(Baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, bằng nhiều hình thức, cách làm sáng tạo, phong trào xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn huyện Nông Cống ngày càng phát triển sâu rộng, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nâng cao chất lượng phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở huyện Nông Cống

Thời gian qua, bằng nhiều hình thức, cách làm sáng tạo, phong trào xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn huyện Nông Cống ngày càng phát triển sâu rộng, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Nâng cao chất lượng phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở huyện Nông Cống

Cán bộ xã Trung Chính tuyên truyền cho người dân về phong trào xây dựng đời sống văn hóa.

Làng văn hóa Đông Cao (xã Trung Chính) luôn đầy ắp những điều thiêng liêng mà giản dị. Làng vẫn là sợi dây kết nối bền chặt mỗi cá nhân với cộng đồng, là gốc gác ăn sâu, bám rễ trong tâm thức mỗi người. Trải dài suốt hơn 2 thập kỷ kể từ khi được công nhận là làng văn hóa cấp tỉnh đầu tiên (năm 1997), đến nay cùng với sự phát triển kinh tế, đời sống người dân trong làng cũng ngày càng khấm khá hơn, đình chùa, di tích được quan tâm tu bổ tôn tạo, lễ hội được phục dựng... Làng Đông Cao có ngôi đình cổ thờ họ Đinh, trong đó, Đinh Liệt được tôn xưng là thành hoàng làng. Đình được xây dựng vào thế kỷ XV, khi Đinh Công Đột về đây cắm lộc điền. Đình ngoảnh mặt về núi Nưa, theo hướng Tây Nam và nhìn ra cánh đồng chạy sát chân núi. Đình được dựng bằng gỗ lim liệt bản, cột to bảy tám tấc, mái lợp ngói mũi rộng bản. Trải qua thời gian và chiến tranh, đình chỉ còn lại nền đất. Vài năm trở lại đây, đình được đầu tư tôn tạo lại, và hàng năm để tưởng nhớ vị thành hoàng làng, dân làng Đông Cao đã lấy ngày 13 tháng Giêng âm lịch (ngày giỗ của Thái sư Đinh Liệt) là ngày hội truyền thống. Tại lễ hội, bên cạnh các hoạt động tế lễ và ôn lại truyền thống của quê hương qua các thời kỳ cách mạng, người dân làng Đông Cao trên khắp mọi miền đất nước còn tụ họp tại làng để tham gia các hoạt động văn hóa đặc sắc như bơi thuyền truyền thống, bóng đá, kéo co, cờ tướng và giao lưu văn nghệ... Những năm qua, hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” người dân làng Đông Cao luôn phấn đấu xây dựng đời sống văn hóa ngày càng phát triển phong phú, lành mạnh. Làng có đội văn nghệ thường xuyên duy trì số lượng từ 15 - 20 người; người dân cũng thực hiện tốt nếp sống văn hóa mới trong việc cưới, việc tang... Đó cũng chính là cơ sở để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, là “chìa khóa” để giải quyết nhiều vấn đề kinh tế - xã hội.

Từ làng văn hóa Đông Cao, nhiều phong trào, hoạt động văn hóa có ý nghĩa thiết thực đã lan tỏa ở khắp các địa phương trong huyện. Ông Đặng Minh Thư, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nông Cống, cho biết: Cùng với quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục coi trọng việc phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, nhất là hệ thống di tích lịch sử văn hóa. Hiện, trên địa bàn huyện có 78 di tích, trong đó có 24 di tích đã được xếp hạng. Có 8 di tích được quy hoạch, trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp gồm đền Bà Triệu làng Đông Yên (xã Trung Thành); đình và bia ký làng Bi Kiều (xã Trung Chính); di tích lịch sử văn hóa đền Tam Giang (xã Tế Tân); chùa Khánh Hưng (xã Tân Thọ)... Trong những năm qua, huyện luôn quan tâm đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích. Việc phân cấp quản lý di tích cho địa phương đã từng bước nâng cao trách nhiệm của chính quyền trong việc đầu tư, tích cực huy động nguồn lực xã hội hóa để tôn tạo, trùng tu di tích...

Cùng với đó, huyện quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao. Để nâng cao hơn hiệu quả công tác bình xét các danh hiệu văn hóa, từ đầu năm, ban chỉ đạo phong trào của huyện đã có hướng dẫn cụ thể để các địa phương chủ động triển khai thực hiện. Kiểm tra các xã, thị trấn công khai các bản hương ước, quy ước tại nhà văn hóa làng, thôn, tiểu khu để Nhân dân được biết và thực hiện. Đồng thời, huyện chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, tính tự nguyện của người dân để phong trào ngày càng đi vào thực chất. Trong năm 2021, toàn huyện công nhận được 175/201 làng, thôn, tiểu khu đạt danh hiệu văn hóa (chiếm tỷ lệ 87%); có 43.002/48.373 hộ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa (đạt tỷ lệ 88%); 38.774/48.373 hộ gia đình văn hóa 3 năm liên tục (đạt tỷ lệ 80%). Cùng với sự phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ ở các khu dân cư, trên địa bàn huyện đã hình thành các tổ, đội văn nghệ trong các ngành như giáo dục, ngân hàng, y tế, công an, quân đội... Ngoài thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, để thúc đẩy phong trào văn nghệ phát triển, hằng năm, các cơ quan, đơn vị thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ sôi nổi vào dịp kỷ niệm ngày thành lập các ngành và các ngày lễ lớn của đất nước...

Có thể khẳng định rằng, thông qua việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn huyện. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần, tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt


Bài và ảnh: Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]