(Baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa là vùng đất có bề dày lịch sử hào hùng và truyền thống văn hoá lâu đời, phong phú và đa dạng. Xuyên suốt lịch sử dân tộc Việt Nam đã cho thấy, Thanh Hóa - vùng đất địa linh nhân kiệt, không chỉ sản sinh ra các bậc hiền tài, đế vương mà còn giữ vị trí, vai trò chiến lược trong các cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại của dân tộc.

Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lãnh đạo nhân dân thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Thanh Hóa thành căn cứ, hậu phương trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp

Thanh Hóa là vùng đất có bề dày lịch sử hào hùng và truyền thống văn hoá lâu đời, phong phú và đa dạng. Xuyên suốt lịch sử dân tộc Việt Nam đã cho thấy, Thanh Hóa - vùng đất địa linh nhân kiệt, không chỉ sản sinh ra các bậc hiền tài, đế vương mà còn giữ vị trí, vai trò chiến lược trong các cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại của dân tộc.

Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lãnh đạo nhân dân thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Thanh Hóa thành căn cứ, hậu phương trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp

Ảnh tư liệu

Là người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có tầm nhìn chiến lược về mảnh đất và con người xứ Thanh. Người đã nhiều lần trực tiếp về thăm cũng như gửi thư động viên, thăm hỏi, biểu dương thành tích của Đảng bộ và nhân dân Thanh Hoá trong sản xuất và chiến đấu. Đặc biệt, khi toàn dân ta đang bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, dù công việc bận rộn, nhưng trước khi cùng Trung ương Đảng và Chính phủ lê khu căn cứ địa Việt Bắc, ngày 20/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cuộc “Kinh lý đặc biệt” khi lần đầu tiên về thăm Thanh Hoá. Trong các buổi làm việc, tiếp xúc với cán bộ và đại diện các tầng lớp nhân dân Thanh Hóa, Người đã phân tích và nêu lên những khó khăn của quân xâm lược Pháp ở Đông Dương và khẳng định ta sẽ thắng giặc Pháp vì ta có thiên thời, địa lợi, nhân hòa và hậu phương ưu thế hơn địch. Người nhấn mạnh cần phải và có thể bảo vệ, xây dựng Thanh Hóa thành một vùng hậu phương, vì ở đây người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển sắp đặt. Vì vậy, Người đã chỉ đạo Đảng bộ, nhân dân Thanh Hóa xây dựng tỉnh kiểu mẫu và xây dựng Thanh Hóa thành căn cứ, hậu phương kháng chiến.

Căn cứ vào chủ trương của Trung ương Đảng, đặc biệt là những lời căn dặn, sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Thanh Hóa thành căn cứ địa, hậu phương của cuộc kháng chiến, trong Nghị quyết Đại hội của Đảng bộ tỉnh lần thứ I (2-1948), lần thứ II (4-1949), lần thứ III (7-1950) và lần thứ IV (2-1952) đã xác định những nhiệm vụ cụ thể để thực hiện vừa kháng chiến, vừa kiến quốc nhằm bảo vệ và xây dựng Thanh Hóa thành căn cứ và hậu phương vững mạnh của cuộc kháng chiến. Trên cơ sở Nghị quyết của các Đại hội, trong suốt quá trình cùng cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng bộ Thanh Hoá đã rất chú trọng công tác chính trị, tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và trong nhân dân, vì vậy đã phát huy được cao độ sức mạnh, nguồn lực nhân dân để tiến hành xây dựng, bảo vệ hậu phương lớn mạnh về kinh tế, vững mạnh về quốc phòng, ổn định về chính trị xã hội, đáp ứng đầy đủ và kịp thời mọi nhu cầu của cuộc kháng chiến, hoàn thành xuất sắc vai trò của căn cứ, hậu phương kháng chiến để cùng nhân dân cả nước đưa cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi quyết định. Cụ thể:

