(Baothanhhoa.vn) - Sông Mã không chỉ được xem là một minh chứng sinh động cho lịch sử địa chất Việt Nam nói chung, mà nó còn giữ vai trò vô cùng quan trọng tạo dựng nên diện mạo xứ Thanh từ miền núi đến đồng bằng. Đồng thời, dòng sông này còn giữ một vị thế hết sức đặc biệt trong quá trình hình thành nền văn hóa xứ Thanh từ cổ chí kim...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những nền văn hóa cổ dọc bờ sông Mã

Những nền văn hóa cổ dọc bờ sông Mã

Làng cổ Đông Sơn.

Sông Mã không chỉ được xem là một minh chứng sinh động cho lịch sử địa chất Việt Nam nói chung, mà nó còn giữ vai trò vô cùng quan trọng tạo dựng nên diện mạo xứ Thanh từ miền núi đến đồng bằng. Đồng thời, dòng sông này còn giữ một vị thế hết sức đặc biệt trong quá trình hình thành nền văn hóa xứ Thanh từ cổ chí kim...

Thanh Hóa là vùng đất rất cổ và theo đó, sông Mã cũng có thể xem là con sông cổ gắn liền với quá trình hình thành và hoàn thiện lâu dài của miền đất này. Các nghiên cứu địa chất đã chỉ ra các giai đoạn hình thành và phát triển của dòng sông, theo đó, ở giai đoạn Cánh tân sớm (cách ngày nay khoảng 2 triệu năm) sông Mã mới chỉ là một lưu vực sông phần miền núi. Trong suốt giai đoạn Cánh tân - từ giữa đến muộn - sông Mã ở dạng chuyển tiếp từ vùng núi xuống đồng bằng. Bước vào giai đoạn Toàn tân sớm (cách ngày nay khoảng 12 nghìn năm), sông Mã đã thực sự là sông miền đồng bằng thuộc pha cân bằng tích tụ. Nếu nói các đồng bằng là “con đẻ” của những dòng sông, thì đồng bằng sông Mã được hình thành từ “cái nôi” sông Mã, gắn với đoạn cuối của quá trình hoàn thiện “diện mạo” dòng sông như ngày nay.

Những nền văn hóa cổ dọc bờ sông Mã

Hàm Rồng - Sông Mã.

Được ví như món quà mà tự nhiên đã ưu ái dành tặng cho xứ Thanh, sông Mã chảy qua địa phận tỉnh ta có chiều dài 242 km, tạo nên một lưu vực rộng lớn gần 9.000 km2 và nhiều phụ lưu chính như sông Luồng (102km), sông Lò (74,5km), sông Bưởi (130km), sông Chu (325km)... Sông Mã gắn liền với lịch sử khai phá vùng đất của những cư dân đầu tiên thời Tiền, Sơ sử. Nằm cạnh dòng nước, từ nghìn đời nay là các nền văn hóa với nếp sống, nếp sinh hoạt, phong tục tập quán, tín ngưỡng, câu hò, điệu hát, diễn xướng dân gian; với hàng trăm di tích, danh thắng từ dòng sông bồi thành và cả sức lao động con người đổ xuống mà gây dựng nên. Bởi vậy mới nói, sông Mã không chỉ nhờ vẻ đẹp tự nhiên hùng vĩ dọc đôi bờ nó chảy qua, mà còn bởi một mạch nguồn văn hoá đã lắng đọng từ chiều sâu quá khứ.

Những nền văn hóa cổ dọc bờ sông Mã

Núi Đọ.

