(Baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa - Quảng Nam, mối lương duyên đặc biệt và tình cảm thủy chung son sắt, đã được lịch sử minh chứng có nguồn gốc tự xa xưa trong quá trình người dân xứ Thanh đi sinh cơ lập nghiệp. Ân tình ấy càng sâu đậm hơn, khi trong những năm tháng khói lửa ác liệt nhất, 2 quê hương anh hùng nguyện cùng nhau “chia cơm”, “chia lửa”. Tình cảm thủy chung sắt son ấy đã thấm nhuần, hòa quyện trong tâm tưởng mỗi người, mỗi nhà, trên những công trình tình nghĩa hiện hữu nơi quê hương Thanh - Quảng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Dấu ấn xứ Quảng trên đất Thanh Hóa

Thanh Hóa - Quảng Nam, mối lương duyên đặc biệt và tình cảm thủy chung son sắt, đã được lịch sử minh chứng có nguồn gốc tự xa xưa trong quá trình người dân xứ Thanh đi sinh cơ lập nghiệp. Ân tình ấy càng sâu đậm hơn, khi trong những năm tháng khói lửa ác liệt nhất, 2 quê hương anh hùng nguyện cùng nhau “chia cơm”, “chia lửa”. Tình cảm thủy chung sắt son ấy đã thấm nhuần, hòa quyện trong tâm tưởng mỗi người, mỗi nhà, trên những công trình tình nghĩa hiện hữu nơi quê hương Thanh - Quảng.

Dấu ấn xứ Quảng trên đất Thanh Hóa

Công viên Thanh Quảng, phường Ba Đình (TP Thanh Hóa). Ảnh: Minh Hằng, Nam Nam

Nằm giữa khu dân cư đông đúc và tiếp giáp những con phố kinh doanh sầm uất nhất của TP Thanh Hóa, Công viên Thanh Quảng (phường Ba Đình) như một minh chứng cho tình cảm đoàn kết keo sơn của người dân Thanh - Quảng tự bao giờ. Thiêng liêng hơn, khi công trình kết nghĩa này được đặt ở một nơi có ý nghĩa lịch sử quan trọng của TP Thanh Hóa - Di tích lịch sử Nhà Máy Đèn - nơi đã diễn ra Hội nghị công bố quyết định của Tỉnh ủy về thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của thị xã Thanh Hóa trước đây. Cũng tại di tích lịch sử này, nhiều đảng viên ưu tú đã được đào tạo, trở thành nguồn cán bộ cốt cán cho tỉnh. Với người dân từng lớn lên, sinh sống quanh khu vực Công viên Thanh Quảng, nơi này dường như đã trở thành một địa điểm thiêng liêng, lớn dần trong tiềm thức và suy nghĩ về tình cảm keo sơn Thanh Hóa – Quảng Nam.

Năm 2015, Công viên Thanh Quảng gắn với Di tích lịch sử Nhà Máy Đèn đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Để bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử của di tích, đồng thời tôn tạo một địa danh đã đi sâu vào lòng người dân, TP Thanh Hóa hiện đang xây dựng dự án đầu tư cải tạo các hạng mục công viên, gắn với đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, tạo cảnh quan đô thị đẹp, hiện đại, phục vụ nhu cầu, nguyện vọng của người dân thành phố. Đồng thời, bổ sung một số hạng mục như bia trích dẫn lịch sử, nhà truyền thống để trưng bày các kỷ vật, tài liệu liên quan đến Di tích lịch sử Nhà Máy Đèn và tình kết nghĩa Thanh Hóa - Quảng Nam nhằm lưu giữ, giới thiệu và giáo dục cho các thế hệ mai sau.

Trong lòng TP Thanh Hóa, Công viên Hội An, thuộc địa phận phường Lam Sơn cùng với những công trình biểu tượng thiêng liêng của TP Hội An - trái tim đất Quảng cũng nhận được nhiều tình cảm của người dân xứ Thanh. Tọa lạc tại vị trí trung tâm, công viên có diện tích lên tới 22 ha, được phê duyệt quy hoạch chi tiết vào năm 2010 với nhiều phân khu chức năng phục vụ nhu cầu giải trí, sinh hoạt của người dân thành phố, như: Khu thể dục thẩm mỹ, nhà thi đấu tỉnh, khu văn hóa thể thao, khu trung tâm công viên, khu vui chơi thiếu nhi, khu nhà tưởng niệm... Đây là địa điểm hàng năm được lựa chọn tổ chức tuần lễ văn hóa TP Thanh Hóa - TP Hội An nhằm giới thiệu, quảng bá rộng rãi những hình ảnh, nét đẹp, truyền thống văn hóa, ẩm thực của 2 thành phố kết nghĩa.

