(Baothanhhoa.vn) - Quảng Trị năm 1972 là đất của bom pháo và chết chóc. Đã có biết bao tác phẩm viết về mảnh đất anh hùng và đau thương ấy. Từ đất lửa Quảng Trị, xuất hiện thế hệ các nhà văn, nhà thơ mặc áo lính, như Anh Ngọc, Nguyễn Thụy Kha, Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Trung Thu, Nguyễn Đức Mậu, Trần Lê An, Nguyễn Hồng Hà... những người đã sống chiến đấu ở chiến trường ác liệt này.

Vùng đất lửa và hồi ức của một người lính Quảng Trị

Quảng Trị năm 1972 là đất của bom pháo và chết chóc. Đã có biết bao tác phẩm viết về mảnh đất anh hùng và đau thương ấy. Từ đất lửa Quảng Trị, xuất hiện thế hệ các nhà văn, nhà thơ mặc áo lính, như Anh Ngọc, Nguyễn Thụy Kha, Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Trung Thu, Nguyễn Đức Mậu, Trần Lê An, Nguyễn Hồng Hà... những người đã sống chiến đấu ở chiến trường ác liệt này.

Vùng đất lửa và hồi ức của một người lính Quảng Trị

Đây cũng là giai đoạn duy nhất trong cuộc chiến tranh có sự tham gia của rất đông sinh viên. Họ là những chàng trai chưa đến tuổi 20 đã phải “xếp bút nghiên” để lên đường chiến đấu. Ngày 6-9-1971 trở thành dấu ấn lịch sử của sinh viên Hà Nội khi hơn 30 trường đại học, cao đẳng đã chia tay gần 10.000 sinh viên lên đường. Sau thời gian huấn luyện, đa số các sinh viên ấy được chi viện cho tuyến lửa Quảng Trị. Chúng ta vẫn còn nhớ tới thời khắc ấy trong những trang nhật ký Mãi mãi tuổi 20 của Nguyễn Văn Thạc: “Mình đã khóc, nước mắt giàn giụa, khi các bạn đến tiễn mình đi, khi buổi lễ kết thúc, khi bài Quốc ca rung bầu không khí trong lành trên Trường Tổng hợp. Bản nhạc này đây, bao lần mình đã nghe, đã cúi đầu suy nghĩ. Nhưng hôm nay mới thực hiểu, thực cảm một điều giản dị: Bài Quốc ca của ta, của ta! Khóc, không phải vì hèn yếu, không phải vì buồn bã, mà vì xúc động. Vì buổi chia tay này thiêng liêng quá”.

“Quảng Trị 1972” (NXB Văn học) là cuốn sách được viết ra dựa trên hồi ức của Nguyễn Quang Vinh và những đồng đội của anh trong những trận chiến đấu chỉ có máu và lửa. Trong dòng hồi ức ấy, hiện thực đời sống được thể hiện rất rõ, thậm chí phơi bày đến trần trụi. Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, nhập ngũ năm 1972 khi còn là sinh viên, Nguyễn Quang Vinh bắt đầu là một chiến sĩ rồi trở thành tiểu đội trưởng của Trung đoàn 48 trong Sư đoàn 320B tử thủ ở thành cổ Quảng Trị và Mặt trận Cửa Việt.

Những ngày tháng 4-1972, khi ấy “tôi” 18 tuổi, là một trong những học sinh giỏi nhất trường. Tương lai đang rộng mở, hoặc là được các trường đại học của quân đội hoặc công an đến chiêu sinh, hoặc được các binh chủng kỹ thuật như: Không quân, tên lửa, xe tăng, pháo binh đến thu nạp, chứ ít khi phải đi lính trơ “bò binh” như thế này; “Cho đến ngày đó, chiến tranh đối với tôi dường như là sự việc của những người khác, ở một nơi nào đó xa lắc và chỉ tồn tại trong những bản tin của báo, đài”.

Trong lời mở đầu cuốn sách, anh viết: “Tôi không phải nhà văn và viết cuốn sách này không để làm văn. Anh là một chiến sĩ trực tiếp chiến đấu tại thành cổ Quảng Trị năm 1972. Anh tự hào”: Thế là đôi chân của tôi cũng đã in dấu trong rừng Trường Sơn, in dấu lên con đường lớn của dân tộc và lòng tôi cứ ngân lên hai câu thơ của Tố Hữu: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. “Quảng Trị 1972” chính là nén hương lòng mà tác giả Nguyễn Quang Vinh thắp lên để tưởng niệm và tri ân những đồng đội đã hy sinh vì Tổ quốc:

Và những năm tháng đời lính

“Quảng Trị 1972” đi theo một mạch truyện rõ ràng, từ lúc tác giả còn là một cậu sinh viên thủ đô, đến lúc lên đường vào thành cổ Quảng Trị, tham chiến tại các mặt trận khác cho tới khi trở về Hà Nội chữa trị sau khi bị một mảnh pháo cắm vào đầu. Chiến tranh được lột tả chân thật đến mức giản dị, hiển hiện đến mức khó tin.