Nói đến những nền văn hóa cổ dọc bờ sông Mã, không thể không nhắc đến di chỉ núi Đọ (nằm ở nơi hợp lưu giữa sông Mã và sông Chu, thuộc địa phận xã Thiệu Tân, huyện Thiệu Hóa và Thiệu Khánh, TP Thanh Hóa). Nhìn từ xa, núi Đọ giống như một con rùa lớn màu đen sẫm, có độ cao khoảng 160m. Cuối năm 1960, các nhà khảo cổ Việt Nam và nước ngoài đã phát hiện, nghiên cứu và chứng minh rằng, ở núi Đọ đã tồn tại một nền văn hóa sơ kỳ thời đại đá cũ và người nguyên thủy đã từng sinh sống ở núi Đọ cách ngày nay khoảng 30-40 vạn năm. Một trong những minh chứng sinh động cho sự tồn tại của nền văn hóa xa xưa này là các công cụ bằng đá như mảnh tước, hạch đá và những công cụ chặt thô mang dấu vết ghè đẽo, chế tác công cụ của con người, còn nằm ngổn ngang khắp các sườn núi. Các nhà nghiên cứu cho rằng, việc tạo ra được những công cụ tuy còn thô sơ nhưng phần lớn đã đạt được một kích thước tiêu chuẩn – dù chưa được chặt chẽ - là một bước tiến lớn trong kỹ thuật chế tác công cụ của người nguyên thủy núi Đọ. Trong đó, rìu tay – một công cụ khá hiếm - được xem là công cụ đẹp nhất. Hình dáng và kỹ thuật chế tác rìu tay thể hiện sự phát triển về mặt kỹ thuật và tư duy của người nguyên thủy nơi đây. Nghiên cứu bộ di vật sưu tập được và hiện trạng di tích, các nhà khảo cổ học đã gọi núi Đọ là một di chỉ - xưởng, tức vừa là nơi cư trú vừa là nơi chế tác công cụ.

Những nền văn hóa cổ dọc bờ sông Mã

Cũng ở sơ kỳ thời đại đá cũ, ngoài núi Đọ, dọc sông Mã người ta còn tìm thấy dấu vết tồn tại người nguyên thủy ở núi Nuông (thuộc địa phận xã Định Thành, Định Công, huyện Yên Định), núi Quan Yên (xã Định Công), núi Nổ (xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc). Văn hóa núi Đọ - như các nghiên cứu đã chỉ ra – bao gồm một hệ thống di tích gồm núi Đọ, núi Quan Yên, núi Nuông, núi Nổ là một minh chứng hùng hồn về sự tồn tại của con người trên đất Thanh Hóa từ buổi bình minh của lịch sử. Trên những núi đá bazan này còn bảo tồn được những chứng cứ hiển nhiên về quá trình lao động và cư trú của người nguyên thủy. Nhưng thời gian đã làm mất đi hầu hết chứng tích về những hoạt động sống – săn bắt và hái lượm - của con người, chỉ còn lại những hiện vật câm lặng. Những công cụ đá được sử dụng hay những mảnh đá bị vứt bỏ trên sườn núi được xem là dấu vết cuối cùng của người nguyên thủy, cũng là dấu vết cuối cùng cho thấy đã từng tồn tại một nền văn hóa rất cổ của loài người trên đất Thanh Hóa.

Những nền văn hóa cổ dọc bờ sông Mã

Tượng đá Đa Bút.

Cách đây khoảng 7.000 năm, đồng bằng sông Mã với những tài nguyên phong phú đã hấp dẫn chủ nhân văn hóa Hòa Bình – Bắc Sơn từ vùng núi phía Tây rời khỏi hang động, núi đá xuống miền đồng bằng. Nền văn hóa Đa Bút dọc triền sông Mã cũng từ đó mà hình thành. Các dấu tích của nền văn hóa được đánh giá là “độc đáo và phong phú” này còn lại đến ngày nay là 4 di chỉ được phân bố từ trung du đến miền biển, gồm Đa Bút (xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Lộc), Bản Thủy (xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc), Cồn Cổ Ngựa (xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung) và Gõ Trũng (xã Phú Lộc, huyện Hậu Lộc). Di chỉ Đa Bút là loại hình di tích ngoài trời, tồn tại dưới dạng một cồn hến ven sông. Vị trí của di chỉ đã cho thấy cư dân văn hóa Đa Bút đã lựa chọn một nơi cư trú lý tưởng, khi có núi sông bốn bên bao bọc: Chếch về phía Tây Nam khoảng 1,5km theo đường chim bay là sông Mã; cách khoảng 2km về phía Tây là sông Bưởi – một phụ lưu của sông Mã; sau lưng là núi Mông Cù án ngữ ở phía Bắc. Di chỉ Đa Bút được phát hiện lần đầu năm 1926, đến năm 1971-1972 Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam đã tiến hành khai quật lại di chỉ này. Kết quả khai quật đã cho thấy sự phát triển đáng kinh ngạc của văn hóa Đa Bút, mà một trong số đó là kỹ thuật sản xuất đồ gốm. Sự có mặt của đồ gốm Đa Bút là minh chứng cho đời sống của cư dân nền văn hóa này đã có sự phát triển khá mạnh. Đặc biệt, họ cũng là cư dân đầu tiên khai phá đồng bằng và xây dựng nên những căn nhà kiên cố để tránh trú thiên tai và thú dữ.