Trong chiến đấu để bảo vệ hậu phương Thanh Hóa, trước âm mưu và hành động của thực dân Pháp khi liên tục mở những cuộc hành quân càn quét, tấn công Thanh Hóa hòng cắt đứt cửa ngõ tiếp giáp Thanh Hóa với vùng Tây Bắc - Việt Bắc và Thượng Lào, Tỉnh ủy đã tổ chức chỉ đạo quân dân trong tỉnh mưu trí dũng cảm chiến đấu. Đại đội 72 thuộc Trung đoàn 77 kết hợp với Đại đội Hà Văn Mao, Đại đội Cầm Bá Thước và quân dân các huyện miền Tây Thanh Hóa chiến đấu quyết liệt, làm cho bọn địch hoảng sợ phải rút chạy về biên giới Việt - Lào. Cùng với miền Tây, quân dân các huyện ven biển đã đập tan các cuộc càn quét của thực dân Pháp. Đồng thời, kết hợp với bộ đội, du kích, Công an tỉnh đã đập tan tổ chức gián điệp phản động trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa để đảm bảo sự ổn định về chính trị - xã hội để nhân dân tập trung phát triển sản xuất và chi viện cho chiến trường.

Cùng với lãnh đạo quân và dân chiến đấu bảo vệ hậu phương, trong suốt quá trình kháng chiến, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng Thanh Hóa thành hậu phương vững mạnh trên mọi lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quân sự. Về chính trị: Đảng bộ rất chú trọng công tác xây tác xây dựng Đảng, trong đó đặc biệt là từ cuối năm 1947, phong trào xây dựng chi bộ theo phương châm đạt 3 tiêu chuẩn, 3 danh hiệu do Liên khu ủy đề ra là: Tự động, Tiến bộGương mẫu, đã có tác dụng củng cố chất lượng của tổ chức cơ sở Đảng, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong quần chúng, nâng cao chất lượng đảng viên. Cùng với xây dựng Đảng, Đảng bộ cũng rất chú trọng xây dựng, củng cố bộ máy chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể. Về kinh tế: Tỉnh ủy phát động các phong trào thi đua sản xuất, tiết kiệm, thực hiện giảm tô cho nông dân và thực thi nhiều giải pháp sắc bén khắc phục hậu quả chiến tranh, thiên tai phát triển kinh tế. Đặc biệt, bước vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, cùng với tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, giảm tô, giảm thuế cho nhân dân, Tỉnh ủy đã chỉ đạo tiến hành thí điểm cải cách ruộng đất đợt I ở 6 xã của huyện Nông Cống, sau đó cải cách đợt II ở 66 xã của 3 huyện: Đông Sơn, Hoằng Hóa, Quảng Xương. Qua đó đã góp phần quan trọng trong động viên tính thần chiến đấu và phục vụ chiến đấu của quân và dân ta ở trên chiến trường, cũng như ở hậu phương. Về văn hóa - xã hội: Trong quá trình kháng chiến, kiến quốc, công tác xóa nạn mù chữ tiếp tục được quan tâm, được tổ chức lại và phát triển mạnh. Phong trào xây dựng nếp sống mới và phong trào văn nghệ quần chúng tiếp tục được đẩy mạnh, tạo nên sức mạnh tinh thần của chế độ mới.

Song song với thực hiện xây dựng, bảo vệ hậu phương, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện tốt vai trò căn cứ, hậu phương kháng chiến của cả nước. Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Thanh Hóa là địa bàn đóng quân của các cơ quan lãnh đạo, cơ quan quân sự, kinh tế, văn hóa của Khu III và Khu IV, của hàng chục cơ quan Trung ương, là địa bàn đóng quân và huấn luyện của nhiều đơn vị bộ đội chủ lực... Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đã cung cấp lương thực, thực phẩm, bảo vệ, giúp đỡ tận tình các cơ quan nhà nước, các đơn vị bộ đội, cưu mang giúp đỡ và tổ chức cho đồng bào tản cư thuộc các tỉnh miền Bắc sản xuất, ổn định đời sống và đóng góp cho kháng chiến. Đến cuối năm 1948 đầu năm 1949, Thanh Hóa đã chuyển được một số hàng hóa ra các tỉnh phía Bắc, chủ yếu là muối và lâm thổ sản. Thanh Hóa đã có sự chi viện lớn cho Bình - Trị - Thiên cả về nhân lực, lương thực, vũ khí và đảm bảo giao thông liên lạc từ Trung ương vào.

