Vùng đất Kẻ Nưa xưa và nay
Vùng đất Kẻ Nưa (nay là thị trấn Nưa) huyện Triệu Sơn có từ thời Hùng Vương, bằng chứng là trong quá trình khảo cổ đã tìm thấy những ngôi mộ cổ có tượng chim bằng đồng, cùng thời với tượng chim tìm thấy ở Cổ Loa. Đến thời Bắc thuộc (618-906), do việc sắp xếp các đơn vị hành chính và phân chia châu, quận, Kẻ Nưa được đổi thành Cổ Na (vì có núi Na).
Di tích lịch sử cấp quốc gia đền Nưa - Am Tiên. Ảnh: Khắc Công
Nơi đây được mệnh danh là vùng văn hóa lâu đời và tiêu biểu cho văn hóa truyền thống của cư dân đồng bằng sông Mã - nơi có nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh được công nhận là di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia.
Núi Nưa - đền Nưa - Am Tiên là một thắng cảnh nổi tiếng gắn liền với cuộc khởi nghĩa Bà Triệu chống quân Ngô vào năm 248. Hình tượng Bà Triệu “cưỡi voi, đánh cồng” đã đi vào tiềm thức của bao lớp người, trở thành biểu tượng của quê hương xứ sở.
Ngược dòng lịch sử, năm 248, quan lại nhà Ngô tàn ác khiến Nhân dân khổ sở, Triệu Thị Trinh đã cùng với anh trai là Triệu Quốc Đạt dấy binh khởi nghĩa, sau một thời gian chuẩn bị lực lượng, nghĩa quân đã vượt sông Chu đến vùng núi Nưa (thuộc Kẻ Nưa - Cổ Định, nay là huyện Triệu Sơn) để lập căn cứ, chuẩn bị khởi nghĩa... Ở vào vị trí có tính chất chiến lược quan trọng, vùng núi Nưa được Bà Triệu chọn làm căn cứ, bàn đạp cho cuộc khởi nghĩa chống quân Đông Ngô.
Núi Nưa là tên nôm mà dân gian thường gọi, còn tên chữ mà sách xưa nhắc tới là núi Na. Đây là dãy núi cao nhất ở vùng đồng bằng châu thổ phía Nam Thanh Hóa và được khép lại ở mạn Đông Bắc bởi dãy đồi đất đỏ thấp tròn như những bát úp. Phía Đông núi Nưa là đồng bằng châu thổ, đất đai màu mỡ. Do vị trí, địa hình ở thế đặc biệt, núi Nưa được xem là ngọn núi chủ của đồng bằng xứ Thanh, được sử sách ghi chép và là đề tài sáng tác thơ văn của biết bao tao nhân, mặc khách.
Với vị trí có tính chất chiến lược, năm 248 từ Ngàn Nưa nghĩa quân Bà Triệu đã bất ngờ tập kích thành Tư Phố (nay thuộc làng Giàng, phường Thiệu Dương, TP Thanh Hóa) và nhanh chóng tiêu diệt lực lượng đầu não của chính quyền đô hộ ở Cửu Chân. Sau đó, từ Cửu Chân, cuộc khởi nghĩa đã lan ra Giao Chỉ, vào tận Cửu Đức, Nhật Nam. Bất ngờ trước thanh thế của nghĩa quân Bà Triệu, triều đình nhà Ngô đã cử Lục Giận (cháu họ viên danh tướng Lục Tốn) đem binh lực lớn với nhiều âu thuyền yểm trợ kéo sang nước ta nhằm đè bẹp cuộc khởi ghĩa. Cuối cùng với tương quan lực lượng chênh lệch, cuộc khởi nghĩa Bà Triệu đã bị đàn áp. Bà Triệu đã tuẫn tiết tại núi Tùng (thuộc huyện Hậu Lộc ngày nay). Sau khi Bà Triệu mất, Nhân dân trong vùng đã lập đền thờ Bà tại Quần thể di tích núi Nưa - đền Nưa - Am Tiên, thị trấn Nưa ngày nay.