Những nền văn hóa cổ dọc bờ sông Mã

Lễ hội truyền thống ở làng cổ Đông Sơn.

Cư dân thời đại kim khí ngay từ giai đoạn sớm, đã là những người trồng lúa trong châu thổ. Đây cũng chính là cơ sở quan trọng nhất cho sự ra đời và phát triển của một trong những đỉnh cao rực rỡ của văn minh dân tộc: Văn hóa Đông Sơn. Lưu vực sông Mã thuộc địa phận tỉnh Thanh Hoá ngày nay được xem là địa bàn gốc của văn hoá Đông Sơn. Đó là một không gian văn hoá được phân bố trên một diện tích rộng, từ miền núi ra ven biển, nhưng tập trung nhất vẫn là từ Ngã Ba Đầu đến Ngã Ba Bông, nơi sông Mã tiếp nhận thêm dòng chảy của sông Chu và phân nhánh trước khi đổ ra biển. Cho đến nay, người ta đã phát hiện gần 100 di tích thuộc văn hoá Đông Sơn ở lưu vực sông Mã với niên đại sớm, muộn và tính chất khác nhau. Đặc biệt, sự tập trung các “làng cổ Đông Sơn” quanh vùng đất Ngã Ba Đầu, với các làng nghề nổi tiếng, từ làng gốm, làng chế tác đồ trang sức bằng đá quý, đến làng dệt, lò luyện kim, đúc trống đồng, binh khí, công cụ sản xuất... là một minh chứng về cuộc sống phong phú cả về vật chất và tinh thần của cư dân Thanh Hóa thời kỳ Đông Sơn. Các nghiên cứu trong suốt gần 1 thế kỷ qua đã khẳng định tầm vóc và vị thế của văn hóa Đông Sơn đối với diễn trình văn hóa nói riêng và sự phát triển của dân tộc ta trong trường kỳ lịch sử nói chung.

Những nền văn hóa cổ dọc bờ sông Mã

Có nhận định cho rằng, thiên nhiên có biện chứng của nó và mối quan hệ giữa con người và tự nhiên cũng có biện chứng của nó. Thiên nhiên quá ưu đãi thì sự phát triển văn hóa sẽ chậm lại. Thiên nhiên không chỉ tôi luyện con người, thiên nhiên còn in dấu lên toàn bộ đời sống văn hóa con người – nhất là giai đoạn Tiền sử và Sơ sử - cả văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Đó là cơ sở, cũng đồng thời là nguồn cảm hứng sáng tạo văn hóa của con người. Nói dễ hiểu hơn, vì đời sống con người không thể tách khỏi môi trường tự nhiên, cho nên đặc trưng của một nền văn hóa cũng có nguồn gốc từ điều kiện tự nhiên của miền đất ấy. Để rồi, không thể phủ nhận, quá trình hình thành nền văn hóa xứ Thanh, đã và luôn có sự góp mặt của dòng sông Mã. Nói cách khác, những nền văn hóa cổ hình thành, tồn tại dọc bờ sông Mã là một phần đặc biệt quan trọng, tạo dựng nên lịch sử và diện mạo văn hóa xứ Thanh.

Khôi Nguyên

(Bài viết có sử dụng một số thông tin trong cuốn “Lịch sử Thanh Hóa tập I, thời Tiền sử và Sơ sử”).


Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]