(Baothanhhoa.vn) - 75 năm đã qua đi kể từ mùa xuân năm 1947 Bác Hồ viết thư gửi đồng bào thượng du Thanh Hóa, nhưng hình ảnh và lời căn dặn của Người vẫn in đậm trong trái tim đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) xứ Thanh. Trong những ngày này, các tầng lớp Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, trong đó có đồng bào thượng du đang ra sức thi đua lao động, sản xuất, làm món quà ý nghĩa dâng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu.

Bác Hồ trong trái tim đồng bào thượng du xứ Thanh

75 năm đã qua đi kể từ mùa xuân năm 1947 Bác Hồ viết thư gửi đồng bào thượng du Thanh Hóa, nhưng hình ảnh và lời căn dặn của Người vẫn in đậm trong trái tim đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) xứ Thanh. Trong những ngày này, các tầng lớp Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, trong đó có đồng bào thượng du đang ra sức thi đua lao động, sản xuất, làm món quà ý nghĩa dâng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu.

Bác Hồ trong trái tim đồng bào thượng du xứ Thanh

Anh Giàng A Chống, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Ón, xã Tam Chung, huyện Mường Lát – người gieo “hạt giống đỏ” và xây dựng tổ chức đảng vững mạnh. Ảnh: Trần Thanh

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Thanh Hóa những tình cảm tốt đẹp và sự quan tâm đặc biệt. Bác đã bốn lần về thăm Thanh Hóa. Khi cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mặc dù việc chỉ đạo kháng chiến vô cùng bộn bề nhưng ngày 20-2-1947, Bác vẫn quyết định về thăm Thanh Hóa. Sau ngày đầu tiên về thăm Thanh Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh định lên thăm đồng bào thượng du, nhưng Bác có việc gấp phải trở về ngay, chưa lên được. Bởi vậy, Bác đã viết thư gửi đồng bào thượng du Thanh Hóa. Trong thư Bác viết: “Cùng đồng bào yêu quý! Tôi đến thăm Thanh Hóa, tôi định lên thăm đồng bào, nhưng có việc gấp phải trở về ngay, chưa lên được. Tôi lấy làm tiếc. Lần sau có dịp tôi sẽ lên thăm các đồng bào. Lúc này, toàn thể quốc dân đang ra sức chống giặc cứu nước. Tôi chắc đồng bào thượng du đều ra sức đoàn kết, chuẩn bị tham gia giết giặc cứu nước để giữ vững quyền thống nhất, độc lập của Tổ quốc...”.

Khu vực miền núi Thanh Hóa có 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn miền núi. Toàn khu vực có 7 dân tộc anh em gồm: Kinh, Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao, Khơ Mú cùng sinh sống đoàn kết, gắn bó keo sơn tại 1.551 thôn, bản, thuộc 174 xã. Khắc ghi lời căn dặn của Người, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và của tỉnh, đồng bào các DTTS luôn đoàn kết một lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, nêu cao tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất để phát triển kinh tế, vươn lên xây dựng cuộc sống mới ấm no, cũng như đóng góp công sức xây dựng làng, bản ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Với ông Lâu Văn Chá, trưởng ban công tác mặt trận, người có uy tín bản Pù Toong, xã Pù Nhi (Mường Lát), những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi đồng bào thượng du Thanh Hóa luôn là “ngọn đuốc” soi đường trong quá trình công tác, rèn luyện của bản thân. Là một đảng viên, cán bộ hưu trí và được dân bản suy tôn là người có uy tín, ông Chá xác định bản thân phải luôn nêu gương, đi đầu thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để người dân trong bản học tập, làm theo. Bản Pù Toong cách trung tâm huyện Mường Lát 13 km về phía Đông; có 73 hộ dân, với hơn 300 nhân khẩu, 100% là đồng bào Mông. Với xuất phát điểm kinh tế thấp, các công trình hạ tầng thiết yếu và điều kiện sản xuất, sinh hoạt thiếu thốn trăm bề nên đồng bào Mông bản Pù Toong từng có thời gian bị cái đói, cái nghèo bủa vây. Để đưa bản Pù Toong phát triển, giảm tỷ lệ hộ nghèo, ông đã đề xuất với chi ủy và các tổ chức đoàn thể bản làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào tập trung trồng rừng, trồng cây ăn quả, xây dựng mô hình VAC và hạn chế phát nương làm rẫy, chuyển sang trồng lúa nước nhằm bảo vệ rừng đầu nguồn. Nghe theo lời ông Chá, đồng bào Mông bản Pù Toong đã trồng được hơn 100 ha rừng và cây ăn quả. Bình quân mỗi hộ dân trong bản có khoảng 1,4 ha rừng trồng lấy gỗ và cây ăn quả, mỗi năm cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng. Được ông Chá tuyên truyền, hướng dẫn, đồng bào Mông Pù Toong còn khai hoang, mở rộng diện tích lúa nước. Hiện nay, bản có 16,3 ha sản xuất lúa nước 2 vụ, bảo đảm nguồn lương thực phục vụ đời sống Nhân dân. Ngoài ra được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước và các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh, đồng bào Mông bản Pù Toong còn được hưởng nhiều chính sách an sinh xã hội, Chương trình 30a, Chương trình 167 của Chính phủ hỗ trợ làm nhà cho người nghèo. Ông Chá phấn khởi chia sẻ: “Với mục đích nâng cao hơn nữa đời sống người dân và tạo ra sự thay đổi toàn diện bản Pù Toong, tháng 7-2019, UBND xã Pù Nhi đã phê duyệt Đề án xây dựng bản nông thôn mới (NTM) Pù Toong. Nghĩ đến NTM ở bản vùng biên như Pù Toong là điều xa vời. Nhưng bằng sự quyết tâm, tinh thần đoàn kết, phát huy nội lực cùng nguồn hỗ trợ, kích cầu của huyện, của tỉnh, cán bộ, đảng viên và Nhân dân Pù Toong đã làm nên kỳ tích, khi trở thành bản đồng bào Mông đầu tiên trong tỉnh về đích NTM”.