Khi cuộc kháng chiến bước sang giai đoạn phản công chiến lược, vai trò của căn cứ, hậu phương Thanh Hóa càng được thể hiện rõ với những đóng góp to lớn về sức người, sức của để cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi quyết định. Trong các chiến dịch lớn trong Đông Xuân 1951-1952 và 1953-1954 như: Chiến dịch Hà - Nam - Ninh, Chiến dịch Hòa Bình, Chiến dịch Thượng Lào, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã chỉ đạo các cấp, các ngành và nhân dân huy động khối lượng lớn lương thực, thực phẩm, vũ khí đạn dược cho các chiến trường và đóng góp rất lớn về lực lượng con người trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên các chiến trường. Đặc biệt, trong Chiến lược Đông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ, Tỉnh ủy đã chỉ đạo thành lập Hội đồng cung cấp tiền phương, huy động lương thực, hàng hóa tập kết về kho Lược (Thọ Xuân), kho Cẩm Thủy và huy động hàng ngàn thanh niên xung phong làm đường, làm cầu, xây dựng lán trại, kho, trạm, tổ chức lực lượng bộ đội, công an bảo vệ các tuyến vận chuyển. Hậu phương Thanh Hóa đã huy động cao nhất, nhiều nhất sức người, sức của cho mặt trận. Để phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, Thanh Hóa đã huy động hơn 178.924 dân công dài hạn và ngắn hạn, gần bằng 70% toàn chiến dịch. Số thanh niên nhập ngũ trong thời gian chiến dịch là 18.890 người, bằng cả 7 năm trước đó. Số xe đạp thồ lên tới 16.000 chiếc, 1.126 thuyền, 31 ô tô và nhiều phương tiện vận tải khác. Số lương thực Trung ương giao là 28.000 tấn, tỉnh đã huy động được 34.927 tấn. Thực phẩm là 1.300 con bò, 2.000 con lợn, 250.000 quả trứng, 450 tấn cá khô, 20.000 lọ nước mắm và hàng trăm tấn rau, đậu, lạc, vừng.

Bên cạnh sự đóng góp to lớn về sức người, sức của cho các chiến trường, trong quá trình kháng chiến, Thanh Hóa còn là nơi thu nhận và cứu chữa cho hàng nghìn thương bệnh binh của chiến dịch; là nơi tập trung phần lớn số tù binh Pháp bị bắt tại Điện Biên Phủ.

Với những đóng góp to lớn của hậu phương Thanh Hóa trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã cho thấy, Đảng bộ, quân và dân Thanh Hóa đã không phụ sự kỳ vọng Chủ tịch Hồ Chí Minh khi về thăm Thanh Hóa lần đầu tiên, Thanh Hóa đã hoàn thành xuất sắc vai trò của hậu phương lớn, xứng đáng là vùng đất “phên giậu” của cuộc kháng chiến. Chính vì vậy, năm 1957, khi về thăm Thanh Hóa lần thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành những lời khen ngợi đặc biệt cho Đảng bộ, quân và dân Thanh Hóa đó là: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”[1]. Những lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là sự ghi nhận vai trò to lớn của hậu phương Thanh Hóa trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng thời cũng là sự động viên rất lớn để Đảng bộ, nhân dân Thanh Hóa tiếp tục nỗ lực phấn đấu và đóng góp lớn vào thắng lợi chung của cả nước trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, xây dựng chủ nghĩa xã hội và công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế.

Th.s Lê Hải Yến- Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.10, tr.598.


Th.s Lê Hải Yến-Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]