, học ở trường tùy từng nơi và từng hoàn cảnh cụ thể. Thầy dạy cũng đa dạng. Chính quyền vận động những thầy đồ nho biết chữ quốc ngữ để dạy cho các lớp. Những công chức làm việc cho Pháp trước kia đứng ra dạy, tất cả đều không có lương. Học sinh chưa qua bậc tiểu học cũng làm thầy. Thậm chí người học qua dạy người mới học. Sách vở lúc ấy rất hiếm. Chương trình học không có. Sách giáo khoa cũng không. Chỉ biết là học để biết chữ, để đọc được sách.

Hưởng ứng phong trào, ngày 8-9-1945 ty BDHV và các phòng, ban chuyên môn được thành lập từ tỉnh đến huyện để trực tiếp chỉ đạo phong trào. Bên cạnh các lớp BDHV, các trường tiểu học cũng được thành lập thu hút con em Nhân dân lao động đến trường ngày một đông. Các lớp đào tạo giáo viên ngắn ngày cũng được mở để kịp thời đáp ứng đội ngũ giáo viên cho phong trào. Nhiều cán bộ, đảng viên ngoài nhiệm vụ chính của mình còn kiêm thêm nhiệm vụ giảng dạy cho các lớp BDHV, ngày đêm lăn lộn trong phong trào.

Tháng 2-1947, Bác Hồ vào thăm Thanh Hóa. Ngoài giao nhiệm vụ xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh “kiểu mẫu”, Bác rất chú ý đến xóa mù chữ và BDHV. Nghe ông Lê Duy Hoàn, trưởng ty BDHV báo cáo thành tích và những khó khăn của tỉnh, Bác liền giao ngay cho hai ông Lê Thước và Đặng Thai Mai là Bí thư và Chủ tịch tỉnh thành lập ban văn hóa với trách nhiệm “làm sao đến tháng 6-1947 số người mù chữ bớt 50% so với hiện tại”. Bác thay mặt Chính phủ giao cho Thanh Hóa 100.000 đồng để làm quỹ phát triển. Người chỉ ra một số biện pháp phù hợp, hiệu quả nhất để thực hiện như tổ chức “gia đình học hiệu” (trường học ở gia đình - gia đình là trường học), sử dụng “tiểu giáo viên”, “cả làng chung gạo nuôi thầy giáo”, “không có giấy thì viết vào cát, không có bút thì viết dùng lẻ tre”. Bác còn căn dặn: “Chẳng những chỉ biết chữ mà còn phải học đạo đức công dân, phổ thông chính trị. Thứ hai còn phải mở mang lớp trung học...”. Sự quan tâm chu đáo, tình cảm sâu nặng và những lời dạy ân cần của Bác chính là một trong những động lực lớn lao để Thanh Hóa nỗ lực trong công tác xóa mù chữ, BDHV. Có thể nói, thời kỳ này là những năm tháng xóa mù chữ, BDHV sôi nổi, say mê ở mọi đối tượng, trong mọi phương diện. Thanh Hóa đã thành lập tiểu ban điều tra chống nạn mù chữ từ cấp tỉnh đến cấp huyện do chủ tịch hoặc đại diện ủy ban làm chủ tịch. Lập Phòng đại diện BDHV vùng cao (lúc bấy giờ gọi là thượng du gồm 9 huyện miền núi ngày nay, Thạch Thành, Cẩm Thủy xếp vào vùng trung du). Tăng cường đào tạo, huấn luyện giáo viên dạy BDHV cho hàng ngàn người. Mở các lớp cho cán bộ miền núi, cán bộ nữ, lớp bổ túc bình dân ngoài giờ. Theo sát các đợt phục vụ kháng chiến (dân công Thượng Lào, Điện Biên Phủ) để mở lớp. Thành lập trường trung học bình dân Trần Phú, trường bổ túc bình dân Nguyễn Công Mỹ cho cán bộ cấp xã trở lên, trường phổ thông lao động (học viên được thoát ly công tác để học tập) và trường ở các khu vực. Biên soạn, in phát hành hàng vạn tài liệu giáo khoa. Ngoài kiến thức, kỹ năng môn học nội dung tài liệu bám sát phong trào chính trị xã hội của quần chúng, chủ trương, chính sách từng thời kỳ để vừa dạy chữ vừa tuyên truyền, giáo dục tư tưởng. Tổ chức đại hội BDHV toàn tỉnh, phát động liên tục các đợt thi đua thanh toán nạn mù chữ, chiến dịch diệt dốt, tuần lễ diệt dốt do các đoàn thể, tầng lớp (công nông, phụ lão, thanh niên, dân quân,...) phụ trách. Hưởng ứng mạnh mẽ giải thưởng thi đua diệt dốt của nha BDHV, phong trào thi đua toàn xã biết chữ. Tính đến năm 1950 toàn tỉnh đã mở 11.000 lớp xóa mù chữ với trên 200.000 lượt người tham gia, tổ chức 7.950 lớp BDHV nâng cao trình độ cho 165.000 lượt người. Toàn tỉnh xây dựng 435 trường phổ thông cấp I cho 57.000 học sinh, 85 trường phổ thông cấp II cho 10.000 học sinh, 3 trường phổ thông cấp III, xây dựng 1 bệnh viện đa khoa, 4 bệnh viện khu vực và nhiều trạm xá xã. Phong trào học tập văn hóa, hoạt động văn nghệ phát triển sâu rộng góp phần nâng cao dân trí xã hội. Qua 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, giáo dục và đào tạo Thanh Hóa dần nâng cao, mở rộng trình độ dân trí. Gần 100% cán bộ, đảng viên trình độ dự bị bình dân (lớp 2, 3) trở lên. Khoảng 30% người dân biết đọc, biết viết (sơ cấp bình dân). Tính chất hoạt động cũng từ “cưỡng bách” chuyển sang vận động, tự nguyện và trở thành sự nghiệp của quần chúng.

Có thể khẳng định, phong trào BDHV không chỉ diệt được giặc dốt mà còn mở ra trí tuệ cho toàn quân và toàn dân. Nhờ nền móng này, đến nay ánh sáng tri thức được lan tỏa, chất lượng dạy và học trên địa bàn cả nước nói chung và Thanh Hóa nói riêng không ngừng được nâng cao.

Lê Phượng


Lê Phượng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]