Mặc dù không được gặp Bác Hồ, nhưng hình ảnh của Người vẫn mãi trong tim đồng bào các DTTS xứ Thanh. Học tập theo Bác, đồng bào các DTTS đã và đang phát huy tiềm năng, lợi thế về đất lâm nghiệp rộng lớn, mạnh dạn áp dụng những tiến bộ khoa học – kỹ thuật mới vào sản xuất, xóa bỏ những tập quán canh tác lạc hậu, xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi tập trung quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình và cộng đồng, góp phần lan tỏa phong trào giảm nghèo ở khu vực miền núi. Tiêu biểu như các huyện: Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân, Thạch Thành, Như Thanh, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy... đã có hàng trăm hộ người DTTS là ông chủ của những vườn đồi trồng cây lấy gỗ, cây ăn quả, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Tại huyện Thạch Thành có bà Tôn Thị Hồng Việt, dân tộc Mường, thôn Ngọc Trạo, xã Ngọc Trạo điển hình về phát triển kinh tế trang trại. Trong 5 năm qua, gia đình bà đã trồng được 19 ha keo lấy gỗ và kết hợp trang trại VAC nuôi 50 con bò, 500 con gà thả vườn và nuôi 130 đàn ong mật, mỗi năm cho thu nhập khoảng 350 triệu đồng. Hay ở huyện Bá Thước có ông Hà Văn Sinh, dân tộc Thái, thôn La Ca, xã Cổ Lũng – người tiên phong trong xây dựng HTX phát triển chăn nuôi vịt Cổ Lũng theo hướng VietGAP. Hiện nay, mỗi thành viên HTX nuôi từ 500 đến 1.500 con vịt/lứa, với thu nhập 720 triệu đồng/năm. Bình quân mỗi thành viên trong HTX có thu nhập hơn 60 triệu đồng/năm từ nuôi vịt Cổ Lũng...

Kể từ ngày 21-2-1947, Bác viết thư gửi đồng bào thượng du Thanh Hóa đến nay, kinh tế - xã hội ở các địa phương vùng đồng bào DTTS của tỉnh đã có sự phát triển vượt bậc. Trong những năm qua, với sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh thông qua các Nghị quyết 30a, Chương trình 135, Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Nghị quyết 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã giúp đồng bào DTTS xóa bỏ tự ti, tích cực lao động sản xuất, vươn lên ổn định đời sống. Nhờ vậy, tốc độ giảm nghèo của các huyện miền núi bình quân hàng năm đạt 4,02%; thu nhập bình quân đầu người đạt 33,1 triệu đồng/năm. Động lực tạo nên sự phát triển của khu vực miền núi chính là các công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ. Từ nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, các địa phương khu vực miền núi đã tập trung xây dựng mới, nâng cấp nhiều công trình hạ tầng thiết yếu, như: điện, đường, trường, trạm, hệ thống kênh mương... Hiện nay, khu vực miền núi có 174 xã đường giao thông đến trung tâm được rải nhựa hoặc bê tông hóa; tỷ lệ thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa đạt 92%; tỷ lệ hộ dân được dùng điện lưới đạt 99,8%; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 91%; tỷ lệ trạm y tế xã được xây dựng kiên cố đạt 81,1%; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 80,4%; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường đạt 99,47%. Đặc biệt, “luồng gió” từ Chương trình xây dựng NTM thổi đến đã làm thay đổi diện mạo nông thôn nhiều xã, nhiều bản làng. Nhận thấy những khó khăn trong việc thực hiện 19 tiêu chí NTM ở nhiều xã miền núi, từ năm 2013, UBND tỉnh chỉ đạo các huyện khu vực miền núi lựa chọn một số thôn, bản có điều kiện làm điểm để triển khai xây dựng NTM, với phương châm “có nhiều thôn, bản NTM thì sẽ có xã NTM. “Nhằm tạo động lực phấn đấu cho các xã và thôn, bản khu vực miền núi triển khai hiệu quả Chương trình xây dựng NTM gắn với giảm nghèo bền vững, tỉnh đã có các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn; hỗ trợ (thưởng) cho các xã, thôn, bản đạt chuẩn NTM, NTM kiểu mẫu. Với sự quyết tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể chính trị, sự đồng thuận đóng góp sức người, sức của từ Nhân dân, sau hơn 10 năm triển khai Chương trình xây dựng NTM, cùng với cả tỉnh, khu vực miền núi đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn nhiều thôn, bản. Tính đến tháng 1-2022, toàn khu vực miền núi có 809 thôn, bản đạt chuẩn NTM; 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 149 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Diện mạo quê hương đổi thay từng ngày, kinh tế phát triển, đời sống không ngừng được cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần, càng nhân lên niềm tin của đồng bào các DTTS tỉnh Thanh Hóa vào sự quan tâm lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Đây cũng là món quà vô giá mà đồng bào các dân tộc thượng du Thanh Hóa kính dâng Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu.

Trần Thanh


Trần Thanh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]