Dấu ấn xứ Quảng trên đất Thanh Hóa

Trong tuần lễ này hàng năm, nhiều hoạt động đặc sắc được trình diễn, như: Tái hiện khung cảnh đặc trưng của TP Hội An và TP Thanh Hóa; chiếu phim tư liệu quảng bá du lịch TP Thanh Hóa - TP Hội An; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, không gian ẩm thực của hai thành phố... Dịp này, TP Hội An cũng tổ chức, lưu diễn nhiều hoạt động, như: Thử tài chuốt gốm, hát hò khoan, chiếu dân ca, cờ tướng, nghệ thuật bài chòi, đập nồi, gấp lá dừa, tập làm và thả hoa đăng, dán lồng đèn tại không gian phố cổ Hội An lung linh màu sắc. TP Thanh Hóa cũng tổ chức các trò chơi dân gian, thi vẽ tranh theo chủ đề trong ngày hội. Bên cạnh đó, là các gian hàng trưng bày văn hóa ẩm thực gồm các loại quà, bánh truyền thống của Quảng Nam, Thanh Hóa như nem chua, chả tôm, bánh cuốn, cháo lươn, bánh khoái tép, bánh đúc, cao lầu, mì quảng, bánh đập... để du khách và người dân thưởng thức, cảm nhận. Vào những dịp kỷ niệm lớn, không gian Công viên Hội An cũng vinh dự được tỉnh Thanh Hóa lựa chọn để tổ chức nhiều hoạt động trình diễn, lễ hội... khiến giới trẻ, du khách vô cùng thích thú.

Cũng trong khuôn viên Công viên Hội An, vào năm 2015, nhân kỷ niệm 55 năm ngày kết nghĩa TP Thanh Hóa - TP Hội An, nhân dân Quảng Nam đã đóng góp, xây dựng tặng nhân dân Thanh Hóa phiên bản chùa Cầu - Di sản văn hóa thế giới, niềm tự hào của người dân Hội An và 2 trụ biểu khắc dòng chữ “TP Thanh Hóa - TP Hội An - Tình sâu nghĩa nặng, son sắt thủy chung” được làm bằng đất từ làng gốm Thanh Hà nổi tiếng xứ Quảng.

Kiến trúc sư Nguyễn Vượng, nguyên cán bộ Viện Quy hoạch kiến trúc Thanh Hóa, chia sẻ: Phiên bản chùa Cầu Hội An tại xứ Thanh được xây dựng trong Công viên Hội An, là mô hình thiết kế thu nhỏ của chùa Cầu Hội An - biểu tượng di sản văn hóa thế giới, được người Nhật Bản xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII. Các chi tiết nguyên sơ của chùa Cầu Nhật Bản đã được mô phỏng một cách chi tiết, tỉ mỉ tại công trình này. Chùa Cầu Hội An ở xứ Thanh được bắc qua một hồ nước nhỏ thơ mộng nằm trong công viên, tạo thêm một nét tương đồng với chùa Cầu Hội An thật, bắc qua lạch nước chạy ra sông Thu Bồn (Quảng Nam). Tặng cây cầu cho người dân Thanh Hóa, nhân dân xứ Quảng gửi gắm, tri ân những điều tốt đẹp tới xứ Thanh - nơi đã dành cho họ nhiều ân tình thắm thiết, nơi có những người con đã anh dũng chiến đấu, hy sinh thân mình trên đất Quảng Nam.

Trong những năm đánh Mỹ, hòa trong tình cảm Bắc - Nam ruột thịt, mối quan hệ mật thiết ruột rà giữa mảnh đất và con người Thanh Hóa và Quảng Nam đã để lại nhiều dấu ấn khó phai mờ. Ở thời kỳ đó, các phong trào thi đua sản xuất, chiến đấu của quân và dân Thanh Hóa với tinh thần vì Quảng Nam kết nghĩa diễn ra rộng khắp. Một số công trình, dự án kết nghĩa cũng đã được người dân 2 tỉnh anh em đóng góp, dựng xây như: Thư viện Quảng Nam, rạp chiếu bóng Hội An... Hòa bình lập lại, trong tiến trình phát triển, dựng xây quê hương Thanh Hóa, những công trình đồng lòng, chung sức ngày càng được đầu tư, tôn tạo đẹp đẽ hơn, hướng tới những mối hợp tác ngày càng keo sơn, bền chặt.

Minh Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]