Kẻ Nưa là vùng đất được mệnh danh là vùng văn hóa lâu đời và tiêu biểu cho văn hóa truyền thống của cư dân đồng bằng sông Mã - nơi có nhiều di tích lịch sử - văn hóa cùng các sinh hoạt cộng đồng và lễ hội truyền thống. Một làng có tới 9 ngôi chùa, có 20 di tích, trong đó có 2 di tích lịch sử văn hóa quốc gia, 7 di tích cấp tỉnh, cho thấy văn hóa tín ngưỡng phủ đầy trên đất Kẻ Nưa - Cổ Định.
Bên cạnh đó là sự phong phú, đa dạng của các truyền thuyết lịch sử, ca dao, tục ngữ, truyện cổ dân gian, các hình thức diễn xướng và sân khấu cổ truyền làm rung động lòng người. Trong suốt hàng ngàn năm thời kỳ phong kiến ấy, Kẻ Nưa còn là nơi sản sinh ra nhiều bậc anh tài, trong đó có 2 tiến sĩ được lưu danh ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám là Lê Nhân Kiệt và Lê Bật Tứ. Ngoài ra, làng Cổ Định còn có nhiều nho sĩ thi đỗ hương cống (dưới triều Lê Trung hưng), cử nhân (dưới triều Nguyễn).
Từ thời kỳ cách mạng đến nay có nhiều người đỗ đạt, học hành trở thành cán bộ cao cấp phục vụ cách mạng và quân đội. Ngày nay nhiều người đã trở thành những nhà nghiên cứu khoa học, trong đó có 6 giáo sư đầu ngành; 3 vị tướng lĩnh; những doanh nhân phát triển kinh tế cho gia đình, cho cộng đồng và xã hội. Đặc biệt, từ năm 1923 mảnh đất này đã có Trường Sơ đẳng Pháp Việt Cổ Định với 3 lớp đồng ấu, đệ nhất, đệ nhị, là một trong những ngôi trường ra đời sớm của tỉnh Thanh Hóa. Đến năm 1950 tại đây đã có trường THCS. Hằng năm trên địa bàn có ít nhất 60 học sinh đỗ đại học, thậm chí là thủ khoa đại học, nhiều em là thủ khoa đầu vào của các trường THPT, hoặc đang học Trường THPT chuyên Lam Sơn. Vì vậy, vùng đất này được coi là miền đất thiêng đã hun đúc và ngưng tụ nhiều giá trị tinh hoa văn hóa quê hương Cổ Định.
Ông Lê Văn Sơn, công chức văn hóa - xã hội thị trấn Nưa (Triệu Sơn), cho biết: Trong suốt hàng ngàn năm lịch sử, người dân vùng đất Kẻ Nưa đã góp nhiều công sức vào quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Nối tiếp truyền thống đó, ngày nay các thế hệ người con của quê hương Kẻ Nưa luôn phát huy truyền thống cần cù sáng tạo, truyền thống văn hóa hiếu học, tinh thần yêu nước nồng nàn. Đó là niềm tự hào lớn lao, cũng đặt ra trách nhiệm nặng nề trong việc khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, góp phần quan trọng vào việc xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Khắc Công
{name} - {time}
-
2024-11-08 14:28:00
Đất Mường Xia và Tướng quân Tư Mã Hai Đào
-
2024-11-07 16:15:00
Pù Luông - Mùa đông ngủ yên trên triền núi
-
2023-11-17 09:25:00
Hà Tông Huân, bậc tôn sư
Trên đất Quang Tiền
Nâng tầm “thương hiệu” sản phẩm nghề rèn Tiến Lộc
Nữ giảng viên được tuyên dương “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác”
Tiến sĩ Đặng Quốc Đỉnh và truyền thống hiếu học của người Hoằng Cát
Đất Tây Đô có đền Tam Tổng...
Trên đất Mường Đủ
Chiếc khèn bè của nghệ nhân dân tộc Thái
Phụ nữ xứ Thanh trong thời đại 4.0
Người thôn nữ và mối duyên với anh hùng Lê Lợi