Ở đó là hiện thực của những ngày gian khó. Những chàng trai hào hoa nơi đất Hà thành lần đầu biết đến con dĩn. “Tất cả hạ ống quần, ống tay áo, nhưng chúng vẫn không tha các ngón tay, bàn chân, gáy, mặt. Phát điên lên được, tôi chồm dậy đi đi lại lại như một thằng rồ, nhiều người khác cũng vậy”. Cũng lần đầu đi trên những con đường bờ ruộng trơn như đổ mỡ, dù nghiến răng dùng hết sức bấm ngón chân xuống đất mà vẫn ngã. “Mỗi bước đi là một bước ngã. Súng ống đồ đạc quật oành oạch, quần áo bẩn thỉu như trâu vấy. Nhiều lúc mệt quá, tôi cứ chống hai tay ngồi phệt dưới bùn mà nuốt nước mắt: cuộc đời chưa bao giờ bị cực khổ như thế này"! Hay nỗi vất vả vượt qua các con dốc “Xuống dốc chồn chân không thể tả được, gân cứ phải chùng liên tục, bánh chè muốn rơi ra ngoài. Nhiều đoạn phải ngồi bệt xuống, trượt đi từng tí một”...

Máy bay quần đảo trên đầu, những lo sợ lúc nào cũng thường trực. “Đang nghển đầu lên quan sát, chợt tôi cảm thấy có một ngọn roi sắt quất vào tai trái, gió rít vù qua, nửa mặt bên trái tê dại. Tôi ôm vội tai, chúi người xuống hào và nói: “Quang ơi, tao bị cụt tai rồi...”. Nhưng khi Quang bảo bỏ tay ra để băng, thì không phải bị thương vào tai, mà viên đạn sượt qua cổ, hớt đi 1 tí da, làm chảy máu. Hơi gió quá mạnh làm tôi có cảm giác như vậy. Cũng may, nó mà đi chệch vào bên trong khoảng 1 - 2cm, trúng động mạch cổ, thì đã “Máu anh phun như lửa đạn cầu vồng” rồi...

Đọc đoạn viết: Ở nhà mà hơi mệt tí thì phải biết, hết mẹ đến bà, nhất là bà, lo cuống lên, nào xông hơi nào cháo hành nào thuốc cảm... Ở đây thì nằm cô đơn co quắp trong một xó rừng, chết cũng chẳng ai hay. Nhưng câu hỏi “chẳng lẽ vì vậy mà đào ngũ?” là một thực tế. Để rồi cũng phải tự dặn lòng mình: “Bao năm nay, hàng triệu người đã từng nằm võng trong đêm tối âm u của núi rừng, cũng đã chịu những dằn vặt âm thầm ghê gớm. Nhưng họ đã đứng vững, để rồi sáng hôm sau những tin chiến thắng vẫn dồn dập gửi về... Không, tôi nhất định không chịu thua kém họ... Bởi họ biết: “Chiến tranh đã gây đau khổ cho biết bao bà mẹ, biết đâu lại chẳng có mẹ mình... Tôi lắc đầu cố xua đuổi ý nghĩ ghê rợn đó”. Đêm trong rừng già Trường Sơn tĩnh mịch, bóng tối đặc quánh, khiến chàng trai trẻ ấy “lòng nhớ nhà da diết” rồi tự hỏi: “Không biết mình có bao giờ còn được trở về nhìn thấy ngôi nhà bé nhỏ ấm cúng...”. Có thể là lên gân, là cố gắng lấy tinh thần, nhưng vượt qua tất cả nỗi sợ hãi, là họ đã chiến thắng chính mình.

Họ có thể vượt qua tất cả điều đó bởi họ là những người thanh niên đang trong độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời. Trong hành trang ra trận của người lính, họ còn gói theo những kỷ niệm về mối tình đẹp, là ánh mắt họ mang theo những ngày mưa bom bão đạn và đi cùng họ đến suốt cuộc đời. Cũng bởi còn quá trẻ mà họ nhìn cuộc đời đẹp hơn, rộng hơn, lãng mạn hơn. Những phút giây hiếm hoi bình yên, họ vẫn “lơ đãng nhìn chùm hoa phong lan đuôi sóc màu vàng nhạt bám lủng lẳng trên một thân cây. Đó là những khoảng lặng vá lại vết thương nơi chiến trận khốc liệt. Nếu không có những phút giây ấy, chắc gì những chàng trai trẻ có đủ sức mạnh mà đi hết cuộc chiến?

Hơn 250 trang sách giúp chúng ta hồi tưởng lại những trận đánh oanh liệt nhất và cũng đau thương nhất lịch sử chiến đấu của dân tộc. Những hiện thực trần trụi và đau đớn nhất của cuộc chiến được kể lại như xảy ra mới vừa hôm qua.

Đến nay, hòa bình đã được lập lại 48 năm, nhưng chắc chắn với những ai đã từng góp phần sức lực nhỏ bé của mình vì đất nước thì hẳn đây là miền ký ức không thể nào quên. Nếu đúng “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”, thì tôi tin Nguyễn Quang Vinh đã có những năm tháng tuyệt vời nhất trong đời. Để sau này, khi ở nơi xứ người (nước Đức) anh vẫn chạnh nghĩ: Tàn cơn binh lửa, chỉ còn lại là tình người.

Chi Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]